Trang

Thứ Hai, 11 tháng 7, 2016




CIA thủ tiêu lính Mỹ ở Việt Nam .


( BBC tiếng việt )


Một cựu binh Hoa Kỳ vừa cáo buộc trong cuốn sách mới xuất bản rằng CIA đã có phi vụ bí mật giết hàng trăm binh lính Hoa Kỳ đào ngũ hoặc vắng mặt không phép.

Phóng viên Nguyễn Hùng của BBC đã đọc cuốn truyện hơn 300 trang cũng như nói chuyện với tác giả và kể lại. Phải nói rằng đó là câu chuyện thê thảm.

Chuyện kể về cái chết của 963 binh lính Mỹ vì những lý do khác nhau không muốn tham gia cuộc chiến và muốn ở lại Việt Nam cũng vì nhiều lý do khác nhau.

Họ cũng chết những cái chết đau đớn khác nhau dưới bàn tay của chính những người cùng quân ngũ.

Hay ít nhất đây cũng là cáo buộc của Trung úy Trent Young, một trong số nhóm mà ông nói là gồm 15 người được CIA chọn để thực hiện điệp vụ thanh trừng những lính Mỹ bị coi là phản bội Tổ quốc.

Cáo buộc được đưa ra trong cuốn truyện Và chuyện là thế đó ..... vào lúc trời vừa hửng sáng ( Nguyên văn tiếng Anh - And that's the way it was ..... By Dawn's Early Light ) .

Hơn 900 người lính đã bị giết theo những cách man rợ nhất, từ cắt cổ tới bắn vỡ sọ, theo lời tác giả kể lại. Họ bị lùng sục tại khắp nơi ở Sài Gòn và những vùng phụ cận và bị giết ngay tại chỗ.



Ông Young nói xác của họ nay nằm trong một nấm mồ tập thể cách sân bay quân sự Tân Sơn Nhất trước đây của Hoa Kỳ chừng 15 km.

" Lúc đầu chúng tôi định đem họ vào hỏa táng trong Sài Gòn. Nhưng rồi chúng tôi nghĩ chúng tôi sẽ phải giải thích tại sao lại có các xác người đó. Cuối cùng chúng tôi tìm ra một hố sâu tự nhiên và cho tất cả các xác người vào đó " .

Ông Trent Young, năm nay 52 tuổi và sống ở Phoenix ( Arizona ) nói Hoa Kỳ không muốn những thông tin mật bị rơi vào tay Hà Nội khi họ chiếm được Sài Gòn và vì vậy họ muốn thủ tiêu những người lính đào ngũ hoặc vắng mặt không phép ( tiếng Anh viết tắt là AWOL - absent without leave ) .

Tôi nói với ông tôi không thể tin được có chuyện như vậy.

" Đó là lý do tại sao mọi người đều cảm thấy đau buồn khi đọc chuyện này . "  - Ông nói - Nhiều bạn bè tôi không thèm nhìn mặt tôi sau khi đọc " .

Nhưng tại sao lại là con số 963 ? Tại sao ông nhớ được con số đó ? Nếu người ta đã quyết định giết bỏ những người đào ngũ thì còn đếm xác làm gì ?

Ông Young nói nhóm của ông được lệnh thống kê số người bị giết.

Khi tôi hỏi về con số 963 xác chết, ông hỏi lại tôi :  " Ông đã bao giờ nếm máu chưa ? Nếu ông đã nếm máu hay ngửi mùi xác chết, lần sau thấy máu hay mùi đó ông sẽ không bao giờ hỏi đó là cái gì. Ông sẽ không bao giờ quên. Tôi không bao giờ quên được " .

Ông Young khẳng định câu chuyện hoàn toàn là sự thật, nhưng để tránh bị buộc tội giết người và tránh phải " dành phần còn lại của cuộc đời theo đuổi các vụ kiện tụng " ông đã viết trong lời tựa cuốn truyện rằng độc giả hãy coi những gì ông viết là giả tưởng.

Sứ mệnh đặc biệt

Ông Young nói ông và 14 người khác từ khắp các đơn vị khác nhau trong quân đội Mỹ, từ các nơi khác nhau ở Hoa Kỳ và Đông Nam Á được triệu tập để thực hiện điệp vụ mà ông nói rằng diễn ra trong tháng 6 / 1973 .

Nhóm 15 người không được biết tên nhau và cũng chỉ làm việc với nhau trong thời gian 21 ngày rồi sau đó mỗi người một ngả. Họ truy tìm tất cả những lính Mỹ đào ngũ hay vắng mặt không phép tại Sài Gòn và những vùng phụ cận, tìm được ai ở đâu giết ngay tại đó.

Ông Young nói nhiều lính Hoa Kỳ khi đó đã " yêu Việt Nam, yêu những cô gái Việt Nam " và quyết định ở lại.

" Thật khó mà giải thích nổi tình yêu mà một số người lính Mỹ dành cho Việt Nam. Lúc đó chiến tranh khắc nghiệt nhưng Việt Nam là đất nước quyến rũ. Nhiều lính Mỹ đã yêu và lập gia đình với các cô gái Việt Nam.

Nhưng Chính phủ Hoa Kỳ không muốn họ trở về cùng vợ và gia đình. Họ cũng không muốn các thông tin mật sau này rơi vào tay miền Bắc " .

Tác giả nói trên thực tế khi đó có tổng cộng khoảng 1.800 lính đào ngũ và vắng mặt không phép. Ông nói ông không biết chuyện gì xảy ra với số còn lại.

Ông Young cũng nói trong 10 năm trở lại đây ông cũng có những lúc sợ CIA quay trở lại thanh toán ông, nhất là trong một năm vừa qua. Nhưng ông nói ông đã rất kín kẽ trong cuốn sách và ông cũng còn nấm mồ ở Sài Gòn làm bùa hộ mệnh.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã nói chuyện với ông, tôi vẫn không thể thuyết phục bản thân tin vào câu chuyện. Có thể nó là câu chuyện không thể tin nổi.

Lối thoát tinh thần

Ông Young nói nhóm 15 người thực hiện sứ mệnh của CIA đã không tìm ra được lối thoát cho bản thân về mặt tinh thần. Ông Young nói hàng ngàn lính Mỹ ở lại Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc.

Ông nói bản thân ông cũng trở thành vô dụng cho quân đội sau khi thực hiện phi vụ bí mật.

Một năm sau khi trở về Việt Nam vào năm 1973, ông thử nghề sỹ quan cảnh sát. Nhưng những ám ảnh của qúa khứ vẫn đeo đẳng khiến ông phải nghỉ việc. Ông quay trở lại với quân đội nhưng cũng không trụ được lâu.

Tôi hỏi hiện ông làm gì, ông nói ông " không muốn bàn về chuyện này " .

Ông nói ông viết cuốn sách cũng là để tìm một lối thoát, lời của ông - một  " mental out " . Ông nói : " Tôi mất 2 năm để viết cuốn sách này. Ngày nào tôi cũng khóc . Tôi thường thức tới tận 2 giờ hay 4 giờ sáng, quay trở về với hơn 30 năm trước đây. Tôi nghĩ về chuyện tôi đã thù ghét con người, thù ghét cuộc sống và về chuyện tôi là con người hèn hạ " .

Nhưng ông nói ông không một lần chất vấn mệnh lệnh của cấp trên. " Khi đó tôi nghĩ tôi đã làm điều tốt cho đất nước. Tôi sinh ra trong một gia đình sỹ quan. Tôi được dạy phải tuân theo mệnh lệnh. Tôi thậm chí còn không nghĩ đến chuyện chất vấn mệnh lệnh được giao nữa " .

Ông Young nói ông không tham gia chiến đấu ở Việt Nam mà chỉ tới để đảm bảo việc thực thi pháp luật trong quân ngũ trong những năm đầu thập niên 70.

Ông tới Việt Nam khi 18 tuổi và là thanh niên 20 tuổi khi tham gia vụ thủ tiêu mà ông kể lại.

Ông nói ông có nghĩa vụ phải giải thích cho các bà mẹ, những người vợ và những đứa con của những người lính xấu số.

" Làm sao họ có thể hiểu nổi khi hôm nay người thân của họ còn đó mà ngày mai đã đi đâu mất rồi. Nhiều con lai Hoa Kỳ nay đã ở tuổi 30 và họ cần biết chuyện gì đã xảy ra với cha của họ " .





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét