Trang

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2022

 

" đu dây " kiểu Nhật, không dành cho những người bị dị ứng với độ cao và nhào lộn.







Cáp treo FANSIPAN, chương mới của du lịch Sapa.


( vnexpress )





Trong lễ kỷ niệm 5 năm thành lập khu du lịch Sun World Fansipan Legend diễn ra hồi tháng 4, ông Hầu A Lềnh là một người con Sa Pa, nhắc nhớ lại thời khắc khi ông và các lãnh đạo tỉnh Lào Cai cắt băng khánh thành công trình cáp treo Fansipan.


“ 5 năm qua, công trình thế kỷ cáp treo Fansipan cùng các công trình du lịch hình thành sau đó của tập đoàn Sun Group tại mảnh đất Sa Pa đã góp phần hết sức to lớn vào việc phát triển du lịch của tỉnh Lào Cai, vùng Tây Bắc và du lịch cả nước. Các công trình còn giữ gìn, phát huy giá trị cốt lõi, vẻ đẹp của bản sắc văn hoá vùng cao ”, ông Hầu A Lềnh nhận định.


Công trình thế kỷ tới nóc nhà Đông Dương




Vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước, tức là sau hai chục năm nhà văn Nguyễn Thành Long sáng tác Lặng lẽ Sa Pa ( 1970 ), thị trấn trong sương vẫn chưa thôi lặng lẽ, đìu hiu. Sau 7-8 tiếng ngồi tàu từ Hà Nội tới Lào Cai, du khách lại theo những chiếc xe khách cà khổ, lầm lũi lên con đường dốc dựng đứng, mặt đường lỗ chỗ đá lẫn sỏi. Trung tâm thị trấn ngày ấy vắng tanh, lác đác những mái nhà sâu trong rừng mận, vườn thảo mộc .....


Ông Phạm Cao Vỹ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ( HHDL ) Sa Pa hồi tưởng, khách Tây ngày ấy tìm đến Sa Pa phần nhiều là vì dấu tích của những khu nghỉ dưỡng người Pháp từ trăm năm trước, cũng như thiên nhiên hoang sơ cùng nét đẹp văn hóa bản địa của vùng đất này. Người ta cũng mong muốn một lần được chinh phục ngọn núi cao nhất Việt Nam thông qua quãng đường đi bộ khoảng 40 km, xung quanh um tùm rừng rậm, mà người bản phải vừa đi vừa phát cây làm dấu.


Người dân Sa Pa khi ấy đón và phục vụ khách du lịch theo bản năng và những gì sẵn có của địa phương. Họ không biết ngoại ngữ, khách sạn và nhà hàng để phục vụ khách du lịch hầu như không có, số lượng hướng dẫn viên đời đầu như ông Vỹ chỉ đếm trên đầu ngón tay.


Những năm từ 2004 về sau, ông Vỹ được chứng kiến từng dòng xe nối nhau chở khách về thị trấn. Các khách sạn, homestay “ không có sao ” được xây dựng để đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách đến Sa Pa. Các dịch vụ mới cũng xuất hiện nhà hàng, tắm lá người Dao, massage .....


Nhưng dù có đông vui hơn trước thì Sa Pa khi ấy vẫn chỉ đón chưa tới 500.000 lượt khách / năm và "chưa đủ hấp dẫn" để níu khách lưu trú quá 2 ngày. Đây là một con số quá khiêm tốn với một nơi được thiên nhiên ưu đãi từ cảnh quan đẹp hút hồn đến khí hậu dễ chịu và văn hoá đặc sắc như Sa Pa. Dịch vụ du lịch chưa phát triển, du khách tới đây không có nhiều trải nghiệm, chỉ có thể tham quan vài danh thắng như suối Vàng, thác Tình yêu, các bản Lao Chải Tả Van là hết Sa Pa. Đỉnh Fansipan khi ấy chỉ dành cho khách nước ngoài hoặc thanh niên Việt Nam ưa mạo hiểm, đủ sức khoẻ bởi đường đi quá khó khăn, phải mất tới 2 ngày đêm leo rừng, ngủ núi mới đến được “ Nóc nhà Đông Dương ”.





Với những người làm dịch vụ du lịch ở Sa Pa thời ấy đều thấy thực tế, lượng du khách đông song doanh thu từ du lịch không cao bởi khách không chi tiêu nhiều và chỉ lưu trú ngắn hạn. Thêm nữa, du lịch phát triển nóng nên bắt đầu xuất hiện tình trạng chặt chém, đeo bám, chèo kéo mua đồ bởi phụ nữ và trẻ em bản địa. Không ít người kém mặn mà với điểm đến này.


Năm 2009, ông Nguyễn Văn Vịnh, lúc đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, với mong muốn huy động các nguồn lực để phát triển tỉnh nhà, đã trân trọng mời các doanh nghiệp lớn, trong đó có tập đoàn Sun Group về đầu tư tại Sa Pa. Thời điểm đó, dự án cáp treo Bà Nà của Sun Group mới hoàn thành, Việt Nam lại đang ở giai đoạn khủng hoảng kinh tế, nên mãi đến tháng 3/2013, lãnh đạo Sun Group mới có chuyến khảo sát đầu tiên tới Sa Pa.


“ Những băn khoăn, day dứt trước thực trạng một nơi có khí hậu độc đáo, cảnh sắc tuyệt vời và giàu bản sắc dân tộc, lại chỉ đón hơn 500.000 lượt khách trong cả năm 2012, khách lưu trú cũng không quá 2 ngày, du lịch chưa phát triển xứng tầm ..... đã thôi thúc chúng tôi quyết định đầu tư vào Sa Pa ”, ông Trần Minh Sơn- Ủy viên Hội đồng Sáng lập Sun Group chia sẻ.


Sau 7 tháng khảo sát và nghiên cứu cùng với đơn vị tư vấn, các chuyên gia từ Doppelmayr Garaventa - tập đoàn cáp treo nổi tiếng thế giới của Thụy Sĩ, công trình cáp treo Fansipan chính thức được khởi công. Hơn 2 năm sau, ngày 2/2/2016, hệ thống cáp treo nối Sa Pa với “ Nóc nhà Đông Dương ” đã chính thức khánh thành, với hai kỷ lục Guinness “ Cáp treo ba dây dài nhất thế giới ( 6.292,5 m ) ” và “ Cáp treo 3 dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới 1.410 m ”. Đỉnh Fansipan giờ đây đã không còn là “ tấm huy chương ” của riêng các phượt thủ dày dặn kinh nghiệm nữa mà đã trở thành “ điểm đến đời người ” dành cho bất cứ ai, từ trẻ em đến người già và những người có hoàn cảnh đặc biệt như chàng trai xương thủy tinh Vũ Ngọc Anh.


"Tôi đã xác định trước, người anh thân thiết cùng tôi băng rừng chinh phục Fansipan cũng có thể là người đưa xác tôi về nếu gặp bất trắc", ánh mắt Vũ Ngọc Anh sáng lên, bật cười khi nhớ về dự định "điên rồ" là leo Fansipan bằng đầu gối vào năm 2011. Nhưng dù đã chuẩn bị tinh thần là vậy, kế hoạch của Ngọc Anh vẫn phải tạm gác vì chưa đủ kinh phí và sức khỏe. Đến năm 2016, Ngọc Anh cuối cùng cũng đã “ cán đích ” sau 15 phút đi cáp treo và 1h30 phút di chuyển qua những bậc đá bằng sức của bàn tay kéo cơ thể và bước đi bằng đầu gối trong sự cổ vũ của bạn đồng hành và du khách đi cùng. “ Tôi hướng về phía cục inox mà mình vẫn ước mơ chạm đến từ bấy lâu rồi thì thầm : Anh mày lên được rồi đó", Ngọc Anh hãnh diện kể lại.


Không chỉ dừng lại ở hệ thống cáp treo Fansipan, Sun Group trong 5 năm qua đã liên tục kiến tạo những sản phẩm du lịch mới mang tinh thần “ chất lượng - đẳng cấp - khác biệt ” của Tập đoàn như quần thể tâm linh trên đỉnh Fansipan thuộc khu du lịch Sun World Fansipan Legend, khách sạn 5 sao đầu tiên của Sa Pa : Hotel de la Coupole – MGallery, tạo ra sức hút cạnh tranh cho các doanh nghiệp đầu tư vào Sa Pa. Sa Pa bắt đầu xuất hiện nhiều hơn các khách sạn, nhà hàng và sản phẩm du lịch cao cấp thay thế cho những sản phẩm chất lượng thấp nhưng có giá đắt đỏ trước kia.


Bà Trần Thị Thanh, trưởng bộ phận kinh doanh Sa Pa Green, một doanh nghiệp địa phương nhận định, cao tốc Nội Bài - Lào Cai cùng tuyến cáp treo đi vào vận hành có thể coi là một bước đột phá của ngành du lịch Sa Pa. Đặc biệt, khu du lịch cùng cáp treo đã tạo tiếng vang lớn khi liên tục ghi danh vào các giải thưởng, kỷ lục thế giới, thu hút du khách và mang đến nguồn lợi trực tiếp cho các doanh nghiệp tại địa phương. Trong đó, khách sạn của Sa Pa Green ra mắt năm 2008, chỉ có vỏn vẹn 20 phòng homestay và một phòng massage nay cũng mở rộng quy mô lớn hơn với 60 phòng nghỉ, 40 phòng massage, một nhà hàng công suất 200 khách.


“ Sau một loạt công trình có chất lượng và khách sạn 3-4 sao ra đời, thì nhà nghỉ bị đào thải hàng loạt. Điểm du lịch, hay các sản phẩm du lịch truyền thống mang tính chất tự nhiên không được khai thác đầu tư bài bản thì lượng khách suy giảm rất nhiều. Điều này cho thấy xu thế phát triển của Sa Pa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách ”, bà Thanh nói.



Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai, đánh giá cao vai trò của tập đoàn Sun Group trong việc đánh thức tiềm năng du lịch Sa Pa và góp phần tạo ra bước đột phá trong du lịch tỉnh Lào Cai.


“ Tuyến cáp treo cùng các sản phẩm du lịch của tập đoàn khánh thành, đi vào hoạt động là niềm vui và tự hào lớn của du lịch tỉnh Lào Cai. Sự hiện diện của những sản phẩm du lịch mang đẳng cấp quốc tế không chỉ thỏa mãn nhu cầu đa dạng của du khách, mà còn có tác động lớn đến việc hoàn chỉnh quy hoạch hạ tầng đô thị Sa Pa ”, ông nói.


Năm 2016, khi tuyến cáp treo được khánh thành, lần đầu tiên khách du lịch đến Sa Pa cán mốc 1,2 triệu lượt ; lượng khách của toàn tỉnh Lào Cai là 2 triệu lượt. Giai đoạn 2016-2019, lượng khách tới tỉnh tăng 144 %. Cuối năm 2019, doanh thu từ du lịch của tỉnh là 19.200 tỷ đồng, gấp 4 lần so với năm 2016. Dịp Tết dương lịch 2021, Sa Pa đón 70.000 khách du lịch.


Những số phận được đổi đời


Sinh ra và lớn lên trong bản nghèo thuộc phường Sa Pả, thị trấn Sa Pa, Má A Tông cũng như bao người dân bản sống nhờ nghề bám nương làm rẫy. Sợ đời mình sẽ phải tiếp tục khổ như đấng sinh thành, chàng trai người H'Mông ôm mộng đổi đời từ nghề hướng dẫn viên. Chạy vạy khắp nơi để đi học, số tiền vay nợ của A Tông lên tới hàng chục triệu đồng mà vẫn không đủ. Anh phải bỏ dở học hành, về làm porter gùi đồ lên Fansipan.


Năm 2014, khi nghe tin công ty cáp treo cần tìm người làm an ninh, trông coi công trình trên đỉnh Fansipan với mức thu nhập cao, A Tông nộp đơn ứng tuyển. Nhanh chóng được nhận vào làm việc vì là người địa phương, đã quen với địa hình, thời tiết nơi đây, Tông như vớ được "phao cứu sinh" của đời mình.


Mùa đông năm ấy, trước khi lên đường đi làm, Tông gom được tất cả số tiền mình có là 150.000 đồng để lại cho vợ con, mang theo nỗi lo những đêm mưa gió, chỉ mình vợ thức canh hứng dột trong ngôi nhà xiêu vẹo bên sườn đồi.


Trong đợt rét kỷ lục, những cơn gió lạnh căm thổi về từ đèo Ô Quy Hồ, mang theo mưa tuyết tạt rát buốt vào những thân trai tráng, A Tông phải leo bộ lên đỉnh Fansipan phủ trắng tuyết, nhiều công nhân dưới xuôi "vừa đi vừa khóc" vì chuột rút, mất thân nhiệt. Tất cả mọi người khi ấy ở trong lán dựng tạm, cả tháng mới dám tắm một lần vì thiếu nước. Chưa kể đến những ngày đợi đồ ăn lên núi, họ phải chia nhau từng gói mì tôm để cầm cự.


"Nhiều ngày đứng giám sát công trình, mái tóc mình phủ cứng đơ, đến thở cũng thấy sợ vì hơi lạnh tỏa buốt lồng ngực. Tất cả mọi người đóng mình trong lớp áo dày sụ, chân đi ủng mấy tháng bốc mùi kinh khủng đến mức nghĩ lại không muốn ăn cơm", A Tông cười hồi tưởng.


Ở trên đỉnh có khi đến 3-4 tháng liên tục, nhiều lần nhớ nhà, nhớ con, A Tông cũng không thể về, một phần vì đường leo bộ xa xôi, phần còn lại vì trách nhiệm trong công việc. Lần về sớm nhất là khi nhận được tháng lương thử việc đầu tiên, A Tông xin phép được về nhà bởi vợ con không còn gì để ăn, trên đường anh mua thêm mắm, thêm gạo và mang cả những hân hoan, mong nhớ về cho gia đình.


Trong 2 năm bám trụ trên đỉnh Fansipan, A Tông được chứng kiến sự vươn mình mạnh mẽ của vùng đất, khi điện lưới được kéo lên, cáp treo được hình thành. Cũng giống như sự thay đổi của cuộc đời anh, từ người chỉ biết lo từng bữa ăn, nay có việc làm ổn định để chăm lo cho gia đình.


"Ban đầu mình đi làm chỉ vì cần một công việc, thậm chí còn không biết 'tập đoàn' là gì nhưng sau nhiều năm gắn bó, Sun Group chính là ngôi nhà thứ 2, nơi mình được sống, được đào tạo cùng anh em, bạn bè và làm lại cuộc đời", A Tông nói.


Năm 2017, nhờ quỹ "Hoa mặt trời ” của tập đoàn, A Tông đã được hỗ trợ tiền để xây dựng một ngôi nhà kiên cố mà cả đời anh chưa dám mơ tới trên chính mảnh đất cha mẹ để lại. Xung quanh nhà A Tông giờ đây còn trồng nhiều loài hoa lan bản địa, tươi tắn, đẹp đẽ như chính những năm tháng hiện tại và tương lai của gia đình anh.




Cũng giống như A Tông, Chảo Láo Ú, sinh năm 1996, lớn lên cùng cái nghèo khó ở bản Kim, xã Thanh Bình, Sa Pa. Chưa đầy 20 tuổi, anh phải đối mặt với nhiều cú sốc của cuộc đời. Mẹ mất năm 2012, đúng thời điểm thi chuyển cấp, thiếu lao động chính, gia đình thường trực bữa đói bữa no. Sau khi kiên trì hoàn thành bậc phổ thông, Ú làm thợ xây ở các công trình quanh địa phương để kiếm tiền cho gia đình.


Thời điểm 2014-2015, Sa Pa có một số công trình du lịch lớn sắp vận hành, cần huy động lao động địa phương làm dài lâu. Theo chân trai tráng trong bản đi Sa Pa tìm việc, Ú xin được việc tạp vụ trong bếp một nhà hàng của Sun World Fansipan Legend khi đó đang hoàn thiện. “ Tôi chẳng ngại bất kể việc gì bởi trước đó, nhiều việc từng làm còn khó nhọc hơn nhiều ”, Ú chia sẻ.


Tháng lương đầu tiên, Ú nhận được hơn 2,9 triệu đồng, anh vỡ òa trong hạnh phúc vì cả đời chưa bao giờ được cầm nhiều tiền đến vậy. Lúc bấy giờ, người bản anh kiếm ra 1 triệu đồng đã là nhiều. Cuộc sống Ú và gia đình cũng thay đổi “ 360 độ ” kể từ đó, như lời Ú kể.


Sau 5 năm nỗ lực học hỏi, Chảo Láo Ú được đề xuất lên phụ bếp món Á, món Âu và giờ chuyên làm bánh. Cả đời anh chưa bao giờ nghĩ, đôi bàn tay chai sần vì cầm cuốc, bê gạch nay có thể uyển chuyển tạo hoa kem trên bánh. Mức thu nhập đã đủ để anh giúp vợ, con có cuộc sống đầy đủ hơn.


Năm 2020, niềm vui như được nhân đôi khi Ú có tên trong danh sách những cán bộ, nhân viên được Sun Group hỗ trợ xây nhà. Ngôi nhà siêu vẹo trong bản cách thị trấn Sa Pa chừng 30 km nay đã khang trang, hiện đại hơn gấp nhiều lần. Nhìn vào những tấm giấy khen của con gái lớn treo trên tường ngôi nhà mới xây, Ú cho biết sẽ quyết tâm cho các con học cao hơn, để cuộc đời chúng không trải qua những giai đoạn quá khổ như anh và vợ từng trải qua.


Sun World Fansipan Legend không chỉ tạo ra công ăn việc làm mà còn là mái nhà thứ 2 của gần 200 cán bộ công nhân viên vùng Tây Bắc. Trước đây, phần lớn họ sống dựa vào nông nghiệp, nghề rừng, nghề thủ công hoặc không có công việc ổn định. Trong khu du lịch, không hiếm các cặp vợ chồng, anh em trong gia đình hay người cùng thôn bản cùng làm việc, 68 hộ gia đình cán bộ công nhân viên đang ở tại Sun Home, khu nhà Sun Group xây dành riêng cho cán bộ nhân viên công ty.


Từ ngày có công việc ổn định tại khu du lịch, điều họ nhận được không chỉ là sự thay đổi về kinh tế, mà còn cả tác phong làm việc chuyên nghiệp, nhận thức về tầm quan trọng của học tập, đào tạo để đầu tư cho thế hệ con em. Nhưng quan trọng hơn, họ được chứng kiến nơi "chôn rau cắt rốn" lột xác sau khi làm du lịch. Thị xã Sa Pa từ lác đác nhà nghỉ và quán xá đốt than củi, nay hiện diện nhiều khách sạn, nhà hàng 5 sao, khiến họ không khỏi tự hào. Nhiều nhân viên ở Sun World Fansipan Legend trước đó lang thang dưới xuôi tìm kế sinh nhai, sau đó họ lại trở về quê hương ổn định cuộc sống. Từ những người lo cái ăn cái mặc từng ngày, thì giờ đây họ biết ăn sạch mặc đẹp và có cuộc sống no đủ, đầm ấm.


Trong một bài phỏng vấn về văn hóa du lịch Sa Pa, thạc sĩ Trịnh Lê Anh, giảng viên Du lịch và Sự kiện tại Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định trong vài năm trở lại đây, người dân tộc bản địa trong các hoạt động của Sa Pa đang dần vắng bóng. Tuy nhiên, những doanh nghiệp lớn đang có sự đầu tư để đào tạo cho những người dân tộc địa phương được làm việc tại các khách sạn, nhà hàng .....


"Tôi đã thấy dấu ấn ấy trên Fansipan. Khi người dân tộc nhoẻn miệng cười với tôi, tôi thấy ấm áp lắm. Sun Group đã rất cầu kỳ khi đưa người dân tộc trên đó, mặc đồng phục đấy nhưng vẫn nụ cười người Mông, người Dao. Đấy là một điển hình để chúng ta hướng tới việc làm du lịch tốt hơn."


Sun World Fansipan Legend một lần nữa khẳng định vai trò tiên phong, trong việc bảo tồn, tôn trọng những giá trị văn hóa, con người để cân bằng cùng phát triển du lịch. Ngày nay đến với Sa Pa, du khách không khó để bắt gặp những chàng trai, cô gái người bản địa làm việc tại các điểm du lịch. Trong những bộ đồng phục lấy ý tưởng từ trang phục truyền thống, họ nở nụ cười duyên dáng, nói lời xin chào du khách đến với mảnh đất quê hương họ một cách mộc mạc nhưng cũng đầy chuyên nghiệp.


Theo ông Vương Trinh Quốc, chủ tịch UBND thị xã Sa Pa, sự ra đời và phát triển đồng bộ của khu du lịch, đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai và cơ sở hạ tầng trên địa bàn thị xã Sa Pa không chỉ tạo việc làm trực tiếp, mà còn góp phần phát triển mạnh các dịch vụ phụ trợ như vận chuyển, hàng hóa, lưu trú và vành đai thực phẩm vùng nông thôn. Đặc biệt, lực lượng lao động được đào tạo chuyên nghiệp, làm việc trong môi trường cao cấp đã góp phần nâng cao trình độ, nhận thức của chính người dân tham gia hoạt động du lịch, qua đó góp phần tích cực trong việc thay đổi bộ mặt của ngành du lịch địa phương.


Giữ gìn và lan tỏa bản sắc văn hóa trong sản phẩm du lịch


Ở độ cao 3.000 m trên đường lên đỉnh Fansipan, trong mây trắng ngợp ngời, giữa trùng điệp núi non, bỗng một tiếng khèn vang lên réo rắt kéo theo âm điệu dồn dập của trống Dao, của đàn môi, của tre, nứa ..... Du khách ngay lập tức bị cuốn vào màn nhảy sạp sôi động, những vũ điệu độc đáo mang âm hưởng của các dân tộc H'Mông, Tày, Giáy ..... và chung vui với một đám cưới rực rỡ đậm bản sắc của người Dao. Vẻ đẹp mãn nhãn, muôn màu này, vốn tưởng đã dần mai một, nay đã được "gói ghém" trọn vẹn trong show diễn công phu, độc đáo mang tên "Vũ điệu trên mây".


Ra mắt lần đầu năm 2019 tại Khu du lịch Sun World Fansipan Legend, show diễn "Vũ điệu trên mây ” kể về câu chuyện tình huyền thoại của chàng Đỗ, nàng Quyên - biểu trưng của núi rừng Hoàng Liên - do "phù thủy sân khấu" Phạm Hoàng Nam dàn dựng đã được đón nhận nồng nhiệt, tạo ra dấu ấn không nhỏ trong cộng đồng yêu nghệ thuật và du lịch. Lần đầu tiên, du lịch Sa Pa nói riêng và Lào Cai nói chung có một show diễn nghệ thuật được đầu tư công phu và bài bản từ âm nhạc, vũ đạo đến dàn dựng, trang phục…khai thác và tôn vinh những chất liệu văn hoá Tây Bắc độc đáo. Lần đầu tiên Việt Nam có kỷ lục “ Show diễn nghệ thuật thể hiện đặc trưng văn hóa Tây Bắc độc đáo nhất Việt Nam ”. Và cũng nhờ “ Vũ điệu trên mây ”, lần đầu tiên du lịch Việt Nam được xướng tên trong giải thưởng được mệnh danh là “ Oscar của ngành du lịch thế giới ” World Travel Awards ở hạng mục “ Điểm du lịch văn hoá hàng đầu thế giới ” ( 2019 ) dành cho Sun World Fansipan Legend. Những nét văn hoá riêng có của vùng biên viễn được khai thác đầy nghệ thuật và sáng tạo đã dẫn dắt biết bao du khách khám phá nóc nhà Đông Dương, những bản sắc vùng cao một cách đầy mê hoặc.


Đến năm 2021, một lần nữa, du khách đến với đỉnh Fansipan lại được du ngoạn giữa mênh mang núi rừng Hoàng Liên, qua những vũ điệu và âm nhạc đã được “ nâng cấp ” còn Tây Bắc hơn trước. Bắt đầu với không gian vui tươi, hứng khởi, màn trình diễn tràn ngập tiếng gió thổi, tiếng khèn, tiếng trống, tiếng thoi đưa, nhịp khung cửi rộn ràng và tre, nứa gõ lách cách. Xung quanh là những chàng trai với nét đẹp khỏe khắn và những cô gái với nụ cười duyên dáng của vùng cao say sưa nhảy múa. Đan xen cùng những vũ đạo uyển chuyển là dải thổ cẩm muôn màu sắc, là màn nhảy sạp rộn ràng, vui tươi. Tất cả được tái hiện trong bối cảnh khu nhà sàn bằng tre nứa, phiên chợ và đám cưới vùng cao.


Giữa một Tây Bắc đẹp rạng rỡ như thế, câu chuyện của chàng Đỗ, nàng Quyên tiếp tục được kể bằng ngôn ngữ của nghệ thuật múa đương đại cùng kỹ thuật múa Duo đặc sắc, đem đến những xúc cảm viên mãn, tròn đầy. Để rồi, khi sự viên mãn ấy đạt đến nấc cao nhất, cũng là lúc câu chuyện của đời sống tâm linh trong mỗi bản thể con người mở ra. Trong bối cảnh bản làng sương khói, từng động tác múa khoan thai và tà áo trắng phất phơ trong gió của các nghệ sĩ để lại trong xúc cảm mỗi du khách là sự an yên, tĩnh lặng trong khung cảnh thiên nhiên kỳ vỹ, thuần khiết.


Đạo diễn Phạm Hoàng Nam chia sẻ, để tạo ra một "Vũ điệu trên mây" chắt chiu văn hóa Tây Bắc, ông cùng nhạc sỹ Mạnh Tiến và ekip đã bôn ba nhiều tháng liền, đi sâu vào từng bản làng heo hút nhất trên đại ngàn Hoàng Liên để lùng sục những tài liệu liên quan đến văn hóa vùng cao. Họ tìm gặp cho được từng nghệ nhân dân tộc để ghi âm một đoạn khèn, một vài tiếng trống hay nhiều ngày đi vào rừng sâu thu lại âm thanh sống động của thiên nhiên.


Sự kỳ công tỉ mỉ đầy tâm huyết của ekip đã tạo nên một sản phẩm văn hoá đỉnh cao, thổi sức sống mới đồng thời lan toả mạnh mẽ những nét văn hóa truyền thống của Sa Pa, vốn là "đặc sản" níu chân khách du lịch nhưng đang dần mai một, pha tạp sau quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế, du lịch. Với ekip, show diễn giống như một món quà dành cho du khách quốc tế và trong nước, để họ có thể cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp đặc sắc và những giá trị văn hóa không đâu có của vùng Tây Bắc trong chuyến đi. “ Vũ điệu trên mây ” cũng là một minh chứng sống động cho thấy tâm huyết và triết lý làm du lịch của Sun Group: phát triển du lịch bền vững dựa trên những giá trị cốt lõi và tinh hoa của văn hóa truyền thống, từ đó nâng tầm và thăng hạng du lịch cho những vùng đất giàu tiềm năng.


Điều đó không chỉ thể hiện ở "Vũ điệu trên mây". Đến Fansipan mùa nào cũng vậy, du khách đều sẽ được đắm mình trong bản sắc vùng cao từ những chi tiết thiết kế của công trình, trang phục của nhân viên cho đến các lễ hội, sự kiện văn hoá được tổ chức quanh năm. Tết đến xuân về là Lễ hội Khèn hoa với cuộc thi múa khèn của những nghệ nhân hàng đầu Tây Bắc. Lễ hội hoa Đỗ quyên, lễ hội hoa Fansipan tôn vinh những loài hoa huyền thoại trên đỉnh Fansipan. Giải đua Vó ngựa trên mây là nơi các kỵ sĩ dân tộc tranh tài. Lễ hội Ẩm thực chiêu đãi du khách đủ món ngon đặc sản Tây Bắc ..... Lễ hội nào cũng vậy, sẽ là những điệu múa với nếp váy xoè thổ cẩm muôn màu, là những trò chơi dân gian sôi động như leo cột mỡ, ném còn, đua cà kheo ..... , là thơm lừng mùi trâu gác bếp, rượu nếp nương, thắng cố ..... Sun World Fansipan Legend mùa lễ hội không khác gì một Tây Bắc thu nhỏ, với đầy đủ vẻ đẹp thiên nhiên, văn hoá và con người.


Không chỉ làm sống lại hồn cốt văn hoá vùng cao, sự xuất hiện của quần thể tâm linh và cột cờ Tổ quốc trên đỉnh Fansipan cũng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đỉnh Fansipan hoang vu, huyền bí ngày nào nay đã trở thành niềm tự hào mang tên Việt Nam, và cũng là chốn tâm linh nhiệm màu, “ khơi dậy nguồn tâm linh dồi dào, đem đến sự an lạc cho tất cả mọi người ” như lời Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng thư ký Hội đồng trị sự Trung Ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam từng nhận định.


Xây dựng đi đôi với bảo tồn, không ngừng phát triển nhưng cũng vẫn luôn luôn tìm về nguồn cội, những doanh nghiệp làm du lịch như Sun Group đã góp phần định hình lại du lịch Sa Pa để rồi từ đó đưa vùng đất này ngày càng khởi sắc, thăng hạng trên bản đồ du lịch thế giới, từ chính những giá trị cốt lõi của mình.


Năm 2020, khi ngành du lịch thế giới gặp khủng hoảng, thị xã nhỏ bé Sa Pa lại vươn lên lọt top những điểm đến mới nổi lại Châu Á và tiếp tục được xướng tên với hai giải thưởng tại World Travel Awards 2020 : "Điểm du lịch văn hóa hấp dẫn hàng đầu thế giới 2020" và "Điểm du lịch có thắng cảnh thiên nhiên hấp dẫn hàng đầu thế giới 2020". “ Sun World Fansipan Legend đã đưa trải nghiệm chinh phục đỉnh cao nhất Đông Dương, nơi có vẻ đẹp choáng ngợp, trở nên dễ dàng cho tất cả mọi người. Nhờ vậy mà Sun World Fansipan Legend đã giành được số phiếu thuyết phục từ World Travel Awards, để đạt được danh hiệu này ”, ông Graham Cooke - người sáng lập kiêm Chủ tịch WTA lý giải.


Trong 5 năm hình thành và phát triển, tuyến cáp treo và khu du lịch Sun World Fansipan Legend đã mang đến những đóng góp to lớn trong việc thu hút du khách đến Sa Pa, Lào Cai từ chính sản phẩm du lịch cao cấp, lấy trọng tâm từ những giá trị cốt lõi của văn hóa bản địa.


Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đánh giá cao vai trò của tập đoàn Sun Group trong việc đánh thức tiềm năng, thế mạnh của du lịch Sa Pa và góp phần tạo ra bước đột phá trong du lịch tỉnh Lào Cai.


Tới năm 2025, Lào Cai phấn đấu đạt 10 triệu lượt khách, trong đó có 1,5 triệu lượt khách nước ngoài; tổng thu từ du lịch ước đạt hơn 44.500 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 1.400 cơ sở lưu trú với 10.000 buồng khách sạn từ 3 đến 5 sao .....


Định hướng tới năm 2030, Khu du lịch quốc gia Sa Pa sẽ trở thành một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái – nhân văn tầm cỡ quốc tế, với hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại. Vùng lõi tập trung phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa ( Đô thị du lịch Sa Pa ) có thương hiệu quốc tế về các giá trị cảnh quan tự nhiên, môi trường, đặc trưng văn hóa, chất lượng dịch vụ và các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn trong nước và quốc tế.


Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2022

 

NGÔNG  NGHÊNH , NGANG NGƯỢC, nhưng vô cùng NGẠO NGHỄ .