Trang

Thứ Hai, 2 tháng 8, 2021




Phỏng Vấn Nhà Văn Nguyễn Ngọc Ngạn.

Hương Kiều Loan thực hiện 6 / 2001 


( lược trích )







Hương Kiều Loan ( HKL ) : Anh Ngạn cho bà con bạn bè biết sơ qua về tiểu sử anh đi nhé.

Nguyễn Ngọc Ngạn ( NNN ) : Tôi sinh ra tại một làng nhỏ ở ngoại thành Sơn Tây trong 1 gia đình gồm 7 anh chị em. Năm 54 di cư vào sàigòn, chỉ có người chị cả ở lại ngoài bắc với gia đình chồng. Tính đến năm 75, anh em tôi tất cả đều ở trong quân đội trừ cậu em út là Ngọc Trọng thì vừa học xong Chính Trị Kinh Doanh Đà lạt. Hiện nay anh em tôi ra hải ngoại gần đủ. Chỉ có bà chị cả ở Sơn Tây và người em kế tôi ở Sài gòn. Đó là người con trai duy nhất có mặt khi cha mẹ tôi qua đời. Mẹ tôi năm mất năm 91. Cha tôi mất năm 97.

HKL : Gia đình tôi cũng có 7 anh chị em giống anh. Tôi cũng có một bà chị lớn nhất ở lại Hà Nội theo chồng khi nhà di cư vào Nam anh ạ. Trong gia đình, bà chị lớn là người duy nhất giống tôi, thích văn chương và nghệ thuật. Chị vẽ đẹp nữa. Thế bên gia đình anh, ngoài anh ra, trong nhà có ai thiên về nghệ thuật không ?

NNN : Nói cho đúng thì chỉ có cậu út tôi là Ngọc Trọng mê nhạc từ bé. Từ Trung học đã học piano, guitar, nhạc lý, rồi đi hát và sáng tác. Còn tôi, viết văn cũng như lên sân khấu hoàn toàn là do sự đưa đẩy của hoàn cảnh, không hề định hướng từ nhỏ.

HKL : Từ trước có bao giờ anh nghĩ sẽ có ngày anh sinh sống bằng bộ môn này không ?

NNN : Như vừa thưa với chị , tôi chẳng bao giờ hình dung có ngày mình sẽ đứng trước sân khấu cũng như có thể sống bằng " nghề " điều khiển chương trình mà người ta gọi là M.C. Lý do giản dị là từ trước tới nay trong sinh hoạt văn nghệ Việt Nam không có nghề này ! Hoặc có, nhưng ít được chú ý. Việc giới thiệu chương trình, tức M.C.,- hay đúng hơn là làm " host " một show ca nhạc - mặc dù đã thịnh hành từ lâu ở các nước Tây Phương vẫn quá mới mẻ đối với VN. Có lẽ chỉ gần đây vai trò điều khiển chương trình mới dành được chỗ đứng tương đối quan trọng trong các chương trình ca nhạc tổng hợp. Làm văn nghệ cũng như viết văn, bước đầu không ai nghĩ đến tiền vì chẳng biết nó có tiền hay không ! Nhưng lâu dần trở thành một cái nghề tay trái rồi dần dà biến thành nghề tay phải. Tất cả đều là tình cờ hết.

HKL : Đang từ nhà văn, qua điều khiển chương trình văn nghệ, anh có bị gia đình hay độc giả phản đối không ?

NNN : Khi trung tâm Thúy Nga lần đầu mời tôi vào tháng 5 năm 92, tôi không dám nhận lời ngay vì cần hỏi ý kiến người thân. Hỏi ý kiến là vì tôi không tự tin. Lúc ấy bên văn chương, tôi đã có nhiều tác phẩm, và xét ở một chừng mực nào đó thì tôi đã được coi là thành công. Bên sân khấu, tôi hoàn toàn không có kinh nghiệm nên không khỏi đắn đo. Tất nhiên người đầu tiên tôi tham khảo là nhà tôi. Nói chung thì nhà tôi và đa số người thân trong gia đình đều ngăn cản, không muốn tôi lao vào lãnh vực này. Lý do duy nhất là mọi người sợ tôi thất bại. Độc giả thì sợ tôi cầm micro sẽ bỏ cầm bút. Trước sự dè dặt của mọi người trong gia đình, tôi phân vân suy nghĩ khá lâu. 

Hơn ba tháng sau, tôi mới lên đường làm thử cuốn Paris By Night 17. Động cơ duy nhất lúc bấy giờ thúc đẩy tôi là tôi nghĩ đến cha tôi ở Sàigòn. Tôi không về VN được, mà tôi muốn cha tôi nhìn lại tôi sau hơn 10 năm xa nhà. Băng Thúy Nga thì người ta sang đi sang lại, sang lậu trong nước rất nhiều, thể nào cha tôi cũng trông thấy tôi và nghe tiếng tôi nói. Đó là lý do khiến tôi lên Paris By Night lần đầu. Nhưng thật tình mà nói, thưa với chị, lúc đó tôi chưa biết sức phổ biến rộng lớn của Paris By Night. Nếu biết, tôi đã nhận lời ngay không đắn đo bởi càng về sau tôi càng nhận ra Paris By Night là diễn đàn có tầm quảng bá gần như trong mọi gia đình VN ở hải ngoại cũng như quốc nội. Tôi có thể sử dụng diễn dàn ấy để nói chuyện văn học và lịch sử với các bạn trẻ lớn lên ở nước ngoài.

HKL : Tôi vẫn nhớ Paris By Night số 17 là cuốn anh có mặt. Anh đã thổi một luồng gió mới vào ngành MC của người Việt. Tôi đã nghe bao người khen anh vì họ thấy khác hẳn lối làm M.C từ trước tới giờ của người Việt. Ờ mà hồi đó coi anh khác hẳn bây giờ. Do đâu anh bắt liên lạc được trung tâm Thúy Nga để họ mời anh ?

NNN : Đi ngược dòng thời gian, trung tâm Thúy Nga thực hiện cuốn Paris By Night số 1 năm 1983. Khoảng thời gian đó văn nghệ trong cộng đồng chưa phát triển vì 3 lý do : Thứ nhất, kinh tế cộng đồng chưa phồn thịnh. Thứ hai, phim bộ Trung Hoa chiếm lĩnh thị trường. Thứ ba, cộng đồng còn quá nặng về nhạc đấu tranh, chưa chú ý đến tình ca. Những cuốn băng chủ đề của Thúy Nga chẳng hạn như : " Giã Biệt sàigòn, Giọt Nước Mắt Cho Việt Nam, Nước Non Nghìn Dặm ra đi ", hoặc băng cải lương cũ trước 75 được đón nhận mạnh mẽ hơn hẳn những chương trình ca nhạc tạp kỹ Paris By Night. Chính vì vậy nhịp độ thực hiện Paris By Night rất chậm. Từ 83 đến 89, Thúy Nga chỉ cho ra đời được 6 cuốn Paris By Night và đều thực hiện theo lối MTV - cũng gọi là music video - nghĩa là chạy tên ca sĩ, tên bản nhạc trên màn ảnh chứ không có người điều khiển chương trình. 

Năm 89, ông Jean Pierre Barrie, tổng giám đốc đài truyền hình Pháp Euromedia mới đề nghị với trung tâm Thúy Nga nên thay đổi hình thức Paris By Night. Thay vì thu MTV thì nên chuyển sang Talk Show là phương thức ăn khách từ lâu tại các nước Tây phương, đặc biệt là Hoa Kỳ. Chẳng hạn Jonhny Carson làm host Tonight Show suốt 30 năm với trên 4000 show từng đêm mà vẫn thu hút hàng chục triệu khán giả. Hình thức này có cái mới lạ là không chỉ thuần túy trình diễn ca vũ nhạc mà còn phỏng vấn, kể chuyện, mạn đàm, tạo không khí gần gũi với khán giả hơn. Thúy Nga làm theo đề nghị của ông Jean Pierrè và bắt đầu chuyển hướng. Muốn làm Talk show thì quan trọng nhất là phải kiếm được người làm HOST, người biết nói chuyện, tức là người điều khiển chương trình. Trung tâm Thúy Nga đi tìm ..... và anh Jo Marcel là người đầu tiên được mời trên Paris By Night số 7. Rồi liên tiếp có nghệ sĩ Trần văn Trạch, Việt Thảo, La Thoại Tân, Ngọc Phu, Kim Anh, Trần Quốc Bảo, Hương Lan, Khánh Ly, Đỗ Văn, Lê Văn và rồi tới tôi ! Cho đến giờ tôi vẫn chưa biết ai đã giới thiệu tôi cho Thúy Nga vì tôi ở quá xa, lại không hề quen biết ai trong trung tâm này cả.