Trang

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013


1 giáo sư cùng niềm đam mê như giáo sư Ngô Bảo Châu. Không biết KHOA HỌC và NGHỆ THUẬT có mối liên hệ nào không mà người ta thường hay kết đôi cặp từ này quá nhỉ : KHOA HỌC NGHỆ THUẬT . Có lẽ do KHOA HỌC và NGHỆ THUẬT đều có điểm chung là tạo nên những CẢM XÚC RUNG ĐỘNG cho con người chăng  ???


GS.TS Trịnh Xuân Thuận : Mãi theo đuổi “ người tình vũ trụ ”


3 / 4 / 2013

( tuoitre.vn )

Năm 1954, 6 tuổi, tôi và bốn người em gái theo ba mẹ rời Hà Nội vào Nam.






GS Trịnh Xuân Thuận - Ảnh do tác giả cung cấp



“ Tuổi trẻ thì há gì phải sợ ! ”

Ba muốn tôi theo học ở trường Pháp. Tôi xin vào học Trường Yersin ( nay là Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt ) . Năm 1960, sau sáu năm ở Đà Lạt, ba chuyển về làm chánh án tòa thượng thẩm Sài Gòn, tôi về theo và nhập học ở Trường tiểu học Jean-Jacques Rousseau, nay là Trường Lê Quý Đôn.

Khoa học bắt đầu bén duyên trong tôi, mặc dù tôi cũng rất có khiếu về văn chương. Sách gối đầu giường là sách về văn chương và một số lớn sách về khoa học. Tôi mày mò khám phá thế giới khoa học qua những trang sách. Thần tượng của tôi là nhà bác học Einstein. Khi thi tú tài, tôi chọn ban toán bởi đây là ban gắn với khoa học nhất. “ Nhất quyết phải đi du học ” , tôi tự nói với mình bởi ngày ấy ở Việt Nam không có trường đại học đào tạo về khảo cứu vật lý, con đường tôi muốn đeo đuổi. Vật lý có thể trả lời được những câu hỏi của tôi về thiên nhiên. Tôi muốn đi Pháp du học, tuy nhiên vì lúc đó ( năm 1966 ) , chính quyền Sài Gòn cắt đứt bang giao với Pháp, con đường mơ ước của tôi đã khép lại.


Không bỏ cuộc, tôi tìm cách sang Thụy Sĩ. Xin vào học Trường Bách khoa Lausanne, tôi nhận ra rằng họ đào tạo kỹ sư chứ không đào tạo nhà khoa học. Vì vậy tôi quyết định xin vào một trong ba trường đại học ở Mỹ mà tôi nghe nói là hàng đầu thế giới về khảo cứu trong lĩnh vực vật lý : Caltech ( California Institute of Technology ) , MIT ( Massachusetts Institute of Technology ) và Princeton. Đấy là một sự liều lĩnh, tôi không thành thạo tiếng Mỹ, mà học phí các trường này rất đắt. Nhưng tuổi trẻ thì hà cớ gì phải sợ. Tôi được cả ba trường đồng ý nhận sau khi trải qua một số bài thi. Tôi đã chọn Caltech ở Pasadena, bang California.

Tôi sang Mỹ. Lúc đầu giáo sư giảng bài tôi chẳng hiểu gì, cứ bập bõm nghe tiếng được tiếng mất. May mắn là ngôn ngữ toán học chỉ có một. Thế là tôi “ vịn ” vào tiếng nói toán học mà học tiếp, học thêm tiếng Mỹ và nhiều môn khác.

Caltech quả là thánh địa của khoa học. Trường chỉ nhận 800 sinh viên ưu tú nhất nước Mỹ, có đến 400 giáo sư và nghiên cứu sinh ở đây. Trong các giáo sư của tôi có nhiều người đã đoạt giải Nobel về vật lý. Tôi như cá gặp nước.

Con đường của tôi giữa vũ trụ

Caltech có kính thiên văn lớn nhất trên thế giới lúc bấy giờ với đường kính 5m đặt trên núi Palomar. Kính thiên văn này nhìn xa nhất trong vũ trụ. Caltech là nơi mà nhà thiên văn Edwin Hubble đã thực hiện những phát minh vĩ đại của mình : phát minh về bản chất của các thiên hà và về sự giãn nở của vũ trụ. Các phát minh này đã đưa đến lý thuyết về Big Bang.

Năm 1967, khi tôi vừa đặt chân đến Caltech cũng là thời điểm thiên văn học bùng nổ, có rất nhiều khám phá mới lạ và hào hứng : các “ quasar ” - những đối tượng ở xa nhất và sáng nhất trong vũ trụ ; “ pulsar ” - các ngôi sao được cấu tạo bởi các nơtron, hoặc bức xạ hóa thạch từ thời kỳ Big Bang để lại. Những chí hướng, những ấp ủ khoa học của chàng thanh niên 19 tuổi trong tôi như nở hoa, chỉ khát khao muốn hiểu biết tất cả. Tôi tắm mình trong những phát minh, những tri thức vô bờ về khoa học. Một trong những may mắn của tôi là được học và làm việc với nhà vật lý nổi tiếng Richard Feynman, giải thưởng Nobel 1965 về vật lý và là một trong số những người đặt nền móng cho điện động lực học lượng tử. Ông để lại cho tôi nhiều ấn tượng. Một người thầy tài giỏi và hóm hỉnh, giải thích mọi điều cho lũ sinh viên chúng tôi theo một cách giản dị và sáng sủa đến bất ngờ.

Mùa hè năm 1967, tôi vừa thực tập vừa đi làm thêm. Công việc đầu tiên của tôi là trong phòng thí nghiệm của giáo sư William Fowler, một nhà vật lý được giải thưởng Nobel của Caltech, cha đẻ của vật lý thiên văn hạt nhân. Công việc của tôi đơn giản chỉ là đo tỉ lệ của một số phản ứng hạt nhân diễn ra trong Hệ mặt trời. Đấy cũng là lần đầu tiên tôi trực tiếp tiếp xúc với việc khảo cứu vật lý thiên văn. Tôi rất thích thú.

Năm sau, 1968, tôi trở thành trợ lý của một giáo sư khác, nhà vật lý Gordon Garmire, người nghiên cứu lĩnh vực có tên thiên văn học tia X. Ông cần một người giúp ông dùng kính thiên văn trên núi Palomar để chụp ảnh các phần của bầu trời có nguồn tia X. Tôi đã và sẽ còn nhớ mãi đêm quan sát đầu tiên của tôi ở nơi thánh địa của thiên văn học. Một niềm xúc động sâu sắc. Tôi như đứng trước một thánh đường của thế kỷ 20 đang hướng lên bầu trời.

Kết thúc chuyến đi này, tôi “ ngả ” hẳn về phía thiên văn học. Tôi mê mẩn những gì tôi nhìn thấy. Tôi chìm đắm trong cái đam mê khám phá sự bao la của vũ trụ. Tôi sẽ không bao giờ quên cảm xúc của mình khi xem những hình ảnh đầu tiên mà con tàu thăm dò Mariner 9 gửi từ sao Hỏa về. Vệ tinh này do một phòng thí nghiệm ở Caltech điều khiển. Một cảm giác không lời nào có thể mô tả được. Tôi chỉ biết mình yêu đến độ điên cuồng “ anh chàng vũ trụ ” đầy bí ẩn này.

Năm 1970, tôi đến Princeton làm luận án tiến sĩ. Cuối năm thứ ba, tôi gõ cửa nhà giáo sư Lyman Spitzer, cha đẻ của kính thiên văn không gian Hubble, xin ông hướng dẫn làm luận án tiến sĩ. Giáo sư gật đầu với điều kiện đề tài luận án phải là nghiên cứu chất khí trong môi trường giữa các vì sao. Tôi lại có dịp trở về dùng kính thiên văn ở Palomar. Cái cảm giác của tôi về sự hòa nhập với vũ trụ khi ánh sáng tràn vào kính thiên văn vẫn cứ nóng bỏng như một thứ “ men tình ” . Các hạt ánh sáng đang bị thu vào kính thiên văn đã bắt đầu cuộc hành trình của mình từ hàng tỉ năm trước, trong khi các nguyên tử cấu tạo nên cơ thể tôi ngày hôm nay vẫn đang còn ở trung tâm một ngôi sao nào đó. Và tôi lại say mê, lại muốn tiếp tục dấn sâu hơn, chiêm nghiệm mãi với vũ trụ bao la. Khi Caltech đề nghị cấp học bổng sau tiến sĩ, tôi đã nhận lời.

Cho đến bây giờ, ở tuổi 65, hơn 45 năm theo đuổi “ người tình trăm năm ” của mình, tôi vẫn cứ muốn tiếp tục, tiếp tục mãi bởi tôi chưa bao giờ muốn ngưng tìm hiểu về vũ trụ bao lao và cái thế giới rộng lớn của những thiên hà đầy kỳ diệu trên bầu trời.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét