Thứ Ba, 10 tháng 9, 2019
Vết dầu loang - giới hạn của sự tự do.
( spiderum.com : lược trích )
Thoạt tiên chúng ta sẽ phản đối việc ghép 2 khái niệm đối lập : giới hạn với tự do, bởi đã có tự do thì không thể có giới hạn, không có xiềng xích. Tuy nhiên trên thực tế, dân chủ luôn được và phải được đóng khung trong một giới hạn pháp chế nhất định, tạm gọi là giới hạn dân chủ. Ranh giới của giới hạn dân chủ chưa thể là những đường thẳng kẻ ngay ngắn, trên thực tế, giới hạn dân chủ giống những vệt dầu loang trên mặt biển, không thẳng tắp ngay ngắn, nó lượn sóng và rất dễ bị đứt, gãy. Để chứng minh cho tính chất dễ đứt, gãy của giới hạn tự do, việc phân tích một vài ví dụ nhỏ về tự do báo chí ở các quốc gia có nền báo chí phát triển trên thế giới có thể phần nào giúp đưa ra câu trả lời.
- Tự do báo chí nghĩa là không phụ thuộc, không chịu áp lực từ chính quyền về nội dung xuất bản : Đây là một trong số những luận điểm được nhiều người chia sẻ. Báo chí Việt Nam vẫn thường bị xem là không có tiếng nói về những vấn đề nhạy cảm trong xã hội, chịu sự quản lý và sức ép của chính quyền dẫn đến “ tự do báo chí ” là thứ gần như không tồn tại. Tuy nhiên, việc can thiệp của chính quyền vào nội dung báo chí xuất bản có tồn tại trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia có nền dân chủ báo chí phát triển hay không ? Sự thật là nó vẫn luôn tồn tại. Vậy tại sao chính quyền lại cần can thiệp vào nội dung xuất bản của báo chí ? Điều này xuất phát từ xung đột lợi ích giữa báo chí và chính quyền khi báo chí thực hiện quyền được thông tin đến công chúng, quyền được tác nghiệp một cách tự do, quyền tự do ngôn luận ; còn nhà nước và chính quyền lại đấu tranh để bảo vệ quyền được bảo mật những thông tin chưa có sự kiểm chứng, thông tin nhạy cảm dễ kích động và ảnh hưởng đến an ninh và an toàn quốc gia, tất nhiên cũng là quyền được thực hiện nghĩa vụ của họ được giao với môi trường thuận lợi.
Một ví dụ để minh họa : Trong suốt nhiều năm qua, chính quyền Hàn Quốc liên tục bắt giữ, khởi tố và truy tố những cá nhân thể hiện quan điểm ủng hộ chính quyền Bắc Hàn – Triều Tiên trên phương tiện thông tin đại chúng. Điều này ở góc độ tự do báo chí, tự do ngôn luận tất nhiên bị thế giới lên án do nó vi phạm đến quyền tự do ngôn luận, tự do quan điểm chính trị. Việc ủng hộ Triều Tiên ( cho dù chính quyền Triều Tiên bị cả thế giới lên án, bị ghét đi chăng nữa ) vẫn là quyền chính đáng, và việc Chính Phủ Hàn Quốc thể hiện sự áp chế với các cá nhân đó là sự vi phạm về nhân quyền. Ở đây ta có thể nhận thấy tính 2 mặt của tự do. Nếu Triều Tiên xấu, chúng ta cho rằng việc ủng hộ Triều Tiên là hành động cần phải cấm và Hàn Quốc đã làm đúng. Tuy nhiên, nếu Triều Tiên tốt, việc làm của chính phủ Hàn Quốc là hành động đáng lên án. Song việc đánh giá Triều tiên xấu hay tốt lại là việc quá khó và “ cảm tính ”, thế nên cho dù Triều Tiên tốt hay xấu, chúng ta vẫn phải xem hành động của chính phủ Hàn Quốc là vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.
- Tư nhân hóa giúp tự do báo chí : Mọi hành động tách báo chí và sản xuất báo chí ra khỏi sự phụ thuộc nhà nước bị lầm tưởng rằng đó là một hành động giúp báo chí có tiếng nói tự do. Tuy nhiên đây là một nhận định sai lầm, tột ví dụ : Theo báo cáo gần đây cho thấy, 95 % sản xuất báo chí của Pháp ( bao gồm cả báo giấy và báo điện tử, báo truyền hình ..... ) nằm trong tay của 7 tỷ phú Pháp. Đáng mừng hay đáng lo ? Nếu theo quan điểm của nhiều người Việt thì đây là điều đáng mừng. Việc sở hữu các cơ quan báo chí thuộc tư nhân giúp các nhà báo thoải mái thể hiện chính kiến, “ tự do thoải mái ” không sợ bị can thiệp.
Nhưng trên thực tế, chính lý do trên lại là điều khiến nền báo chí Pháp bị lên án. Chương trình phóng sự điều tra thời gian gần đây được thực hiện bởi kênh truyền hình quốc gia Pháp, nói về quyền lực mềm của vị tỷ phú được xem là một trong những người quyền lực nhất nước Pháp – người sở hữu nhiều kênh truyền hình và tờ báo ( trong đó có Canal + , tập đoàn mẹ của K+ tại VN, vốn nổi tiếng với tông phê phán và châm biếm, không ngại bất cứ chính trị gia, nhân vật quyền lực nào ). Một nhóm phóng viên “ bị thanh trừng ” khỏi Canal + đã tiết lộ, vị tỷ phú này nhúng tay vào quá trình sản xuất rất nhiều, sẵn sàng “ vứt bỏ ” công sức điều tra đã đi đến sản phẩm cuối cùng của hàng chục phóng viên và nhà báo làm việc trong nhiều tháng trời vì thông tin đó có dính dáng đến một trong số những người “ bạn thân ” của vị tỷ phú.
Đây là một góc khuất rất nhạy cảm thậm chí ở cả những quốc gia phát triển có nền báo chí dân chủ hàng đầu thế giới. Khi được công chiếu, phóng sự nói trên gần như trở thành một quả bom, thậm chí được xem là một hành động táo bạo và có phần “ cách mạng ”. Liệu chuyện này chỉ xảy ra ở Pháp, tức là chỉ có những vị tỷ phú Pháp mới nhúng tay vào sản xuất báo chí, hay các quốc gia phương Tây khác cũng vậy ? Chắc chúng ta không quá ngây thơ đến mức không thể trả lời được câu hỏi này.
- Tự do báo chí, tự do ngôn luận và pháp quyền : Nhiều người nghĩ rằng một nền luật pháp chặt chẽ sẽ giúp báo chí có được quyền tự do, người dân có quyền tự do ngôn luận. Chúng ta vẫn luôn lấy hình mẫu của các quốc gia phát triển để làm “ tấm gương ” cho VN, điều này hoàn toàn cần thiết. Việc chúng ta đi sau có thể là 1 thuận lợi khi chúng ta nhìn thấy được những bài học của những người đi trước, từ đó rút kinh nghiệm và áp dụng vào thực tiễn để phát triển. Tuy nhiên mọi sự ví dụ và đem so sánh VN với các nước khác mà không tính đến, không xem xét đến điểm yếu của các nước, chỉ tập trung vào “ bề nổi ” sẽ không thể phát huy tác dụng. Cũng giống như người Việt đang tạo sức ép đến chính quyền phải “ chọn ” nhưng lại không cung cấp đầy đủ thông tin đa chiều về sự lựa chọn đó.
Lấy ví dụ về những người được xem là “ whistleblower ” : người tiết lộ thông tin cho báo chí. Đây được xem là những người cực kì quan trọng giúp báo chí có thể đem ra ánh sáng những thông tin và “ tiết lộ bí mật ” nhằm đem đến sự thật cho công luận. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù luật báo chí nhiều nước rất rõ ràng và tạo điều kiện để bảo vệ những người “ châm ngòi ” này, song “ số phận ” của đa số những người châm ngòi những vụ nổ truyền thông đều không mấy suôn sẻ. Họ có thể bị truy tố về mặt pháp lý ( Edward Snowden – một trường hợp quá nổi tiếng, hay Alain Deltour – người châm ngòi cho vụ việc Luxleaks sau đó bị truy tố bởi tòa án Luxembourg, đối mặt với hình phạt hơn 5 năm tù giam và khoản bồi thường 1 triệu euros. Alain Deltour hối hận vì đã tiết lộ vụ việc ..... ). Ngoài ra còn những hệ lụy khác về mặt xã hội, nghề nghiệp ..... Sau khi tiết lộ bí mật, những người “ châm ngòi ” này gần như không thể tìm kiếm một công việc nào khác do lo ngại từ các công ty tuyển dụng, nhiều người phải đối mặt với việc bị mất công ăn việc làm, mất nhà cửa .....
Đến đây hãy thử tưởng tượng sự “ tự do ” của các nhà báo các nước phát triển xem thế nào : Khi nhà báo có đầu mối, họ sẽ liên lạc với ai ? Tạm lấy ví dụ về Formosa, các nhà báo sẽ tìm hiểu thông tin như thế nào ? Liên lạc với đại diện Formosa – cái này chắc chắn ai cũng sẽ làm. Nhưng tất nhiên các tập đoàn, các công ty nước ngoài với trình độ nhận thức và sự “ sành sỏi ” về truyền thông chắc chắn sẽ khiến các nhà báo không thể moi được thông tin gì đáng giá. Nếu nhà báo chưa có trong tay thông tin quan trọng để làm khó phía đối phương, việc săn tin đơn thuần hầu như chỉ dừng lại ở việc ghi lại những thông tin có trong văn bản hoặc từ các cuộc họp báo đọc - chép, trả lời theo văn bản có sẵn.
Vậy là nhà báo trước khi đến khai thác và chất vấn đối phương cần có “ vũ khí ” trước. Nhưng thứ vũ khí này đến từ đâu ? Từ nhân viên Formosa ? Nên nhớ luật pháp của các nước nước phương Tây đều rất chặt chẽ, một trong những sự chặt chẽ đó là điều khoản không được phép tiết lộ thông tin mật liên quan đến công ty doanh nghiệp nếu không có thẩm quyền ( clause of confidentiality ) mà trong hợp đồng lao động có ghi rất rõ. Tức là những dòng chữ như “ theo một nguồn thông tin đáng tin cậy của chúng tôi tại Formosa ..... ” hay “ Anh A. nhân viên nhà máy Formosa cho biết ..... ” sẽ khó và gần như không thể xảy ra. Việc tiếp xúc với báo chí tại các nước phát triển diễn ra rất cẩn trọng, việc nhân viên bị sa thải chỉ vì “ nói chuyện ” với báo chí mà không xin phép và khi không được phép là hoàn toàn có thể và rất thường xuyên. Tại sao ? Vì ý thức pháp luật của người dân các nước phát triển, họ nhận thức được và biết sử dụng nó một cách triệt để chứ không phải chỉ xem pháp luật như “ đồ trang sức ”.
Đến đây có vẻ các nhà báo Việt Nam với ít “ quyền tự do báo chí ” lại tác nghiệp có phần dễ dàng hơn. Rất khó để nói ai khó hơn ai. Nhưng ở thời điểm hiện tại sau những gì diễn ra, có thể thấy các nhà báo Việt Nam đang có phần được “ buông lỏng ” và phóng túng hơn rất nhiều so với các nhà báo phương Tây – những người mặc dù được trao quyền tự do một cách công khai và rõ ràng nhưng lại gặp phải rất nhiều những vật cản, những trở ngại giới hạn sự tự do của họ. Sự tự do, cái mà nhiều người Việt đang đấu tranh nhưng thực sự chưa tri đáo được hết ý nghĩa của nó, hóa ra cũng không “ tự do ” như chúng ta tưởng.
Sau tất cả những gì nói ở trên, liệu chúng ta có nên dừng đấu tranh ? Nếu khó khăn vậy thì chúng ta đấu tranh để làm gì? Câu trả lời là có, chúng ta vẫn cần và phải đấu tranh để đạt được những điều mà chúng ta xứng đáng và chúng ta có quyền có được nó. Các nhà báo vẫn phải đấu tranh để dành được sự tự do tác nghiệp, để thực hiện sứ mệnh của mình. Những rào cản đó không nên là thứ khiến các nhà báo phải dừng tay bút.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét