Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013
nhà văn chỉ viết về các con chữ, hướng dẫn những ai muốn vào nghề viết văn cùng những ví dụ cụ thể đơn giản đời thường để minh họa thôi nhưng vẫn rất hay và hấp dẫn .
Bắt đầu từ những con chữ
Nguyễn Nhật Ánh
Người bạn trẻ hỏi tôi : Làm thế nào để trở thành nhà văn ? Nghề văn bắt đầu từ đâu ? Tôi đáp : Từ sự yêu thích văn chương. Người bạn trẻ bảo : Tôi yêu thích. Tôi lại nói : Thế thì bắt đầu từ năng khiếu. Người bạn trẻ lại bảo : Tôi có năng khiếu. Ồ, nếu cái gì bạn cũng có rồi thì có lẽ nghề văn bằng đầu từ ..... chữ !
1.
Có lẽ không có nghề nào trên đời mà công cụ lao động lại đơn giản như nghề văn. Trong khi anh thợ mộc phải sắm cưa, bào, đục, anh thợ may phải sắm máy may, thì nhà văn chỉ cần một cây viết và một xấp giấy đã có thể ung dung hành nghề. Tất nhiên, sang hơn thì dùng máy đánh chữ, sang hơn nữa thì xài computer, nhưng nếu không có những máy móc cồng kềnh đó, giấy và viết kể như đã đủ. Cũng như nếu không có xe gắn máy hay ôtô, con người ta vẫn có thể đi lại bằng chiếc xe đạp cà tàng. Xem ra, yêu cầu về công cụ của nghề văn còn thấp hơn những nghề lao động bình dân như đánh giày hay sửa xe đạp.
Nguyên liệu của nghề văn còn đơn giản hơn nữa. Thợ mộc cần gỗ, thợ may cần vải, thợ hồ cần xi măng, còn nhà văn chỉ cần ..... chữ. Mà chữ là thứ nguyên liệu chẳng phải bỏ tiền ra mua. Chữ lềnh khênh trong các cuốn sách, ngổn ngang trên những trang báo. Chữ lấp lánh trên các trang web, thậm chí trên các bảng hiệu dọc phố, cả trên những tờ quảng cáo linh tinh dán trên những cột điện hay những gốc cây. Thư la rầy của cha mẹ, thư đòi nợ của ngân hàng, thư đòi chia tay của người yêu cũng là nguồn cung cấp nguyên liệu đối với nhà văn. Vì trong đó, có chữ. Tiếng nói là chữ được phát thành âm thanh ; nghe thiên hạ trò chuyện, cãi vã hay mắng nhiếc nhau cũng là cơ hội để nhà văn thu thập nguyên liệu. Vậy, nguyên liệu của nghề văn ở khắp mọi nơi. Và hoàn toàn miễn phí nếu cuốn sách ta đọc là mượn của bạn bè hay của thư viện, tờ báo ta xem là của ông hàng xóm hay trên giá báo của cơ quan.
2.
Nhà văn ắt nhiên phải giỏi dùng chữ. Vì yêu cầu đầu tiên trong thao tác chữ nghĩa của nghề văn là phải chính xác. Giống như đường kim của thợ may hay viên gạch của thợ hồ, đặt lệch một li có khi lại đi hơn một dặm. Ví dụ đơn giản nhất : nhà văn phải dùng một cách phân biệt từ thánh thót khi nói về tiếng dương cầm và từ réo rắt khi mô tả tiếng vĩ cầm. Cũng như vậy, bập bùng để chỉ tiếng đàn ghita hay véo von dành cho tiếng tiêu, tiếng sáo ..... Đều là nhạc cụ, nhưng sắc thái âm thanh của từng loại khác nhau rõ rệt. Cũng như sự khác nhau giữa tiếng ăng ẳng của chó, quang quác của gà và ủn ỉn của lợn mà chúng ta nghe thấy hằng ngày. Muốn vậy phải có nhiều chữ để dùng. Giàu chữ : đó là lời khen với một người làm nghề văn.
3.
Làm sao biết mình có giàu chữ hay không ? Thiết tưởng, để biết điều này cũng không khó lắm. Đọc hàng trăm cuốn sách, đọc hàng ngàn tờ báo, thấy chỗ nào cũng hiểu, chữ nào cũng biết, hiển nhiên bạn là người giàu chữ. Tất nhiên, có thể bạn sẽ gặp một vài khó khăn khi gặp những thuật ngữ chuyên môn về tôn giáo, triết học, y học hay khoa học kỹ thuật, nhưng các từ điển chuyên ngành sẽ giúp bạn tra cứu và qua đó, bổ sung thêm nguyên liệu cho nghề của bạn. Như vậy, muốn giàu chữ phải đọc nhiều, phải siêng đọc. Nhưng người biết cách kiếm tiền chưa chắc đã là người biết cách xài tiền. Nghề văn cũng vậy, kiếm chữ thì dễ mà dùng chữ mới thiệt là khó. Khó ở chỗ bạn biết chắc bạn có rất nhiều chữ trong bộ nhớ nhưng đến khi cần dùng thì tìm hoài không ra, không biết nó nằm ở ngóc ngách nào trong đầu bạn. Hệt như khi cần mua đồ mà bỗng nhiên bạn lại không tìm thấy ví tiền trong túi, thiệt là éo le !
Chữ nghĩa trong đầu xét cho cùng cũng na ná như quần áo trong rương hay trong tủ. Nếu bạn lười, bạn sẽ chỉ mặc đi mặc lại vài bộ xếp ở trên, treo ở ngoài, trong khi ở dưới đáy rương hay trong góc tủ, nếu bạn chịu khó lục lọi, bạn sẽ thấy có những chiếc quần, chiếc áo đẹp đến mức bạn phải sững sờ. Bạn sẽ trố mắt ngạc nhiên : Chiếc áo đẹp thế này, sao lâu nay ta không lấy ra mặc nhỉ ? Chữ cũng vậy. Thông thường con người ta có thói quen dùng những chữ mà thường ngày mình vẫn dùng. Những chữ quen thuộc có cái tiện là khi bạn cần, chúng hiện ra ngay, thậm chí không cần bạn kêu gọi, thúc giục hay năn nỉ. Những chữ đó được gọi là những từ ngữ thông dụng.
Các sách ngoại ngữ loại 1.000 từ - 2.000 từ được xây dựng trên những từ loại này. Trường hợp này, khá phổ biến, đã chỉ ra rằng trong thực tế bạn chỉ dùng 1/10, thậm chí 1/100 hay 1/1000 số vốn từ mà bạn có, hoàn toàn lãng phí. Giống như bạn đang sở hữu một triệu đồng mà khả năng sử dụng trên thực tế chỉ có một ngàn đồng. Trong tư cách một nhà văn, chính sự lười nghĩ đã niêm phong tài khoản từ ngữ của bạn khiến bạn không thể huy động tối đa vốn liếng của mình.
4.
Dĩ nhiên sẽ quá khắt khe nếu yêu cầu bạn phải nghĩ ngay ra con chữ thích hợp hoặc cần thiết phục vụ cho sự hành văn của bạn. Điều đó đòi hỏi một trí nhớ, đặc biệt là một sức liên tưởng mạnh mẽ và phong phú. Bản thân tôi là nhà văn, đã viết nhiều sách, nhưng không phải lúc nào tôi cũng tìm thấy những con chữ như ý muốn. Tôi không biết các nhà văn khác làm thế nào, riêng tôi, tôi khắc phục bằng cách ghi chép. Khi bắt gặp ở đâu đó một từ hay hay mà tôi chưa biết, hoặc một từ đã biết mà ít khi dùng, tôi đều ghi lại và tìm mọi cách để đưa nó vào trang văn của mình. Thỉnh thoảng tôi cũng hay lật từ điển, không phải để tra mà là để xem, lang thang trong đó hàng giờ, giống như các bà nội trợ vẫn hay đi xem ( chứ không phải mua ) hàng hóa ở các siêu thị lộng lẫy và đồ sộ.
Từ điển là cuốn sách tập hợp một lượng từ ngữ khổng lồ, vào đó như vào một kho tàng. Bạn sẽ tìm thấy trong đó những từ quen thuộc, những từ ít quen thuộc, thậm chí những từ lạ lẫm đến nỗi bạn tin chắc là bạn chưa gặp qua bao giờ. Gấp cuốn từ điển lại, giống như các bà nội trợ đi ra khỏi siêu thị, bạn sẽ thu hoạch được nhiều thứ. Bạn nhớ lại được nhiều từ mà bạn đã quên từ lâu, học thêm những từ mới, hay nghĩa mới của một từ cũ, và dĩ nhiên là bạn sẽ nghĩ ra cách dùng những từ đó, mặc dù có thể không phải ngay hôm nay hay ngày mai. Các bà nội trợ cũng thế thôi, họ ngắm nghía hàng giờ trong siêu thị rồi đi ra tay không, nhưng những món hàng hấp dẫn, thậm chí giá cả lẫn vị trí của chúng đã khắc sâu trong tâm trí họ. Một lúc nào đó, cần tới, họ sẽ tìm ngay được cái họ cần. Nói tóm lại, đó là một cách rèn luyện trí óc, một kiểu thể dục tinh thần, và theo tôi là vô cùng quan trọng với những ai có ý định hành nghề bằng những con chữ.
5.
Nhưng chữ chỉ là chữ, nếu không có nghĩa. Chữ luynh, chữ nguynh rõ ràng vẫn là chữ, nhưng nó không có nghĩa. Nó chỉ là một ký hiệu không chứa thông tin nào, hoặc nói dè dặt là không chứa thông tin nào rõ rệt. Chữ, là phương tiện để giao tiếp, diễn đạt, nên buộc phải có nghĩa. Chúng ta vẫn nghe nói chữ nghĩa đó thôi. Chữ chứa nghĩa như con thuyền chứa món đồ mà nó chuyên chở. Nó không phải là con thuyền rỗng không. Từ đó bạn có thể tự suy ra, tuy chữ là nguyên liệu của nhà văn nhưng chỉ ở khía cạnh hình thức. Nguyên liệu thực sự của cái mà những con chữ chuyên chở, tức là nghĩa. Nói khác đi, là những ý tưởng. Nhưng bàn về những ý tưởng, đó không phải là mục đích của bài này.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét