Trang

Thứ Hai, 4 tháng 9, 2017


nếu như sau này có  LUẬ T QUỐC  TẾ  nào bắt phải trả lại vùng đất lãnh thổ của các nước kế bên thì công lao của các bậc tiền nhân vua chúa đi khai phá lãnh thổ trước đây sẽ thành công cốc hết nhỉ  !! 


Đánh giá quá trình mở đất, phát triển kinh tế Đàng Trong thời Chúa Nguyễn .


( Hoa Anh Đào : lược trích )

Đặt vấn đề

Năm 1558, Nguyễn Hoàng từ vùng đất Tống Sơn ( Thanh Hoá ) đưa toàn bộ gia quyến cùng trung thần ở Thanh Hóa, Nghệ An theo đường biển vào trấn thủ vùng đất Thuận Hoá, nuôi ý đồ xây dựng cơ nghiệp lâu dài. Từ khi vào trấn thủ vùng đất Thuận Hoá, trước mắt bề ngoài Nguyễn Hoàng vẫn tỏ ra thần phục vua Lê – Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, việc cống nạp được duy trì đều đặn. Nhưng bên trong Nguyễn Hoàng ngấm ngầm tìm cách nhanh chóng khai phá dải đất “ Đàng Trong ”, tạo thực lực để đối chọi với tập đoàn phong kiến Lê – Trịnh về sau này. Ý đồ lớn lao đó được thể hiện qua lời trăng trối của Nguyễn Hoàng đối với con là Nguyễn Phúc Nguyên như sau : “ Đất Thuận Quảng phía Bắc có Hoành Sơn và Linh Giang, phía Nam có Hải Vân và Thạch Bi, địa thế hiểm trở, thật là nơi để cho người anh hùng dụng võ. Nếu biết dạy bảo nhân dân, luyện tập binh sĩ, kháng cự lại nhà Trịnh thì sẽ gây dựng được cơ nghiệp muôn đời ” .

Công cuộc “ Nam Tiến ” của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong không chỉ là sự sống còn của hoàng tộc mà còn là nhu cầu phục quốc mở mang lãnh thổ vào phương Nam. Chính từ nhu cầu thiết yếu đó mà nhà nước phong kiến Nguyễn ở Đàng Trong đã có những bước đi và chính sách hết sức tích cực, trước hết là tập hợp dân lưu tán từ khắp mọi nơi cấp phát tiền bạc đưa vào khai phá đất đai, phát triển sản xuất – hình thành xóm làng theo tập tục của người Việt. Việc làm này không chỉ giải quyết được gánh nặng của xã hội – dân lưu tán mà còn sử dụng họ như là một lực lượng tiên phong để khai khẩn vùng đất mới. Thành quả lao động của họ lại được củng cố bảo vệ thông qua các biện pháp quân sự của nhà nước, đóng quân đồn trú làm chỗ dựa cho dân chúng ; “ phiến loạn thì dẹp, xâm lấn thì trị ” ; kết hợp ngoại giao với ràng buộc để tạo thế yên ổn và cuối cùng toàn bộ thành quả đất đai khai phá được sát nhập vào lãnh thổ Đại Việt ..... 

Đánh giá về công lao của các chúa Nguyễn trong lịch sử dân tộc là điều cần thiết. Bởi trong một thời gian dài, như giáo sư Phan Huy Lê đã nhận định :    

“ Do những biến động lịch sử, cách nhìn nhận và đánh giá của hậu thế về vai trò của chúa Nguyễn và triều Nguyễn có rất nhiều thay đổi qua mỗi thời kỳ. Có khi một chiều ngợi ca, có khi phê phán, thậm chí mạt sát. Nhưng cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu “ nhận thức lại lịch sử ” đã trở thành nhu cầu của thời đại. ”

Hiện nay, trên các tạp chí nghiên cứu lịch sử, các diễn đàn, sách vở .....  đã có khá nhiều bài viết liên quan đến chúa Nguyễn. Trong bài viết lần này, chúng tôi hi vọng giúp độc giả có cái nhìn đánh giá tổng hợp về công lao của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong.




I. Chúa Nguyễn mở đất Đàng Trong

1. Bối cảnh lịch sử

Sau khi cục diện Nam – Bắc triều kết thúc thì đã hình thành nên cục diện Đàng Ngoài – Đàng Trong. Như vậy, đến giai đoạn này, quá trình mở rộng lãnh thổ của người Việt xuống phía Nam được thực hiện ở Đàng Trong thông qua những chính sách của các chúa Nguyễn.

Mở đầu cho công cuộc này, không thể không nhắc đến sự kiện : Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá ở tuổi 34. Theo ông là những người bộ khúc ( phụ tách địa phương ) ở Tống Sơn và nhân dân xứ Thanh Hoa. Nguyễn Hoàng dựng dinh ở Ái Tử ( Quảng Trị ) , lôi kéo được đông đảo nhân dân vào Thuận – Quảng với những chính sách ưu đãi, khoan hoà. Đại Nam thực lục tiền biên cho biết :“ Chúa vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng, được nhân dân mến phục, bấy giờ được gọi là chúa Tiên. Nghiệp đế dựng lên, thực là xây nền từ đấy ”.

Như vậy, từ những duyên cớ lịch sử mà Nguyễn Hoàng, với sự kiện vào trấn thủ ở vùng Thuận – Quảng, đã đặt những viên gạch đầu tiên trong sự nghiệp gây dựng nên xứ Đàng Trong. Dòng họ Nguyễn đã có công rất lớn trong việc khai phá vùng đất Nam Bộ mà trước đây là lãnh thổ của vương quốc Phù Nam.


2. Những nguyên do cho quá trình mở rộng về phía Nam của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Thứ nhất, xuất phát từ cuộc chiến tranh Trịnh –Nguyễn. Đó là cuộc chiến tranh mà các chúa Nguyễn đã xác định là không thể tránh khỏi, sớm muộn gì cũng xảy ra và đã diễn ra thì với mức độ rất quyết liệt, tàn khốc. Phía Bắc chịu sức ép của Đàng Ngoài, phía Tây là rừng núi hoang vu, hiểm trở, phía Đông là biển cả bất trắc, không còn cách nào khác là phải tiến về phía Nam để xây dựng chỗ đứng chân, phòng khi chúa Trịnh đánh vào và đồng thời biến đây thành nơi có thể cung cấp nhân tài, vật lực cho cuộc chiến. Có thể nói, đây là lý do quan trọng bậc nhất dẫn đến quá trình khai phá về phía Nam của các chúa Nguyễn.

Thứ hai, sự lớn mạnh vượt bậc đã khiến Đàng Trong như một người khổng lồ đã gò bó trong chiếc áo đã chật nên cần tìm một chiếc áo lớn hơn. Sự gia tăng dân số, sự phát triển kinh tế khiến nhu cầu mở đất của Đàng Trong trở nên cấp thiết. Nông nghiệp được xem là chỗ dựa lâu dài của Đàng Trong. Đất đai vùng Thuận – Quảng chật hẹp, không màu mỡ nên các chúa Nguyễn nhắm đến vùng đất phía Nam rộng lớn đất đai phì nhiêu, đã bị hoang hóa là một điều hiển nhiên.

Thứ ba, ngoài các nguyên nhân xuất phát từ nội tại , quá trình này còn được thúc đẩy thực hiện bởi những điều kiện khách quan thuận lợi. Sự suy yếu của Chân Lạp vào các thế kỷ XVI, XVII là một cơ hội thuận tiện để các chúa Nguyễn thực hiện quá trình mở mang lãnh thổ của mình bởi vùng Nam Bộ ngày nay, trước đây là lãnh thổ của vương quốc Phù Nam đã bị hoang hóa trở lại. Khi cộng đồng người Việt và người Chăm tới đây thì vùng đất này hầu như là một vùng đất hoang không có người ở. Đó là một nguyên nhân rất quan trọng để dẫn đến cuộc khai phá đất hoang về phía Nam của các chúa Nguyễn.

          
3 Những sự kiện chính trong quá trình mở đất của chúa Nguyễn.

3.1. Quá trình sáp nhập các tiểu quốc Champa vào Đàng Trong

Năm 1558, người Chăm Hoa Anh thường xuyên quấy rối, cướp bóc dân cư người Việt làm ăn sinh sống ở đây nên Nguyễn Hoàng sai Lương Văn Chánh tiến quân vào Hoa Anh, tới sông Đà Rằng đối phó với quân Champa, sáp nhập vùng đất này vào lãnh thổ Đàng Trong.

Đến năm 1611 , quân Champa ở Hoa Anh lại quấy nhiễu đánh phá, Nguyễn Hoàng sai Văn Phong vào Phú Yên đánh dẹp và thu phục tiểu quốc Hoa Anh vào lãnh thổ Đàng Trong, mở rộng Đàng Trong từ đèo Cù Mông đến đèo Đại Lãnh. Năm 1653, vua Champa là Bà Tấm đem quân vào đòi lấy Phú Yên, chúa Nguyễn Phúc Tần sai Hùng Lộc Hầu làm thống binh đem 3.000 quân đi đánh, thu phục vùng đất Khánh Hòa ngày nay. Năm 1675, Người Champa thường xuyên cho quân đánh phá đất Phú Yên, Nguyễn Phúc Tần cho quân đánh, vua Chăm là Bà Bật phải xin hàng, dâng đất cho chúa Nguyễn từ sông Phan Rang trở ra, Chúa Nguyễn đặt làm phủ Thái Ninh và dinh Thái Khang để trấn thủ.

Tháng 2 năm 1693 , nhân vua Champa là Bà Tranh chủ động tấn công vào vùng Khánh Hòa ngày nay ( tuyên bố bỏ lệ triều cống , “ làm phản, hợp quân, đắp lũy, cướp giết cư dân ở phủ Diên Ninh ) , chúa Nguyễn Phúc Chu đã ra lệnh cho Nguyễn Hữu Cảnh chỉ huy quân đánh dẹp, sáp nhập vùng đất còn lại của Champa lập nên phủ Bình Thuận. Như đã trình bày kể từ sau năm 1471 trở đi, Champa đã không còn tồn tại với ý nghĩa là một vương quốc độc lập nữa mà trở thành một đơn vị hành chính đặc biệt nhất của Đại Việt – một phủ có quyền tự trị tương đối và vẫn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với Đại Việt. Việc Champa suy yếu và lần lượt sáp nhập thống nhất vào Đại Việt là kết quả tất yếu của một quá trình, hình thành nên sự cố kết dân tộc, pha trộn bản sắc văn hóa giữa các cộng đồng dân cư cùng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.

          
3.2. Quá trình mở đất Nam Bộ của chúa Nguyễn

Vùng đất Đồng Nai được xem là vùng đất đầu tiên mà lưu dân Việt bước chân tiến vào khai phá Nam Bộ. Trước đó, Đồng Nai hầu như hoang vắng vào cuối thế kỷ XVI thì vào đầu thế kỷ XVII  đã trở nên sôi động với sự xuất hiện của lớp cư dân mới mà chủ yếu là người Việt từ vùng Thuận Quảng di cư vào.

Nguyên nhân của hiện tượng xã hội này chính là cuộc chiến tranh tương tàn của hai dòng họ phong kiến Trịnh – Nguyễn. Cuộc giao tranh quyết liệt kéo dài 175 năm trong đó có 45 năm đã diễn ra liên tiếp 7 trận đánh lớn cực kỳ ác liệt. Để phục vụ cho nhu cầu của cuộc chiến tranh giành giật quyền lợi này, đồng thời cũng để thỏa mãn nhu cầu xa hoa của giới quý tộc, các tập đoàn phong kiến Trịnh – Nguyễn thi nhau vơ vét cùng kiệt nhân lực, vật lực của dân chúng, gây nên cảnh đói khổ lầm than mọi nơi. Chỉ riêng xứ Đàng Trong, sự vơ vét bóc lột của phong kiến Nguyễn đã làm cho nhân dân vô cùng cơ cực lần than phải rời bỏ ruộng vườn làng mạc, phiêu tán đi khắp nơi để mưu sinh. Lê Quý Đôn ghi nhận : “ trong cõi đã xảy ra hạn hán và đói, dân phiêu bạt và chết đói rất nhiều ”.

Chính vì vùng đất phía Nam là vùng đất của vương quốc Champa đang suy tàn, và xa hơn nữa là vùng đất sau này có tên là Đồng Nai – Gia Định , một vùng đất màu mỡ nhưng hầu như vô chủ là nơi thu hút mạnh mẽ lưu dân Việt đi tìm đất sống. Vì vậy làn sóng di dân ngày một dâng lên. Trong số lưu dân Việt đến Đồng Nai, ngoài những nông dân nghèo khổ, đói rách là thành phần chủ yếu, còn có những người trốn tránh binh dịch, sưu thuế, binh lính đào ngũ, các tù nhân bị lưu đầy, thầy lang, thầy đồ nghèo và cả những người giàu có nhưng vẫn muốn tìm vùng đất mới để mở rộng công việc làm ăn và giàu có thêm.

Những lưu dân Việt thuộc lớp tiên phong đi vào vùng đất mới Đồng Nai – Gia Định lập nghiệp làm thành nhiều đợt trước cả thời Trịnh – Nguyễn phân tranh , nhưng dâng lên thành làn sóng mạnh mẽ hơn vào cuối thế kỷ XVI , đầu thế kỷ XVII . Phần đông họ chọn phương thức tự động, đi lẻ tẻ, cả gia đình, hoặc những người khỏe mạnh đi trước tạo dựng cơ nghiệp rồi đón cả gia đình đến sau, hoặc một vài gia đình cùng cả xóm kết nhóm với nhau cùng đi. Phần lớn họ chọn thuyền buồm hay ghe bầu làm phương tiện di chuyển chính bởi lúc bấy giờ di chuyển giữa các phủ miền Trung với Đồng Nai – Gia Định chủ yếu là đường biển, một số người phải trèo đèo lội suối đi đường bộ, đi dần từng chặng một, đến một địa phương ở lại một thời gian, thấy bám trụ được thì ở lại lập nghiệp, bằng không đi tiếp và lần hồi cũng tới vùng đất mới Đồng Nai.

Tiến trình nhập cư của lưu dân Việt vào vùng Đồng Nai – Gia Định từ lẻ tẻ, rời rạc, dần dần đã trở thành quy mô lớn. Những lưu dân Việt từ việc lập những làng xóm nhỏ trên vùng đất Đồng Nai đã thôi thúc các chúa Nguyễn đặt những bước tiến lớn hơn trên vùng đất này.

Sự kiện quan trọng có ý nghĩa mở đầu cho mối quan hệ chính thức giữa Chân Lạp và Đàng Trong cũng như đối với quá trình mở đất của các chúa Nguyễn là cuộc hôn nhân ngoại giao giữa vua Chân Lạp là Chettha II với công chúa Ngọc Vạn vào năm 1620 .

Đầu thế kỷ XVII, khi mà uy thế của chúa Nguyễn đã lan vào cả đất Nam Bộ thì việc tìm đến chúa Nguyễn như một cứu cánh đã xuất hiện đối với vương triều Chey Chettha ( 1618 – 1625 ) nhằm đối trọng với Ayuthaya.

Cuộc hôn nhân mang màu sắc ngoại giao giữa Chettha II với công chúa Ngọc Vạn vào năm 1620 là sự kiện có ý nghĩa xác lập cho mối bang giao giữa Chân Lạp và Đàng Trong một cách chính thức, đồng thời đặt dấu ấn cho công cuộc mở đất tới vùng Đồng Nai nói riêng và Nam Bộ nói chung của các chúa Nguyễn. Cuộc hôn nhân này đã mở ra nhiều sự thay đổi đối với vận mạng của Chân Lạp và đem đến cho Đàng Trong những bước tiến diệu kỳ trên con đường mở mang bờ cõi. Đó là những điều kiện vô cùng thuận lợi cho các chúa Nguyễn thực hiện công cuộc mở đất ở Đồng Nai nói riêng và Nam Bộ nói chung.

Những xúc tiến cho công cuộc mở đất của các chúa Nguyễn vào Gia Định, Mô Xoài, Đồng Nai đã được đẩy mạnh ngay sau cuộc hôn nhân này. Sau đó là những giúp đỡ thường xuyên của chúa Nguyễn Phước Nguyên cho Chân Lạp. Thậm chí, chúa Nguyễn còn gửi cả quân đội và chiến thuyền đến giúp Chân Lạp chống lại các hoạt động chiến tranh và gây sức ép của quân Xiêm khiến cho liên minh giữa Chân Lạp và Đàng Trong ngày càng chặt chẽ hơn. Mặt khác, công chúa Ngọc Vạn, bấy giờ đã trở thành hoàng hậu của Chân Lạp, thường đề nghị với chồng để tạo điều kiện cho người Việt sang sinh sống, khai phá ở vùng Prey Nokor – Kas Krobei ( Sài Gòn, Bến Nghé sau này ) , Đồng Xoài, Mô Xoài ( Biên Hòa, Bà Rịa ) vẫn đang còn bỏ hoang. Bà chính là cầu nối của mối quan hệ Chân Lạp và Đàng Trong, đồng thời là nhân tố quan trọng trong những ngày đầu mở đất về phía Nam Bình Thuận của chúa Nguyễn. Đây chính là cơ sở thuận lợi từng bước hợp pháp hóa sự kiểm soát của mình đối với vùng đất đã được khẩn hoang.

Sự kiện nữa có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình xâm nhập vào đất Đồng Nai của chúa Nguyễn là việc mở trạm thu thuế ở Sài Gòn vào năm 1623 .

Sự liên minh Đàng Trong – Chân Lạp ngày càng gắn bó, cùng với vai trò cầu nối của Ngọc Vạn khiến cho lưu dân người Việt vào làm ăn, sinh sống ở vùng đất này ngày càng đông. Trong điều kiện thuận lợi ấy, năm 1623, trên cơ sở có được sự thỏa thuận của vua Chettha II , chúa Nguyễn đã lập được sở thu thuế ở Krey Nokor ( Sài Gòn ) , Kas Krobei ( Bến Nghé ) để đảm bảo quyền lợi và công việc làm ăn, sinh sống của người Việt ; cử một đạo quân ( quan, lính ) đến đóng đồn, bảo vệ con đường giao thương giữa Đàng Trong với Chân Lạp và Xiêm.

Việc được lập một sở thu thuế và đóng đồn trên đất Đông Nam Bộ ngoài việc có ý nghĩa như là “ sự thu hoạch ” đối với những thành quả của người Việt , nó còn mang tính chất xác lập chủ quyền nhất định của chúa Nguyễn với vùng đất “ trái độn ” giữa Đàng Trong và Chân Lạp. Với đặc quyền này, cư dân người Việt đến Chân Lạp ngày một đông hơn do cảm giác yên tâm bởi đã có một sự bảo trợ của cả chính quyền Đàng Trong lẫn Chân Lạp với vai trò của bà hoàng người Việt trên vùng đất mới.

Sau khi vua Chettha II mất vào năm 1628 thì vùng đất từ Prey Nokor ( Sài Gòn ) trở ra phía Bắc, bao gồm thành phố Sài Gòn, Biên Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay, đã có nhiều người Việt đến sinh sống. Với những đóng góp của mình, có thể khẳng định chúa Nguyễn Phước Nguyên đã có vai trò như là người đặt những viên đá đầu tiên trên con đường Nam tiến vào đất Nam Bộ, tạo tiền đề cho sự thúc đẩy quá trình này ở các đời chúa sau.

Sự ra đi của vua Chettha II vô hình tạo nên nhiều thay đổi trong mối quan hệ giữa Chân Lạp và Đàng Trong cũng như tiến trình khẩn hoang ở Đồng Nai của các chúa Nguyễn. Kể từ đây, cuộc khai hoang mở đất của các chúa Nguyễn vào Nam Bộ luôn gắn với sự xung đột trong chính quyền Chân Lạp.

Hai sự kiện tiếp theo có vai trò quan trọng đối với quá trình mở đất này là hai cuộc can thiệp quân sự vào lãnh thổ Chân Lạp của các chúa Nguyễn đáp ứng lời thỉnh cầu của Chân Lạp nhằm giải quyết tranh chấp nội bộ ( năm 1658 và 1674 ) khiến thanh thế và vai trò của Đàng Trong ngày càng lên cao, Chân Lạp trở thành nước thần phục và phải cống nạp hàng năm.

Tiếp nối con đường mà chúa Nguyễn Phước Nguyên đã khai mở, chúa Nguyễn Phước Tần có vai trò thúc đẩy hơn nữa công cuộc mở đất vào Nam Bộ.

Năm 1658 , theo sự cầu cứu của một trong số các phe phái trong triều đình Chân Lạp, chúa Nguyễn Phước Tần đã sai phó tướng dinh Trấn Biên là Nguyễn Phước Yến, Cai đội Xuân Thắng, Tham mưu Minh Lộc đem 3000 quân sang can thiệp, thiết lập lại trật tự cho Chân Lạp. Vua đang tại vị của Chân Lạp là Nặc Ông Chân ( 1642 – 1659 ) bị bắt bỏ vào cũi đem về nạp cho chúa. Chúa Nguyễn phong So làm vua Chân Lạp, hiệu là Batom Reachea ( 1660 – 1672 ) và buộc Chân Lạp phải có nghĩa vụ triều cống cho Đàng Trong. Như vậy , mối quan hệ giữa Chân Lạp và Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn Phước Tần có sự thay đổi quan trọng – từ bang giao bình đẳng chuyển sang mối quan hệ thần phục. Điều này đã tạo điều kiện rất lớn cho quá trình di dân của người Việt vào đất Đồng Nai để tiếp tục khai khẩn đất hoang. Người dân Việt chuyển cư đến Gia Định, Mô Xoài, Đồng Nai ngày càng đông và dần chiếm đa số.

Tình trạng rối ren trong triều đình Chân Lạp lại tiếp tục diễn ra sau khi Batom Reachea bị giết vào năm 1672. Hoàng tộc bị chia thành nhiều nhóm, phái, có phái muốn dựa vào Xiêm, có phái dựa vào chúa Nguyễn để giành ngai vàng. Nặc Nộn ( Nặc Non ) thỉnh cầu chúa Nguyễn trong khi Nặc Ông Đài cầu cứu quân Xiêm để chống lại Đàng Trong. Năm 1674, chúa Nguyễn Phước Tần sai cơ đạo dinh Thái Khang là Nguyễn Dương Lâm đưa quân sang Chân Lạp để hỗ trợ cho Nặc Nộn với lí do : “ Nặc Nộn là phiên thần, có việc nguy cấp, không thể không cứu ”. Thắng trận, chúa Nguyễn Phước Tần phong cho Nặc Thu ( em ông Nặc Đài ) làm vua chính, đóng ở thành Long Úc, Nặc Nộn làm vua thứ, đóng ở thành Sài Gòn và buộc hai tiểu vương quốc hàng năm phải có nghĩa vụ triều cống. Chúa Nguyễn đã dần trở thành lực lượng thiết lập lại trật tự ở Chân Lạp khi có nội biến xảy ra. Chân Lạp có nghĩa vụ triều cống hàng năm cho chúa Nguyễn và tạo điều kiện cho lưu dân người Việt vào làm ăn, sinh sống.

Như vậy , quá trình xâm nhập vào vùng đất Đông Nam Bộ từ năm 1620 đến năm 1674 đã thu được kết quả như ý : vùng đất từ Pray Kor trở ra cho đến biên giới Champa ( bao gồm thành phố Sài Gòn , Bà Rịa và Biên Hòa ngày nay ) đã trở thành “ lãnh địa riêng của chúa Nguyễn với rất nhiều người Việt đến sinh sống và lập nghiệp. ”  Có thể nói, thế lực của chúa Nguyễn ở Đồng Nai – Gia Định đã tăng lên mạnh mẽ và khuyến khích làn sóng định cư của người Việt trên vùng đất mới.

Qua quá trình khảo cứu, chúng tôi cho rằng điểm dừng chân đầu tiên của lưu dân Việt là Mô Xoài ( Bà Rịa ) , địa đầu của vùng đất mới, nằm trên trục giao thông đường bộ từ Bình Thuận vào Nam, lại nằm trên đường biển có vịnh biển Ô Trạm rất thuận lợi cho tàu thuyền cập bến. Đây là một vùng đất rộng lớn từ Long Hương, Phước Lễ đến Đất Đỏ ngày nay. Theo Trịnh Hoài Đức trong Gia định thành thông chí thì lưu dân Việt đã vào Mô Xoài từ đời chúa Nguyễn Hoàng ( 1558 - 1613 ) , Nguyễn Phúc Nguyên ( 1613 – 1635 ) , Nguyễn Phúc Lan ( 1635 – 1648 ) . Đến nửa sau thế kỷ XVII , số di dân người Việt đến vùng này khá đông, trong đó có một số di dân Thiên Chúa giáo trốn chạy việc cấm đạo. Những người này đã lập ra một họ đạo ở Xích Lam gần Đất Đỏ.

Từ Mô Xoài, Bà Rịa, các thế hệ di dân tự do người Việt, với phương tiện di chuyển chủ yếu là thuyền, ghe, xuồng, theo thuỷ triều ngược dòng sông Đồng Nai, và cả đi bộ, dọc theo sông, tiến dần vào vùng Đồng Nai. Các điểm định cư sớm nhất của họ là : Nhơn Trạch, Long Thành, An Hoà, Bến Gỗ, Bàn Lân, cù lao Phố, cù lao Tân Chánh, cù lao Ngô, cù lao Kinh, cù lao Tân Triều ..... Như vậy, tiến trình nhập cư của cư dân người Việt vào đất Đồng Nai – Gia Định đã diễn ra liên tục trong suốt gần một thế kỷ.

Trên cơ sở của lực lượng di dân khai khẩn vùng đất phương Nam từ trước nên chúa Nguyễn Phúc Chu đã cử Nguyễn Hữu Cảnh – một tướng tài giỏi kinh lược phía Nam vào mùa xuân năm Mậu Dần ( 1698 ) .

Chuyến kinh lược này , Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đã thực thi một việc vô cùng quan trọng , đó là thiết lập một hệ thống tổ chức bộ máy hành chính ở vùng đất mới. Cụ thể là : “ ông lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập đất Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng nên dinh Trấn Biên ( lỵ sở nay là thôn Phước Lư ) , lập xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, lập dinh Phiên Trấn ( quận sở nay gần Tân Đồn ) . Mỗi dinh lập ra chức Lưu thủ, Cai bạ và Ký lục để cai trị. Về vệ thuộc thì có hai ty Xá, Lại để làm việc, quân binh thì có tinh binh cơ đội thuyền thủy bộ và thuộc binh để hộ vệ. Ngàn dặm đất đai, dân hơn 4 vạn hộ, chiêu mộ lưu dân từ châu Bố Chính đến lập nghiệp, lập ra thôn xã phường ấp, phân định địa giới, ruộng đất, lập ra tô thuế, xây dựng đinh điền bạ tịch. Con cháu người Hoa nếu ở Trấn Biên được quy lập thành xã Thanh Hà, còn ở Phiên Trấn thì lập thành xã Minh Hương rồi cho phép vào hộ tịch. ”

Đất đai lúc Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược ( kể toàn phủ Gia Định ) mở rộng 1000 dặm, dân số hơn 4 vạn hộ, trung bình một hộ 5 người thì ở toàn phủ Gia Định lúc này có đến 200.000 người. Ông chiêu mộ lưu dân từ Bố Chánh ( Quảng Bình ) đưa vào Nam ở cho đông đúc, thành lập xã, thôn, phường, ấp, chia đặt địa giới, khai khẩn ruộng đất, định lệ thuế, tô và dung, đồng thời lập sổ đinh, sổ điền. Với việc xác lập chủ quyền bằng cách thiết kế hệ thống hành chính các cấp phủ, huyện, phường, xã, thôn, ấp, lưu dân người Việt từ chỗ là kiều dân đã cùng với các tộc người khác trở thành thần dân của chúa Nguyễn.

Việc làm của Nguyễn Hữu Cảnh đã có tác động lớn đến vùng đất mới. Đất rộng, người thưa, dân cư gồm những người tha phương cầu thực đã chung sống trở thành cộng đồng. Về mặt pháp lý, với bộ máy hành chính cụ thể, người dân chịu sự cai quản của nhà nước, sống theo trật tự xã hội và có điều kiện phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Nguyễn Hữu Cảnh còn thực thi chính sách dân tộc độc đáo, khai thác tiềm năng kinh doanh của cộng đồng người Hoa và ổn định về xã hội để cho họ yên tâm cùng với lưu dân Việt phát triển vùng đất Đồng Nai bằng cách lập đơn vị hành chánh riêng. Cụ thể là lập xã Thanh Hà ở Trấn Biên ( Biên Hoà ) , Minh Hương ( Sài Gòn ) ở Phiên Trấn.

Trên cơ sở khẳng định vùng đất lãnh thổ, chúa Nguyễn bắt đầu thực hiện những chính sách khẩn hoang và phát triển kinh tế ở Nam Bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng. Cuộc kinh lược của Nguyễn Hữu Cảnh vào năm 1698 đã biến vùng đất Đồng Nai – Gia Định thực sự thuộc chủ quyền và đặt dưới sự quản lý của chúa Nguyễn. Nó đẩy nhanh quá trình khai khẩn đất hoang và phát triển kinh tế ở vùng đất này. Những việc làm này đã đặt nền tảng xã hội cơ bản. Từ đây Đồng Nai – Gia Định trở thành lãnh thổ chính thức của nước Việt Nam.

Sau khi lấy được Đồng Nai – Gia Định, các chúa Nguyễn không chỉ dừng lại ở đó. Năm 1756, Nặc Nguyên dâng hai phần đất Tầm Bôn và Lôi Lạp để chuộc tội khiến dinh Long Hồ có thêm vùng đất Tân An và Gò Công. Năm 1757, Nặc Tôn ( con Nặc Nguyên ) dâng đất Tầm Phong Long ( khoảng giữa Nam Châu Đốc và Bắc Cần Thơ ) để tạ ơn chúa Nguyễn đã sắc phong Phiên vương cho mình. Đồng thời, vị vua Chân Lạp này cũng cắt đất 5 phủ : Vũng Thơm ( Hương Úc ) , Cần Vọt ( Cần Bột ) , Châu Rùm ( Trực Sâm ) , Sài Mạt , Linh Quỳnh cho Mạc Thiên Tứ để đền ơn giúp đỡ ( 5 phủ này được chúa Nguyễn cho sáp nhập vào Hà Tiên ) . Tiếp đó, sự di cư của người Hoa với sự dẫn đầu của Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch vào năm 1679 đã bổ sung thêm một lực lượng cư dân Đàng Trong trên vùng đất Nam Bộ, tạo điều kiện để hình thành nên các đơn vị hành chính của người Việt sau đó. Sự sáp nhập Hà Tiên vào Đàng Trong cũng diễn ra tương tự như vậy. Chúa Nguyễn đã luôn luôn đợi đến thời điểm chín muồi khi dân cư có sự tập trung ; khi sự khai phá, xây dựng và phát triển các vùng đất mới đến một mức độ nhất định thì mới thiết lập nên các đơn vị , tổ chức hành chính của mình.

Như vậy, đối với Chân Lạp, các cuộc chiến mà chúa Nguyễn thực hiện xuất phát ban đầu từ việc thỉnh cầu của các phe phái trong triều đình Chân Lạp, rồi sau đó nhằm bảo vệ lãnh thổ của mình và tiến đến cho dân khai phá những phần đất bỏ hoang còn lại mà Chân Lạp không hề có sự quản lý và khẳng định chủ quyền ở đây, mặt khác các vua Chân Lạp tự nguyện dâng đất cho các Chúa Nguyễn mà trên thực tế những vùng đất này đã được người Việt khai phá, lập ra các làng xã và cơ quan thu thuế của riêng mình.

Với công cuộc khai phá những vùng đất này, cương vực Đàng Trong đã kéo dài phía Nam từ đèo Cù Mông ( Bình Định ) đến tận mũi Cà Mau, đem lại cho chúa Nguyễn một vùng lãnh thổ rộng lớn, đủ sức sánh vai với Đàng Ngoài của chúa Trịnh. Cả một dải đất rộng lớn từ Quảng Bình cho đến mũi Cà Mau ngày nay đã thống nhất vào lãnh thổ Đại Việt .

Sau khi hoàn tất công cuộc mở rộng khai phá đất đai ở Nam Bộ , Đàng Trong đã có thêm các đơn vị hành chính mới : dinh Phú Yên ( 1611 ) , dinh Thái Khang ( 1653 ) , dinh Bình Thuận ( 1697 ) , dinh Trấn Biên , dinh Phiên Trấn ( 1698 ) , trấn Hà Tiên ( 1708 ) , dinh Long Hồ ( 1732 ) .

Như vậy, Đàng Trong lúc bấy giờ có 10 dinh và 1 trấn : các dinh Bố Chính, Quảng  Bình, Lưu Đồn ( nay ở tỉnh Quảng Bình ) , dinh Cát ( ở Quảng Trị ) , Chính dinh còn gọi là Đô thành Phú Xuân ( Thừa Thiên Huế ) , dinh Quảng Nam ( còn gọi là dinh Chiêm ) , dinh Phú Yên ( 1611 ) , dinh Bình Khang ( Khánh Hòa, 1653 ) , dinh Bình Thuận ( 1697 ) , dinh Trấn Biên ( Biên Hòa, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, 1698 ) , dinh Phiên Trấn ( Sài Gòn, Gia Định, Long An, 1698 ) , trấn Hà Tiên được hưởng cơ chế tự trị và dinh Long Hồ ( các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, 1732 ).

Ngoài ra, với công cuộc khai phá đất đai, Đàng Trong cũng xuất hiện những đơn vị hành chính mới như châu Định Viễn ở dinh Long Hồ, đạo Đông Khẩu ( Sa Đéc ) , đạo Tân Châu ở Tiền Giang, đạo Châu Đốc ở Hậu Giang ( An Giang ) , đạo Kiên Giang ( nay thuộc Kiên Giang ) , đạo Long Xuyên, đạo Trường Đồn ( Mỹ Tho ) .

Quá trình mở rộng lãnh thổ của người Việt xuống phía Nam không chỉ dừng lại ở thời chúa Nguyễn. Khi thống nhất giang sơn, lập ra nhà Nguyễn ( 1802 ) , thời Minh Mạng đã có những cuộc chiến tranh với nước phía Tây lúc bấy giờ là Chân Lạp. Đã có lúc Minh Mạng đã thôn tín toàn bộ lãnh thổ của nước này. Tuy nhiên, do sự phản kháng của nhân dân Chân Lạp, dưới sự giúp đỡ của chính quyền Xiêm, cộng thêm sự cai trị hà khắc của một bộ phận quan lại người Việt đã dẫn đến việc nước Đại Nam không thể sáp nhập vùng đất Chân Lạp lâu dài. Sau khi thực dân Pháp vào đô hộ nước ta đã phân chia Nam Kỳ với lãnh thổ như hiện nay. Chấm dứt việc người Việt mở rộng cũng như thôn tính bờ cõi ở phía Nam.


4. Đánh giá về quá trình mở đất của các chúa Nguyễn

Nhiều nhà nghiên cứu khi đánh giá việc đất nước thống nhất là sự xâm lược, thôn tính lãnh thổ, mạnh được yếu thua, cách ứng xử phong kiến mang nặng tính cục bộ mà cho rằng Đại Việt là của người Kinh ( tức người Việt ), Champa là của người Chăm và đất Nam Bộ ngày nay thuộc quyền sở hữu của Chân Lạp ( tức Campuchia sau này ) , cách nhìn này dễ gây ra tâm lí tỵ hiềm trong lòng dân tộc. Khi tìm hiểu về tình hình quản lý ở đồng bằng hay miền núi trước đây thì thấy rằng sự chặt chẽ hay lỏng lẻo có sự khác nhau ở từng vùng miền, nhưng lãnh thổ của quốc gia chung gắn bó với hai trung tâm chính trị của đất nước ở phía Bắc là Thăng Long ( Hà Nội ) , phía Nam là Chà Bàn ( thành Đồ Bàn, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định ngày nay ) . Giữa Đại Việt và Champa luôn luôn có sự tranh chấp. Sự tranh chấp đó không thể tránh khỏi bởi tư duy bành trướng của giai cấp phong kiến hai nhà nước, luôn luôn xảy ra trình trạng xung đột tùy vào sự hưng vong của hai tập đoàn phong kiến ở hai miền trong khi nhân dân chỉ muốn hòa bình, an cư lạc nghiệp.

Trong các cuộc chiến tranh giữa Đại Việt và Champa, phần thắng thường nghiêng về Đại Việt bởi những yếu tố nội lực và ngoại lực tác động. Đại Việt có cở sở kinh tế, quân sự vững mạnh hơn, cùng với đó là sự tiếp xúc trao đổi với Trung Hoa làm cho các khí tài về quân sự của Đại Việt được cải tiến, Bên cạnh đó, việc đối diện với một nước láng giềng to lớn, luôn luôn âm mưu xâm lược, các triều đại phong kiến Đại Việt luôn phải có ý thức đề phòng, rèn luyện võ bị, võ nghệ. Trải qua nhiều cuộc chiến tranh với Trung Quốc, ít nhiều đã để lại những nghệ thuật tác chiến trong chiến tranh. Chính vì vậy, trong cuộc đương đầu với Champa, Đại Việt lần lượt chiến thắng và hệ quả đất đai của Champa mất dần vào Đại Việt. Nói như vậy không phải lúc nào Đại Việt cũng giành được chiến thắng, khi nhà Trần suy yếu, Champa dưới sự lãnh đạo của Chế Bồng Nga đã xây dựng cho mình một lực lượng quân sự hùng mạnh, nhiều lần đánh thắng Đại Việt, thậm chí đã ba lần đánh đuổi vua tôi nhà Trần tháo chạy khỏi kinh đô Thăng Long. Tuy nhiên, theo chúng tôi, học thuyết chiến tranh của vị vua Champa này không phải là chiếm đất đai mà làm cho các quốc gia láng giềng suy yếu. Nhìn chung trong những cuộc đụng đầu lịch sử đó, vương quốc Champa đã thất bại để rồi cư dân Champa trở thành một dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc đang sinh sống ở Việt Nam hiện nay.

Cùng với sự thu hẹp dần của Champa là quá trình di dân vào Thủy Chân Lạp ( Nam Bộ ngày này ) mà trước đây thuộc lãnh thổ của vương quốc Phù Nam chứ không phải vùng đất của Chân Lạp. Khi người Việt vào vùng đất này thì hầu như không có người ở và đã bị hoang hóa.

Qua việc một số học giả trong và ngoài nước đã vẽ những bản đồ để mô tả lại cương giới lãnh thổ nước ta qua các thời kỳ, với ý thức là một người yêu thích lịch sử, chúng tôi đã mạnh dạn đề xuất suy nghĩ của mình để có thể góp phần đóng góp cho công cuộc biên soạn trên. Nó không phải là sự tranh cãi về xâm lược, thôn tính hay bành trướng về phía Nam của người Việt mà mong muốn trả lại cho lịch sử những vấn đề nó đã diễn ra. Chúng ta không nên né tránh mà phải đối diện với nó, tránh được sự kích động, âm mưu chia rẽ dân tộc của các thế lực bên ngoài bởi việc phân định biên giới lãnh thổ không chỉ là vấn đề của quá khứ mà nó còn rất nóng bỏng, gây ra nhiều sự tranh cãi giữa các quốc gia láng giềng với nhau.


II. Tổ chức bộ máy nhà nước

Hoàn thành công cuộc mở đất về phía Nam, đến giữa thế kỷ XVIII, chúa Nguyễn thống trị cả một vùng đất rộng lớn kéo dài từ Hoành Sơn đến Cà Mau. Trên vùng đất đó chúa Nguyễn đặt thành 12 dinh. Thuận Quảng gồm 6 dinh : Bố Chính, Lưu Đồn, Quảng Bình, Cựu Dinh, Chính Dinh và Quảng Nam ; trên đất Chămpa gồm 3 dinh : Phú Yên, Thái Khang, Diên Khánh ; trên đất Thủy Chân Lạp có 3 dinh : Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ. Ngoài ra còn có 1 trấn phụ thuộc là Trấn Hà Tiên.

Mỗi dinh quản hạt 1 phủ, dưới phủ có huyện, tổng, xã. Riêng dinh Quảng Nam có 3 phủ : Thăng Hoa, Quảng Ngãi, Quy Nhơn.

Chúa Nguyễn khi mới vào Thuận Hóa đóng thủ phủ tại Ái Tử ( Huyện Đăng Xương, phủ Triệu Phong ), sau đó ( 1626 ) dời về Phước Yên, rồi Kim Long và Phú Xuân.

Về tổ chức cai trị : ban đầu chúa Nguyễn Hoàng vẫn giữ nguyên bộ máy cai trị như thời Lê – Trịnh, vẫn chịu sự quản lí của chính quyền Đàng Ngoài. Năm 1614, sau khi Nguyễn Hoàng chết, Nguyễn Phúc Nguyên bắt đầu cho cải tổ bộ máy cai trị, thải hồi các quan lại do chúa Trịnh bổ nhiệm và đưa người của mình vào thay thế. Năm 1692, Nguyễn Phúc Chu lên làm chúa quyết tâm tách Đàng Trong thành một xứ độc lập nhưng không có kết quả. Đến thời chúa Nguyễn Phúc Khoát ( 1738 – 1765 ) thì đã quyết định thành lập một triều đình thực sự không cần đến sự công nhận của Nhà Lê cũng như của nhà Thanh. Năm 1744, Phúc Khoát xưng vương hiệu, đúc ấn quốc vương và cải tổ bộ máy cai trị.

Về chính quyền trung ương, chúa Nguyễn thành lập 3 ty phụ trách tất cả công việc. Ty xá sai giữ việc giấy tờ, kiện cáo có đô tri và ký lục đứng đầu. Ty tướng thần lại coi việc thu thuế và phát lương bổng cho quan lại, quân lính ngoài chính dinh, có cai bạ đứng đầu.

Ty lệnh sử giữ việc tế tự, lễ tiết và phát lương cho quân lính, ở chính dinh có nha úy đứng đầu.

Tuy nhiên, trừ chính dinh có đủ 3 ty, các ty khác chỉ có 1 hay 2 ty. Ngoài ra còn có 3 ty phụ : nội lệnh sử coi chung toàn bộ các thứ thuế, tả hữu lệnh sử chuyên thu thuế sai dư ( thuế đinh ) . Chúa Nguyễn còn thành lập hệ thống quan thu thuế gọi là bản đường quan xuống tận các cơ sở.

Nguyễn Phúc Khoát xưng vương, thành lập triều đình, đổi các chức ký lục, nha úy, đô tri, cai hạ làm bộ lại, bộ lễ, bộ hình, bộ hộ và đặt thêm 2 bộ binh và bộ công, đặt Hàn Lâm Viện.

Ở địa phương : đứng đầu các dinh là trấn thủ rồi đến các chức cai hạ, ký lục. Số ty ở các dinh không thống nhất. Ở các huyện có tri huyện, đề lại, thông lại, huấn đạo, lễ sính. Xã vẫn là đơn vị quan trọng nhất, gồm 2 loại chức dịch : tướng thần và xã trưởng. Tùy theo mức lớn nhỏ của xã mà số chức dịch tương ứng , những xã có 120 đến 400 người có 18 tướng thần và xã trưởng, những xã có 70 đến 120 người có 8 tướng thần và xã trưởng, những xã dưới 70 người có 2 xã trưởng.

Cách tuyển lựa quan lại : ban đầu họ Nguyễn bổ dụng quan lại theo chế độ tiến cử. Con em các công thần, quý tộc thường được cất nhắc làm quan. Trong trường hợp có người học giỏi, đức hạnh tốt, quan lại địa phương cũng có quyền tiến cử họ lên chúa để được bổ dụng. Năm 1646, chúa Nguyễn Phúc Lan bắt đầu mở khoa thi 2 cấp : Chính Đồ ( cao cấp ) và Hoa Văn ( cấp thấp ) . Người đỗ khoa Chính Đồ chia làm 3 hạng : hạng nhất, tức giám sinh, được bổ làm tri phủ, tri huyện ; hạng nhì, tức sinh đồ, được bổ làm huấn đạo ; hạng 3 cũng được gọi là sinh đồ, được bổ làm lễ sinh hay nhiêu học. Những người đỗ Hoa Văn được bổ dụng làm chức thuộc tại ở các ty. Các khoa thi được mở tương đối đều đặn, tuy nhiên, sang thế kỷ XVIII, chế độ mua quan bán tước bắt đầu phát triển tạo thành một tầng lớp quan lại ô hợp, biến thành một bộ phận sâu mọt chỉ lo đục khoét nhân dân.

Chế độ bổng lộc quan lại ở Đàng Trong rất hạn chế, số ruộng lộc cấp cho quan lại không quá 10 mẫu. Trong trường hợp cần thiết, chúa cũng ban thêm ruộng tế tự cho gia đình công thần hay miễn thuế ruộng tư cho họ. Phần lớn quan lại không được cấp bổng lộc mà chỉ được cấp một số dân phu nhất định hoặc được phép thu thêm một số tiền gạo ngoài thuế của dân.

Về tổ chức quân đội : Quân đội chúa Nguyễn chia làm 3 loại : quân túc vệ hay thân quân chuyên bảo vệ kinh thành Phú Xuân và hộ vệ chúa ; quân chính quy đóng ở các dinh là bộ phận chủ lực của chúa Nguyễn, và quân địa phương gọi là thổ binh hay tạm binh, thuộc binh. Ngoài ra còn có lính chuyên coi kho, thu thuế, cắt cỏ nuôi voi, ngựa ..... 

Chúa Nguyễn thực hiện chính sách cưỡng bức đi lính như ở Đàng Ngoài. Tất cả dân binh 18 đến 50 tuổi đều phải ghi tên vào sổ đinh để trình lên phủ huyện xét duyệt lấy lính trừ những người ốm yếu, tàn tật hay con một. Quân túc vệ, quân chính quy hàng năm được cấp lương và cấp ruộng công, thổ binh được miễn thuế.

Quân đội nhà Nguyễn gồm nhiều binh chủng : bộ binh, thủy binh, tượng binh, pháo binh. Vũ khí : bên cạnh gươm giáo, cung tên, có một số súng lớn mua của các lái buôn phương Tây hay do xưởng đúc súng của chúa chế tạo. Chiến thuyền khá lớn, mỗi chiếc có 30 chèo, 3 khẩu đại bác ở mũi và 2 khẩu 2 bên. Với đội thuyền mạnh mẽ này, hàng năm chúa Nguyễn đốc thúc luyện tập và từng đánh lui nhiều đợt tấn công của liên quân Trịnh – Hà Lan.

Đặt vấn đề : Chính quyền ở Đàng Ngoài và Đàng Trong biểu hiện cho chế độ phong kiến phân quyền hay vẫn là nhà nước tập quyền ?

Sự chia cắt của Đàng Trong và Đằng Ngoài không thể hiện cho sự phân quyền của chế độ phong kiến, quyền lực tập trung vào phủ chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Về hình thức , đó là chế độ quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền. Nó khác với sự phân quyền ở châu Âu thời trung đại khi các lãnh chúa đứng đầu lãnh địa manh mún, có quân đội, pháp luật, tiền tệ riêng. Đàng Ngoài – Đàng Trong là một hệ quả tất yếu của tình trạng mâu thuẫn và tranh giành quyền lực của những tập đoàn phong kiến vốn đã muốn bức phá khỏi thế ràng buộc và khuôn khổ chật hẹp của chế độ Nho giáo đã định sẵn những nền nếp và kỷ cương theo chuẩn mực của Thánh hiền. Chính con đường cát cứ của Đàng Trong thế kỷ XVII trong khi phải đối phó với chiến tranh ở Đàng Ngoài đã buộc phải mở mang và xây dựng những vùng đất mới thành nơi đứng chân và dấy nghiệp .

Nhìn chung , Đàng Trong dưới sự lãnh đạo của các chúa Nguyễn chỉ hơn 100 năm ( từ nửa cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII ) đã mô phỏng lối tổ chức đời sống kinh tế - xã hội phong kiến cổ truyền ở Đàng Ngoài để nhanh chóng xây dựng nên một xã hội phong kiến mới hoàn chỉnh cả về kiến trúc thượng tầng lẫn cơ sở hạ tầng.


III. Kinh tế Đàng Trong

* Kinh tế nông nghiệp :

- Đặc điểm tình hình ruộng đất :

Vốn là vùng đất xa trung ương , các triều đại Lê , Lê - Trịnh không quan tâm nhiều đến việc đo đạc và xác định tính chất công tư . Theo lệ thuế chung, hàng năm chính quyền địa phương được lệnh sai người đi khám xét “ chiếu theo số ruộng cày để thu thuế ” . Năm 1669, chúa Nguyễn Phúc Tần ra lệnh cho quan lại đo đạc ruộng đất đang cày cấy ở các huyện, định làm ba bậc để thu thuế và xem là ruộng công, giao cho xã để chia cho dân ..... do đó ruộng đất công tồn tại chủ yếu là ở vùng Thuận Quảng cũ, có lẽ ruộng đất công được phân chia theo lệ làng. Theo Lê Quý Đôn, thế kỉ XVIII, ở Thuận Hóa mỗi xã dân được chia khoảng 5 - 6 sào ruộng công , còn binh lính thì được khẩu phần gấp ba lần.

Bên cạnh ruộng công, làng xã còn có loại ruộng quan điền trang và quan đồn điền. Dù có chữ “ quan ” đứng đầu, nhưng loại ruộng này không phải ruộng nhà nước mà thực chất là ruộng tư của chúa. Ruông đất này giao cho quân sĩ hoặc người tù tội cày cấy, cũng có nơi chúa cho phát canh thu tô hoặc thuê người cày.

Chúa Nguyễn ít cấp ruộng lộc cho quý tộc, quan lại cao cấp. Ngoài ra chúa Nguyễn còn lấy một bộ phận ruộng công làm ruộng cấp lương miễn thuế.

Bộ phận ruộng tư phát triển khác nhau ở hai miền : miền Thuận Quảng cũ, ruộng đất tư dưới hình thức “ bản bức tư điền ” được mở rộng từ sau năm 1669. Năm 1770, do sự phát triển nhanh chóng của ruộng đất tư ở đây, chúa Nguyễn đã buộc các họ phải lập sổ ruộng riêng. Ở Thuận Hóa đương thời có 51 tập, ở Quảng Nam không thống kê hết được. Tuy nhiên, cũng như Đàng Ngoài, tệ chiếm công vi tư ngày càng phát triển, rải rác đó đây hình thành một số trang trại tư nhân, sử dụng lực lượng nô tì để canh tác. Miền đất phía Nam, các chúa Nguyễn khuyến khích địa chủ và dân lưu vong khai hoang biến thành ruộng đất tư, do đó vùng đất phía Nam chủ yếu là sở hữu tư.


- Tình hình kinh tế nông nghiệp và đời sống nông dân

Từ thế kỉ XVI, sản xuất nông nghiệp ở Thuận Quảng đã rất phát triển. Chẳng hạn vùng bắc Bố Chính, ruộng chia làm hai loại chiêm mùa, theo Lê quý Đôn, mỗi năm thu hoạch từ 90 đến 120 gánh lúa. Đầu thế kỉ XVIII, giáo sĩ Bori vào đây nhận xét “ Đất đai màu mỡ và sinh lợi ..... đến nỗi hàng năm gặt lúa 3 lần, thu hoạch một lượng thóc phong phú đến mức không ai thèm lao động thêm để kiếm sống ..... quanh năm họ có nhiều hoa quả, những thứ lạ như dưa bở, dưa chuột, dưa hấu, mít, sầu riêng, dừa, trầu cau ..... Đồng ruộng của họ đầy những gà vịt nhà và gà rừng ”. Vào nửa đầu thế kỉ XVIII, lái buôn Poavrơ cũng nhận xét : “ ruộng đất Đàng Trong màu mỡ, nhân dân giỏi trồng trọt, họ trồng 6 loại lúa nước và hai loại lúa cạn. Ngoài ra họ còn trồng nhiều loại khác như ngô, kê, đậu .....  ”. Lê Quý Đôn ghi : Trên cánh đồng Đàng Trong , nhân dân đã cấy đến 26 giống lúa nếp và 23 giống lúa tẻ ..... 

Vùng đất Nam Bộ, người dân chia làm 3 loại ruộng :

– Ruộng miền đồi núi Đông Bắc do nhân dân khai khẩn theo kiểu làm rẫy , kết quả không tốt lắm nhưng được mùa luôn.

– Ruộng cỏ ( thảo điền ) ở vùng đồng cỏ và đầm lầy thuộc Trấn Biên và Phiên Trấn. Tại đây cứ gieo một hộc thì thu hoạch 100 hộc.

– Ruộng đầm tốt nhất, năng suất lúa rất cao, hàng năm người ta cấy một hộc thu hoạch 300 hộc.

Trong những thế kỉ đầu, do thuế má nhẹ, đời sống của người nông dân khá cao. Nhưng từ năm 1669, sau khi đo đạc ruộng đất, chúa Nguyễn chính thức ban hành phép thu thuế. Ruộng công, ruộng tư đều được chia làm 3 hạng đánh thuế ngang nhau :

– Nhất đẳng nộp 40 thăng thóc 8 hợp gạo.

– Nhị đẳng nộp 30 thăng thóc 6 hợp gạo.

– Tam đẳng nộp 20 thăng thóc 4 hợp gạo.

Ruộng mùa thu và đất khô thì không chia hạng, mỗi mẫu nộp 3 tiền.

Ngoài ra, người nông dân cày ruộng công phải nộp các loại : phiến cót, tiền cung đốn, tiền dầu đèn, tiền nộp thóc vào kho, tiền bao mây, tiền trình diện.

Quan điền trang và quan đồn điền thì có lệ thuế riêng.

Ngoài tô thuế, người nông dân phải nộp gạo đầu mẫu, tiền phụ trình diện, tiền tre cót ( cứ 1000 thăng thóc nộp 5 tấm cót hay 2 quan tiền ) .

Thuế nhân đinh gồm 4 loại : Sai dư, cước mễ, thường tân, tiết liệu với mức thu khá nặng.

Ngoài ra người nông dân còn bị bắt làm phu canh gác, quét dọn cho các quan. Hệ thống quan Bản đường ngày càng đông, được phép thu thêm tiền thuế để làm ngụ lộc ; cai trưng, cai lại, đề đốc cũng vậy.

Tuy nhiên, do những điều kiện đặc biệt ở Đàng Trong, nhân dân nghèo đói đi lưu vong có thể tìm đến những vùng đất hoang khai khẩn để lập nghiệp và sống một cuộc ít nhiều tự do mặc dầu không phải lúc nào cũng thuận lợi, tốt đẹp. Mâu thuẫn xã hội tạm thời được giải quyết và đó là lí do làm cho cuộc khủng hoảng xã hội ở Đàng Trong muộn hơn so với Đàng Ngoài.


* Thương Nghiệp ở Đàng Trong :

- Buôn bán trong nước :

Chợ búa mọc lên khắp nơi. Mỗi huyện đều có 10 – 12 chợ làng, họp hàng ngày hoặc theo phiên của từng cụm làng. Các huyện lỵ , phủ lỵ cũng xuất hiện chợ huyện, chợ phủ. Hình thành một số chợ lớn nổi tiếng toàn vùng như Nông Nại ( Biên Hòa ) , Mỹ Tho, Bến Nghé ( Gia Định ) ..... 

Phổ biến hình thức buôn bán nhỏ mang nặng tính chất trao đổi sản phẩm địa phương như thóc gạo, thịt cá, rau dưa, hoa quả, nông cụ .....  chủ yếu do phụ nữ đảm đương. Tuy nhiên, bên cạnh đó đã xuất hiện hình thức buôn bán lớn bằng thuyền, xe ngựa theo chuyến, diễn ra chủ yếu ở các chợ huyện, chợ phủ, thị tứ, đô thị.

Ở Đàng Trong, ngoài các sở tuần ty ở các đô thị, chúa Nguyễn cho lập các trạm thu thuế ở các vùng đầu nguồn, nơi qua lại buôn bán giữa miền xuôi và miền núi. Lệ thuế thuyền buôn cũng được ban hành. Nhiều phú thương không chỉ buôn bán sản phẩm của miền núi mà còn tập trung buôn thóc gạo. Đặc biệt ở Đàng Trong, một số phú thương người Việt đã cùng phú thương người Hoa chuyên buôn thóc gạo của Gia Định chở ra bán cho thị dân hay dân nghèo ở Thuận Hóa. Một số người nhân đó chuyển sang làm nghề chở  thuyền thuê.

Cũng như các làng nghề thủ công, các làng có nghề buôn vẫn giữ mối quan hệ chặt chẽ với nông nghiệp.


* Ngoại thương :

Năm 1602 , chúa Nguyễn Hoàng có một quyết định hết sức sáng suốt là giao cho Nguyễn Phúc Nguyên làm trấn thủ dinh Quảng Nam, một vùng “ đất tốt, dân đông, sản vật giàu có ” và giữ vị trí “ yết hầu của miền Thuận Quảng ”. Bối cảnh chính trị – kinh tế thế giới và khu vực giai đoạn cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII đã tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi để có thể khai thác và đánh thức nguồn lực trong nước. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên trong thực tế phải được coi là người Việt Nam đầu tiên thực sự thành công trong chiến lược mở rộng quan hệ giao thương với nước ngoài và thúc đẩy kinh tế hàng hoá đô thị trong nước phát triển lên một trình độ mới.

Trong số các nước phương Đông, Nguyễn Phúc Nguyên đặc biệt quan tâm đến Nhật Bản. Ông không chỉ chủ động xúc tiến quan hệ giao thương với tư cách chính thức của vị đứng đầu nhà nước An Nam ( An Nam Quốc Vương ) , tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thương nhân đến sinh sống, buôn bán ở Hội An mà còn cho con gái yêu quý của mình sang làm dâu một gia đình thương nhân Nhật Bản ở Nagasaki để thắt chặt hơn nữa quan hệ với giới đại thương Nhật. Người con rể của Nguyễn Phúc Nguyên là Araki Sotaro vốn thuộc dòng dõi samurai ở Kumamoto đi thuyền mang cờ hiệu của công ty Đông Ấn Hà Lan VOC đến cập cảng Hội An vào năm 1619. Theo sách Ngoại phiên thông thư ( quyển 13, tr.87 - 88 ) thì cũng đúng vào năm đó chúa Nguyễn Phúc Nguyên quyết định gả con gái của mình cho nhà lái buôn Nhật Bản tài ba này. Ít lâu sau cô đã theo người chồng Nhật Bản về định cư ở Nagasaki. Cô công chúa họ Nguyễn có 1 cuộc sống thật sự hạnh phúc đắc ý cùng chồng, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trên đất Nhật Bản.

Từ năm 1593 , Mạc phủ Toyotomi bắt đầu thi hành chính sách Châu ấn thuyền ( Shuinsen ) cấp giấy phép cho thuyền buôn mở rộng quan hệ thông thương với các nước Đông Nam Á. Nguyễn Phúc Nguyên đã cho mở rộng thương cảng Hội An trở thành thương cảng chính không chỉ ở Đàng Trong mà còn trên toàn khu vực tương đương với Việt Nam và Đông Nam Á hiện nay, đón nhiều nhất số thuyền buôn Nhật Bản được cấp giấy phép chính thức. 

Bên cạnh thuyền buôn Nhật Bản, thuyền buôn Trung Quốc, Đông Nam Á và nhất là thuyền buôn phương Tây cũng cập bến Hội An ngày một nhiều hơn và thường xuyên hơn. Giáo sĩ dòng Tên người Ý là Christoforo Borri , sống tại thị trấn Nước Mặn ( nay thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định ) những năm 1618 - 1622 cho biết : “ Chúa Đàng Trong [ Chúa Nguyễn Phúc Nguyên ] không đóng cửa trước một quốc gia nào, ngài để cho tự do và mở cửa cho tất cả người ngoại quốc, người Hà Lan cũng như những người khác, cùng với tàu chở rất nhiều hàng hoá của họ ”. Trong bối cảnh giao lưu buôn bán quốc tế tấp nập và sôi động như vậy , Hội An ở những thập kỷ đầu thế kỷ XVII đã đột khởi trở thành một đô thị , cảng thị quốc tế tiêu biểu ở khu vực châu Á.

Christoforo Borri bằng quan sát trực tiếp của mình trong nhiều năm đã mô tả một cách chính xác về Hội An : “ Hải cảng đẹp nhất, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng chính là hải cảng thuộc tỉnh Quảng Nam ..... Chúa Đàng Trong xưa kia cho người Nhật , người Hoa chọn một địa điểm và nơi thuận tiện để lập một thành phố cho tiện việc buôn bán như chúng tôi đã nói. Thành phố này gọi là Faifo ( Hội An ) , một thành phố lớn đến độ người ta có thể nói được là có hai thành phố, một phố người Hoa và một phố người Nhật . Mỗi phố có một khu vực riêng, có quan cai trị riêng, và sống theo tập tục riêng. Người Hoa có luật lệ và phong tục của người Hoa, người Nhật cũng vậy ”. Đây là sự phát triển vượt trội , một hiện tượng kinh tế – xã hội hết sức độc đáo chưa từng xuất hiện trước đó, cũng không thấy lặp lại ở bất cứ đô thị nào trên đất Việt Nam nhiều thế kỷ tiếp sau.

Ở các thế kỷ XVI – XVIII , thuyền bè của thương nhân nước ngoài đến buôn bán với Đại Việt ngày càng nhiều. Bên cạnh các thuyền buôn Trung Quốc, Gia Va, Thái Lan ...... đã từng qua lại bờ biển nước ta từ sớm, xuất hiện các thương nhân mới như Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp. Do nhu cầu về vũ khí phục vụ chiến tranh, về các hàng mới lạ phục vụ cuộc sống giàu sang và tìm kiếm một sự giúp đỡ từ bên ngoài ..... các chúa Nguyễn đều mở cửa tiếp nhận thương nhân nước ngoài. Vùng bờ biển Việt Nam cũng rất thuận lợi cho sự cập bến của các tàu, thuyền buôn nước ngoài.

Buôn bán với Trung Quốc : Vào nửa sau thế kỉ XVII , nhà Minh cũng như nhà Thanh đều chủ trương bế quan tỏa cảng. Chủ trương này đã khiến thương nhân Trung Quốc đổ sang Việt Nam để trao đổi hàng hóa, vừa đặt cơ sở trao đổi hàng hóa với thương nhân Nhật Bản và phương Tây . Hàng hóa họ đưa sang Việt Nam chủ yếu là đồ gốm sứ, vải vóc, giấy, lụa cao cấp ..... Từ nhiều thế kỉ trước, số người Hoa sang định cư sinh sống ở nước ta đã khá đông. Những nơi ở của họ giờ đây trở thành chỗ cư trú, chứa hàng, mua bán hàng hóa của các thương nhân mới. Do điều kiện quen biết về nhiều mặt, họ không chỉ mua bán hàng hóa mà còn làm người mối lái trung gian cho thương nhân các nước khác hoặc chở hàng từ Đại Việt sang Nhật Bản và các nước Đông Nam Á khác. Ở thế kỉ XVII – XVIII , thương nhân người Hoa có mặt khắp các đô thị Đàng Trong, thậm chí là bộ phận chính trong thương nghiệp Gia Định.

Lệ thuế ở Đàng Trong : 

- Đến : nộp 4000 quan. Đi : nộp 400 quan.

Năm 1635, chính phủ Nhật Bản ban lệnh hải cấm, không cho người Nhật ra nước ngoài buôn bán, ai đã đi đều không được về. Việc buôn bán với thương nhân Nhật từ đó giảm hẳn.

– Một số người Bồ Đào Nha đã đến bờ biển Đàng Trong từ rất sớm , nhưng mãi đến khi Bồ Đào Nha thành lập căn cứ thương mại ở Áo Môn ( Ma Cao – Trung Quốc ) vào năm 1636 , quan hệ buôn bán với nước ta mới bắt đầu. Tuy nhiên, thương nhân Bồ Đào Nha không đặt thương điếm ở Việt Nam, chỉ theo mùa gió đưa hàng dến và chở hàng đi. Thuyền buôn của Bồ Đào Nha cũng chịu lệ thuế như thuyền buôn của Nhật.

Việc buôn bán với Bồ Đào Nha kéo dài đến giữa thế kỉ XVIII thì chấm dứt.

– Buôn bán với người Hà Lan : Từ đầu thế kỉ XVII, sau khi công ty Đông Ấn được thành lập, thương nhân Hà Lan mới dong thuyền đến các nước châu Á. Năm 1613, thuyền Hà Lan đến Đàng Trong xin buôn bán nhưng không đạt kết quả. Biết tin này, năm 1617 , 1618 , chúa Nguyễn đã viết thư cho công ty Đông Ấn Hà Lan mời họ đến buôn bán. Tuy nhiên, phải đến năm 1633, quan hệ buôn bán giữa hai bên mới bắt đầu được. Năm 1639, người Hà Lan đóng cửa thương điếm ở Hội An và chuyển sang buôn bán chủ yếu ở Đàng Ngoài.

Thương nhân Hà Lan thường đem bạc Nhật, súng đại bác, lưu hoàng, diêm sinh, vải lanh, vải bông vào bán. Đôi lúc, khi có nạn đói, họ cũng mua gạo chở đến bán. Tơ lụa, đồ gốm, đường, là những hàng hóa chủ yếu mà họ mua chở đi. Năm 1699, thấy việc buôn bán ngày càng khó khăn, người Hà Lan quyết định đóng cửa thương điếm, chở đồ đạc về Batavia ( Inđônêxia ) .

Sang thế kỉ XVIII, thỉnh thoảng thương nhân Hà Lan trở lại buôn bán.

– Buôn bán với người Pháp, người Anh : Từ nửa sau thế kỉ XVII, thương nhân Anh, Pháp mới đến Đại Việt buôn bán. Theo xu thế chung họ xin chúa Nguyễn, chúa Trịnh cho đặt thương điếm tại các đô thị. Tuy nhiên, việc buôn bán lúc bấy giờ không thuận lợi nữa. Trong một bức thư gửi về nước năm 1680, một thương nhân người Anh đã viết : “ Nợ cũ thì hầu như tuyệt vọng mà bọn quan lại mua thì ít khi trả tiền ngay. Không thể trần tình lên chúa nếu như không thông qua các bà phi mà như thế thì tốn không biết bao nhiêu lễ lạt ”.

Năm 1697 , người Anh đóng cửa thương điếm ở Đàng Ngoài. Cùng thời gian này họ bỏ thương điếm ở Hội An. Đầu thế kỉ XVIII, với mưu đồ xâm lược, người Anh gây nên cuộc xung đột lớn ở Đàng Trong và phải rút hẳn về nước sau khi bị đánh bại.

Trước đó, năm 1682, do khó khăn, người Pháp cũng phải đóng cửa thương điếm. Vào những năm 40 của thế kỉ XVIII, người Pháp đặt lại quan hệ buôn bán và đến cuối những năm 50 thì ngừng hẳn.

Sự phát triển của thương nghiệp, nhất là ngoại thương, vừa là kết quả của sự phát triển của nền kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp trong nước cùng những biến chuyển lớn của nền kinh tế thế giới ; vừa là một nhân tố quan trọng tác động đến nền kinh tế đó, đến những hoạt động chính trị – xã hội đương thời.


* Sự hưng khởi của các đô thị :

Sự phát triển của của kinh tế hàng hóa không chỉ làm cho các trung tâm thương mại như Hội Thống, Nước Mặn, Nông Nại .....  hoạt động nhộn nhịp hẳn lên mà còn tạo điều kiện cho sự ra đời và hưng khởi của các đô thị lớn.

Ở Đàng Trong có hai đô thị là Hội An và Thanh Hà.

– Hội An : Phố cảng lớn nhất Đàng Trong nằm trên địa phận tỉnh Quảng Nam ngày nay. Từ thế kỉ XIV - XV , đây là một bến cảng quan trọng của miền Trung quốc gia Chăm pa. Cuối thế kỉ XVI đầu thế kỉ XVII , do sự phát triển của nền thương mại thế giới, ở đây dần dần hình thành một phố cảng phồn thịnh, là nơi giao lưu buôn bán chủ yếu của nhân dân Đàng Trong với thương nhân nước ngoài. Được sự ưu đãi của chúa Nguyễn, thương nhân Nhật, Trung Quốc đã mua đất xây phố riêng của mình ở Hội An.

Giáo sĩ Borri nhận xét : Hải cảng đẹp nhất ( Đàng Trong ) nơi mà thương nhân ngoại quốc thường lui tới buôn bán là hải cảng thuộc tỉnh Cacciam ( Quảng Nam ) ..... thành phố đó lớn lắm, đến nỗi người ta có thể nói nó có hai thị trấn : một của người Trung Quốc và một của người Nhật Bản.

Bên cạnh hai khu phố này là nhà ở và cửa hàng, chợ búa của người Việt. Ở Hội An, người ta có thể mua đủ các sản phẩm của miền Trung và miền Nam ở Đàng Trong. Người Hà Lan, người Anh, người Pháp cũng có thương điếm ở Hội An. Vào nửa sau thế kỉ XVIII , Hội An tàn dần.

– Thanh Hà : Là đô thị nhỏ do người Hoa thành lập vào thế kỉ XVII ở phía Nam Phú Xuân khi được sự cho phép của chúa Nguyễn. Hàng hóa ở đây chủ yếu được đưa từ Trung Hoa sang, ngoài ra còn có một số hàng từ các tỉnh phía Bắc đưa vào. Thanh Hà phồn vinh trong một thời gian, sau đó khi Hội An hưng thịnh thì Thanh Hà suy yếu dần.


* Một số hệ quả :

Sự phát triển của kinh tế hàng hóa và hưng thịnh của đô thị tuy chỉ diễn ra trong hai thế kỉ nhưng đã để lại những hệ quả quan trọng. Việc mở rộng buôn bán trong nước và giao lưu với thương nhân nước ngoài, nhất là các thương nhân Tây Âu đang trên con đường phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của thủ công nghiệp, hoạt động khai mỏ. Nhu cầu nhân công lao động tăng lên ở các làng, phường thủ công cũng như các đô thị và điều này đã ít nhiều đưa một số nông dân nghèo rời khỏi nghề nông, rời làng kiếm sống bằng con đường khác. Xu hướng phục vụ thị trường của nông nghiệp vùng Gia Định hình thành và từng bước phát triển. Cùng thời gian này số thương nhân giàu có cũng tăng lên. Gia Định thực sự trở thành vựa thóc lớn của Đàng Trong.

Trong quá trình buôn bán với thương nhân nước ngoài, đặc biệt là với thương nhân Tây Âu, nhiều mặt hàng mới được du nhập như : len, dạ, vũ khí, đồng hồ. Nhu cầu nâng cao cuộc sống tăng lên kéo theso nhu cầu phát triển và cải tiến kỹ thuật trong sản xuất. Mặt khác, do tính chất buôn bán của thương nhân nước ngoài chủ yếu bằng thuyền và ở lại có thời hạn mà phương thức sản xuất một số mặt hàng thủ công của nước ta cũng phải ít nhiều thay đổi để đáp ứng nhu cầu của họ. 

Ở các đô thị , Phố Hiến, Hội An, Thanh Hà và các thị tứ đều hoạt động tương đối tự do mặc dù ở đây có sở tuần ty của các chúa. Cuộc sống đô thị đã tác động quan trọng đến tư tưởng tâm lí của con người ở đây.

Tuy nhiên, bên cạnh các hệ quả tích cực nói trên, sự phát triển của kinh tế hàng hóa kéo theo sự phát triển của quan hệ tiền tệ. Thế lực đồng tiền ngày càng mạnh lên, vượt qua những quy tắc của giáo lí Nho giáo, những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp truyền thống, với quan niệm “ có tiền mua tiên cũng được ”. Tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng.

Sự phát triển của giao lưu buôn bán quốc tế và chủ trương mở cửa của các chính quyền Đàng Trong thực sự có tác động lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế Đại Việt , đưa nền kinh tế Đại Việt bước sang giai đoạn mới, phồn vinh, đa dạng. Nhưng thế kỉ XVII - XVIII cũng là giai đoạn phát triển và mở rộng của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Một số quốc gia Nam Á, Đông Nam Á đã bị biến thành thuộc địa. Đại Việt không tránh khỏi trở thành đối tượng của các thế lực thực dân. Mặt khác, sau khi cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn chấm dứt, chính quyền hai miền ban đầu còn lo ổn định tình hình, củng cố lực lượng, nhưng về sau chuyển sang thụ hưởng, sa đọa. Nền kinh tế do đó cũng suy thoái dần rồi lâm vào khủng hoảng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét