Trang

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2018



Suối nguồn : chủ nghĩa tập thể đang nhấn chìm đất nước chúng ta xuống vực thẳm.


( Vi Yên )


Trong đống đổ nát vỡ vụn, vị kiến trúc sư đáng gờm Howard Roark đứng xỏ tay vào túi áo, bên cạnh cái pít-tông mà anh ta mới dùng để đánh sập cả tòa nhà Cortlandt. Đó là tòa nhà mà Roark đã dày công thiết kế, song Roark quá đỗi ngỡ ngàng khi quay về New York mà trông thấy nó được dựng lên “ như một con quái vật ” thay vì một ngôi sao điêu khắc ngập tràn ánh sáng như trong tâm tưởng của mình. Người ta đã thêm thắt vào bản vẽ của anh những chi tiết thô thiển với sắc màu sặc sỡ và lác đác mấy khung cửa sổ vô tích sự, biến thiết kế của Roark thành những khối lập phương kệch cỡm. Chẳng nói chẳng rằng, vào nửa đêm thứ Hai nọ, Roark một mình tới công trường Cortlandt châm ngòi khối thuốc nổ. Vụ nổ ấy sẽ chẳng có gì đáng nói nếu Cortlandt không phải là một dự án nhà ở được xây vì mục đích từ thiện, để làm nơi cư ngụ dành cho người nghèo.

Rốt cuộc lương tâm của Roark nằm ở đâu khi anh ta đánh sập cái tòa nhà vốn được xây bởi niềm thương và lòng trắc ẩn ? Anh ta có khác gì một đứa trẻ hờn dỗi đang cuồng nộ đập vỡ món đồ chơi của mình ? Hay một kẻ khủng bố nhân danh những thứ đầy vẻ mỹ miều như là sự sáng tạo, chân lý, và cái tôi ? Đứng trước tòa, và trước cả công luận, Roark bị coi như một con người nhẫn tâm và cao ngạo, kẻ muốn được theo ý mình bằng mọi giá. Công tố viên buộc tội anh đã “ phá hủy ngôi nhà tương lai của những người nghèo, đẩy hàng ngàn người về với sự kinh hoàng của những khu nhà ổ chuột, của sự hôi thối, bệnh tật và chết chóc ”. Người ta nhìn thấy ở Roark một kẻ vị kỷ đã mất hết tính người trong tâm hồn.

Nhưng Ayn Rand, tác giả của cuốn Suối nguồn – nơi mà nhân vật Howard Roark được vẽ lên như hiện thân của một con người lý tính độc lập đến mức hoàn hảo – lại không nghĩ thế. Không chỉ trong tác phẩm này mà trong hầu hết sự nghiệp văn chương của mình, Rand đã dành cả đời để cổ xúy cho tinh thần của những người như Roark : con người sống không phải để phụng sự xã hội mà là để đấu tranh cho lợi ích tự thân, và ấy mới là ngọn nguồn của sáng tạo.


Thông điệp ấy được Rand truyền đạt trong lời tự bào chữa hùng hồn của Roark : “ Người ta nói tôi đã phá hủy chỗ ở cho những người nghèo. Người ta quên rằng nếu không có tôi thì không thể có khu nhà này cho người nghèo ở ..... Người ta tin rằng sự nghèo khổ của những cư dân tương lai trong tòa nhà này cho họ quyền làm bất cứ điều gì đối với công trình của tôi, rằng nhu cầu của họ cho phép họ có quyền quyết định cuộc đời của tôi, rằng bổn phận của tôi là phải đóng góp bất cứ những gì người ta cần ở tôi. Đây chính là tín điều của kẻ thứ sinh ..... Tôi tới đây để nói rằng tôi không công nhận quyền của bất cứ ai với bất cứ giây phút nào trong cuộc sống của tôi. Tôi muốn tới đây để nói rằng tôi không tồn tại vì người khác ”.

Theo Rand, khi tư duy bằng quan điểm của kẻ khác, đặt kẻ khác lên trên chính mình và coi việc sống vì kẻ khác là một lý tưởng tối cao thì con người đã giết chết cái tôi của chính họ và trở thành những kẻ thứ sinh. Kẻ thứ sinh, trong ngôn ngữ của Rand, chính là những người lệ thuộc vào mối quan hệ với người khác, chỉ suy nghĩ về những gì người khác nghĩ như một dạng nô lệ tinh thần. Kẻ thứ sinh không đặt câu hỏi rằng “ điều này có đúng không ” mà hỏi “ đây có phải là cái mà mọi người coi là đúng ”. Họ tìm kiếm bản thân họ trong những người khác song lại không chịu thừa nhận điều ấy. Tất cả những ước mơ, nỗ lực và tham vọng của họ đều là do kẻ khác tạo nên. Họ ràng buộc lẫn nhau bằng một mối quan hệ vô hình đã giết chết sự sáng tạo và bứt phá.

Kẻ thứ sinh ấy có thể là Peter Keating, một kiến trúc sư thành công nhờ theo đuổi những phong cách quần chúng bất chấp dối trá và vay mượn ý tưởng. Đối với Roark, Keating là người chỉ biết theo đuổi sự vĩ đại, lòng ngưỡng mộ và sự đố kỵ trong con mắt của người khác. “ Anh ta không muốn trở thành vĩ đại mà chỉ muốn được mọi người cho là vĩ đại ”. Kẻ thứ sinh ấy cũng có thể là Ellsworth Toohey, một nhà Mác-xít ưa dùng sức ảnh hưởng cá nhân để thao túng truyền thông và chính trị. Ông ta sử dụng chủ nghĩa tập thể như một công cụ để mị dân. Ông ta kiểm soát quan điểm của một người bằng cách đặt người đó vào trong tập thể quần chúng bởi ông ta hiểu rằng “ chạy theo người khác thì quá dễ, còn đứng độc lập một mình thì không dễ chút nào ”.

Chính những kẻ thứ sinh như vậy khi co cụm lại với nhau đã hình thành nên một xã hội đầy ảo ảnh đang dần đánh mất đi tính cá nhân của mỗi con người. Trong một xã hội mang tâm lý bầy đàn như vậy, luận đề của Suối nguồn là cá nhân cần hành động vị kỷ để được tự do. Biểu tượng của lối tư duy tôn sùng chủ nghĩa cá nhân ấy chính là Howard Roark, người luôn đấu tranh cho điều mình tin tưởng và sẵn sàng chống lại bất cứ kẻ nào áp bức anh phải phục tùng. Người đã kích nổ tòa nhà bất chấp sự nghiệp tương lai, phớt lờ nguy cơ ở tù, thách thức công luận bởi không gì cao quý và quan trọng hơn sự độc lập lý tính của cá nhân anh.

Cho đến tận cùng, thông điệp của Ayn Rand vẫn hướng về sự độc lập lý tính : vấn đề không nằm ở chỗ Roark có đánh bại kẻ thù của mình trong phiên tòa hay chăng – điều ấy không quan trọng – mà là anh luôn đấu tranh giành lấy quyền hành động theo nguyên tắc của riêng mình. Suối nguồn không chấp nhận cảm tính và lòng trắc ẩn của con người – tức kẻ thù của sáng tạo. Theo đó lý tính mới là thứ dẫn dắt và soi sáng cá nhân tới chỗ độc lập với xã hội, thoát khỏi những mối ràng buộc giữa người với người vốn nhân danh đạo đức và tình thương :

“ Lợi ích chung của tập thể đã được chọn làm quyền và lý do để bào chữa cho tất cả chế độ chuyên chế bạo ngược đã từng có trong lịch sử loài người ..... Giờ đây trong thời đại của chúng ta, chủ nghĩa tập thể, con quái vật thời cổ đại đã sổng chuồng và trở nên điên cuồng hơn bao giờ hết. Nó đã đẩy loài người đến một mức độ tăm tối về nhận thức chưa từng có trên trái đất. Nó đã đạt tới sức mạnh kinh khủng mà nó chưa bao giờ đạt được. Nó đã đầu độc bộ óc của tất cả mọi người. Nó đã nuốt chửng hầu hết châu Âu, và nó đang nhấn chìm đất nước của chúng ta xuống vực thẳm ”.

Vào thời điểm Rand viết cuốn sách này năm 1943 , chủ nghĩa tập thể đang bành trướng khắp các châu lục. Nước Nga thời bấy giờ đã trở thành cái nôi của chủ nghĩa xã hội, Đức và Ý là những mảnh đất màu mỡ của chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa dân tộc. Chính những giáo điều “ vì cộng đồng ” , “ vì quốc gia ” , “ vì nhân loại ” của những thứ chủ nghĩa tập thể ấy đã châm ngòi cho cuộc Thế chiến thứ Hai. Song Rand không chỉ đơn thuần bàn về chính trị. Chủ nghĩa tập thể còn len lỏi trong đời sống cá nhân khi con người để cho những niềm tin phi lý nhân danh “ xã hội ” thao túng tình cảm của mình. Cá nhân không tự dưng trở thành kẻ bị trị , rõ ràng là họ đã cho phép xã hội thống trị họ. Họ từ chối tự tư duy mà để mặc cho kẻ khác dẫn dắt tư tưởng của mình.

Khi phê phán tính lệ thuộc vào xã hội của con người, Rand đã bác bỏ cái ý tưởng cho rằng con người cần có trách nhiệm phục vụ xã hội và bà cũng phê phán cả quan điểm lấy xã hội làm trọng tâm vốn đang thịnh hành thời bấy giờ. Nhiều người cho rằng tư tưởng này quá cực đoan, chính vì vậy mà Suối nguồn đã phải hứng chịu sự công kích rộng khắp đến từ các trường phái triết học đối lập. Tuy nhiên cuốn sách lại có sức hút kỳ lạ đối với người trẻ ở Mỹ thời hậu chiến, đặc biệt là các chính khách. Nó khơi gợi một làn sóng tươi mới trong tâm tưởng con người về tính độc lập của cá nhân. Nó khuyến khích người ta chính trực với chính mình, tư duy bằng bộ óc của riêng mình và sống vì bản thân mình trên hết.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét