Trang

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2018



Ẩm thực Nhật : đến người ăn tạp cũng phải thèm shoujin ryouri .


( soi.today )


Nhắc đến ẩm thực Nhật, một số người bảo đến Nhật ăn chay hơi bị khó.

Nhật ăn theo mùa, nhiều rau, ít thịt, ăn cá. Tuy chú trọng rau và mới nhìn thì ai cũng có thể “ tưởng là ” Nhật có lắm món rau, nhưng thật ra đạm động vật len lỏi khắp nơi trong ẩm thực xứ anh đào. “ Thủ phạm ” thường thấy nhất chính là cá bào katsuobushi cũng như nước dùng dashi. Cá bào hiện diện ở khắp nơi, và dân Nhật còn rải nó lên các món “ có thể thành chay ” như đậu phụ chiên, rau cải luộc.

Thôi thì cá bào còn đỡ, khi ăn kêu đầu bếp không rắc là xong. Nhưng chán một nỗi : nước dùng dashi – nấu từ kombu và cá bào – có ở khắp nơi. Ngay cả món đậu phụ chiên dù không rắc cá bào cũng sẽ nằm trong hỗn hợp nước tương pha dashi. Súp miso rong biển tưởng là chay nhưng nước dùng để nấu súp miso cũng là nước dashi. Nước tương dùng chấm mì soba hay udon lạnh cũng là nước pha với dashi nốt.

Thời xưa, đến cả sư ở Nhật cũng không phải sư thuần chay hoàn toàn. Các dòng Phật giáo như dòng Nhật Liên ( Nichiren ) hay dòng Tịnh Độ Tông ( Pure Land ) không quá chú trọng vào chuyện ăn cái gì, mà quan tâm hơn đến việc “ ăn như thế nào ”. Sư của những dòng này cho rằng tốt nhất vẫn là ăn theo mùa, không ăn tham ( tức ăn ít thôi, không cần ngày ba bữa và không cần no ứ hự ), khi nấu không bỏ phí nguyên liệu, khi ăn không bỏ mứa, tôn trọng tự nhiên. Còn lại là chay mặn gì cũng được, đã tu thì không nên kén cá chọn canh rằng mình ăn cái này không ăn cái kia.








Á hậu Dương Tú Anh :












































Suối nguồn : chủ nghĩa tập thể đang nhấn chìm đất nước chúng ta xuống vực thẳm.


( Vi Yên )


Trong đống đổ nát vỡ vụn, vị kiến trúc sư đáng gờm Howard Roark đứng xỏ tay vào túi áo, bên cạnh cái pít-tông mà anh ta mới dùng để đánh sập cả tòa nhà Cortlandt. Đó là tòa nhà mà Roark đã dày công thiết kế, song Roark quá đỗi ngỡ ngàng khi quay về New York mà trông thấy nó được dựng lên “ như một con quái vật ” thay vì một ngôi sao điêu khắc ngập tràn ánh sáng như trong tâm tưởng của mình. Người ta đã thêm thắt vào bản vẽ của anh những chi tiết thô thiển với sắc màu sặc sỡ và lác đác mấy khung cửa sổ vô tích sự, biến thiết kế của Roark thành những khối lập phương kệch cỡm. Chẳng nói chẳng rằng, vào nửa đêm thứ Hai nọ, Roark một mình tới công trường Cortlandt châm ngòi khối thuốc nổ. Vụ nổ ấy sẽ chẳng có gì đáng nói nếu Cortlandt không phải là một dự án nhà ở được xây vì mục đích từ thiện, để làm nơi cư ngụ dành cho người nghèo.

Rốt cuộc lương tâm của Roark nằm ở đâu khi anh ta đánh sập cái tòa nhà vốn được xây bởi niềm thương và lòng trắc ẩn ? Anh ta có khác gì một đứa trẻ hờn dỗi đang cuồng nộ đập vỡ món đồ chơi của mình ? Hay một kẻ khủng bố nhân danh những thứ đầy vẻ mỹ miều như là sự sáng tạo, chân lý, và cái tôi ? Đứng trước tòa, và trước cả công luận, Roark bị coi như một con người nhẫn tâm và cao ngạo, kẻ muốn được theo ý mình bằng mọi giá. Công tố viên buộc tội anh đã “ phá hủy ngôi nhà tương lai của những người nghèo, đẩy hàng ngàn người về với sự kinh hoàng của những khu nhà ổ chuột, của sự hôi thối, bệnh tật và chết chóc ”. Người ta nhìn thấy ở Roark một kẻ vị kỷ đã mất hết tính người trong tâm hồn.

Nhưng Ayn Rand, tác giả của cuốn Suối nguồn – nơi mà nhân vật Howard Roark được vẽ lên như hiện thân của một con người lý tính độc lập đến mức hoàn hảo – lại không nghĩ thế. Không chỉ trong tác phẩm này mà trong hầu hết sự nghiệp văn chương của mình, Rand đã dành cả đời để cổ xúy cho tinh thần của những người như Roark : con người sống không phải để phụng sự xã hội mà là để đấu tranh cho lợi ích tự thân, và ấy mới là ngọn nguồn của sáng tạo.


Thứ Ba, 3 tháng 4, 2018


1 bài viết rất sâu, rất rộng về Lý Thường Kiệt và các cuộc chiến thời đó cùng với trình thuật rất trung thực , tỉ mỉ và chi tiết đã nói lên khả năng nghiên cứu vô cùng xuất sắc của học giả Hoàng Xuân Hãn, bấy lâu nay chỉ nghe đến danh của ông mà không biết công trình của ông tường tận ra làm sao. Bài viết đã lược bỏ nhiều đoạn dễ gây nhàm chán cùng những chú thích từ các sách sử rất nhiều của tác giả để dễ đọc và dễ theo dõi .



Lý Thường Kiệt, lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý .

( Hoàng Xuân Hãn )


Phần I – Bại Chiêm Phá Tống

CHƯƠNG NHẤT – GỐC TÍCH


1. Gốc tích

Lý Thường-Kiệt quê phường Thái-hòa, ở trong thành Thăng-long, Thái-hòa cũng là tên một núi nhỏ ở phía tây trong thành Thăng-long, bây giờ, ở phía nam đê Bách-thảo, gần chỗ rẽ xuống trường đua ngựa. Lý Thường-Kiệt có nhà ở gần núi ấy. Tuy là họ Lý, nhưng ông không phải là người hoàng tộc. Có chỗ chép tên húy ông là Tuấn, và nói Thường-Kiệt chỉ là tự mà thôi. Nhữ Bá-Sĩ bàn rằng có lẽ ngày xuất thân mới dùng tự làm tên.

Cha, tên An-Ngữ, sung chức Sùng-ban-lang-tướng ở triều Lý. Mẹ, họ Hàn. Năm 20 tuổi sinh Thường-Kiệt. Ấy là vào năm Thuận-thiên thứ 10 ( 1019 ) đời Lý Thái-Tổ. Sau lại sinh Lý Thường-Hiến, mà có chỗ cũng gọi là Thường-Hiển.

Khoảng niên hiệu Thiên-thành, đời Lý Thái-Tông, cha đi tuần biên địa ở Tượng-châu, thuộc Thanh-hoá, bị bệnh rồi mất vào năm Tân-mùi ( 1031 ). Thường-Kiệt bấy giờ mười ba tuổi, đêm ngày thương khóc không dứt. Chồng cô là Tạ Đức thấy thế đem lòng thương và dỗ dành. Nhân đó hỏi ông về chí hướng. Ông trả lời : “ Về văn học, biết chữ để ký tên là đủ. Về vũ học, muốn theo Vệ Thanh, Hoắc Khứ, lo đi xa vạn dặm để lập công, lấy được ấn phong hầu để làm vẻ vang cho cha mẹ. Đó là sở nguyện ” . Tạ Đức khen là có chí khí bèn gả cháu gái tên là Thuần Khanh cho ông, dạy học các sách binh thư của Tôn, Ngô.

Thường-Kiệt đêm ngày học tập. Đêm đọc sách, ngày tập bắn cung, cưỡi ngựa, lập doanh, bày trận. Các phép binh thư đều thông hiểu cả. Tạ Đức lại khuyên đọc sách nho. Thường-Kiệt rất chịu gắng công học tập nên chóng thành tài.

Từ lúc nhà Đinh mở nước, các vua đều lấy vũ công mà gây dựng cơ đồ. Đến Lý Công-Uẩn xuất thân cũng là tay vũ tướng cho nên triều đình và xã hội bấy giờ chuộng vũ. Thanh niên thì lấy nghề làm tướng là vinh. Hễ mỗi khi có giặc dã nổi lên, tuy tại nơi rất xa lánh, vua cũng thân chinh hoặc sai hoàng tử đi cầm quân. Lý Thường-Kiệt là con một vũ tướng, được dạy nghề vũ, thích nghề vũ, sự ấy là lẽ dĩ nhiên.

Năm ông 18 tuổi ( 1036 ), mẹ mất. Hai anh em lo đủ mọi lễ tống táng. Trong khi cúng tế, hễ có việc gì, cũng tự tay mình làm. Lúc hết tang, nhờ phụ ấm, Thường-Kiệt được bổ chức Kỵ mã hiệu-úy , là một chức quan nhỏ về đội quân cưỡi ngựa.