Vì sao người Nhật không thích bàn chuyện “ trỗi dậy ”?
( nghiên cứu quốc tế )
Trong bối cảnh toàn dân Trung Quốc sôi nổi bàn chuyện “ Nước lớn trỗi dậy ”, tờ Hoàn Cầu thời báo ngày 12 / 1 / 2008 đăng bài “ Vì sao người Nhật không thích bàn chuyện trỗi dậy ” của Canh Hân, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quan hệ hai bờ Nhật Bản mà chúng tôi tóm tắt giới thiệu dưới đây. Bài này phần nào thể hiện suy nghĩ của một số trí thức Trung Quốc trước vấn đề nhạy cảm nói trên, tuy tác giả viết cho người Trung Quốc nhưng chúng tôi thiển nghĩ có lẽ người Việt Nam cũng nên đọc.
-----------------------------
Hơn trăm năm nay, Trung Quốc liên tục đưa ra thuyết “ Trỗi dậy ”, “ Nhảy vọt ”, “ Thời hưng thịnh ” ; thế nhưng Nhật Bản, quốc gia cách Trung Quốc một eo biển hẹp, nước phương Đông duy nhất thời ấy được coi là “ nước lớn trỗi dậy ” thì lại có tâm trạng khác với Trung Quốc. Đầu thập niên 1970, Nhật Bản vượt qua các nước lớn Tây Âu nhảy lên vị trí cường quốc kinh tế số 2 thế giới nhưng hồi ấy người Nhật chẳng bàn luận gì về “ trỗi dậy ”, ngược lại họ bàn nhiều về đề tài “ Nước Nhật chìm đắm ”, tên một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng xuất bản năm 1975 của nhà văn Sakyo Komatsu. Ba chục năm sau, năm 2006, kinh tế Nhật lại tăng trưởng 5 năm liền, là một thành tích đáng phấn khởi, thế mà người Nhật lại bỏ ra 2 tỷ Yên làm lại bộ phim “ Nước Nhật chìm đắm ”, có sử dụng công nghệ máy tính và được chính quyền, quân đội hợp tác làm cho bộ phim có nhiều cảnh hấp dẫn hơn.
Ý thức lo âu phòng xa của người Nhật có lịch sử lâu đời. Ngay cả khi kinh tế phát triển tốt, đã thực sự “ trỗi dậy ”, cũng rất hiếm thấy người Nhật tuyên truyền ầm ỹ, huênh hoang tự ca ngợi dân tộc mình ; ngược lại họ càng tỉnh táo, bình tĩnh hơn, luôn tự kiểm điểm bản thân và suy nghĩ lo xa. Điều này đáng để chúng ta tham khảo học tập. Mấy năm nay tuy kinh tế Nhật phát triển tốt nhưng khi đưa tin về vấn đề đó, báo đài Nhật đều giữ thái độ tự trách cứ mình, trong những bài xã luận chúc mừng năm mới chỉ thấy nói nhiều về “ cảnh báo ”. Các doanh nghiệp lớn đều giữ thái độ khiêm tốn khiến người ta quên mất một sự thật là nước Nhật có GDP bình quân đầu người cao tới 40 nghìn USD. Khi Nhật Bản thoát khỏi “ Mười năm đánh mất ”, cựu Tổng Giám đốc hãng Toyota dội một gáo nước lạnh lên đầu đồng bào ông : “ Nhật Bản muốn làm minh chủ châu Á ư ? Không có tư cách và cũng chẳng có sức mà làm đâu ! ”
Thực ra nước Nhật không bao giờ có thể “ chìm ” được. Họ nói thế là chỉ để trau dồi ý thức lo âu phòng xa cho dân chúng mà thôi. Dĩ nhiên chuyện ấy có liên quan tới việc nền kinh tế nước này đã chín muồi, mặt khác, đó còn là do tầng lớp tinh hoa của xã hội Nhật bao giờ cũng phát huy được tác dụng cân bằng của một cái “ van điều tiết ổn định ”, nhất là khi tình hình nước nhà tốt đẹp, tinh thần dân chúng phấn khởi. Ý thức lo âu phòng xa của người Nhật bắt nguồn từ nỗi lo môi trường sinh tồn khách quan, họ thường nói “ Nước nhỏ hẹp, môi trường sống ác liệt, khan hiếm tài nguyên, lắm thiên tai ”. Một ví dụ : lúc nào cũng thấy họ bàn tán om xòm vấn đề thiếu năng lượng, ngay cả người giàu cũng dè xẻn từng giọt nước, từng số điện. Mùa hè vừa qua trời nóng bức, thế mà họ đề xuất : nhiệt độ từ 28 độ C trở lên mới dùng điều hòa nhiệt độ, có cơ quan xí nghiệp còn niêm phong cầu dao cấp điện của hệ thống làm mát. Thực ra nước này đâu có thiếu điện, ngành điện chưa bao giờ mất điện, cắt điện hoặc hạn chế dùng điện. Tính căn cơ dè xẻn ấy khiến người nước ngoài vừa kính trọng vừa ớn người Nhật. Ý thức đó còn bắt nguồn từ sức ép của xã hội. Chẳng hạn một nghiên cứu mới đây cho thấy đến năm 2055, số dân Nhật chỉ còn 89,93 triệu người, người già chiếm 40 % , gấp đôi tỷ lệ hiện nay.
Ngoài ra Nhật Bản cũng phải chịu sức ép từ các nước xung quanh : vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, tư tưởng chống Nhật của người Hàn Quốc, vấn đề 4 đảo miền Bắc ( hiện bị Nga chiếm ), và sự “ trỗi dậy ” của Trung Quốc. Đặc biệt việc Mỹ đóng quân trên đất Nhật 60 năm nay khiến người Nhật cảm thấy khó chịu nhất tuy việc đó lại có lợi nhất cho họ. Ngoài ra truyền thống văn hóa Nhật cũng là nguồn gốc của tâm lý lo âu phòng xa. Trong lịch sử, người Nhật từng tiếp thu sâu sắc tư tưởng Khổng Mạnh, ví dụ hai câu “ Kẻ không nghĩ xa, tất có nỗi lo buồn gần ” và “ Sống biết lo xa, chết sẽ yên lành ” rất được họ tôn sùng. Do có nguồn gốc sâu xa nói trên nên ý thức lo âu phòng xa của người Nhật rất ổn định, không dễ bị mất đi khi hoàn cảnh có chuyển biến tốt ; khó có thể so sánh người Nhật với những dân tộc tuy có chịu sức ép tương tự nhưng không có truyền thống văn hóa, phó mặc số trời, hoặc các dân tộc tuy có truyền thống văn hóa nhưng lại thiếu sức ép từ bên trong hoặc bên ngoài.
Muốn hiểu được ý thức lo âu phòng xa của người Nhật thì cần tìm hiểu 3 bài học lớn trong quá trình hiện đại hóa đầy trắc trở của họ.
Bài học đầu tiên xảy ra vào giữa thế kỷ 19 khi tàu chiến của Đô đốc hải quân Mỹ Matthew Perry tiến vào vịnh Tokyo ép Nhật ký hiệp ước ngoại giao và buôn bán với Mỹ. Hồi ấy do thấy một nước lớn như Trung Quốc mà còn không chống đỡ nổi sự xâm lăng của phương Tây, phải mở cửa cho họ vào nên người Nhật đã chọn đường lối khiêm tốn cúi đầu nhận làm học trò của phương Tây. Bài học này đã chuyển biến thành ý thức lo âu phòng xa và phấn đấu tự cường của người Nhật. Thế nhưng khi mạnh lên rồi thì họ lại chuyển ý thức nói trên thành tư tưởng bành trướng đi xâm chiếm các nước khác ; ngay cả khi chiến sự bất lợi, chính phủ và báo đài Nhật vẫn điên cuồng tuyên truyền hiếu chiến. Sau khi thua to trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhiều người Nhật phê phán tầng lớp tinh hoa nước này đã thiếu bình tĩnh, tỉnh táo, khách quan và tự cảnh tỉnh, làm cho Nhật Bản trở thành kẻ thù của toàn nhân loại. Thất bại nói trên là bài học lịch sử thứ 2 ; từ đó Nhật Bản rời bỏ hàng ngũ nước lớn chính trị trên thế giới, bắt đầu xây dựng lại từ số không, nhịn nhục cần cù lao động với ý thức lo âu phòng xa.
Sau khi trở thành cường quốc kinh tế số 2, cuối thập niên 1980, bong bóng kinh tế nước này bắt đầu phình to, nhiều công ty Nhật Bản đầu tư quy mô lớn ra nước ngoài khiến báo Mỹ kêu la “ Lại một trận Trân châu cảng mới ! ”. Nhưng lần làm liều ấy chỉ khiến cho bong bóng kinh tế Nhật nhanh chóng tan vỡ : hàng loạt công ty lớn và nhà băng phá sản, thị trường nhà đất sụp đổ, kinh tế Nhật Bản rơi vào tình trạng đình trệ và suy thoái kéo dài suốt “ 10 năm đánh mất ”. Trong lúc đó kinh tế Mỹ và Trung Quốc lại vững vàng tăng trưởng, điều đó làm cho người Nhật một lần nữa bình tâm trở lại, tăng cường trau dồi ý thức lo âu phòng xa.
Mỗi thất bại đều được người Nhật chuyển hóa thành ý thức tự cảnh tỉnh : Nóng đầu, không lượng sức mình mà làm liều thì sẽ bị vấp ngã, ăn quả đắng ; ngược lại, tỉnh táo bình tâm, miệt mài lao động thì sẽ có lối thoát. Nhật Bản là một tấm gương tốt của Trung Quốc, nhiều cái họ từng trải qua, Trung Quốc cũng có thể sẽ trải qua với phương thức khác. Các bài học lịch sử và kinh nghiệm của người hàng xóm này rất đáng để Trung Quốc chú ý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét