Trang

Thứ Hai, 21 tháng 9, 2015





Xã hội Hàn Quốc : Kiều bào hay đồng bào ? 




( soi.today )



Lời mở đầu : Đất chật người đông, đói nghèo, thiên tai, chiến tranh, sự khai thác thuộc địa là những nguyên nhân chủ yếu khiến người châu Á di cư đi khắp thế giới trong hai thế kỷ vừa qua. Hàn Quốc cũng không nằm ngoài quy luật đó. Bảy triệu người gốc Hàn Quốc đang sinh sống tại nước ngoài là một con số không hề nhỏ và là một phần không thể tách rời của xã hội Hàn Quốc hiện đại, mang theo họ những nỗi đau dai dẳng, câu chuyện thú vị, phong tục văn hóa và cả những trớ trêu của lịch sử.



Không phải tự nhiên mà chính phủ Hàn Quốc phải đàm phán với Việt Nam và Kazakhstan để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân của mình nhập cảnh bởi vì đây là hai trong số những nước có cộng đồng người gốc Hàn Quốc đông đảo. Người Hàn ở Việt Nam thì đã rõ nhưng tại sao lại có một cộng đồng ở tận Trung Á xa xôi, nghèo nàn ?



Cuối thế kỷ 19, Nhà Triều Tiên suy yếu, đói kém hoành hành, biên giới được thả lỏng sau hàng nghìn năm hạn chế người dân ra nước ngoài, Người Hàn Quốc đã di cư đến vùng Viễn Đông của Nga để làm ăn sinh sống, dân cư dần đông đúc, nhiều người đã bắt đầu trở nên giàu có. Khi Hàn Quốc trở thành thuộc địa của Nhật thì người Hàn kéo đến càng đông. Một trong những chính sách duy ý chí của Liên Bang Xô Viết lúc bấy giờ là chuyển dịch bắt buộc số lượng lớn dân cư, và cũng chỉ có Liên Xô mới có thể làm được những điều “ vĩ đại ” như thế : từ 1917 - 1938 hơn 170.000 người Hàn Quốc đã bị cưỡng chế rời khỏi vùng Viễn Đông để đi sáu nghìn cây số sang những khu vực hoang vu của hai nước Trung Á là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa xô viết Kazakh và Uzbek vì cư dân hai nước này có ngoại hình na ná người Hàn Quốc. Lí do được tuyên bố là để ngăn chặn gián điệp của Đế quốc Nhật trà trộn vào. Những người này tự nhận họ là Koryo - saram ( nghĩa là người Cao Ly ). Họ đã trở thành một trường hợp nghiên cứu độc đáo về nhân chủng học cũng như xã hội học của di cư thời hiện đại.







Người Hàn Quốc trong Hồng quân khoảng năm 1930. Họ chiến đấu cùng người Nga với hi vọng Liên Xô sẽ giúp Hàn Quốc giành độc lập.




Họ được phép mang theo động sản giá trị còn bất động sản thì sẽ được đền bù khi đến nơi ở mới. Người già, người ốm, trẻ con, trẻ sơ sinh chết rất nhiều trên những toa tàu hỏa chật ních người chạy suốt một tháng mới đến nơi. Chính quyền cấp cho họ rất nhiều đất nhưng ở những vùng hẻo lánh ngoài biên giới, không thức ăn, không nhà cửa. Hàng nghìn người chết đói và chết rét tại những vùng biên ải khô cằn và hoang vắng, những người sống sót là nhờ sự cưu mang của người dân tộc thiểu số ở địa phương.


Người Hàn Quốc một lần nữa chứng minh sự kiên cường phi thường của mình trước những điều kiện khắc nghiệt nhất. Những hợp tác xã dần phát triển thịnh vượng và tính đến lúc Liên Xô sụp đổ, hơn 100 người gốc Hàn Quốc đã được tặng thưởng danh hiệu cao quý nhất của nhà nước là Anh hùng Liên Xô. Hình ảnh những người Hàn Quốc thành công trên đất khách được dùng làm điển hình cho sự thành công của việc di chuyển dân cư của nhà nước, và báo chí Liên Xô ca ngợi hết lời, còn cho xuất bản nhiều tờ báo bằng tiếng Hàn để tuyên truyền. Tuy nhiên tiếng Hàn Quốc lại bị cấm sử dụng nên dần dần không còn mấy người biết chữ Hangul để mà đọc nữa. Tiếng Nga dần trở thành ngôn ngữ mẹ đẻ, còn tiếng Hàn qua nhiều đời biến đổi thì ngày nay không thể giao tiếp bình thường được với người Hàn nữa.


Những người Koryo - saram dần có điều kiện kinh tế ổn định nhưng về mặt văn hóa tinh thần lại rất khốn khổ vì họ không được chính quyền Liên Xô tin tưởng ( lo sợ gián điệp của Nhật ) nên không được nhập ngũ và tham gia chính trị ; sau này nhiều người được gửi sang Bắc Triều Tiên làm chuyên gia nông nghiệp lại cũng bị Triều Tiên nghi ngờ là gián điệp nên gửi trả về. Mãi đến 70 năm sau, Hàn Quốc giàu có, thiết lập quan hệ ngoại giao và đầu tư hàng trăm triệu đô la vào Kazakhstan, Uzbekistan và mấy nước có đuôi  – stan nữa thì những người này mới được tiếp xúc với văn hóa của tổ tiên mình. Thứ phong tục duy nhất họ còn giữ lại được chính là ..... kimchi. Thời thế thay đổi, giờ thì hàng chục nghìn người Koryo - saram lại đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc hoặc đi làm cô dâu.


Quay trở lại thời kì Nhật chiếm đóng, 35 năm đô hộ của Nhật Bản tuy ngắn nhưng tàn khốc lại là một nguyên nhân khác tạo ra làn sóng di cư ồ ạt ra nước ngoài của người Hàn Quốc. Trước hết là di cư tự nguyện, những người đấu tranh đòi độc lập cho bán đảo Triều Tiên lũ lượt chạy sang Nga ( mà về sau bị tống cổ đi như đã kể ở trên ) hoặc chạy sang Trung Quốc. Ngày nay vẫn còn hai triệu rưỡi người gốc Hàn ở Trung Quốc thành lập hẳn một Châu Tự Trị ở tỉnh Cát Lâm, là cộng đồng người Hàn Quốc hải ngoại lớn nhất trên thế giới.


Kế tiếp là di cư bắt buộc, hầu hết đàn ông Nhật phải đi lính nên lao động thiếu hụt nghiêm trọng , 670.000 đàn ông Hàn Quốc bị cưỡng ép phải sang Nhật làm lao động khổ sai trong các hầm mỏ, nhà máy đóng tàu và luyện gang thép.


Lao động Hàn Quốc bị đưa đến tất cả các trung tâm công nghiệp và khai hoang cả những vùng xa xôi hẻo lánh nhất. Một phần mười trong số này đã chết trong khi làm việc. Tháng Bảy vừa rồi, mỏ than Hashima cùng với 22 địa điểm khác trên khắp nước Nhật được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới đại diện cho Cuộc cách mạng công nghiệp Minh Trị. Hàn Quốc tìm mọi cách để chống phá quyết định này vì rất nhiều trong số những di tích nói trên được xây dựng bởi những người Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động khổ sai. Nhật Bản kiên định lập trường không dùng chữ “ cưỡng ép lao động ” và dùng mác cách mạng công nghiệp để xóa dấu vết. Cái thú vị là kì họp này của UNESCO diễn ra tại Đức, Hàn Quốc liền thầy dùi cho Đức bắt Nhật phải xây đài tưởng niệm giống như Đức đã xây đài tưởng niệm người Do Thái tại các di tích của Đức Quốc Xã nhưng Nhật đã từ chối.


Trước khi Nhật Bản đầu hàng quân Đồng Minh vài ngày, Hồng quân quyết định tiến quân qua vĩ tuyến 50 và chiếm lại hòn đảo. Hàng trăm nghìn người Nhật và Hàn Quốc kẹt lại đảo vì không kịp chen chân lên tàu. Dần dần người Nhật được cho phép hồi hương còn người Hàn Quốc thì Nhật Bản không chứa chấp, Hàn Quốc lúc đó thì đang rối ren nên cũng không nhận. Hàng chục nghìn người Hàn Quốc ấy đành chấp nhận trở thành công dân Liên Xô mà không ai biết một chữ tiếng Nga. Biện pháp được chính quyền đưa ra là chở những người biết hai thứ tiếng Hàn - Nga từ Kazakhstan sang đây dạy học.


Khi Nhật Bản đầu hàng thì người ta ước tính có khoảng 2,4 triệu người Hàn Quốc tại Nhật. Một triệu tư sau đó về nước, nhưng mới chân ướt chân ráo về đến nhà thì chiến tranh nổ ra, chia hai miền Nam Bắc. Chính quyền miền Nam ( tức Đại Hàn Dân Quốc ) tàn sát dã man những người theo Cộng sản, riêng đảo Jeju, Quân đội Nam Hàn đã giết 1/5 dân số, 1/5 nữa chạy sang Nhật. Trước năm 1990 ai nhắc đến thảm sát Jeju sẽ bị tra tấn hoặc bỏ tù dài ngày. Người Hàn Quốc ở Nhật nhiều thứ ba sau Trung Quốc và Mỹ. Ngày nay, trường đại học duy nhất ở hải ngoại được Bắc Triều Tiên bảo trợ nằm ở Tokyo kiêm nhiệm Đại sứ quán ( không chính thức ) của Triều Tiên. Những người ủng hộ Bắc Triều Tiên ở Nhật cũng rất đông.


Khi hai miền chia cắt thì cộng đồng ở nước ngoài cũng chia làm hai phe. Người ủng hộ miền Bắc thì được gọi là Triều kiều, người ủng hộ miền Nam được gọi là Hàn kiều. Ngày nay người ta gọi là kiều bào cho tình cảm, ý muốn coi họ như đồng bào cả, không phân biệt quan điểm chính trị, tạo điều kiện cho họ về thăm quê nhà ở Hàn Quốc. Những người sống trên bán đảo Triều Tiên mặc dù sống ở hai nước khác nhau nhưng không được coi là kiều bào vì trên lý thuyết Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên không công nhận sự tồn tại của Đại Hàn Dân Quốc và ngược lại.


Sau Thế chiến II, hai nước Đức nhận được hỗ trợ kinh tế mạnh mẽ của cả hai phe nhưng với 7 triệu người Đức chết trong chiến tranh thì thiếu hụt lao động là điều không thể tránh khỏi. Kì tích sông Rhine của kinh tế Tây Đức mà họ gọi là Wirtschaftswunder phụ thuộc rất nhiều vào lao động nước ngoài. Tây Đức nhận lao động nhập cư từ các nước Tư bản Nam Âu, Bắc Phi và Hàn Quốc gọi là Gastarbeiter trong khi Đông Đức thì nhận lao động từ các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu, Trung Phi, Việt Nam và Triều Tiên gọi là Vertragsarbeiter. Hàng chục nghìn người Hàn Quốc vất vả, kham khổ làm thợ mỏ dưới hầm sâu nghìn mét và y tá lau rửa xác chết đã tạo ra một nguồn tư bản rất lớn là kiều hối gửi về và sau này là lao động chất lượng cao cho quá trình công nghiệp hóa của Hàn Quốc. Họ cũng lập nên một cộng đồng lớn người Hàn Quốc ở Đức dù rất nhiều người đã trở về đúng hạn sau khi hết hợp đồng . Cùng thời gian này, 330.000 lính Hàn Quốc được gửi sang chiến trường Việt Nam để đổi lấy an ninh và tiền của Mỹ cũng tạo ra một thế hệ hàng nghìn người con lai mà hiện nay lai lịch họ vẫn còn nhập nhằng không được giải quyết.


Cùng với sự đi lên của Hàn Quốc, các tập đoàn chaebol đầu tư mạnh mẽ ra nước ngoài, người Hàn Quốc đi làm kinh tế mới có mặt ở khắp nơi trên hành tinh. Nam Mỹ và Trung Đông xuất hiện những Korean town đông đúc, người Hàn không quản nắng sa mạc chang chang, đêm sa mạc lạnh buốt làm xây dựng cho các ông chủ Ả Rập nhiều tiền nhưng thiếu kỹ thuật. Tháp Buri Khalifa mới đây cũng một tay Hàn Quốc chỉ đạo, có thể nói Trung Đông hiện đại được xây bởi người Hàn Quốc. Chỉ trong vòng hai chục năm từ 1990 trở đi, người Hàn ở phương Tây tăng thêm cả triệu người. Người Hàn cũng tràn vào Đông Nam Á tìm đất xây nhà máy và tìm vợ để nối dõi tông đường. Các Trung tâm văn hóa Hàn Quốc mở ở tất cả các nước có quan hệ ngoại giao để truyền bá tư tưởng người Hàn và dạy tiếng Hàn.


Anh bạn tôi kể thế này : “ Bọn Hàn Quốc là cái giống phân biệt chủng tộc nhất trên đời, tao đẻ ở Mỹ nhưng vẫn nói tiếng Hàn trôi chảy, thế mà về quê, nhất nhất ai cũng gọi tao là Hàn kiều, nhiều người nói thẳng luôn là người Mỹ. Muốn làm người Hàn Quốc không phải cứ có hộ chiếu là được mà phải có bố mẹ người Hàn Quốc, đẻ tại Hàn Quốc, nói tiếng Hàn Quốc, ăn món Hàn Quốc và đi học trường Hàn Quốc ”. Sự bảo thủ này cũng khiến Hàn kiều e dè với việc về nước sống ( Hàn kiều còn thế, làm sao mẹ con cô dâu Việt Nam thành người Hàn Quốc được ? ) .


Một người bạn khác ( là người Hàn Quốc chính hiệu ) chia sẻ : “ Lúc ở nhà nghe nhiều người dặn, không được làm thuê cho Hàn kiều bên này, bọn họ bóc lột lắm, mà càng Hàn Quốc với nhau càng dễ nghe chửi, chúng mày người nước ngoài, chủ dốt tiếng Anh nên chửi ít hơn ” . Tôi hỏi : “ Nước mày giàu thế, sao sang đây đi làm thuê ? ” . Trả lời : “ Nhiều người đi lắm, nhất là đi Mỹ du học, để nhập cư, lấy quốc tịch Mỹ. Hàn Quốc giàu nhưng khó sống quá, áp lực nhiều, đàn ông thì phải đi nghĩa vụ quân sự bắt buộc, có thằng gốc Hàn Quốc, đời nó chưa bao giờ đặt chân lên đất Hàn Quốc, thế mà lần đầu về quê bố, nhập cảnh một phát là có giấy triệu đi nghĩa vụ quân sự liền. Tao còn bỏ dở nghĩa vụ quân sự sang đây học, chưa xong là chưa được từ bỏ quốc tịch Hàn Quốc. ”


Người bỏ đi thì đã đành nhưng cũng rất nhiều người muốn tìm về để nhận lại họ hàng thân thích. Với một quá trình lịch sử đầy những chia cắt như thế , người ta ước tính có khoảng  MƯỜI  TRIỆU  gia đình Hàn Quốc đã bị ly tán trong những năm Nhật chiếm đóng và chiến tranh Liên Triều.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét