Thứ Ba, 3 tháng 5, 2016
nếu như có thêm nhiều bài viết nghiên cứu về mối quan hệ đầy sóng gió vừa yêu vừa hận giữa 2 nước Trung Quốc - Nhật Bản hoặc Hàn Quốc - Nhật Bản là 3 nước có nhiều điểm chung với nhau từ văn hóa, lịch sử cho tới con người thì hay quá .
Chiến tranh Trung Nhật [ 1894 ] .
Hồ Bạch Thảo
( lược trích )
I. Nhật Bản gây hấn [ 1885-1894 ]
Ðộng cơ của cuộc vận động tự cường tại Trung Quốc nhằm đối nội và đối ngoại. Lúc đầu đối ngoại nhằm vào các nước Tây phương, đến năm 1874 trở về sau nước lân bang Nhật Bản trở thành đối tượng, càng ngày càng quan trọng. Thời Minh trị Thiên Hoàng duy tân, Nhật Bản đề xướng “ Tôn vương, nhương Di ” ; tôn vương để củng cố quyền Thiên Hoàng, nhương di để đề phòng Âu Mỹ, chính sách vẫn còn ở thế thủ. Ðến lúc duy tân thu được thành công bèn đối đầu với Trung Quốc, thái độ chuyển sang thế công. Trung Nhật không thể tránh được chiến tranh, đất Triều Tiên, chốn cạnh tranh của Nhật Bản tại châu Á, sẽ biến thành ngòi nổ.
1.1. Chính sách của Lý Hồng Chương tại Triều Tiên
Trung Quốc chú trọng đến Triều Tiên vì an toàn miền đông bắc có can hệ đến an toàn kinh đô Bắc Kinh. Cuối thế kỷ thứ 16, Nhật Bản tiến đánh Triều Tiên, mục đích lấy Triều Tiên trước rồi tiến sang đông bắc để kéo đến Bắc Kinh ; nhà Minh buộc phải dốc toàn lực tăng viện nên Nhật phải rút lui. Sau đó do hàng loạt nguyên nhân, nhà Minh mất miền đông bắc bởi nhà Thanh để đi đến chỗ diệt vong. Ðoạn lịch sử này nhà Thanh biết rất rõ nên quyết không để tái diễn. Nhật Bản mưu đồ Triều Tiên càng gấp thì Trung Quốc càng ra sức đề phòng.
Một mặt nước Nga từ khi chiếm được miền đông sông Ðiểu Tô Lý [ Ussuri River ] , lãnh thổ tiếp giáp với Triều Tiên nên càng sinh tâm dòm ngó. Sau biến cố năm Giáp Thân [ 1884 ] , viên Hiệp biện người Ðức Von Mollendorff trước kia được Lý Hồng Chương tiến cử đã phản lại Trung Quốc ; khả năng vì lợi ích của nước Ðức muốn dẫn Nga tiến về phía đông nên cùng dụ dỗ Triều Tiên thân Nga. Năm 1884, Nga - Triều ký hiệp ước, Mollendorff có công xúc tiến việc này nên được Nga hoàng ban huân chương. Tháng 2 / 1885 , Triều Tiên ký mật ước với Nga tại Hải Sâm Uy [ Vladivostok, Nga ], chấp nhận người Nga huấn luyện quân và sử dụng Vĩnh Hưng loan. Chẳng bao lâu tin tức tiết lộ ra ; ngoài Trung Quốc thì nước cảm thấy bất an nhất là Nhật Bản, thứ đến là Anh, Mỹ. Nhật Bản tự nhận rằng vẫn chưa đối địch nổi với Nga, nếu như Triều Tiên vào tay Nga thì không những khó chen chân mà ngay tại đất Nhật còn chịu sự uy hiếp ; ngược lại nếu như Triều Tiên nghe lời Trung Quốc thì không đáng lo vì sớm muộn gì cũng vào tay Nhật, do đó trước mắt không ngại gì, lợi dụng Trung Quốc làm trái độn để để phòng Nga.
Nước Anh muốn ngăn cản Nga tiến xuống phương nam bèn chiếm đảo Cự Văn [ Hamilton Island ] ; riêng Mỹ đối với Triều Tiên thì nhất trí theo chính sách của Nhật. Triều Tiên nhân bị Trung Quốc gây khó khăn, không dám thi hành mật ước Hải Sâm Uy bèn đổi sang mời Sĩ quan Mỹ huấn luyện nhưng Nga không cho phép. Công sứ Nhật tại Trung Quốc, Nhiễu Bản Vũ Dương, đề xuất phương án ứng phó ; đại để Trung Quốc cùng Nhật bàn bạc về vấn đề ngoại giao và dùng người tại Triều Tiên do Lý Hồng Chương lệnh Triều Tiên thi hành, chọn một viên quan lớn có khả năng tại Triều Tiên, gặp việc sẽ bàn bạc với Công sứ Nhật tại Hàn ; thoái chức viên phụ trách thuế vụ người Ðức Von Mollendorff, chọn một người Mỹ thay thế ; phóng thích Ðại Viện Quân để chế ngự phái thân Nga. Lý tuy không thích Nhật Bản đi sâu vào nội tình Triều Tiên nhưng trên nguyên tắc đã đồng ý.
Sau khi dẹp được cuộc biến năm Giáp Thân [ 1884 ] , Viên Thế Khải nổi tiếng. Nhân vì người Nhật vu là người đứng đầu gây hấn, Thống suất quân Trung Quốc, Ngô Triệu Hữu cũng bất mãn về việc Viên chuyên quyền quyết đoán và khoe tài đề cao bản thân nên tìm cách chèn ép ; Viên không yên với chức vụ, giận trở về nước. Nhưng Lý Hồng Chương đối với Viên càng thưởng thức tài năng thêm phần tưởng lệ ; Ðốc biện Triều Tiên, Ngô Ðại Trừng cũng khen lao rằng “ Kỳ tài trong thiên hạ ”. Khi Lý quyết định đưa Ðại Viện Quân trở về bèn giao cho Viên Thế Khải, khen Viên “ Tài năng khai triển, minh mẫn trung kiên ”, “ Túc trí đa mưu ”, “ Ðảm lược kiêm toàn, có thể nắm đại thể ”. Tháng 10 / 1885 Viên được chính thức giao chức Tổng lý Triều Tiên Ủy viên giao thiệp thông thương, từ Ðồng tri thăng lên Tri phủ, hàm tam phẩm. Từ đó mối quan hệ Trung Hàn chuyển sang giai đoạn mới, Lý là người quyết định sách lược, Viên là người thi hành. Lý đưa công việc nặng nề, giao độc quyền cho một thanh niên 29 tuổi ; có thể nói đây là cách dùng người phá lệ.
Mẫn Kỷ, người nắm quyền chính trị tại Triều Tiên, kết oán sâu với Ðại Viện Quân ; khi Viện Quân trở về, ra sức chế ngự, Ðại Viện Quân cuối cùng không khôi phục nổi quyền thế cũ khiến cho phái thân Nga càng thêm oán Trung Quốc. Từ đó trở về sau, Lý - Viên còn có thể thi triển được là do Nhật Bản tạm thời buông tay và người Anh giúp đỡ. Lý và Công sứ Nhật bàn tính rồi gửi thư cho Quốc vương Triều Tiên, khuyên đừng thừa nhận mật ước Hải Sâm Uy, giao cho người Mỹ phụ trách luyện binh, bãi chức Von Mellendorff ; dùng Ðại thần phái thân Hoa chủ quản ngoại giao, quân sự, tài chính. Sau khi triệt chức Mellendorff, Triều Tiên ưng thuận dùng viên thuế vụ người Mỹ tại Trung Quốc là Merill [ Hắc Hiền Lý ] làm Trưởng ty thuế vụ ; viên tiền nhiệm Lãnh sự Mỹ tại Thiên Tân là Denny [ Ðức Ny ] làm Hiệp biện phủ nội vụ ; cả hai người này đều do Lý Hồng Chương tiến cử.
Von Mellendorff chần chừ không ra khỏi nước, tiếp tục phá rối. Viên vạch trần kế xảo quyệt của người Nga để răn Quốc vương Triều Tiên và ép buộc đuổi Von Mellendorff. Năm 1886 , Quốc vương Triều Tiên lại gửi thư mật yêu cầu Nga bảo hộ ; Viên dọa sẽ mang quân hỏi tội, Lý cũng chuẩn bị lúc cần sẽ phế lập. Vua tôi Triều Tiên nhất mực biện bạch mật thư do ngụy tạo, nước Nga đối với nước Anh cũng tỏ vẻ dè chừng, bảo đảm không chiếm đất đai Triều Tiên. Lý, Viên chia nhau thuyết Quốc vương Hàn đừng hai lòng, y theo Trung Quốc cải cách nội chính.
Nước Mỹ tuy không chủ trương xâm chiếm Triều Tiên nhưng chính sách họ dùng không có lợi cho Trung Quốc. Ðại sứ Mỹ tại Hàn là Foulk [ Phúc Cửu ] thường loan truyền tin tức chống Viên Thế Khải, Viên chỉ thị cho Ngoại vụ Triều Tiên yêu cầu nước Mỹ cải chính ; đối với người chủ trương tự chủ Triều Tiên như Foulk thì cảm thấy rất bất mãn. Sứ thần Mỹ tại Bắc Kinh cũng chất vấn Tổng thự rằng Viên Thế Khải tại Triều Tiên thuộc loại chức vị nào ?
Nước Anh đối với Trung Quốc hợp tác không gián đoạn, không đặt Ðại sứ quán tại Hán Thành mà chỉ đặt Lãnh Sự quán, chịu sự tiết chế của Ðại sứ quán Anh tại Trung Quốc. Merill [ Hắc Hiền Lý ] giữ chức hải quan thuế vụ tại Triều Tiên do Robert Hart người Anh trực tiếp ủy phái, không khác gì đem quan thuế Triều Tiên sáp nhập vào hải quan Trung Quốc. Năm 1890 Triều Tiên mưu dùng Lý Tiên Ðức người Mỹ làm ty thuế vụ ; Robert Hart ra lệnh cho viên thuế vụ đương nhiệm cự tuyệt, gặp việc thì thương thảo với Viên Thế Khải.
Viên là người rất tham vọng quyền lực, cử Trương Tái bảo rằng lúc Viên mới đến Triều Tiên trong lòng muốn cai trị nước này, sau khi bình loạn năm Giáp Thân, Viên kiến nghị với Lý Hồng Chương nên thừa lúc này đưa viên chức lớn mang quân để thay thế quản lý nội trị và ngoại giao. Không đầy một năm, Viên trở thành người Trung Quốc có quyền lực nhất tại Triều Tiên ; không chỉ phụ trách thương vụ, còn kiêm cả ngoại vụ, vấn đề nội chính tại Triều Tiên cũng đem ra thương lượng với Viên. Ðại thần Triều Tiên có việc lớn đều đến Viên xin chỉ thị, hoặc có lúc Viên đến gặp Quốc vương. Cũng có lúc Viên đến dự hội nghị ngoại giao, thân phận y ở nhiều địa vị khác nhau. Mỹ, Nhật đều có lời trách phiền, riêng Lý Hồng Chương thì cho rằng đáng như vậy.
Năm 1887, Triều Tiên theo lời khuyên của Denny tự sai Sứ thần đến Mỹ và các nước Anh, Ðức, Pháp, Nga, Ý ; Viên bảo rằng phái Sứ thần đi phải xin phép Trung Quốc, Sứ đến nước nào phải chịu sự tiết chế của Sứ thần Trung Quốc tại nước đó ; cùng truy vấn việc đưa Sứ thần Phác Ðỉnh Dương đến Mỹ. Sau đó Lý Hồng Chương chấp nhận thể lệ thuộc quốc sai sứ đi nhưng Phác Ðỉnh Phương không tuân. Dưới áp lực của Viên, Denny phải từ chức, Phác Ðỉnh Phương bị triệu hồi, các Sứ thần được phái đi Âu Châu nửa chừng phài dừng lại. Lý Hồng Chương không quên việc trước đây khuyên Triều Tiên thông hiếu với ngoại quốc nhưng phải thông qua Trung Quốc.
Triều Tiên muốn vay nợ ngoại quốc, Viên yêu cầu từ nay trở về sau mượn ngân khoản phải được sự đồng ý của Trung Quốc. Viên và Robert Hart chủ trương giao cho Trung Quốc đảm bảo, thực tế chính phủ Trung Quốc cho thương gia Hàn, Hoa mượn tiền mua hàng tại Trung Quốc, rồi khi đến Triều Tiên giao nạp tiền cho quan thuế. Trong 10 năm về trước, Nhật Bản hầu như chiếm đoạt mậu dịch tại Trung Quốc ; từ năm 1887 Hoa thương mới dần dần ngóc đầu lên, đến năm sau có thuyền máy đi về từ Thượng Hải đến Nhân Xuyên [ Incheon, Triều Tiên ], rồi từ Nhân Xuyên đến Hán Thành. Ðiện thoại tại Triều Tiên cũng do Trung Quốc cho vay rồi đảm nhiệm thiết lập, các nước khác không được tham dự.
Tại Triều Tiên mọi sự đều do Viên Thế Khải can thiệp, địa vị giống như Giám quốc ; Triều Tiên ngoài mặt thì theo nhưng trong lòng phản đối, mấy lần xin thay đổi, nước Mỹ cũng có yêu cầu giống như vậy, nhưng đều bị Lý Hồng Chương cự lại. Lý Hồng chương tuyên dương Viên thực tâm gánh trách nhiệm, thao túng hợp cách, nên được tấn phong Ðạo viên. Năm 1892 lại khen công lao Viên “ trước hết chính danh phiên thuộc, đề phòng tiếm vượt ; trù tính phép tắc ngoại giao để khỏi xâm phạm, mọi việc đều liên quan đến thể chế, lợi hại. Hoặc trù hoạch trước, hoặc tùy cơ ứng phó, hoặc việc xong rồi bổ cứu ; không việc gì không giải quyết đến nơi ”. Viên là kẻ thừa hành, thành tựu của Viên tức là thành tựu của Lý, nói chung chỉ biết bảo vệ quyền bá chủ của Trung Quốc mà không đếm xỉa đến lòng tự tôn của Triều Tiên ; không những vua tôi Triều Tiên bất bình mà Nhật Bản cũng không thể ngồi yên mãi mãi.
1.2. Nhật Bản quyết tâm gây hấn
Năm 1885 , tại Nhật Bản đã có người chủ trương đánh một trận tại Triều Tiên và Trung Quốc. Y Ðằng Bác Văn cho rằng chớ nên mạo muội, Trung Quốc phát phẫn mưu đồ tự cường không phải là lời nói suông ; Nhật Bản cần kiến thiết nội bộ rồi xem tình hình mà hành động. Năm 1887 , bộ tham mưu Nhật Bản soạn “ Chinh thảo tình quốc sách ” đối Hoa tác chiến chủ trương dùng chủ lực tấn công Bắc Kinh, phân binh tiến đánh sông Dương Tử ; cuối cùng cắt lấy bán đảo Liêu Ðông [ Liaodong, Liêu Ninh ], Ðăng Châu [ Dengzhou ] tỉnh Sơn Ðông, quần đảo Ðan Sơn [ Zhoushan, Chiết Giang ], Ðài Loan, Bành Hồ [ Pengho ], cùng hai bên bờ sông Dương Tử ; lại chia cắt Ðông Tam Tỉnh, Mông Cổ, Tân Cương, Thanh Hải, Cam Túc, Hoa Bắc, Giang Nam ; dùng 5 năm để chuẩn bị rồi theo thời cơ mà phát động. Năm 1890, Thủ tướng Nhật Bản, Sơn Huyện Hữu Bằng, diễn thuyết ; chỉ Triều Tiên, Ðông Tam Tỉnh, Ðài Loan nằm “ trong vòng bảo hộ lợi ích ” của Nhật Bản. Năm 1892, kế hoạch khuếch trương quân của Nhật Bản hoàn thành, năm sau Thứ trưởng tham mưu Xuyên Thượng Thao Lục đích thân đến Triều Tiên cùng Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Nam Kinh để trinh sát. Năm 1885, Lý Hồng Chương nói rằng Nhật Bản phú cường cần thời gian trên dưới 10 năm ; hiện tại cách 10 năm không xa, Trung Quốc vẫn y nhiên nằm yên còn quốc lực Nhật Bản rất khả quan nên quyết chí gây hấn.
Vua tôi Triều Tiên thường có những lời chống Lý Hồng Chương, Viên Thế Khải nhưng ôm hận Nhật Bản rất nhiều. Năm 1889 có một vùng đất trong nước bị mất mùa, bèn cấm đậu, lương thực xuất khẩu. Nhật Bản yêu cầu bỏ lệnh cấm, bồi thường tổn thất cho thương nhân Nhật. Năm 1893 ra thông điệp cuối cùng , Thủ tướng Y Ðằng Bác Văn trực tiếp dọa nạt Lý Hồng Chương, sắp tuyệt giao với Triều Tiên nên Triều Tiên hứa sẽ bồi thường.
Vụ Kim Ngọc Quân bị giết càng gia tăng ác cảm giữa Hàn, Nhật. Sau sự biến năm Giáp Thân [ 1884 ] , Kim Ngọc Quân, Phác Vĩnh Hiếu trốn sang Nhật Bản, tiếp tục mưu đoạt chính quyền ; Triều Tiên yêu cầu Nhật Bản câu lưu nhưng bị cự tuyệt, bèn sai Lý Dật Thực và Hồng Chung Vũ lập kế hoạch ám sát, Viên Thế Khải biết dự mưu này. Tháng 3 / 1894 , Hồng Chung Vũ dụ Kim Ngọc Quân đến Thượng Hải, hai người trú tại khách sạn Nhật, ngày 22 Hồng bắn chết Kim Ngọc Quân tại nơi này bằng súng ngắn. Trung Quốc giao Hồng Chung Vũ và xác Kim Ngọc Quân cho Triều Tiên. Triều Tiên không đếm xỉa đến lời khuyến cáo của Sứ thần Nhật Bản, đem thây Kim Ngọc Quân xử lăng tr, và phong Hồng Chung Vũ quan ngũ phẩm. Riêng Lý Dật Thực mưu giết Phác Vĩnh Hiếu nhưng không thành, bèn chạy vào Sứ quán Triều Tiên tại Nhật, bị cảnh sát Nhật đến bắt rồi xử cực hình ; Sứ thần Triều Tiên bèn phản đối rồi trở về nước. Dư luận Nhật Bản hết sức khích động, cho rằng Kim Ngọc Quân bị giết rồi phân thây là do Trung Quốc sai bày, đối với Nhật Bản không có gì nhục hơn, cần dứt khoát tuyên chiến với Trung Quốc. Nhà đương cục Nhật Bản cho rằng lý do chưa đủ mạnh nên Thứ trưởng bộ tham mưu Xuyên Thượng Thao Lục xui tờ báo chủ trương xâm lược Trung Quốc là Huyền Dương Xã tạo thêm lý do về vụ đảng Đông Học.
Ðảng Ðông Học là một tổ chức cuồng tín tại Triều Tiên do Thôi Phúc Thành sáng lập, dùng các lý thuyết Nho, Phật, Lão, khởi sự từ đạo Khánh Thượng rồi lan ra các đạo khác. Đảng này chủ trương bài ngoại, bị chính phủ cấm ; nhưng dân chúng không chấp nhận hà khắc, rủ nhau gia nhập. Năm 1893 , đảng Ðông Học xin bỏ cấm nhưng bị quan địa phương bách hại nên đồng loạt nổi lên. Chính phủ Triều Tiên một mặt chiêu dụ, một mặt xin Viên Thế Khải giúp. Lúc này có tin đảng Ðông Học cấu kết với Kim Ngọc Quân, Viên Thế Khải cấp cáo Lý Hồng Chương, đảng Ðông Học bị giải tán ngay. Tháng 2 / 1894 , đảng Ðông Học lại cử sự một lần nữa, truyền hịch bốn phương “ Trục diệt Di Nụy ” , bài xích quan lại ngược đãi dân, tham ô nuôi béo bản thân. Lực lượng đảng Đông Học thắng lợi, phát triển mau, trên đường uy hiếp kinh đô Hán Thành. Triều đình Triều Tiên chấn hãi, điện cáo cấp xin quân Bắc dương cứu viện ; Lý Hồng Chương tâu xin phái Đề đốc Trực Lệ Diệp Chí Siêu, Tổng binh Thái Nguyên, Niếp Sĩ Thành mang quân đông viện, tiến đến huyện Nha Sơn nằm tại cánh trái vịnh Nhân Xuyên [ Inchong ].
Tháng 4 quân đội Nhật Bản bắt đầu hoạt động. Tháng 5, báo Huyền Dương Xã ngụy tạo một tổ chức mang tên “ Thiên hữu hiệp đoàn ” tiếp tế giúp đỡ đảng Ðông Học ; Ðại thần ngoại vụ Nhật là Lục Áo Tông Quang nhận định lúc này là cơ hội tốt để khôi phục lực lượng Nhật tại Triều Tiên. Ngày 2/6 , được tin Triều Tiên yêu cầu Trung Quốc mang quân đến dẹp loạn, Nhật Bản không hỏi Trung Quốc lấy lý do gì mang quân cũng cùng lúc mang quân đến Triều Tiên. Lục Áo ra lệnh cho viên Công sứ Nhật là Ðại Ðiểu Khuê Giới chủ động dùng quân sự. Ngày 10/6 , Ðại Ðiểu mang hơn 400 lục quân vào Hán Thành, khống chế thủ đô Triều Tiên, hải quân theo sau để bảo vệ giao thông đường biển.
Nhật Bản chỉ lo quân Trung Quốc không có mặt tại Triều Tiên để tạo tình thế đối kháng nên ngày 3/6 Ðại biện Nhật tại Triều Tiên cùng Lãnh sự Nhật tại Thiên Tân đến gặp Viên Thế Khải và Lý Hồng Chương biểu thị mong Trung Quốc mang quân đến Triều Tiên dẹp loạn. Một người vốn minh mẫn cảnh giác như Viên Thế Khải cũng cho rằng Nhật không có ý đồ gì khác, Lý cũng tin và không nghi. Công sứ tại Nhật Uông Phượng Tảo cũng cho rằng tình hình chính trị tại Nhật đang tranh luận ác liệt, ắt không rảnh để sinh sự. Lý một mặt ra quân, một mặt sai sai Uông thông báo Ngoại vụ Lục Áo rằng Trung Quốc theo lời xin của Triều Tiên cùng xét theo lệ đối xử với thuộc bang mang quân đến giúp, việc xong sẽ rút lui. Lục Áo phúc đáp rằng từ trước tới nay Nhật không thừa nhận Triều Tiên là thuộc quốc của Trung Quốc và Nhật cũng sẽ mang quân đến bảo hộ sứ quán, lãnh sự và thương dân. Cùng trong ngày [ 7/6 ] Ðại biện Nhật Bản tại Bắc Kinh là Tiểu Thôn Thọ Thái Lang đến gặp Tổng thự, Tổng thự bác việc Nhật Bản mang đại binh và bảo rằng việc này không do lời yêu cầu của Triều Tiên. Tiểu Thôn hai lần đến gặp Tổng thự bảo rằng Nhật Bản xuất quân căn cứ vào Nhật, Hàn cùng Trung, Hàn điều ước, chỉ muốn làm điều tốt, lý không thể chịu sự bó buộc của Trung Quốc.
Lý Hồng Chương phái 2000 lục quân đồn trú tại Nha Sơn, cách Hán Thành 50 dặm Anh về phía đông nam cùng 3 quân hạm, đóng tại Nhân Xuyên. Phía Nhật Bản, chuyến thứ nhất đưa binh lực gấp bội Trung Quốc, lại còn thêm 8 quân hạm. Trước khi quân Trung, Nhật đến nơi, đảng Ðông Học đã được chiêu phủ, Triều Tiên yên tĩnh khiến Nhật Bản mất chiêu bài dùng quân bảo hộ sứ quán, lãnh sự, thương nhân. Viên Công sứ Ðại Ðiểu Khuê Giới sợ các nước Tây phương chỉ trích, quay sang đàm phán với Viên Thế Khải để hai nước triệt binh. Từ ngày quân Nhật đến Triều Tiên, trong lòng Viên lo lắng vô cùng ; nay được lời đề nghị của Ðại Ðiểu, chính cầu mong mà chưa được, bèn chuẩn bị giải quyết. Lý Hồng Chương cũng cho rằng một khi quân Hoa triệt thì quân Nhật Bản cũng không còn cớ để ở lại nên lệnh quân tại Nha Sơn định kỳ hàng hải về nước. Nhưng viên Ngoại vụ Lục Áo Tông Quang quán triệt quyết tâm cầu chiến của chính phủ Nhật, huống đã ra quân, không thể không lập được thành quả gì mà rút lui. Y cho rằng việc thành bại do quân mạnh hay yếu nên ra lệnh quân đóng tại Nhân Xuyên tiến vào Hán Thành ; nhưng chưa tìm ra lý do gây chiến nên cố tạo ra cơ hội để biến chuyển cục diện.
Rồi viên Ngoại vụ Nhật đưa ra 3 điều :
– Trung, Nhật hiệp đồng bình định nội loạn tại Triều Tiên.
– Sau khi loạn xong, hai nước đặt Uỷ viên tại kinh thành, giám đốc tài chính và cai trị của quan lại.
– Chiêu mộ công trái để cải cách kinh phí tại Triều Tiên.
Tổng thự điện cho Uông Phượng Tảo trả lời rằng việc nội chính tại Triều Tiên do Triều Tiên tự cải cách, không nên can thiệp vào. Phượng Tảo gửi văn thư cho Nhật rằng “ Chỉnh đốn nội trị để Triều Tiên tự lo lấy, Trung Quốc chúng tôi không muốn can dự. Vả lại quý quốc đã công nhận Triều Tiên là nước tự chủ, sao lại can dự vào việc nội chính ? Còn việc hai bên cùng triệt binh, hoà ước Trung Quốc - Đông kinh vốn đã có chuyên điều, không cần phải bàn thêm nữa ”. Chính phủ Nhật Bản trả lời Uông Phượng Tảo rằng Triều Tiên thiếu tư cách độc lập, Nhật Bản là nước lân bang không thể không mưu cứu giúp.
Vào ngày 14/6 , y quyết định Trung Nhật cộng đồng cải cách nội chính Triều Tiên, tức cùng quản lý Triều Tiên không kể Trung Quốc có ưng thuận hay không ; nếu không cũng không triệt binh và tự đảm nhiệm lấy. Lục Áo tự cho rằng “ không muốn điều hòa mối quan hệ đã bị phá liệt mà muốn có cơ hội phá liệt hơn ; mới có thể thực hành quyết tâm cuối cùng ”. Mệnh Ðại Ðiểu đình chỉ đàm phán với Viên, cùng thông báo cho Uông Phượng Tảo, Tổng thự và Lý Hồng Chương.
Uông Phượng Tảo yêu cầu Nhật hãy cùng triệt binh trước rồi bàn luận chuyện nên làm sau. Lục Áo cho rằng khi Triều Tiên chưa yên ổn hoàn toàn thì quyết không triệt binh. Uông cho rằng việc chỉnh đốn nội trị đáng để Triều Tiên tự làm lấy, Trung Quốc không tiện can thiệp ; Nhật Bản đã thừa nhận Triều Tiên là nước tự chủ càng không có quyền can thiệp. Lục Áo bảo rằng ý kiến Trung, Nhật trái nhau, Nhật Bản có lợi ích rất lớn tại Triều Tiên ; chỉ trên giấy tờ hiệp định không đủ bảo đảm tương lai Triều Tiên ổn định ; dù cho cách nhìn của Trung Quốc bất đồng, Nhật cũng quyết không triệt binh. Vào ngày 22/6 , Lục Áo đưa thư tuyệt giao với Trung Quốc ; ngày hôm sau mệnh Ðại Ðiểu đơn độc chấp hành cải cách tại Triều Tiên, tức căn bản không đếm xỉa đến thái độ của Trung Quốc. Cải cách gồm 5 điều :
– Thứ nhất, cử người có khả năng.
– Thứ hai, chế tạo đồ dùng trong nước.
– Thứ ba, cải cách pháp luật.
– Thứ tư, cải cách binh chế.
– Thứ năm, chấn hưng trường học.
Triều Tiên yêu cầu quân Nhật rút trước rồi cải cách sau nhưng không được chấp nhận.
1.3. Thái độ của Nga, Anh và các nước khác
Năm 1885, nước Nga ra mặt đối kháng với Anh, lúc này Nhật Bản tạm thời bắt tay với Trung Quốc, lực lượng Nga tại Viễn Đông còn đợi tăng cường nên Nga chủ trương tạm thoái lui tại Triều Tiên. Năm 1891 quyết định xây đường sắt Tây Bá Lợi Á, cùng năm lập hiệp ước đồng minh với Pháp. Viên Ðại thần coi về tài chính Sergei Witte [ Uy Ðặc ] có ý đồ khống chế Mãn Châu, thôn tính Hoa Bắc, y biết rằng xung đột Trung - Nhật tại Triều Tiên không thể tránh được, tới lúc đó sẽ có ngày lợi dụng thu xếp lại giang sơn. Nhật Bản vốn kỵ Trung Quốc bành trướng tại Triều Tiên, lại sợ thế lực Nga đông tiến ; hy vọng có thể chiếm Triều Tiên để khống chế trước khi Nga làm xong đường sắt Tây Bá Lợi Á.
Lý Hồng Chương tán đồng Triều Tiên thiết lập ngoại giao với Âu Mỹ, ý muốn chế ngự Nhật, Nga. Sau khi Anh chiếm đảo Cự Văn, Nga thanh minh rằng không có ý định chiếm đất đai Triều Tiên, chứng tỏ chính sách của Lý có hiệu quả. Lúc Nhật Bản sắp mang quân đến Triều Tiên, Lý yêu cầu Công sứ Anh O’Conor [ Âu Cách Nạp ] tìm cách khuyên ngăn ; trong thời gian tranh luận về triệt binh, Lý cùng Tổng thự lại yêu cầu O’Conor điều xử, nhưng chính phủ Anh sợ Nga nghi kỵ nên không có hành động tích cực.
Ngày 20/6 , Lý Hồng Chương yêu cầu Công sứ Nga Cassini [ Khách Hy Ni ] cùng nước Anh giúp điều giải để Trung Quốc và Nhật Bản đồng thời triệt binh, Cassini đáp ứng nhanh và tích cực. Vài ngày sau tuyên bố, Nga đòi hỏi Trung Quốc và Nhật triệt binh ; nếu Nhật không tuân, cần phải dùng áp lực ; Tổng thự và Lý rất lấy làm an ủi. Sứ thần Nga Hitrovo [ Hy Ðặc Lạc Ốc ] tại Ðông Kinh đem việc triệt binh hỏi Ngoại vụ Lục Áo, viên này trách ngược Trung Quốc không giữ tín nghĩa, phải đợi sau khi Triều Tiên cải cách mới triệt binh. Hitrovo cảnh cáo hai lần, bị Lục Áo khéo léo cự lại và bảo rằng Nhật Bản không có ý xâm lược đất Triều Tiên ; đợi khi trật tự phục hồi sẽ triệt binh. Hitrovo không kiên quyết thêm, chỉ mong Trung - Nhật bàn bạc, không vi phạm điều ước giữa các nước và Triều Tiên .
Ngoại trưởng Nga Cách Nhĩ Tư qua điện tín chỉ thị Hitrovo rằng đối với Nhật chỉ dùng hữu nghị khuyến cáo, không nên trực tiếp can thiệp. Lý Hồng Chương thấy nhiều điều ngăn trở nhưng không buông xuôi, hỏi Công sứ Cassini rằng nếu như Trung - Nhật chiến tranh thì Nga sẽ làm gì ? Cassini trả lời Nga sẽ không buông tay. Nhưng thái độ Nga đầu cọp đuôi rắn, cuối cùng không có hành động quyết liệt ngăn cản Nhật.
Nước Anh đối với việc điều giải tuy lúc đầu không tỏ ra nhiệt tâm nhưng cũng không muốn Trung - Nhật tương tranh để riêng Nga hưởng lợi. Thấy Lý Hồng Chương và Công sứ Nga nhiều lần tiếp xúc bèn đổi thái độ, một mặt thương lượng với Nga, chủ trương các nước liên hợp điều giải, một mặt khuyên Tổng thự cùng Nhật bàn bạc chỉnh đốn chính trị tại Triều Tiên, Anh sẽ bảo Nhật Bản triệt binh ; Khánh Thân Vương Dịch Khuông chấp nhận đề nghị này. Công sứ Anh O’Conor nổ lực khuyên Khánh Thân vương hội đàm với Công Sứ Nhật tại Bắc Kinh Tiểu Thôn Thọ Thái Lang mấy lần ; nhưng Nhật đã có chủ tâm gây hấn nên cuối cùng không thành công.
Riêng Mỹ ngoài mặt chủ trương trung lập nhưng thực tế đồng tình với Nhật Bản; cho rằng cải cách Triều Tiên là thiện ý, phản đối các nước khác can thiệp và không tin Nhật sẽ gây chiến. Các nước khác như Pháp, Ðức thì tỏ vẻ bàng quan, đứng bên kia bờ nhìn nhà người khác cháy lấy làm vui.
1.4. Lý Hồng Chương tiến thoái cùng đường
Lý Hồng Chương từ lúc khởi đầu muốn tránh hành động quyết liệt với Nhật, chủ trương tích cực ngoại giao, trì hoãn quân sự, không hiểu rõ quyết tâm của Nhật Bản. Cái gọi là ngoại giao võng tưởng đến sự trợ giúp của Nga và điều giải của nước Anh nhưng không biết rằng Anh, Nga mỗi nước có hoài bảo và sự cố kỵ riêng. Sau khi Nhật Bản đề xuất yêu cầu cải cách chính trị, tại Nhật, Uông Phượng Tảo qua điện tín báo cáo rằng quân đội Nhật Bản chuẩn bị như có đại chiến, Trung Quốc nên tập trung binh lực để đề phòng. Lý sợ Nhật vin cớ để đánh nên không theo. Viên Thế Khải xin điều hải quân trước, cùng chuẩn bị lục quân ; Diệp Chí Siêu, chỉ huy quân tại Nha Sơn, cho biết quân Nhật tại Hán Thành và Nhân Xuyên [ Incheon ] chuẩn bị đánh ; Lý vẫn không chịu tăng quân, răn Diệp đừng chuyển quân về phía Hán Thành, tương lai nếu thêm quân thì “ chỉ làm mạnh quốc uy chứ không phải là chiến tranh ”.
Sau khi Ngoại trưởng Nhật Lục Áo Tông Quang gửi thư tuyệt giao lần thứ nhất [ 22/6/1894 ] , Lý Hồng Chương nói với Tổng thự rằng “ nếu ta điều thêm nhiều quân, Nhật lại tăng thêm, không dễ thu xếp ”. Hai ngày sau bảo Viên Thế Khải rằng nước Nga đã đòi Nhật triệt binh, chẳng lẽ Nhật không tuân theo ; lại mấy lần dặn Diệp Chí Siêu “ yên mà đợi, chớ có hành động càn ” ; cùng thông sức Ðề đốc hải quân Ðinh Nhữ Xương không cần xin đánh. Viên định hạ cờ trở về nước, Lý bảo nước Nga đang điều xử “ hãy nhẫn nại, tất có khu xử ”, vẫn tin rằng Nhật Bản không gây hấn. Viên tại Hán Thành nghe biết gần, đầu tháng 7, ba bốn, lần điện báo “ Nhật lập mưu đã lâu, chí rất quyết ; Nga, Anh có điều xử e rằng cũng vô ích, lại làm lỡ quân cơ ” ; cần điều quân Diệp qua sông Áp Lục hoặc Bình Nhưỡng,để đợi cử đại binh. Lý chỉ ra lệnh Diệp tùy cơ di chuyển vòng lên phía bắc nhưng vẫn không chủ chiến.
Trung khu cũng có niềm hy vọng tương tự như Lý Hồng Chương, cho rằng Nga Anh sẽ điều xử, mãi cho đến ngày 25/6 mới cảm thấy đối với Nhật “ lấy lời lẽ tranh biện không giúp ích gì ”. “ Hiện quân Nụy đã mang nhiều binh đến Hán Thành, tình thế hết sức cấp bách ” đáng kịp thời thi thố như thế nào, Lý Hồng Chương cần trù tính biện pháp, cùng hỏi Cassini “ có phương sách gì giúp ta giải quyết, hay chỉ nhìn ngó mà thôi ”. Vào đầu tháng 7, tình hình trở nên cấp bách, vua Quang Tự mấy lần ra chỉ dụ hãy trù bị chiến thủ và báo cáo về lực lượng hải quân ; Lý tâu khó có thể điều động hải quân, cần mộ riêng lục quân, lại bảo Cassini tỏ vẻ thực tâm, nước Nga còn có biện pháp. Sau đó 3 ngày, Lý đối Nga tuy thất vọng nhưng Tổng thự bắt đầu hy vọng ở Anh.
Ngày 14/7, Tổng thự nhận được thư tuyệt giao thứ hai của Nhật, chiếu thư ra lệnh Lý điều quân đến biên giới Triều Tiên, phòng biển tại các vùng như Lữ Thuận. Ngày 16, hội nghị các Ðại thần quyết định điều phái các quân, chỉ lấy danh nghĩa bảo hộ thương mãi để đợi người Anh điều đình. Vua Quang Tự một mực chủ chiến, nghiêm sức Lý tiến binh, không thể e sợ. Lúc này Công sứ Anh O’Conor đang điều đình, Cassini sợ sẽ thành công bèn thúc giục bộ ngoại giao Nga liên hợp với liệt cường yêu cầu Nhật Bản giải quyết hòa bình tại Triều Tiên, cùng báo tin cho Lý biết rằng nước Nga tiếp tục điều xử, thái độ rất cương quyết. Lý lại hy vọng ở Nga, bằng lòng cùng với Nhật Bản cải cách chính trị tại Hàn, nhưng Nhật thì quyết tâm thi thố sức mạnh với Trung Quốc.
Cũng cần chú ý đến các khuynh hướng nghị luận lúc bấy giờ, từ trung ương đến địa phương, không mãnh liệt hào hùng bằng thời chiến tranh Trung - Pháp. Trong các quan tại tỉnh, có Tổng đốc Lưỡng Giang Lưu Khôn Nhất ( 1830 - 1902 ) và Tổng đốc Hồ Quảng Trương Chi Ðỗng địa vị rất trọng yếu. Lưu Khôn Nhất cẩn thận, Trương Chi Ðỗng dám nói ; cả hai cũng không có chủ trương gì đặc sắc. Các quan tại kinh đô tuy có người chủ chiến nhưng số lượng không đông bằng trong cuộc chiến tranh 10 năm về trước. Vào trung tuần tháng 7, biểu tấu đưa lên tương đối nhiều ; hoặc yêu cầu Lý Hồng Chương một lòng quyết chiến ; hoặc bảo Trung Quốc huấn luyện hải quân đã gần 10 năm, Nhật Bản canh tân cũng chỉ 10 năm, quân Bắc Dương cần phải nỗ lực chống cự, nếu không thì trị theo quân pháp ; có kẻ xin mua gấp binh thuyền, hội đồng với thuyền Nam Dương, chạy lòng vòng theo biển Nhật Bản để chia thế giặc, cùng mang trọng binh đến Hán Thành ; hoặc cho rằng được, mất ở Triều Tiên liên quan đến đại cuộc, nếu ở thế tất phải đánh, thì chẳng có cách gì chuyển được mầm gây hấn.
Nay chỉ dựa vào ngoại quốc điều xử, lúc đầu dựa vào Nga, Sứ Nga không thành công lại dựa vào Anh, nếu Sứ Anh không thành thì dựa vào ai ? Xin sức Lý Hồng Chương tập trung binh lực, đối phó với sự việc “ làm tăng chí khí, sau đó mới nói hòa ; làm mạnh quân lực, nếu đánh cũng không ngại ”. Ðại thần tại Trung khu ảnh hưởng mạnh đến vua Quang Tự, đứng đầu là Ông Ðồng Hòa, thứ đến là Lý Hồng Tảo ; Ông vốn không tin cách thi thố của Lý Hồng Chương là đúng, Lý Hồng Tảo chủ trương đối ngoại cường ngạnh. Vua Quang Tự mới 27 tuổi, ý khí đương mạnh ; Từ Hy Thái hậu vốn giận Nhật Bản áp bức ; cả hai người không chấp nhận biểu thị sự nhu nhược.
Sở dĩ Lý Hồng Chương chần chừ không tiến vì biết rõ thực lực không đủ. Tháng 5 năm đó [ 1894 ] sau khi duyệt hải quân, Lý khen thao diễn thành thục, kỹ thuật tinh mật, pháo đài kiên cố, bố trí nghiêm chỉnh ; đây chỉ là văn từ quan dạng khen lao bề ngoài. Thực chất trước đó một tháng, Lý đã xin thay súng trên tàu bằng loại trọng pháo kiểu mới bắn nhanh ; mua thêm loại tàu kiểu mới chạy nhanh. Hải quân nha môn chấp thuận, trước hết đổi trọng pháo mới bắn nhanh trên hai tàu Ðịnh Viễn, Trấn Viễn nhưng thực hiện chưa kịp. Trong thời gian duyệt quân, Lý Hồng Chương từng xem các hạm đội Anh, Pháp, Nga tại Yên Ðài, thấy chiến hạm tinh xảo kiên cố nên bảo rằng tàu thuyền Tây phương mỗi ngày một mới, tung hoành trên biển, nước nhỏ như Nhật Bản cũng hàng năm thêm chiến hạm lớn ; Trung Quốc trong 6 năm trời không thêm được chiến hạm nào ; ý nói hải quân Trung Quốc không bằng Nhật Bản.
Lục quân chủ lực là Hoài quân, thành phần tinh nhuệ trú đóng tại vùng phụ cận Thiên Tân. Lý Hồng Chương thừa nhận 3 vạn Hoài quân dưới quyền “ lương hướng thiếu hụt, có mối lo rã ngũ ”. Hoài quân được huấn luyện theo kiểu Ðức trong vài năm, trường võ bị thành lập được 9 năm nhưng nội dung phần nhiều theo hình thức thao diễn. Về phần vũ khí, 60 - 70 % quân sĩ được trang bị súng, dạng súng có đến 10 kiểu. Có người cho rằng “ Hoài quân tướng giỏi quân mạnh đã bỏ đi đến 6 - 7 / 10 ; nay phần lớn tân tuyển, chưa từng ra chiến trận ”.
Lý Hồng Chương tuy không nhận ra quyết tâm của Nhật Bản nhưng tối thiểu biết nhược điểm của quân mình. Chu Phức Kiến, một viên Tham mưu cao cấp của Lý bàn rằng “ Nhật Bản nuôi chí đã lâu, lực quân Bắc Dương không chống nổi, phải trù tính đủ quân hướng cho ba quân, không khiêu chiến nhưng trì cửu chống lại, có thể hòa được thì hòa, tăng luyện quân mới 3 vạn, nếu không ắt thua ”. Lúc này Lý Hồng Chương là ông già 72 tuổi, chí khí suy vi, đi đến chỗ cầm cờ không vững, tiến thoái sa cơ.
II. Trung Quốc thảm bại [ 1894 - 1895 ]
2.1. Hải lục quyết chiến
Vào đầu tháng 7 / 1894 , lục quân Nhật Bản tại Triều Tiên có gần 1 vạn, quân Trung Quốc trú tại Nha Sơn [ đông nam Hán Thành khoảng 50 dặm Anh ] không đầy 3.000 người, vào giữa tháng Lý Hồng Chương quyết định tăng quân, tập kết tại Bình Nhưỡng [ Pyongyang ] ; lại mướn thuyền máy nước Anh chuyển thêm 2.000 quân đến Nha Sơn.
Cuộc chiến kết thúc, Trung Quốc mất 4 chiến hạm, tử thương hơn 1000 người ; phía Nhật Bản 3 tàu bị trọng thương, tử thương hơn 500. Từ đó quân chủ lực Nhật Bản được tự do đến bán đảo Triều Tiên, thâm nhập Liêu Đông [ Liaodong, Liêu Ninh ] , uy hiếp Bắc Kinh. Chiến dịch này quyết định cuộc chiến tranh thắng bại, cùng quyết định 40 năm mạt vận của Trung Quốc và nuôi dưỡng dã tâm xâm lược của Nhật Bản.
2.2. Triều đình nhà Thanh mưu hòa, Nhật Bản tiếp tục tấn công
Lý Hồng Chương vốn chủ trương thoả hiệp với Nhật ; Từ Hy tuy từng bảo rằng không thể tỏ ra yếu đuối nhưng cũng không muốn đánh vì còn nghĩ đến ngày lễ khánh thọ 60 tuổi tại vườn Di Hòa. Riêng Quang Tự muốn phấn chấn, thầy học là Ông Đồng Hòa cũng cầu mong chiến thắng để tạo lập uy thế cho Quang Tự, thoát khỏi sự khống chế của Từ Hy. Chủ hòa là những người đương quyền có thực lực, chủ chiến là những người luận bàn suông, ảo tưởng.
Sau các trận thảm bại tại Bình Nhưỡng, Hoàng Hải ; phái chủ hòa lập luận có chỗ dựa, riêng phái chủ chiến cũng bớt hăng. Kiến nghị xin dùng trở lại người đang còn uy tín là Cung Thân vương Dịch Hân được Từ Hy Thái hậu đồng ý ; đến cuối tháng 9, Quang Tự miễn cưỡng chấp thuận, ra lệnh cho quản lý Tổng thự, cùng tổng lý hải quân, hội đồng biện lý quân vụ. Về việc Lý giao thiệp với Nga, thủy chung vẫn tiếp tục ; vào tháng 8 nước Nga không hứa cho Nhật Bản phá hoại hiện trạng tại Triều Tiên. Sau cuộc chiến tại Hoàng Hải 7 ngày, Lý Hồng Chương báo cáo với Tổng thự rằng “ Ý của triều đình Nga vẫn không thay đổi, không muốn Nhật chiếm Hàn quốc. Quân hải lục của họ tại Hải Sâm Uy không thiếu, 2 tháng trước nước Nga đã điều động quân đến biên giới Hàn nhằm mục đích đợi chờ cơ hội ” . Từ Hy Thái hậu sai Ông Đồng Hòa đến Thiên Tân để tìm hiểu về tình hình đàm phán, Ông Đồng Hòa thấy rằng Nga không đủ để dựa, lúc trở về kinh đô chủ trương cùng viên Tổng thuế vụ người Anh, Robert Hart, tiếp tục xin nước Anh điều đình. Công sứ Nga Cassini lúc bấy giờ từ Yên Đài [ Yantai, Sơn Đông ] đến Thiên Tân, Lý nhiều lần thúc dục ; Cassini cho biết đợi đến lúc Trung Quốc ký hòa đàm xong, nếu Nhật vẫn tiếp tục chiếm Triều Tiên thì Nga sẽ có hành động, còn trước mắt tạm thời giữ trung lập.
Thái độ Ông Đồng Hòa đối với nước Nga có phần nghi ngờ, ít nhiều ảnh hưởng bởi Tổng đốc Trương Chi Đỗng, viên này vào trung tuần tháng 8 điều trần chủ yếu liên lạc với Anh nên ông đã kiến nghị tái xin nước Anh can thiệp. Đầu tháng 10, Cung Thân vương bàn luận với Robert Hart ; lúc này nước Anh không ngờ rằng hải lục quân Trung Quốc thất bại nhanh như thế, sợ triều đình Thanh sẽ dựa vào Nga, hoặc sụp đổ mau khiến Nga có thể chiếm vùng Mãn Châu nên đã thương lượng với các nước giúp điều đình để cho Triều Tiên độc lập, Trung Quốc chịu bồi khoản. Các nước Đức, Mỹ cho rằng thời cơ chưa tới, Nga, Pháp có mưu đồ riêng ; thậm chí dư luận tại Anh cũng phản đối áp chế Nhật Bản. Công sứ Anh O’Conor khuyên Lý Hồng Chương sớm nghị hòa, Lý yêu cầu trước tiên đình chiến rồi bàn đến tương lai Triều Tiên, cự tuyệt đòi bồi thường binh phí. Cung Thân vương đối với điều kiện nước Anh đưa ra tỏ vẻ ưng thuận ; Ông Đồng Hoà và Lý Hồng Chương phản đối, xin Từ Hy đợi Công sứ Nga Cassini tới thương lượng tiếp nhưng Từ Hy quyết ý mưu hoà. Nhật Bản càng đánh càng thắng nên không mãn ý với phương án của người Anh, chỉ muốn tiếp tục tiến công ; riêng Mỹ, Đức lúc này cũng lãnh đạm với việc điều đình để cho Trung Quốc bị đánh. Ngày 23 / 10 , Nhật phúc đáp cho Anh rằng lúc này chưa có ý hướng đình chiến.
Sau mấy lần binh bại tại Liêu Đông, vào đầu tháng 11 Cung Thân vương chính thức nhờ 5 nước Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Nga điều đình giúp ; điều kiện giống như nước Anh đã nêu ra. Nước Anh biểu thị không tiện tái thương lượng với Nhật, Công sứ Anh O’Conor nhân tiện tiến cử Robert Hart giúp Trung Quốc luyện binh để mong nắm được quyền lợi lớn về quân sự và tài chánh nhưng Cung Thân vương khước từ. Nước Đức cho rằng nguyên đề nghị của Anh chưa vị tất được Nhật đồng ý ; Nga, Pháp vẫn không tích cực, Mỹ đồng ý đem ra hỏi ý kiến Nhật nhưng không chấp nhận cùng liệu biện với các nước Âu châu.
Ngay trong cuộc chiến và trước đó, nước Mỹ đứng về phía Nhật Bản, hy vọng có thể giúp cho Triều Tiên độc lập, cùng chèn ép nước Nga ; nhưng không muốn Nhật Bản hành động quá độ khiến cho Trung Quốc sụp đổ, tình thế Đông Á trở nên hỗn loạn. Vào ngày Đại Liên mất [ 6/11 ] , Mỹ khuyến cáo Nhật rằng nếu Nhật tiếp tục tiến, các nước Âu Châu sẽ can thiệp ; vậy có muốn để cho nước Mỹ điều giải không ? Lúc bấy giờ trước mắt có thể chiếm được Lữ Thuận nên Nhật lấy cớ rằng Trung Quốc chưa chính thức xin hòa, Nhật cho rằng thời cơ chưa chín muồi. Đến lúc Lữ Thuận mất, Cung Thân vương đồng ý với Công sứ Mỹ Denby [ Điền Bối ] phương án, báo cho Nhật Bản biết rằng Mỹ đơn độc điều giải, cùng theo lời đề nghị của Lý Hồng Chương giao cho viên thuế vụ Thiên Tân Détring mang thư của Lý gửi cho Thủ tướng Y Đằng Bác Văn, nhưng Nhật Bản cự tuyệt tiếp nhận.
Lý Hồng Chương sắp xếp như vậy vì không muốn gửi viên quan lớn khiến cho người Nhật khinh bỉ, riêng Nhật cự tuyệt Détring vì cho rằng tư cách viên này không hợp. Vào tháng 12, Từ Hy Thái hậu và Cung Thân vương cải phái Thị lang bộ hộ Trương Ấm Hoàn cùng Tuần phủ Hồ Nam Thiệu Hữu Liêm trực tiếp đến Nhật xin hòa ; đồng thời Cung Thân vương cũng được cử làm quân cơ Đại thần tăng thêm quyền lực. Trương trước kia từng đi sứ tại nước Mỹ, hiện kiêm Tổng thự đại thần, Thiệu cũng đã trải qua nhiều lần liệu biện việc ngoại giao ; riêng phía Mỹ cũng tiến cử viên Quốc vụ khanh tiền nhiệm, John W. Foster [ Phúc Sĩ Đức ] , làm Cố vấn.
Vua Quang Tự và thân cận tả hữu đều phản đối hòa nghị, Cẩn phi, Trân phi, anh ruột là Chí Nhuệ, cùng thầy học Văn Đình Thức cũng đều như vậy. Sau chiến bại Bình Nhưỡng, Lý Hồng Chương bị xử phạt thêm, khi mất Lữ Thuận bị cách chức lưu nhiệm ; Từ Hy cũng giáng Cẩn Phi, Trân Phi xuống Quý nhân, đem Chí Nhuệ trị tội. Khi quyết định đem Trương, Thiệu đi nghị hòa, Ngự sử An Duy Tuấn đàn hặc Lý Hồng Chương thông với giặc bán nước, cùng chỉ rõ rằng ý kiến nghị hòa phát xuất bởi Từ Hy Thái hậu và Thái giám Lý Liên Anh. Hán Nạp Căn xin luyện thêm tân quân cùng mua pháo hạm ; nhưng hoàn cảnh nước xa không cứu nổi lửa gần nên bất đắc dĩ phải cải dùng Tương quân thay thế Hoài quân, cùng thay đổi Thống soái, dùng Tuần phủ Hồ Nam Ngô Đại Trừng phụ trách phòng ngự Sơn Hải quan [ Shanhaiguan, Hà Bắc ], Lưu Khôn Nhất làm Quân cơ đại thần, tiết chế các quân trong ngoài quan ải. Ngô từng khuyên Trương Ấm Hoàn “ xin khởi hành chậm một chút, để chờ tin chiến thắng ” ; riêng tại Thượng Hải có truyền đơn đả kích chuyến đi của Trương và Thiệu.
Huấn lệnh của triều đình nhà Thanh cho Trương, Thiệu bao gồm : hứa cho Triều Tiên tự chủ, không cắt đất, binh phí có thể bồi thường nhưng số lượng không quá cao ; các điều kiện Nhật Bản yêu cầu cần đợi chiếu chỉ để tuân hành, không được tự tiện chấp thuận. Những điều kiện của Nhật Bản, ngoại trừ Triều Tiên độc lập, cùng bồi thường, còn đòi hỏi cắt đất và những đặc quyền khác tại Hoa ; Nhật dự liệu rằng Trung Quốc không ưng thuận toàn bộ nên cần tiếp tục đánh. Vào đầu tháng 2 / 1895 , Trương, Thiệu cùng Y Đằng, và Ngoại vụ Lục Áo Tông Quang họp tại Quảng Đảo [ Hiroshima, Nhật ] ; Y Đằng cho rằng Trương, Thiệu không đủ toàn quyền, cự không khai hội, trách cứ Trung Quốc thiếu thành ý ; lại không cho Trương, Thiệu điện tín về nước. Hai bên gặp nhau mấy lần rồi ngưng, triều Thanh bèn sửa đổi quốc thư, cho Trương, Thiệu quyền đính ước, nhưng Nhật Bản vẫn khăng khăng không chịu.
Nhật Bản quyết tâm tiếp tục làm nhục Trung Quốc, công kích căn cứ thứ hai của hải quân Bắc Dương tại Uy Hải Vệ.
Cuộc chiến trên bộ tại miền đông bắc Trung Quốc tiếp tục tiến hành, quan quân tuy bại rút nhưng hương dõng dấy lên đề kháng ; các vùng Khoan Điện, Trường Điện, Tụ Nham thuộc Liêu Đông ; Liêu Dương, Hải Thành, Lữ Thuận thuộc Liêu Trung, Liêu Nam chống trả rất mãnh liệt. Tháng 2 / 1895 , quân Nhật 4 lần xâm phạm Liêu Dương [ Liaoyang, Liêu Ninh ], đều bị đánh lui. Tương quân 2 vạn, hợp đồng với quân Cát Lâm, Hắc Long Giang 3 vạn, phản công Hải Thành [ Haicheng, Liêu Ninh ] nhưng không thành công. Đầu tháng 3 quân Nhật tiếp tục chiếm được Ngưu Xã, Doanh Khẩu, Điền Xã Đài, giết đốt rất thảm ; Tương quân tổn thất quá nửa, Liêu Tây báo động, Bắc Kinh bị uy hiếp nặng. Cùng tháng này, hải quân Nhật Bản hướng đến Đài Loan; Bành Hồ không giữ được, lúc này cuộc đàm phán giữa Lý Hồng Chương và Nhật Bản bắt đầu.
2.3. Điều ước Mã quan nhục nhã khắt khe
Nhật Bản cự tuyệt Trương Ấm Hoàn, Thiệu Hữu Liêm đàm phán vì lý do nhân sự. Y Đằng Bác Văn nói rõ cho Ngũ Đình Phương biết Trung Quốc cần phái người có toàn quyền, một đại quan có danh vọng cao, tốt nhất là Cung Thân vương hay Lý Hồng Chương, đối với Sứ thần Mỹ tại Đông Kinh [ kinh đô Nhật ] cũng trình bày như vậy. Lúc bấy giờ Liêu Dương thế nguy, số phận Uy Hải Vệ mất trong sớm tối, vào ngày 10 / 2 , vua Quang Tự triệu Quân cơ đại thần đến gặp, nói trong tiếng khóc rằng thời thế như vậy, đánh hoặc hòa đều không có chỗ dựa. Từ Hy quyết định sai Lý Hồng Chương đi, ngày 13 trao chức Toàn quyền đại thần hàng đầu.
Phía Nhật Bản cũng không phải mọi việc đều toại lòng, nước Nga đã biểu lộ ý không muốn Nhật mở mang lãnh thổ tại đại lục, tình hình ngoại giao cũng có chỗ bất lợi. Về quân sự, mở mang nhiều chiến trường cảm thấy không đủ lực nên cũng muốn Trung Quốc sớm phái Sứ thần khác đến để giải quyết, cùng đem điều kiện đòi hỏi gửi trước cho Bắc Kinh để giúp cho Sứ thần mới được giao quyền chấp thuận. Đặc biệt đối với điều khoản cắt đất, Lý Hồng Chương tâu lên vua Quang tự rằng “ về việc cắt đất, không dám đảm nhận ” ; trong Quân cơ đại thần có người chủ trương rằng bồi thường nhiều hơn cắt đất, có người lại cho rằng nếu không cắt đất khó giải quyết xong. Kỳ thực bản thân Lý và Cung Thân vương không tuyệt đối phản đối cắt đất, điều lo là cắt chỗ nào thích hợp “ nếu bằng lòng cắt tại phía bắc thì ngại nước Nga, phía nam thì ngại Anh, Pháp ”.
Thanh triều và Lý Hồng Chương vẫn trông mong viện trợ từ bên ngoài, bèn chia nhau thương nghị với các nước. Lý Hồng Chương nói với Công sứ Anh O’Conor rằng nếu giúp cho Trung Quốc không mất đất đai thì nguyện giao cho nước Anh những đặc quyền về chính trị, quân sự, đường sắt, mỏ khoáng và thương vụ ; nhưng nước Anh đang chuẩn bị liên kết với Nhật nên khuyên Lý chấp nhận những điều Nhật yêu cầu. Công sứ Mỹ Denby khuyên đừng để ý đến sự can thiệp của các nước, cứ chấp nhận cắt đất và bồi thường ; sau này có thể dùng người Mỹ xây đường sắt, khai mỏ khoáng, lập ngân Hàng để tăng thu nhập. Nước Nga rất quan tâm đến việc Nhật Bản có chiếm Triều Tiên, Mãn Châu hay không, vì chưa biết được đích xác nên chưa hành động, chỉ nói nếu như Nhật Bản có tham vọng quá lớn, sẽ liên hợp với các nước can thiệp.
Nước Đức rất muốn chiếm nhiều quyền lợi về quân sự, buôn bán, hải cảng ; mong cho Trung Quốc khốn đốn càng nhiều thì cơ hội của nước này càng lớn. Nước Pháp dòm theo nước Nga đi trước, cũng đợi xem Nhật Bản chiếm lãnh đất đai tại chỗ nào rồi mới đem lời bình luận. Toàn bộ nguyện vọng của Thanh triều và Lý Hồng Chương do đó rơi vào không tưởng. Cho đến khi Uy Hải Vệ bị công hãm, Bắc dương hạm đội bị tiêu diệt, Nhật Bản có khả năng xâm phạm Thiên Tân, Bắc Kinh, vào ngày 3/3 Thanh đình cuối cùng trao cho Lý Hồng Chương quyền nhượng đất. Nguyên nhân nếu không làm như vậy “ thì mối nguy của đô thành chỉ trong gang tấc, lấy tình thế ngày hôm nay mà bàn thì tông miếu là trọng, nơi biên giới là thường ”.
Ngày 19 / 3 / 1895 , Lý Hồng Chương cầm giấy uỷ nhiệm toàn quyền của triều đình, đáp tàu Đức hiệu Công Nghĩa đến cảng Mã Quan 7, Nhật Bản ; để cùng Y Đằng, Lục Áo đàm phán tại lầu Xuân Phàm, Mã Quan. Trong số tùy viên có Lý Kinh Phương con của Lý, La Phong Lục, Mã Kiến Trung, Ngũ Đình Phương, cùng viên Cố vấn người Mỹ John W. Foster, người đã từng tham gia trong kỳ hội đàm trước.
Ngày 20 / 3 hai bên kiểm soát giấy uỷ nhiệm toàn quyền, cùng trao đổi ngắn.
Ngày 21 / 3 bắt đầu chính thức hội đàm, Lý yêu cầu cho đình chiến ngay, mong hai nước vĩnh viễn hòa hảo cùng duy trì đại cuộc Á Châu, nếu không thì có hại cho Trung Quốc mà cũng chẳng có ích cho Nhật. Y Đằng không thèm để ý đến, ngày hôm sau đưa ra điều kiện : Nhật Bản chiếm Sơn Hải Quan [ Shanhaiguan, Hà Bắc ], Thiên Tân [ Tianjin, Hà Bắc ], Đại Cô [ Dagu, Thiên Tân ] ; quân Trung Quốc tại những nơi này phải nạp khí giới ; đường sắt từ Thiên Tân đến Sơn Hải Quan do người Nhật quản lý, Trung Quốc phải đảm trách quân phí cho Nhật lúc đình chiến. Lý cho rằng điều kiện quá hà khắc, Y Đằng bức bách thêm rằng hẹn trong 3 ngày, phải triệt hồi yêu cầu đình chiến.
Ngày 24 / 3 , trong phiên hội nghị thứ ba, Lý ngồi kiệu đến lầu Xuân Phàm, bị một thích khách là cựu võ sĩ Nhật Bản muốn cuộc nghị hòa bất thành, dùng súng bắn vào má bên trái, máu chảy ướt y phục, ngất xỉu tại chỗ. Hung thủ trốn vào phố bên cạnh ; riêng viên đạn không vào chỗ hiểm, Lý Hồng Chương được thầy thuốc tháp tùng cấp cứu nên mau bình phục. Vụ đánh trộm này hóa ra giúp Lý. Y Đằng, Lục Áo sợ Lý lấy cớ bỏ về nước dẫn đến các nước Âu Châu can thiệp bèn hứa đình chiến, nhưng Đài Loan, Bành Hồ không nằm trong đó.
Ngày 1/4 , Y Đằng đưa ra điều ước rất độc hại, hẹn trong 4 ngày phải quyết định, Lý tu chỉnh thêm, mềm mỏng thỉnh cầu, hy vọng đoái tưởng đến hai nước từng giao thiệp lâu đời. Y Đằng vẫn đưa ra đòi hỏi rồi yêu cầu trả lời vắn tắt có hay không đáp ứng mà thôi, cùng uy hiếp Lý Kinh Phương rằng “ Nhật Bản là nước chiến thắng, nếu như đàm phán bị phá ; tôi ra mệnh lệnh, thì sự an nguy của Bắc Kinh không dám bàn thêm nữa ; lúc bấy giờ Toàn quyền đại thần Trung Quốc đến nơi đó có thể ra vào cửa thành một cách an nhiên hay không, điều đó tôi không dám bảo đảm ”. Điều mà Lý Hồng Chương và Bắc Kinh không thể tiếp thụ được là tiền bồi thường 3 vạn vạn đồng, cắt nhượng miền nam Phụng Thiên (bán đảo Liêu Đông) cùng Đài Loan, Bành Hồ.
Qua sự hăm dọa của Y Đằng, Lý đồng ý cắt 4 huyện giáp với Triều Tiên cùng Bành Hồ. Ngày thứ 10 , Y Đằng đưa điều khoản giảm một ít trừ Liêu Dương thuộc bán đảo Liêu Đông , bồi khoản cải thành 2 vạn vạn lượng, kỳ dư đều như cũ “ nhưng chỉ cần cho biết hai câu, ưng hay không mà thôi ”. Bắc Kinh hy vọng bồi khoản tái giảm cùng giữ lại miền bắc Đài Loan ; nếu không thể thương lượng thêm thì cho đính ước. Cuộc hội đàm lần thứ năm Lý đưa lời khẩn cầu cuối cùng nhưng Y Đằng không nhượng thêm. Vào ngày 17 / 4 / 1895 , cha con Lý Hồng Chương cùng Y Đằng, Lục Áo ký điều ước, tức Mã Quan điều ước.
Nội dung chủ yếu của điều ước :
– Thứ nhất, Trung Quốc thừa nhận Triều Tiên tự chủ, tức mặc nhiên hứa cho Nhật làm chúa tể Triều Tiên, Trung Quốc không được xen vào.
– Thứ hai, cắt nhượng phía nam Phụng Thiên cùng Đài Loan, Bành Hồ. Phía nam Phụng Thiên bao gồm cửa sông Áp Lục cho đến thành Phượng Hoàng [ Fenghuang, Liêu Ninh ], Hải Thành [ Haicheng, Liêu Ninh ], Cung Khẩu [ Yingkou, Liêu Ninh ], tức toàn bộ phía nam bán đảo Liêu Ninh ; Lữ Thuận, Đại Liên nằm trong đó. Đài Loan, Bành Hồ tức toàn tỉnh Đài Loan. Trước kia Trung Quốc từng mất đất cho Nga hoặc Anh toàn vùng xa xôi hoặc đảo nhỏ, lần này bị cắt đều là “ nơi quan trọng, màu mỡ ”.
– Thứ ba, bồi khoản 2 vạn vạn lượng, trong 3 năm phải giao đủ ; số tiền này gấp 7 lần tiền bồi thường cho Anh và Pháp trong các điều ước năm 1842 và 1860 , hơn gấp hai tiền thu nhập của Trung Quốc hàng năm. Triều đình nhà Thanh chỉ còn cách uống rượu độc cho hết khát với trăm thứ hạch sách, phải ngửa tay mượn tiền ngoại quốc khiến cho dân cùng lực tận. Nhật Bản ký điều ước này hưởng lợi tương đương với toàn quốc nước này thu nhập trong 3 năm, có thể dùng phát triển thực nghiệp, gia tăng quân phí để chuẩn bị xâm lăng Trung Quốc trong tương lai.
– Thứ tư, người Nhật được mở các xưởng công nghệ tại các cửa khẩu, chỉ nạp thuế hàng hóa đến cửa khẩu, không nạp thuế nội địa. Như vậy người Nhật có quyền lập công xưởng tại Trung Quốc, lợi dụng nhân công nguyên liệu Trung Quốc tại chỗ, sản phẩm được miễn thuế nội địa khiến công thương nghiệp Trung Quốc không có cách gì cạnh tranh, các nước Tây phương lại viện theo lệ đó mà làm. Lý Hồng Chương và Thanh triều ra sức tranh luận về việc cắt đất, bồi thường ; nhưng đối với điều khoản liên quan đến huyết mạch kinh tế thì coi thường bỏ qua.
– Thứ năm, mở các cửa khẩu Tô Châu [ Suzhou, Giang Tô ], Hàng Châu [ Hangzhou, Chiết Giang ], Sa Thị [ Sashi, Hồ Bắc ], Trùng Khánh [ Chongquing, Tứ Xuyên ] ; tàu thuyền Nhật được hàng hành trên các sông Trường Giang, Vận Hà, Ngô Tùng [ Songjiang, Thượng Hải ], khuếch đại phạm vi thâm nhập nội địa.
– Thứ sáu, lập riêng thương ước, hưởng đặc quyền lãnh sự tài phán cùng tối huệ quốc đãi ngộ; các quốc gia Tây phương trong dĩ vãng và tương lai hưởng được đặc quyền nào thì Nhật Bản cũng hưởng như vậy.
-Thứ bảy, quân Nhật chiếm Uy Hải Vệ 3 năm, chờ cho bồi khoản trả xong mới rút, Trung Quốc phải gánh vác 50 vạn lượng quân phí. Kể từ lúc này Nhật Bản không những là nước chủ yếu xâm lược Trung Quốc mà lại còn rất hung độc.
Sau khi ký xong điều ước Mã Quan, Lý Hồng Chương cảm khái nói “ Nhật Bản là mối lo suốt đời ”.
2.4. Nga, Đức, Pháp can thiệp
Trước và sau khi điều ước Trung - Nhật ký kết, người trong nước đau khổ giận dữ vô cùng, rầm rộ tranh luận ; đòi hỏi đừng thừa nhận, hãy tiếp tục chiến tranh. Tình hình quốc tế nhất thời có phần lợi cho Trung Quốc do nước Nga lãnh đạo can thiệp. Khi quân Nhật sắp tiến vào miền đông bắc, nước Nga đã có hành động nêu lên để thế giới biết. Tháng 12 Sứ thần Nga Hy Đặc Lạc Ốc báo cho Ngoại vụ Nhật, Lục Áo, biết rằng nếu như Nhật chiếm Đài Loan, Nga sẽ không phản đối, ngụ ý không hứa chiếm miền đông bắc Trung Quốc ; tháng 1 / 1895 Nga bắt đầu gia tăng hạm đội Thái Bình Dương. Sau khi phái đoàn Trương, Thiệu bị cự tuyệt, Hy Đặc Lạc Ốc lại gặp Lục Áo, hy vọng Nhật đừng khuếch đại đất đai tiến công tỉnh Trực Lệ. Tháng 2, Sứ thần Trung Quốc tại Nga là Hứa Cảnh Trừng được bộ ngoại giao Nga cho biết nếu như Nhật Bản đòi hỏi quá nhiều Nga sẽ hợp với Anh, Pháp can thiệp và có ý không để cho Nhật Bản chiếm đất. Đầu tháng 3 , nước Nga yêu cầu liệt cường liên hợp khuyên ngăn Nhật, Anh khéo léo từ chối liên kết. Nước Đức muốn hưởng quyền lợi và quân cảng tại Trung Quốc, từng ngỏ lời với Anh rằng nếu nước thứ 3 hưởng quyền lợi tại Trung Quốc, Đức cũng muốn hưởng thêm, mong Anh trợ giúp ; nhưng nước Anh xưng rằng không có ý định hành động tại Viễn Đông nên Đức quay sang Nga.
Viên Thị lang bộ ngoại giao Đức, trước kia từng giữ chức Công sứ tại Trung Quốc là Ba Lan Đức ủng hộ lập luận này, cho rằng như vậy sẽ chuyển thái độ Nga tại biên giới châu Âu trở nên hữu hảo hơn, lại có thể hướng Trung Quốc yêu sách để được báo đáp. Hành động của Đức chính là điều nước Nga mong ước. Lúc đầu quan Đại thần ngoại vụ Nga chỉ mong Nhật từ bỏ Lữ Thuận, nhưng Đại thần tài chính Uy Đặc Kiên chủ trương Nhật phải từ bỏ bán đảo Liêu Đông để cho đường sắt Tây Bá Lợi Á khỏi bị uy hiếp, lại có thể xuyên qua Mãn Châu rồi tiến thêm cải biến lãnh thổ Trung - Nga. Hải lục quân Đại thần nhất trí tán thành, cho rằng lúc này không tiếc việc cưỡng chế Nhật, có thể chuẩn bị một cuộc chiến. Nga Hoàng Ni Cổ Lạp đời thứ hai cho rằng việc chia cắt Trung Quốc không xa, ngày 15 / 4 / 1895 chính thức phê chuẩn. Nước Pháp là đồng minh của Nga, cũng lo rằng Nhật Bản quá phần đắc thế có thể nguy cho địa vị Pháp tại Á Châu nên chấp nhận theo nước Nga, như vậy tạo thành 3 nước kết hợp. Trước đó Ba Lan Đức khuyên Lý Hồng Chương không ngại cứ ký hoà ước, phải chăng viên Thị lang người Đức muốn đưa Nhật Bản lên lò nướng khiến nước Nga không thể không can thiệp.
Đối với động thái của Nga, Nhật vẫn thường chú ý, cho rằng Nga cố kỵ Anh Mỹ nên không tin nước này có hành động quyết liệt, bởi vậy Nhật có thể đưa hết khả năng ép buộc Trung Quốc tuân phục. Lúc bấy giờ giữa Trung Quốc và Nga không liên lạc gì nhiều, tuy nhiên trước khi Lý Hồng Chương đến hội đàm tại Mã Quan đã nhận được điện báo của Hứa Cảnh Trừng và qua Sứ thần Pháp biết được khả năng can thiệp của Nga và Pháp nên dự liệu rằng nếu như cắt nhượng Liêu Đông thì Nga sẽ ra mặt ngăn cản. Đối với triều nhà Thanh thì lợi ích của Liêu Đông và Đài Loan nặng nhẹ quá rõ ràng, nhưng Lý Hồng Chương trong cuộc hội đàm chỉ ra sức tranh luận đến Đài Loan, ít nói tới Liêu Đông, chắc trong lòng đã có sẵn biện pháp.
Cùng ngày ký điều ước Mã Quan, nước Nga chính thức yêu cầu Đức, Pháp can thiệp ; đòi Nhật Bản bỏ đòi hỏi bán đảo Liêu Đông. Ngày 23 / 4 tuyên bố hải, lục quân Nga đang trong thế khẩn trương. Ba ngày hôm trước triều đình Bắc Kinh đã nhận được tin tức từ Bá Linh [ Berlin, Đức ] nên chủ trương tạm thời không phê chuẩn điều ước. Tổng thự yêu cầu Nga, Đức, Pháp thương lượng giúp triển hạn. Nhật Bản cao ngạo, ngạc nhiên phẫn nộ, nhưng cân nhắc tình thế ; trải qua chiến tranh với Trung Quốc quân lính mệt nhọc, quân nhu thiếu thốn, không những không đủ sức chống lại 3 nước mà cũng không chống nổi nước Nga bèn một mặt quay sang Nga khẩn khoản thương lượng, một mặt cầu viện Anh, Mỹ. Nước Nga cự không nhượng bộ, Anh giữ trung lập, riêng nước Mỹ đáp ứng bằng cách khuyến cáo triều đình nhà Thanh phê chuẩn điều ước do Công sứ Mỹ Denby và viên Cố vấn John W. Foster làm áp lực tại Bắc Kinh ; Lý Hồng Chương cũng nói rằng nếu không phê chuẩn, chiến tranh sẽ xẩy ra. Ngày 2/5 vua Quang Tự cùng Ông Đồng Hòa “ nhìn nhau gạt nước mắt, sợ hãi nghẹn ngào ” rồi đem điều ước phê chuẩn. Vào ngày mồng 8 cùng tháng, trao đổi điều ước tại Yên Đài [ Yantai, Sơn Đông ] do John W. Foster trợ giúp lo liệu.
Chính sách của Nhật Bản, vạn bất đắc dĩ nhượng bộ 3 nước, riêng đối với Trung Quốc thì một bước cũng không nhường. Vào cuối tháng 4 , Lục Áo ngỏ lời với Nga rằng Nhật hy vọng giữ lại Lữ Thuận và Đại Liên, bằng lòng bỏ phần đất còn lại tại nam Liêu Đông, riêng Trung Quốc phải nạp thêm một số tiền chuộc. Nga kiên quyết giữ nguyên đòi hỏi, không chấp nhận Nhật chiếm một tấc đất tại đại lục. Vào ngày 7/5 Nhật Bản chấp nhận đòi hỏi của 3 nước nhưng yêu cầu trả tiền bồi thường 5 ngàn vạn lượng. Nước Nga cho rằng số tiền quá lớn, Đức cũng muốn lưu chút dư tình với Nhật nên không phản đối. Cuối cùng đồng ý giảm xuống 3 ngàn vạn lượng và nước Nga không phản đối việc nước Đức cho Trung Quốc mượn tiền. Ngày 8 / 11 , Trung Quốc ký Liêu Nam điều ước, mượn ngân khoản trả xong trong 8 ngày, quân Nhật triệt thoái trong vòng 3 tháng. Trung Quốc thu hồi bán đảo Liêu Đông nhưng cũng phải trả tăng thêm một số tiền bồi thường lớn.
III. Liệt cường mưu chia cắt Trung Quốc [ 1895-1900 ]
Từ Nha phiến chiến tranh đến chiến dịch Anh Pháp liên quân, thời gian 15 năm ; từ Anh Pháp liên quân đến quân Nhật lần đầu tiên xâm lăng Đài Loan cũng 15 năm ; từ quân Nhật lần đầu tiên xâm lăng Đài Loan đến chiến tranh Trung - Pháp, thời gian 9 năm ; từ Trung - Pháp chiến tranh đến Trung Nhật chiến tranh cũng đến 9 năm ; trong thời kỳ này Trung Quốc còn có những giai đoạn ngắn được nghỉ ngơi. Nhưng từ chiến tranh Trung - Nhật trở về sau, tình hình trở nên cấp bách, áp lực của ngoại bang theo nhau mà đến không còn một chút ngơi nghỉ, có thể nói đây là những năm tháng nguy cấp mất còn.
3.1. Liên quan đến hành động của nước Nga
Từ giữa thế kỷ thứ 19 trở về sau, sách lược của Nga đối với Trung Quốc không ngoài lừa phỉnh và uy hiếp, hy vọng không đánh mà thắng. Trước sau chiến tranh Trung - Nhật, nước Nga làm mưa làm gió, chính sách lật lọng thất thường. Sau khi can thiệp vào hành động của Nhật, Nga cho rằng có ơn với Trung Quốc, nước Anh lúc bấy giờ ở tình thế cô lập nên Nga ngang nhiên phóng túng hành động. Lúc này nước Nga có hai kế hoạch lớn, một mặt ép triều đình nhà Thanh vay tiền Nga, một mặt mượn đất xây đường sắt.
Trước chiến tranh Trung - Nhật, Trung Quốc mắc nợ nhiều ; trong thời gian chiến tranh trước sau mượn nước Anh 4.000 vạn lượng, sau chiến tranh phải nạp gấp tiền bồi thường cho Nhật, tất phải vay ; các nước Nga, Pháp, Đức, Anh đều muốn làm chủ nợ, nhất là nước Nga, tháng 5 / 1895 muốn cho mượn 1 vạn vạn lượng. Thanh triều muốn mượn Nga một nửa số, một nửa mượn các nước Đức, Pháp, nhưng Nga không chịu. Thanh triều hy vọng Nga có thể ép Nhật để bớt tiền chuộc Liêu Đông nên Nga lấy đó dùng để khống chế, bắt phải định số tiền mượn trước ; vào tháng 7 hợp đồng đính ước mượn 1 vạn vạn lượng, trong 30 năm phải trả xong, lấy tiền thuế quan đảm bảo. Sức mạnh chính trị của Nga cùng sức mạnh tài chính của Pháp hợp lại, mưu cùng khống chế Trung Quốc.
Nước Đức chưa được tham gia cho mượn, đối với Nga, Pháp sinh hiềm khích, nước Anh cũng tỏ ra bất mãn nên Sứ thần hai nước cùng kháng nghị với Tổng thự. Lúc này có lời đồn rằng người Pháp sắp thay thế Robert Hart nước Anh làm Tổng thuế vụ nên Sứ Anh đưa lời cật vấn. Số tiền mượn của Nga, Pháp chỉ đủ nạp tiền bồi thường cho Nhật lần thứ nhất và tiền chuộc bán đảo Liêu Đông ; lần thứ hai cũng cần giao nên phải tiếp tục mượn gấp. Các nước Anh, Đức, Nga, Pháp kịch liệt cạnh tranh cho vay ; Sứ thần Anh, Pháp đều trực tiếp yêu cầu Tổng thự. Qua Robert Hart điều giải, điều kiện của Anh, Đức có phần cởi mở ; tháng 3 / 1896 ký hợp đồng, số tiền vẫn là 1 vạn vạn lượng. Hai lần mượn tiền cũng không đủ trả xong tiền bồi thường cho Nhật, Tổng thự bèn gặp riêng Sứ thần các nước Anh, Đức, Nga, Pháp để thương lượng, nhưng điều kiện song phương đều khắt khe, Tổng thự không có cách gì chấp thuận. Nga Sứ nói nếu như không mượn tiền, Nga sẽ hỏi tội ; Anh Sứ cũng nói rằng nếu không mượn ngân khoản, Anh sẽ hành động ! Chẳng qua lúc bấy giờ nước Nga muốn mướn Lữ Thuận, Đại Liên làm tô giới, nên lấy việc cho mượn tiền để bắt ép. Tháng 3 / 1898 , hai nước Anh, Đức được chấp thuận cho mượn khoản tiền 1 vạn lượng.
Nước Nga quyết tâm chống lại sự can thiệp của Nhật, định xây đường sắt từ Tây Bá Lợi Á qua Mãn Châu đến cảng Hải Sâm Uy [ Vladivostok ] ; tuyến đường này không những giảm thiểu lộ trình, bớt tiền phí dụng ; về mặt kinh tế, quân sự còn khống chế phía bắc và đông bắc Trung Quốc. Muốn băng qua Mãn Châu, cách tốt nhất cần sự đồng ý của Trung Quốc ; bởi vậy sau 5 ngày can thiệp vào hiệp định Trung - Nhật, Nga quyết định phương án, sai người khám lộ tuyến, cùng thông báo cho Tổng thự. Tổng thự đề nghị Trung Quốc phụ trách đoạn đường sắt cho đến biên giới, nối tiếp với đường sắt Tây Bá Lợi Á, nhưng nước Nga yêu cầu cho mượn đất rồi tự xây ; Nga chú ý đến việc này hơn việc cho mượn tài khoản.
Sau khi 3 nước can thiệp được vài tháng, nhà đương cục Trung Quốc từ trung ương đến địa phương tỏ ra rất an ủi, muốn cùng Nga tiếp tục liên hợp. Trương Chi Đỗng cho rằng nước Nga “ hành động rộng rãi lỗi lạc ” xin ký mật ước với nước này để ép Nhật bỏ điều ước cũ, biếu Nga đất Tân Cương, hứa khuyếch trương thương vụ và các loại lợi ích khác. Lưu Khôn Nhất khen Nga “ dày tín nghĩa, có ơn với nước ta nhiều ” nên châm chước đất đai tiền bạc, nhường cho những tiện nghi. Lúc bấy giờ trong nước có phong trào liên Nga, mong được viện trợ từ cường quốc này. Cho đến tháng 10, nước Nga bắt đầu chính thức yêu cầu mượn đất xây đường sắt, mới biết rõ nước này không phải “ hành động rộng rãi lỗi lạc ”.
Nhân lễ đăng quang của Nga hoàng Ni Cổ Lạp đời thứ 2, triều Thanh cử Bố chánh Hồ Bắc Vương Chi Xuân làm chuyên Sứ đến chúc mừng ; nước Nga muốn nhân cơ hội này giải quyết việc mượn đất để xây đường sắt nên nhắn tin rằng địa vị danh vọng của Vương không xứng, xin cải phái một Thân vương hay Đại học sĩ đến ; nhân vật được chú ý là Lý Hồng Chương. Sau khi ký điều ước Mã Quan, quyền vị của Lý bị chôn vùi, phải rời các chức Tổng đốc Trực Lệ, Bắc dương Đại thần, từng giữ trong thời gian dài 25 năm ; bị các nơi công kích không ngừng, vua Quang Tự cũng rất ghét. Sau khi Lý từ Nhật Bản trở về Thiên Tân, tháng 4 vào kinh đô, làm một thành viên không nắm trọng trách trong nội các. Tại phong trào chủ trương liên Nga, tuy Lý không phát biểu rõ ràng, nhưng thái độ biểu đồng tình thì không ai nghi ngờ.
Phía Nga không hoan nghênh Vương Chi Xuân nên vào ngày 10 / 2 / 1896 do Từ Hy chủ trì, mệnh Lý Hồng Chương thay thế. Lý cũng muốn được gánh vác “ Nếu có ích trong việc giao thiệp với lân bang thì đâu dám sợ chuyến đi ra khỏi nước ; còn một hơi thở cũng đáng làm cuộc hành trình vạn dặm ”. Điều quan trọng về “ giao thiệp lân bang ”, tức cái mà Lý cùng Tổng thự đại thần Ông Đồng Hòa bàn đến là “ mật kết ngoại viện ”. Thêm vào sứ mệnh của Lý là tái tục bàn về cải cách thuế quan và đưa quốc thư chiếu chỉ đến các nước Anh, Đức, Pháp, Mỹ. Về tùy viên ngoài con trai Lý Kinh Phương còn có nhân viên ty thuế vụ Anh, Đức, Pháp, Mỹ làm Tham tán ; nhưng Lý đối với vấn đề thuế má không cảm thấy hứng thú.
Trước khi Lý Hồng Chương khởi hành đã từng mật đàm với Công sứ Nga Cassini ; khi Lý đến nơi được nước Nga tiếp đãi trọng thể. Sau 3 ngày tại kinh đô Nga, Saint-Petersburg, ngày 3/5 hội đàm với viên Đại thần lão luyện Uy Đặc. Uy Đặc trình bày trước kia nước Nga đã tương trợ Trung quốc như thế nào, nay muốn vĩnh viễn tương trợ, cần phải có đường sắt thông qua do nước Nga xây, vô luận về các mặt kinh tế hoặc quân sự đều quan trọng đối với Trung quốc. Lúc đầu Lý không đồng ý, sợ các nước khác bắt chước, chủ trương đường sắt tại Trung Quốc do Trung quốc liệu biện. Ngày hôm sau Lý yết kiến Nga Hoàng Ni Cổ Lạp thứ 2 ; Nga Hoàng đích thân đề cập việc làm đường sắt rất có ích cho Trung Quốc, nhưng một mình Trung Quốc làm sợ không đủ sức, hãy giao cho Nga Hoa ngân hàng lo liệu ; lời nói khiến Lý dao động.
Sau đó Lý cùng Uy Đặc tiếp tục thương nghị, từ việc xây đường sắt đến đồng minh ; Lý điện báo Bắc Kinh rằng “ Nước Nga muốn quan hệ hữu hảo với ta, nếu cự tuyệt họ sẽ ghét rồi gây hại. Đường sắt nếu thành, không kể kinh doanh lời hay lỗ, mỗi năm Trung Quốc đều được hưởng 25 vạn đồng ”. Triều đình Bắc Kinh hai ba lần khảo xét, tháng 5 mệnh Lý Hồng Chương ký kết. Vào ngày 3 / 6 / 1896 , Trung - Nga đồng minh điều ước ký kết với những điểm quan trọng như sau :
– Thứ nhất, nếu Nhật Bản xâm chiếm đất Trung, Nga hoặc Triều Tiên ; Trung - Nga hải lục quân hỗ tương hiệp trợ.
– Thứ hai, Trung - Nga cộng đồng cùng kẻ địch nghị hòa, một nước không thể ký hoà ước riêng với nước địch.
– Thứ ba, trong thời gian chiến tranh, binh thuyền Nga được ghé vào cảng khẩu Trung Quốc.
– Thứ tư, Trung Quốc chấp thuận Nga Hoa Ngân Hàng kinh doanh và liệu biện đường sắt tại Hắc Long Giang, Cát Lâm đến Hải Sâm Uy ; có hợp đồng đính ước riêng.
– Thứ năm, trong thời gian ngự địch, Nga có thể sử dụng đường sắt này để vận chuyển quân, lương thực, khí giới ; lúc thời bình có thể chở dân, chở lương.
– Thứ sáu, điều ước và hợp đồng có hiệu lực từ ngày phê chuẩn, thời hạn trong 15 năm ; sau khi mãn hai bên có thể bàn xem có nên tiếp tục hay không.
Đây là điều ước đồng minh lần thứ nhất giữa Trung Quốc và Nga, cũng là điều ước đồng minh lần thứ nhất giữa Trung Quốc với nước ngoài. Điều mà Thanh triều và Lý Hồng Chương chú ý là mượn Nga chống lại Nhật, phía Nga thì muốn làm đường sắt, còn thực chất cái gọi là đồng minh chỉ là lừa phỉnh. Từ đó vùng đất phía đông bắc của Trung Quốc dần dần biến thành phạm vi thế lực của Nga hoàng ; còn sau điều ước Mã Quan, bán đảo Triều Tiên thuộc thế lực của Nhật, lực lượng Nga Nhật sản sinh xung đột để rồi đến năm 1904 chiến tranh Nga Nhật bộc phát tại vùng đông bắc Trung Quốc.
Điều ước này gia tăng nguy cơ liệt cường chia cắt Trung Quốc. Có thuyết kể rằng Uy Đặc mưu hối lộ Lý Hồng Chương số tiền 300 vạn rub trao làm 3 lần, do cựu viên chức của Lý, Ouchtomsky, đương nhiệm Giám đốc Nga Hoa ngân hàng đảm trách. Thực ra việc Lý ký hiệp ước hay không còn ảnh hưởng mạnh bởi lý do báo phục hành động của Nhật sỉ nhục Lý trước kia, bởi vậy việc hối lộ chưa phải là lý do chính.
Nga Hoa Ngân Hàng là cơ cấu kinh doanh tại Viễn Đông, phần lớn tiền vốn từ nước Pháp . Tháng 9 , Trung Nga đính lập hợp đồng “ Nga Hoa Đạo Thắng Ngân Hàng Banque Russo-Asiatique ” , lấy tiếng là Trung Nga hợp tư nhưng quá nửa cổ phiếu nằm trong tay chính phủ Nga. Sau đó tiếp tục thiết lập “ Đông Tỉnh Thiết Lộ Hợp Đồng ” cho Hoa Nga Đạo Thắng Ngân Hàng kiến tạo và quản lý thiết lộ. Lại lập “ Đông Tây Thiết Lộ Công Ty ” do thương gia Trung, Nga mua cổ phiếu ; những đất nhường cho thiết lộ do công ty quản lý. Trên giấy tờ từ ngày thông xe trở về sau, trong vòng 80 năm ; lợi ích của thiết lộ thuộc công ty ; sau thời gian đó thuộc Trung Quốc. Tuy nhiên sự thực cổ phiếu của công ty đều nằm trong tay người Nga, thiết lộ do người Nga nắm giữ, phần đất dành cho thiết lộ chẳng qua là đất nước Nga chiếm giữ.
Sau khi Đồng Minh Điều Ước đính lập, Lý đến Bá Linh yết kiến vua Đức Wilhelm II von Deutschland, hội đàm với Thủ tướng Tỷ Tư Mạch, tham quan diễn tập hải lục quân. Sau đó đến Hà Lan, Tỷ Lợi Thì, rồi đến Ba Lê. Tháng 8 đến Luân Đôn, sự đón tiếp không bằng tại đại lục châu Âu nhưng cũng được yết kiến Nữ hoàng Victoria. Ngày 29 / 8 đến Nữu Ước [ Mỹ ], 3 ngày sau yết kiến Tổng thống Mỹ Cleveland ; rồi dùng tàu thủy băng qua Thái Bình Dương để trở về nước, tàu tuy ghé tại Nhật nhưng không lên bờ. Sau khi về đến kinh đô, vua Quang Tự vẫn không ưa Lý, nhưng qua sự che chở của Từ Hy Thái hậu lại được cử vào Tổng thự Đại thần.
3.2. Đức, Nga mưu thôn tính Sơn Đông, Đông Bắc
Đức sơ bộ được nhượng các tô giới Hán Khẩu, Thiên Tân để báo đáp việc 3 nước can thiệp điều ước Trung Nhật nhưng chưa vừa lòng ; trong 30 năm giao thiệp, nước Đức hằng mong muốn một căn cứ đóng quân. Khi mới can thiệp về vụ Nhật Bản, vua Đức Wilhelm II von Deutschland từng biểu thị nguyện vọng này với Nga Hoàng Ni Cổ Lạp thứ 2. Ngay sau khi nhận tô giới, Sứ thần Đức tại Nga cũng trình bày cho Sứ thần Trung Quốc lúc Lý Hồng Chương đến Bá Linh, Ngoại trưởng Đức cũng đưa ra đàm luận nhưng đều không có kết quả. Viên phụ trách thuế vụ người Đức tại Trung quốc Détring kiến nghị với chính phủ phát triển giao thông, mở rộng công thương nghiệp tại Trung Quốc, giúp nhà Thanh xây dựng lại quân đội, tăng cường thống trị, đòi quyền sử dụng các cảng khẩu. Chính phủ Đức tuy đồng ý nhưng muốn có một quân cảng riêng ; Détring lại tâu rằng Giao Châu Loan rất thích hợp, được Wilhelm II phê chuẩn ; viên Công sứ Đức Von Heyking [ Hải tĩnh ] hai lần hướng Tổng thự xin mướn nhưng đều không được chấp thuận.
Thái độ của Trung Quốc ra sao, nước Đức không xem trọng, nhưng Đức lưu ý về ý hướng của Nga. Năm 1895 nước Nga lấy cớ tàu cần trú qua mùa đông bèn cho tàu đậu tại Giao Châu Loan, Đức cũng muốn bắt chước. Tháng 8 / 1897 , Wilhelm II hội đàm với Ni Cổ Lạp thứ 2, từng đề cập đến việc Giao Châu Loan, Ni Cổ Lạp thứ 2 cho rằng lúc cần chiến hạm Đức cũng có thể đậu. Tháng 10 , Von Heyking báo cho Tổng thự biết rằng tàu Đức sẽ trú qua mùa đông tại Giao Châu Loan nhưng bị khéo léo từ chối. Ngày 1/11 xẩy ra việc 2 Giáo sĩ Đức bị bọn cướp giết tại huyện Cự Dã [ Juyezhen, Sơn Đông ] ; nước Đức dựa vào đó, ngày 14 cùng tháng, mang quân chiếm lãnh. Nước Anh thấy Đức có được Giao Châu Loan, thế lực song song với Nga nên ra sức chi trì. Nga thấy Đức được Anh ủng hộ nên không ngăn trở, lại dựa vào lệ đó để chiếm Lữ Thuận, Đại Liên tiện nghi hơn Giao Châu Loan. Nga Đức thương lượng với nhau, Đức không những tán thành mà lại còn thừa nhận Mãn Châu, Trực Lệ, Tân Cương thuộc phạm vi thế lực của Nga ; Nga cũng thừa nhận lưu vực sông Hoàng Hà thuộc phạm vi thế lực của Đức. Đức lại hướng Anh, Nhật thanh minh rằng không xâm phạm lợi ích nước Anh tại Trung và không tái phản đối Nhật triển khai tại đại lục.
Sau khi Đức chiếm đoạt Giao Châu Loan, Von Heyking lấy cớ giáo sĩ bị giết đòi phải tạ tội, bồi thường, cách chức Tuần phủ Sơn Đông Lý Bỉnh Hoành, giao cho nước Đức quyền xây đường, khai mỏ khoáng, ưng thuận cho mướn Giao Châu Loan. Tổng thự ưng thuận phần lớn, nhưng riêng Giao Châu Loan thì xin đổi một cảng khác tại phía nam. Von Heyking không nhượng một chút nào, quân Đức lại tiến chiếm Tức Mặc [ Jimo, Sơn Đông ] miền phụ cận. Tổng thự đem sự việc nhờ nước Nga thu xếp, việc làm rất có hại, chẳng khác gì hỏi cọp mượn da. Ngày 15/12 quân hạm Nga tiến vào Lữ Thuận, đưa lời rằng giúp Trung Quốc chống lại Đức khiến Tổng thự tin là thực. Sau đó Von Heyking đem sự việc trình bày với Nga trong cuộc đàm phán với Ông Đồng Hòa, Trương Ấm Hoàn, nhưng Nga đã được Lữ Thuận nên im miệng không phản đối. Ông Đồng Hòa bấy giờ mới tỉnh ngộ rằng đồng minh Nga đã thông đồng với Đức để phản lại Trung Quốc !
Vua Đức Wilhelm II diễn thuyết trước hải quân sắp sang Á Châu rằng “ Nếu như Trung Quốc ngăn trở, chúng ta hãy đánh lại ”. Ngày 3 / 1 / 1898 , Von Heyking cảnh cáo Ông và Trương nếu còn chần chừ sẽ dùng vũ lực, Nga, Pháp, Anh sẽ không ủng hộ Trung Quốc ; ngày hôm sau Tổng thự tiếp nhận toàn bộ điều kiện. Von Heyking thu được một tấc, tiến thêm một thước ; cho rằng trừng phạt quan địa phương chưa đủ nghiêm khắc, quyền kiến trúc đường sắt phải khuyếch trương ; Tổng thự đều chấp thuận. Ngày 6 / 3 / 1898 , Lý Hồng Chương, Ông Đồng Hòa cùng Von Heyking ký kết Trung Đức Giao Châu Loan tô tá điều ước, mướn 99 năm, trong vòng 100 lý người Đức có quyền tự do qua lại, cho phép Đức tu tạo 2 đường sắt : một đường từ Giao Châu Loan đến Tế Nam [ Jinan ] phía tây tỉnh Sơn Đông, một đường từ Giao Châu Loan qua Lỗ Nam [ Lunan, Sơn Đông ] ; những mỏ khoáng cách đường sắt trong vòng 30 lý, nước Đức có quyền khai thác ; riêng trong tỉnh Sơn Đông có công trình nào cần liệu biện, nước Đức có quyền ưu tiên. Ông Đồng Hòa bảo rằng như vậy đem lợi quyền toàn tỉnh Sơn Đông cầm hai tay dâng cho người, không nói ngoa chút nào !
Nga, Đức là hai nước đầu tiên chia cắt Trung Quốc sau cuộc chiến năm Giáp Ngọ [ 1894 ], từ đấy dấy lên cao trào phân cắt của liệt cường. Trung Nga đồng minh điều ước ký xong, miền bắc Mãn Châu đã vào trong tay Nga ; miền nam Mãn giàu có cùng với các cảng khẩu tốt Đại Liên, Lữ Thuận càng gây lòng ham muốn. Trong cuộc hội đàm với Lý Hồng Chương, viên Đại thần Uy Đặc từng biểu thị hy vọng tương lai đường sắt có thể xây đến các cảng tại nam Mãn nhưng chưa có kết luận ; y hy vọng rằng trong thời gian Lý Hồng Chương và Từ Hy tại thế, có thể giải quyết xong. Năm 1897 tiếp tục giao thiệp tại Bắc Kinh nhưng chưa thành. Sự việc tại Giao Châu Loan dấy lên, Nga và Đức dấm dúi âm mưu, quyết định số phận Lữ Thuận, Đại Liên, Giao Châu Loan, Mãn Châu và Sơn Đông. Khi chiến hạm Nga tiến vào Lữ Thuận, Lý vẫn tin rằng Nga sẽ không chiếm thước đất nào. Hai tuần lễ sau, viên Đại biện Nga Pavlov [ Ba Bố La Phu ] yêu cầu cho mướn cảng khẩu, xây đường sắt tại nam Mãn.
Nga và Đức tuy đã đồng tình nhưng cũng cần sự cảm thông của Anh và Nhật. Về vấn đề cho Trung Quốc vay tiền, Nga và Anh đã cạnh tranh kịch liệt, Pavlov mấy lần gây khó với Tổng thự ; chủ yếu muốn bức bách phải cho mướn Lữ Thuận và Đại Liên. Nước Anh muốn được cho vay tiền gấp, ngỏ ý thỏa hiệp với Nga ; nước Nga đồng ý nhường, lại hứa tàu thuyền các nước được tự do ghé cảng Lữ Thuận, Đại Liên. Trong tình trạng Nga Đức kết hợp với nhau, Anh không còn phản đối việc cho mướn Lữ Thuận, Đại Liên nữa, tự giữ Uy Hải Vệ để bù vào. Đối với Nhật Bản, Nga lấy Triều Tiên làm mồi ; sau chiến tranh Trung Nhật , thế lực Nga tại Triều Tiên tăng nhanh, nay Nga thanh minh triệt hồi Cố vấn nên Nhật cũng không soi mói việc làm của Nga tại Trung Quốc, thừa nhận Mãn Châu thuộc phạm vi thế lực của Nga.
Đầu tháng 3 / 1898 , khi Giao Châu Loan Tô Tá Điều Ước sắp ký, Đại biện Nga Pavlov bức bách Tổng thự phải chấp nhận yêu cầu, Bộ trưởng ngoại giao Nga cũng lên tiếng rằng trước ngày 27 / 3 phải ký kết, nếu không Nga tự hành động lấy, không đoái đến hữu nghị đồng minh giữa hai nước ; ngoài ra dù bất cứ nước nào ngăn cản cũng không kể. Vua tôi Quang Tự đành gạt lệ, không tìm ra được sách lược tốt hơn, chỉ biết tuân theo ngày nước Nga ấn định, ký điều ước cho mướn Lữ Thuận, Đại Liên 25 năm, lấy miền bắc các cảng khẩu này làm đất trung lập cho Đông tỉnh thiết lộ xây đường sắt nam Mãn Châu. Phạm vi vùng đất cho mướn bao quát cả Kim Châu [ Jinzhou, Liêu Ninh ], còn vùng đất trung lập lên phía bắc đến tận Cái Bình [ Gaizhou, Liêu Ninh ] ; nếu so sánh với đất nam Phụng Thiên cắt cho Nhật Bản trong điều ước Mã Quan thì phạm vi lớn nhỏ không xê dịch bao nhiêu. Có thuyết bảo rằng Lý Hồng Chương nhận được tiền Nga hối lộ 50 vạn rub, Trương Ấm Hoàn nhận được nửa số ; cả hai đều là thành viên ký điều ước. Sau sự việc này, vua Đức Wilhelm II von Deutschland mừng Nga Hoàng Ni Cổ Lạp thứ 2, ca tụng rằng đã làm chủ nhân Bắc Kinh.
3.3. Phạm vi thế lực của Anh, Pháp, Nhật
Sau cuộc chiến Trung Nhật, thanh uy của 3 nước Nga, Đức, Pháp nhất thời lên cực thịnh. Quá khứ nước Anh độc tôn, hiện tại thế cô lực đơn, bá quyền dao động ; Nga, Pháp chia nhau tiến từ bắc nam, hỗ tương hô ứng, thế lực nước Anh ở giữa, phải chống chọi hai bên. Năm 1895, nước Pháp bắt đầu nắm quyền ưu tiên khai mỏ khoáng tại Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, cùng xây đường sắt, thiết lập điện tuyến từ Việt Nam đến biên giới Trung Quốc ; có thể nói sau chiến tranh Trung Nhật năm Giáp Ngọ [ 1894 ], Pháp là một trong những nước có thế lực số một tại Trung Quốc. Anh ngăn cản không được, năm sau tìm cách thỏa hiệp, lợi ích tương lai tại Vân Nam, Tứ Xuyên hai nước cùng hưởng và cùng bang trợ lẫn nhau.
Năm 1897, Tổng thự đáp ứng yêu cầu của Anh cho mở các cửa khẩu Ðằng Việt [ Tengchong ], Tư Mao [ Simao ] tại Vân Nam, Ngô Châu [ Wuzhou ] tại Quảng Tây, Tam Thủy [ Sanshui ], Giang Căn Khư tại Quảng Đông, kiến trúc đường sắt từ Miến Điện tới Vân Nam. Nước Pháp lập tức yêu cầu xây đường sắt từ Việt Nam tới tỉnh thành Vân Nam, cùng khai triển đường sắt Việt Nam đến vùng Bách Sắc [ Baise ] phía tây tỉnh Quảng Tây, thực hành khai mỏ khoáng tại các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông ; lại không hứa cho các nước khác chứa than tại hải ngạn Quảng Đông và Hải Nam. Công sứ Pháp cho rằng bản thân ông không đạt được thành công lớn như vậy nếu không được Lý Hồng Chương giúp sức vì Lý coi Pháp như Nga vậy.
Đầu năm 1898, nước Anh yêu cầu kiến trúc đường sắt từ Miến Điện đến lưu vực sông Trường Giang ; mở các khẩu ngạn tại Đại Liên thuộc Phụng Thiên, Nam Ninh thuộc Quảng Tây ; không cắt nhường khu vực Trường Giang cho bất cứ nước nào ; vĩnh viễn dùng người Anh làm Tổng thuế vụ. Trong 4 điều, Tổng thự chấp thuận 2 điều cuối ; còn 2 điều đầu sợ Anh, Pháp phản đối nên không dám hứa. Anh mưu cùng Nga chia giới tuyến tại Trung Quốc, thế Nga đang thịnh nên bảo rằng tất cả vùng Hoa bắc nằm trong phạm vi của Nga, sớm muộn sẽ ảnh hưởng đến Trực Lệ, Thiểm Tây, Sơn Tây, Cam Túc. Nước Pháp tỵ hiềm việc nước Anh độc quyền lưu vực sông Trường Giang và giữ chức Tổng thuế vụ nên được Tổng thự chấp nhận không giao cho nước nào hoạt động tại vùng đất giáp Việt Nam và được phụ trách về bưu điện.
Trung Quốc bị phân cắt từ điều ước Mã Quan, căn cứ điều ước này, vào tháng 7 / 1896 Trung Quốc cải sửa thương ước, Nhật Bản được hưởng các đặc quyền như các nước Tây phương, trao đổi văn kiện vào tháng 10, được hưởng các tô giới tại Thiên Tân [ Tianjin, Hà Bắc ], Hán Khẩu [ Hankou, Hồ Bắc ], Hạ Môn [ Xiamen, Phúc Kiến ], Phúc Châu [ Fuzhou, Phúc Kiến ], Hàng Châu [ Hangzhou, Chiết Giang ], Sa Thị [ Sashi, Hồ Bắc ]. Chia cắt đến giai đoạn khẩn trương, vào tháng 4 / 1898 được Tổng thự chấp nhận độc quyền tô giới tại Phúc Kiến.
Nước Anh không thể ngăn trở Đức, Nga chiếm lãnh các hải cảng Giao Châu Loan, Lữ Thuận, Đại Liên, bèn quay ra thuận ý cùng hưởng đồng đãi ngộ nhắm mục đích chiếm Uy Hải Vệ [ Weihaiwei, Sơn Đông ]. Lúc bấy giờ Nhật vẫn đóng tại Uy Hải Vệ, Đức thì coi Sơn Đông là vùng đất cấm nên Anh cố làm vừa lòng 2 nước này bằng cách hứa với Nhật trong tương lai không ngăn cản yêu sách của Nhật tại Hoa, còn đối với Đức thì bảo đảm không xâm phạm lợi ích tại Sơn Đông. Nhật, Đức lợi dụng Anh, Nga đối kháng ; Nhật cũng muốn dựa vào Anh nên không có lời dị nghị. Lúc này Công sứ Anh MacDonald [ Đậu Nạp Lạc ] cảnh cáo Tổng thự rằng nếu không chấp thuận thì “ Thủy sư đề đốc nước Anh sẽ đến Yên Đài, sự việc sẽ không hay ” , lời hăm doạ không thua gì Đức, Nga ; Tổng thự chỉ biết tuân theo mệnh lệnh. Vào tháng 5 quân Nhật rút ra khỏi Uy Hải Vệ, quân Anh liền tiến vào chiếm cứ. Ngày 1 / 7 Trung, Anh ký kết điều ước mướn Uy Hải Vệ, thời gian tương đồng với điều ước Lữ Thuận.
Cùng tháng tư năm đó, nước Pháp yêu cầu mướn Quảng Châu Loan [ Guangzhouwan, Quảng Đông ] nhưng chưa nhất trí về giới hạn đất ; đến ngày 16 / 11 / 1899 mới đính lập điều ước, thời gian mướn 99 năm. Duy chỉ có một yêu cầu của Ý Đại Lợi mướn Tam Giang Môn tại Chiết Giang là không được chấp thuận.
Liệt cường tại Hoa cạnh tranh về quyền lợi ; các nước Nga, Đức, Anh, Pháp tranh chấp rất mạnh. Nga có được miền đông bắc, lại mưu khuếch trương phía tây sông Trường Giang. Tháng 5 / 1898 , Hoa Nga Đạo Thắng ngân hàng cùng Sơn Tây Thương Vụ cục lập hợp đồng xây đường sắt từ Thạch Gia Trang [ Shijiazhuang, Hà Bắc ] đến Thái Nguyên [ Taiyuan ] tỉnh Sơn Tây. Cùng trong ngày công ty Peking Syndicate của Anh cùng với Sơn Tây Thương Vụ cục lập hợp đồng xây đường sắt khai mỏ khoáng tại tỉnh Sơn Tây, sau đó một tháng lại lập hợp đồng với Hà Nam Dự Phong công ty để khai khoáng tại tỉnh Hà Nam. Ngoài ra các nước còn tranh nhau quyền ưu tiên khai khoáng, hai năm sau mỏ than, sắt tại Tứ Xuyên do Anh, Pháp hợp đồng khai thác; mỏ sắt, chì và đường sắt tại Sơn Đông đương nhiên thuộc quyền nước Đức, mỏ than Bình Hương [ Pingxiang ] tại Giang Tây do Đức cho mượn tiền khai thác.
Năm 1896 Trung Quốc thiết lập công ty đường sắt, bắt đầu thực hiện chương trình cho tuyến đường Lô Câu Kiều [ Lugouqiao, Hà Bắc ], Hán khẩu [ Hankou, Hồ Bắc ] bị gác bỏ từ lâu. Tiền phí tổn một nửa mượn Tây phương, đối tượng là Tỷ Lợi Thì, do Nga, Pháp đứng đằng sau chi trì. Anh, Đức, Mỹ nhất trí kháng nghị, riêng Anh cho rằng thế lực Nga, Pháp sẽ có mặt tại lưu vực sông Trường Giang nên phản đối quyết liệt ; nhưng cuối cùng hợp đồng Trung Quốc và Tỷ Lợi Thì được ký kết vào tháng 6 / 1898 . Ngoài tuyến đường sắt Lô Hán, Trung Quốc còn muốn xây đường sắt từ Thiên Tân qua Sơn Đông đến Trấn Giang dưới sự bảo trợ của Đức. Nước Anh bèn xác định phạm vi thế lực tại sông Trường Giang, một mặt thanh minh tôn trọng thế lực Đức tại Sơn Đông, đến tháng 5 / 1898 lại lập hợp đồng với Tổng thự cho mượn tiền xây đường sắt Hỗ Ninh. Đây là đoạn đầu con đường bộ nước Anh dự trù xây từ Thượng Hải đến Ấn Độ, qua các vùng An Huy, Hà Nam, Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Vân Nam, Miến Điện.
Nước Đức ngoài độc quyền xây đường tại Sơn Đông còn muốn chia quyền tại lưu vực sông Trường Giang. Nhưng nước Anh sau khi phản đối hợp đồng Lô Hán bị thất bại bèn nỗ lực phản đối tất cả dự án của các nước Nga, Đức, Pháp ; không những riêng tuyến đường Thiên Tân, Trấn Giang mà lại còn đề cập đến các tuyến đường từ Sơn Tây, Hà Nam đến sông Trường Giang ; Phố Khẩu [ Pukou ] tỉnh Giang Tô đến Tín Dương [ Xinyang ] Hà Nam ; Giang Tô đến Hàng Châu [ Hangzhou, Chiết Giang ] ; Cửu Long [ Hương Cảng ] đến Quảng Châu. Tháng 9 Tổng thự chấp nhận đường sắt Thiên Tân Trấn Giang do Đức, Anh cùng xây, Đức phụ trách phía bắc, Anh phía nam ; Anh thừa nhận khu vực Hoàng Hà thuộc phạm vi ảnh hưởng của Đức, Đức thừa nhận khu vực Trường Giang thuộc phạm vi ảnh hưởng của Anh. Tháng 10, Anh lập hợp đồng cho vay tiền xây đường sắt Quan ngoại nhưng bị Nga phản đối nên Trung Quốc phải tự túc xây. Tháng 3 / 1899 Anh Nga lập hiệp định, quy định đường sắt lưu vực Trường Giang do Anh kiến trúc, phía bắc Trường Thành do Nga kiến trúc.
Về vấn đề xây cất đường sắt, Mỹ cũng không đứng ngoài vòng. Năm 1898 Trung Quốc quyết định xây đường sắt Việt Hán, không chấp nhận cho Anh, Pháp, Đức phụ trách, tháng 4 ký hợp đồng với công ty Mỹ American - China Development Company, cùng ghi rõ nếu công ty Tỷ Lợi Thì không thực hiện hợp đồng tuyến đường sắt Lô Hán thì công ty này sẽ đảm nhiệm luôn.
3.4. Chính sách môn hộ khai phóng của Mỹ
Môn hộ khai phóng là chính sách nhất quán của Mỹ nhưng thực tế là do Anh đề xuất trước. Ý nghĩa đơn giản của môn hộ khai phóng là mở cửa cho liệt cường được hưởng quyền lợi bằng nhau tại các cửa khẩu. Trước cuộc chiến Trung Nhật, quyền lợi của nước Anh trải dài từ nam chí bắc ; nay tình thế đổi khác, miền đông bắc và trong ngoài Vạn Lý Trường Thành thuộc thế lực của Nga, vùng Hoàng Hà nằm trong thế lực của Đức, vùng đông nam thuộc thế lực Pháp, Phúc Kiến thuộc thế lực Nhật ; nước Anh chỉ còn thế lực tại lưu vực sông Trường Giang, hoạt động bị hạn chế rất nhiều. Vào đầu năm 1898, viên Đại thần nước Anh Joseph Chamberlain [ Trương Bá Luân ] mấy lần tuyên bố không chấp nhận cho các nước độc quyền cửa khẩu, duy trì nước Trung Quốc hoàn chỉnh, tự do thông thương, bảo đảm việc thực thi các điều ước ; quốc hội Anh cũng quyết nghị duy trì độc lập và lãnh thổ Trung Quốc nhưng không hiệu quả, sự tranh đoạt ngày mỗi mạnh, đặc biệt là Nga, Pháp. Anh và Nga không thỏa hiệp với nhau được nên Anh quay sang Đức đàm phán, nhưng Đức trước kia liên hợp với Nga khiến Nga thao túng miền đông bắc nên hiện nay cũng không muốn thỏa hiệp để cho Anh hưởng lợi. Anh đối với Mỹ là nước gần gũi chia sẻ lợi hại, cần kết làm đồng minh để giúp cho Trung Quốc khỏi bị chia cắt.
Trong vòng 20 năm, thế lực của Mỹ mỗi ngày một lên, việc mậu dịch với Trung Quốc cũng gia tăng gấp bội. Vào các năm gần khoảng 1900, dư luận nước Mỹ chú ý khuếch trương vùng Thái Bình Dương, nếu như Trung Quốc bị liệt cường chia cắt, đối với nước Mỹ có nhiều bất lợi. Trong khi liệt cường chiếm các cảng khẩu, chia nhau phạm vi thế lực thì nước Mỹ được quyền cho mượn ngân khoản để xây dựng đường sắt từ Quảng Châu [ Guangzhou, Quảng Đông ] đến Hán Khẩu [ Hankou, Hồ Bắc ]. Cùng năm [ 1898 ] Mỹ đánh bại hạm đội Tây Ban Nha tại Hawaii [ Hạ Uy Di ], chiếm Phi Luật Tân và đảo Guam. Báo chí Mỹ tuyên bố Phi Luật Tân là nơi người Mỹ trên đường đi đến Trung Quốc, rồi thôn tính, dẹp sự chống đối của người Phi. Nước Anh đối với Mỹ biểu thị cảm tình, sau cuộc chiến, thế lực Mỹ tại châu Á tăng cường.
Tháng 11 / 1898 , Joseph Chamberlain lại hô hào thị trường Trung Quốc nên khai phóng, lãnh thổ cần hoàn chỉnh, Anh Mỹ hợp tác có thể bảo vệ thế giới hòa bình ; Quốc vụ khanh mới nhậm chức của nước Mỹ John Hay [ Hải Ước Hàn ] vốn là Đại sứ tại nước Anh cũng đồng thuận. Tháng 12, Tổng thống Mỹ William McKinley [ Mạch Kinh Lai ] diễn thuyết trước quốc hội cho biết các cảng khẩu của Trung Quốc đã sa vào thế lực của các nước nhưng không được xâm phạm đến mậu dịch của Mỹ ; lời tuyên bố được hoan nghênh tại Anh. Tháng 1 / 1899 , nước Anh yêu cầu Mỹ chính thức hành động ; nhân vì Anh đối với Nga, Pháp không hòa mục, lại từng tham dự việc qua phân Trung Quốc nên mới yêu cầu Mỹ chủ trì yêu cầu liệt cường thực hiện môn hộ khai phóng. Người phụ trách thông điệp là người Mỹ tại Trung Quốc Rockhill [ Nhu Khắc Nghĩa ] và Hippisley [ Hạ Bích Lý ] người Anh từng giữ chức hải quan tại Trung Quốc.
Tháng 9 / 1899 , Quốc vụ khanh Mỹ John Hay thông báo cho các nước Anh, Đức, Nga ; tháng 11 lại thông báo cho Nhật, Ý, Pháp về môn hộ khai phóng. Nội dung : thứ nhất, không được can thiệp vào việc thông thương đầu tư của các nước tại tô giới hoặc vùng ảnh hưởng của nước có quyền tại tô giới ; thứ hai, thuế suất hiện hành tại Trung Quốc đối với hàng hóa của các nước khác tương đương với nước có quyền tại tô giới ; thứ ba, các nước mang hàng hoá đến hải cảng hoặc sử dụng xe lửa tại tô giới hoặc vùng ảnh hưởng, thuế má, tiền chuyên chở không được tính cao hơn nước có quyền tại tô giới. Nước Anh đồng ý trước tiên, duy chỉ cần các nước đồng loạt thi hành. Nhật, Ý không có ý kiến khác ; nước Pháp biểu thị nếu như các nước không phản đối thì cũng tán thành. Nước Nga tỏ ý hàm hồ không rõ ràng ; nước Đức lúc đầu nhìn ngó, sau đó đồng ý vì muốn buôn bán tại lưu vực sông Trường Giang. Ngày 20 / 3 / 1900 , Quốc vụ khanh John Hay tuyên bố tất cả các nước liệt cường đều đồng ý khai phóng môn hộ tại Trung Quốc.
Riêng đối với Trung Quốc, nước sở tại, trong thời gian nước Anh vận động môn hộ khai phóng, tức vào tháng 3 / 1898 , Ông Đồng Hòa cũng có chủ trương tương tự do Trung Quốc thi hành khai phóng cảng khẩu. Chủ trương nội dung là hứa cho các nước tụ tập thuyền, cho đặt điều ước chung ; không chiếm đất Trung Quốc, không xâm phạm chính quyền Trung quốc, không làm hỏng thương vụ các nước, bảo vệ chung đại cuộc tại Đông phương. Ông Đồng Hoà từng tham khảo với Công sứ Anh MacDonald [ Đậu Nạp Lạc ] được viên này đồng ý ; tuy nhiên không được các thành viên khác thuộc Tổng thự nhất trí, lý do sợ tổn thương quốc thể và để cho các nước có cơ hội gộp lại mưu tính Trung Quốc.
Thông điệp môn hộ khai phóng của John Hay vẫn công nhận phạm vi thế lực của từng nước, chỉ yêu cầu bình quân cơ hội đãi ngộ mậu dịch. Chính sách này chỉ có lợi cho Anh, Mỹ ; nhưng không đoái đến quyền lợi và lãnh thổ hoàn chỉnh của Trung Quốc, Trung Quốc vẫn y nhiên chịu sự phân cắt của liệt cường ; đối với Trung Quốc nó còn xa không bằng được phương án của Ông Đồng Hòa. Chẳng bao lâu sau biến cố Nghĩa Hòa Đoàn phát sinh, John Hay cảm thấy nội dung thông điệp quá hẹp, bèn bổ sung thêm phần công nhận hành chính lãnh thổ Trung Quốc hoàn chỉnh rồi gửi cho các nước.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét