Trang

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Mafia Nhật ra báo 

10 / 7 / 2013

( RFI tiếng việt )

Hãy thử tưởng tượng một hôm nào đó, bạn nhìn thấy tuần báo « Mafia weekly » hoặc « Cosa Notra Giormale ». Ấy vậy mà Mafia Nhật Bản - Yakuza – vừa ra mắt báo riêng của mình, thậm chí, trong đó cả mục văn thơ.


Theo báo chí Nhật Bản, Yakuza, tổ chức mafia mạnh nhất tại xứ hoa anh đào, vừa xuất bản tạp chí mang tên « Yamaguchi-gumi Shinpo – Báo của Yamaguchi ». Khó có thể biết số báo đầu tiên đã ra từ lúc nào vì không thấy có chiến dịch quảng cáo về sự kiện này.

Đương nhiên, ấn phẩm này cũng không xuất hiện trên các sạp bán báo và cũng không thể đặt mua báo được. Thế nhưng, gần 28.000 thành viên của tổ chức này đã nhận được số báo đầu tiên, bao gồm 8 trang và trên đó, còn có cả xã luận của ông trùm Kinichi Shinoda, để động viên tinh thần các « chiến hữu ».

Nhật báo Sankei Shimbun đã có được ấn phẩm này và cho biết ông trùm Kinichi Shinoda đã nhắc nhở các thế hệ trẻ Yamaguchi về những giá trị và kỷ luật tạo nên sức mạnh của tổ chức mafia trong nhiều thập niên qua.

Như một chủ doanh nghiệp trong thời kỳ khủng hoảng, thủ lĩnh nhắc nhở rằng trong thời buổi khó khăn hiện nay, mafia Nhật không nên tự hài lòng, dựa vào « danh tiếng » của mình, nếu muốn phát triển công việc làm ăn để kiếm lời.

Bên cạnh đó, báo của mafia Nhật cũng có những mục nhẹ nhàng hơn như có trang dành cho các trò chơi, mục thơ truyền thống của Nhật Bản và tất nhiên, có cả mục nói chi tiết về các vụ làm ăn thành đạt của tổ chức này.

Giống như mafia Ý hoặc Trung Quốc, Yakuza hoạt động trong nhiều lĩnh vực có lợi nhuận cao như đánh bài, ma túy, mãi dâm, cho vay nặng lãi, bảo kê. Mafia Nhật còn có chân trong tài chính và bất động sản.

Các tổ chức Yakuza bị đặt ra ngoài vòng pháp luật nhưng trong một thời gian dài, chính quyền « nhắm mắt làm ngơ ». Trong những năm gần đây, luật pháp chống mafia của Nhật Bản được củng cố và cảnh sát tăng cường trấn áp các băng tội phạm.

Một cảnh sát Nhật, được báo Mainichi Shimbun trích dẫn, cho biết : « Dường như Yakuza ý thức được rằng thời buổi hiện nay khó làm ăn vì có những quy định pháp luật mới khắt khe hơn, ví dụ, như ngăn chặn việc mở các tài khoản ngân hàng hoặc ký các hợp đồng bât động sản ».

Theo cảnh sát Nhật Bản, số lượng thành viên Aykuza giảm liên tục trong những năm gần đây, khoảng 7.000 người mỗi năm. Tuy vậy, tổ chức này vẫn có khoảng 63.000 thành viên trên toàn quốc.

Vẫn theo nguồn tin này, trong năm 2012, Aykuza đã bị mất 3.300 thành viên, nhưng vẫn dính líu đến hơn 40% các vụ phạm tội có tổ chức.

Số thứ hai « Báo của Yamaguchi » có thể sẽ ra mặt trong vài tháng tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét