Trang

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013


nếu như thoát ra khỏi xiềng xích u ám và tìm thấy được CHÂN LÝ : CHÂN, THIỆN, MỸ rồi thì khi đó triết học giống với tôn giáo nhiều hơn, đặc biệt là ở lĩnh vực THIỀN và CHIÊM NIỆM. Xem ra giữa triết học với tôn giáo cũng có nhiều điểm chung chứ đâu phải xa lạ gì đâu nhỉ.


Trong hang động của Platon

( soi.today )

Chúng ta đều thống nhất là nền tảng văn minh phương Tây nói chung và nghệ thuật phương Tây nói riêng có liên quan rất chặt chẽ tới Hy Lạp cổ đại. Trong hệ thống Hy lạp, ba thầy trò Socrates, Platon và Aristote đóng vai trò đặc biệt. Socrates không viết. Những điều ta biết về ông đều qua lời Platon. Vì thế, Platon đặc biệt quan trọng. Trong các lý thuyết về mỹ học và nghệ thuật, có thể nói Platon là khởi điểm đáng kể nhất.


Dụ ngôn Hang động và vũ trụ quan Platon :

Triết học Platon có rất nhiều vấn đề, nhưng một trong những quan điểm liên quan mật thiết đến lý luận mỹ thuật là vũ trụ quan của ông, được thể hiện rõ trong dụ ngôn Hang động mà có lẽ ai cũng biết, nhưng xin nêu lại ý chính :

Hình dung loài người là một bầy tù nhân bị trói chặt trong một hang động, quay mặt vào vách đá ở đáy động. Vì bị trói chặt, đám người không thể ngoái nhìn ra cửa hang, cũng không thể đi ra ngoài hang. ( Hệ thống dây trói này là gì, sau này có nhiều kiến giải. Nhưng chí ít chúng là những hạn chế của thể xác với hệ thống giác quan của nó. Ngoài ra còn những trói buộc về tư tưởng, phong tục tập quán v.v..... )

Bên ngoài cửa hang là cả một thế giới. Thế giới này được Platon cho là chân, thiện, mỹ. Trong thế giới đó có vô số thứ hay ho, được Platon gọi là các Ideas, ta dịch là các ý tưởng. Theo Platon thì tất cả các Ideas đều tuyệt đẹp và vĩnh cửu, bất biến.




Thế giới bên trong và bên ngoài hang


Các vị thần là những sinh linh hay siêu nhân có thể ra ngoài thế giới tự do đó, và biết tất cả những ideas đó. Thương loài người bị cầm tù, các thần làm một số bản copy của một số ý tưởng đó để mang vào hang cho loài người xem. Những bản copy này có thể được coi như những con rối, hay búp bê, làm theo hình mẫu ngoài thế giới vĩnh hằng. Những con rối này được làm bằng các loại vật liệu nào đó, vì thế, chúng có tính vật chất, tính “ thực ” của chúng, nhưng đó là cái thực của con rối, khác với cái thực của hình mẫu lý tưởng. Từ một ý tưởng mẫu có thể làm ra muôn vàn con rối khác nhau, bằng những vật liệu khác nhau.

Tuy nhiên, do trong hang tối om, và quá nhiều người tù bị trói, nên muốn cho mọi người cùng xem các con rối, các thần làm một hệ thống chiếu phim, giống như hệ thống xem rối bóng hay projector của ta bây giờ. Họ làm một bức tường đằng sau các người bị cầm tù, đặt các con rối lên đó, rồi đốt một đống lửa đằng sau, để cho bóng của các con rối được hắt lên tường. Đống lửa này có thể coi như mặt trời mà ta biết. Nhờ ánh sáng của nó mà ta thấy được bóng của các con rối.

Theo cách hiểu phổ thông thì các con rối chính là những vật, những objects trong thế giới mà ta gọi là tự nhiên khách quan. Ta có thể đoán biết về sự tồn tại của chúng, nhưng vì chúng nằm ngược sáng nên ta không thể nhìn rõ chúng. Còn những thứ mà ta thấy chỉ là cái bóng của chúng mà thôi. Ví dụ như con ngựa ngoài tự nhiên chính là con búp bê ngựa mà các thần làm ra từ ý tưởng, hình mẫu là con ngựa vĩnh cửu. Nhưng cái mà ta cảm nhận được về con ngựa chỉ là cái ảnh của con rối ngựa đó khi được ánh sáng chiếu vào, và cái ảnh này chỉ là một phần của con ngựa ngoài tự nhiên. Và điều quan trọng nữa là bản thân những ảnh này rất khác nhau trong cảm nhận của mỗi người, phụ thuộc vào điều kiện chủ quan của từng người. Có thể nói mỗi con ngựa chúng ta nhìn thấy là tổng hợp của 3 yếu tố : nguồn sáng, bản thân con ngựa ngoài tự nhiên và hệ thống giác quan, cảm nhận chủ quan của mỗi người.

Theo Platon, chỉ có thế giới lý tưởng, vĩnh hằng với các ideas của nó mới là chân, thiện và mỹ. Và cái đẹp của các idea mới là cái đẹp tuyệt đối. Muốn biết thế nào là thực sự đẹp thì chỉ có cách tháo xiềng xích, tự ra đó mà nhìn. Cái đẹp này tựa như cái đẹp mà Phật nói có thể chứng được trong trạng thái ngộ.

Tiếp theo là đến cái đẹp trong các bản copy, tức là đời F1. Các bản copy khác nhau có hàm chứa tỷ lệ giống idea mẫu khác nhau, vì thế cũng có độ đẹp xấu khác nhau. Bản nào càng giống idea vĩnh hằng thì càng đẹp. Cái đẹp này là đẹp tương đối theo nghĩa vô thường và không hoàn hảo, nhưng cũng có thể coi là một phần của cái đẹp thật, chứ không phải hoàn toàn tương đối kiểu chủ quan.

Cuối cùng là cái đẹp trong những cái bóng. Những cái bóng này là thế hệ F2 kể từ các idea. Sau hai lần biến dạng, về nguyên tắc chúng sẽ ngày một xa rời hình mẫu lý tưởng. Tuy nhiên, chúng vẫn giữ phần trăm nào đó nét của hình mẫu lý tưởng. Càng giống hình mẫu bao nhiêu, chúng sẽ càng đẹp bấy nhiêu.

Tóm lại, vẻ đẹp của thế giới vật chất và kể cả các ảo ảnh là vẻ đẹp có thật, khách quan, do phần trăm của idea nằm trong đó, chứ không phải cảm nhận chủ quan, tương đối của mỗi người. Tuy mỗi người sẽ cảm nhận về vẻ đẹp đó một cách khác nhau, dưới mức độ khác nhau, nhưng một vật hay hình ảnh đẹp sẽ tạo cảm giác ham thích cho mọi người. Mỗi người có thể nhìn con ngựa dưới góc độ khác nhưng đều nhận ra là ngựa, và khi công nhận là ngựa tức là thừa nhận nó có một số quy luật hình thức nhất định chứ không phải lung tung, có nghĩa là thừa nhận ở nó một vẻ đẹp phổ quát, cho dù ta có gọi đó là đẹp hay không.

Khái niệm và vai trò của nghệ thuật theo Platon :

Nghệ thuật theo Platon là một trong những hoạt động có chủ đích của con người, có mục đích là thể hiện cái đẹp. Một sản phẩm nghệ thuật càng gần với idea lý tưởng thì càng đẹp. 

Có hai dạng chính để làm ra một tác phẩm nghệ thuật như vậy. Platon gọi là Poiesis ( nghệ thuật sáng tạo ) và mimesis ( nghệ thuật sao chép tự nhiên ) . Hai loại nghệ thuật này là hai cách tiếp cận khác nhau tới cái đẹp trong vũ trụ quan Platon.

•    Poiesis :

Nghệ sỹ sáng tạo thực sự là những bậc trí giả. Họ cũng là người sống trong hang như những người khác nhưng không bị xiềng. Họ đi ra cửa động, quan sát được thế giới bên ngoài. Khi quay về, họ rất muốn tả lại cho những người bị xiềng xích kia thấy được là thế giới đó đẹp đẽ ra sao. Họ bèn bắt chước các vị thần, làm ra các con rối để truyền đạt.

Những tác phẩm của họ là mô hình về cái thực, được mô tả lại bởi những người được giác ngộ, đã nhìn thấy chân lý, nhằm giúp người ta hình dung ra thế giới lý tưởng đó. Lý luận của Phật Giáo, hay Kito, học thuyết của Socrates và Platon vẫn được coi là loại mô hình này. Bản thân chúng không phải sự thật, mà là lời kể về sự thật của người đã nhìn thấy nó.

Những con rối do các nghệ sỹ sáng tạo này làm ra có thể dưới dạng thi ca, dạng tranh, tượng, nhạc, kiến trúc hay một thứ gì đó. Đôi khi nhiều loại vật liệu khác nhau có thể được dùng để diễn đạt cùng một loại ý tưởng. ( Một khi đã nhìn thấy idea mẫu, trí giả đó có thể làm hàng ngàn copy dưới nhiều hình thức khác nhau, tùy theo vật liệu mà anh ta có và năng lực của anh ta để mô phỏng lại idea gốc ). Đặc biệt thi ca được coi là gần với sáng tạo thần khải nhất, vì thế cũng có cùng gốc từ với poiesis.

Bởi chúng là những copy trực tiếp từ thế giới lý tưởng nên về nguyên tắc có thể sánh ngang với những thực tại trong tự nhiên, và khi đó, bậc trí giả hay nghệ sỹ đó sánh ngang với các thần thánh.

•    Mimesis :

Nghệ sỹ mimesis cũng là người sống trong hang và cũng bị xiềng như những người khác. Tuy không ra được cửa hang, anh ta nhận ra là trong các hình bóng cùng tên từng trôi qua trên vách hang thì có những cái đẹp hơn. Và anh ta nghiên cứu trong các hình bóng đó để đúc rút ra một cái gần với chuẩn mực nhất, đẹp nhất. Sản phẩm của anh ta không giống hoàn toàn bất kỳ một cái bóng nào từng có trên vách, mà hoàn hảo hơn tất cả bọn chúng, nó chứa những đặc điểm chung của cả họ bóng đổ đó.

Nếu anh ta vẽ hay tạc tượng một con ngựa, thì ai cũng biết đó là con ngựa, nhưng con ngựa này hoàn hảo hơn mọi con ngựa mắt thấy. Nó là mô hình gần với thực tế lý tưởng nhất, tỷ lệ đẹp do đó cao nhất. Nếu anh ta làm tượng vệ nữ, thì tượng này sẽ hội tụ đầy đủ những nét đẹp lý tưởng về phụ nữ mà không một người phụ nữ thật nào hội tụ nổi. Đó chính là lý do tại sao những tác phẩm nghệ thuật Hy Lạp có độ phổ quát và độ đẹp lý tưởng cao như chúng ta biết.

Như vậy, nghệ sỹ được gọi là mimesis cũng không sao chép tự nhiên một cách đơn thuần, mà anh ta khái quát hóa nó để thành một sản phẩm đậm đặc hơn, gần với chân, thiện, mỹ hơn. Kỹ thuật hay quy trình tạo tác của anh ta là quan sát một loạt hình ảnh cùng tên rồi bỏ đi những đặc điểm riêng, cụ thể của từng cái, tinh lọc ra cái chung, bản chất của cả họ. Chẳng hạn lấy ra cái “ tính trắng ” từ nhiều vật màu trắng, cái “ tính ngựa ” từ nhiều con ngựa. 

Cũng có thể nói sản phẩm của anh ta cũng là những con rối như của các bậc trí giả giác ngộ, nhưng là những con rối do đúc kết bóng đổ mà thành chứ không phải do nhìn thấy hình mẫu idea mà sao chép ra. Do xuất phát từ thế hệ bóng, tức là F2, ta có thể coi sản phẩm nhân tạo này là F3. Nhưng F3 này tinh chứa nhiều đặc điểm giống cụ tổ idea hơn cả đời F2. Nếu so với F1, thông thường F3 sẽ không được bằng, vì F1 là con đẻ, copy trực tiếp từ idea. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp ngẫu nhiên mà F3 có thể giống idea hơn cả một số cá thể đời F1, giống như chắt có thể giống cụ hơn là con giống bố.

•    Nghệ thuật dưới dạng công án thiền :

Theo Platon, nghệ thuật sẽ diễn ra theo 1 trong 2 cách trên. Tuy nhiên cũng phải nói thêm là Platon khinh thường nghệ thuật theo cả hai nghĩa nói trên. Thứ nhất là bởi vì mọi sản phẩm nghệ thuật, cho dù nó được mô phỏng trực tiếp từ idea lý tưởng, hay được đúc rút từ những hình bóng vô thường trên vách đá, thì nó vẫn chỉ như những con rối có thể rất giống thật nhưng không phải là thật. Có nghĩa là nghệ thuật chuyển tải được phần nào cái đẹp, nhưng không chuyển tải được tính chân và thiện của lý tưởng.

Ngoài ra, thế giới vĩnh hằng còn biết bao điều khác, vô vàn ideas khác không thể được mô phỏng hết. Vì thế, cách duy nhất cũng là mục đích duy nhất của mọi nỗ lực là phải ra được khỏi hang, chứ không phải là làm các mô hình đẹp hơn.

Điều nguy hiểm nhất của nghệ thuật lại chính là những sản phẩm mô hình quá nét, quá đẹp, khiến người ta mê say và an tâm với chúng, và từ đó mất đi cái mong muốn được giải thoát, được ra ngoài hang động, để nhìn thấy cái thực vô biên và vĩnh hằng ngoài cửa hang. Tương tự nếu ta xem 1 bộ phim thám hiểm thật hay về một vùng đất lạ thì rất có thể ta cho rằng hiểu biết như thế là đủ, khỏi cần trực tiếp đến vùng đất đó nữa. Những kẻ say mê sản phẩm nghệ thuật là những kẻ mông muội khó thuyết phục nhất về tình trạng ếch ngồi đáy giếng của họ và ít có nhu cầu nhất về việc tìm tới cái chân thiện mỹ, vì sản phẩm nghệ thuật họ chiêm ngưỡng có những vẻ đẹp đã đủ thỏa mãn họ.

Từ nhận thức về mối nguy hại đó, Platon rất coi thường nghệ thuật. Quan điểm này của ông giống với quan điểm nhà Phật, cho rằng muốn đạt tới Niết bàn hay thiền thực thụ phải giải thoát khỏi “ mọi ” trụ chấp. Còn dính vào hình, vào lời, dù tinh tế đến đâu, đúng đắn đến đâu, vẫn là đang ở trên thuyền chứ chưa lên bờ. Và theo cách hiểu đó, những giải thích, minh họa gần đúng không những không có tác dụng, thậm chí còn có tác hại như thuốc phiện làm mê tâm.

Vì vậy theo Platon, nghệ thuật chân chính không phải là nỗ lực thể hiện gần đúng vẻ đẹp của một idea nhưng là làm cách nào để thức tỉnh nhân loại rằng thế giới chân thiện mỹ còn ở ngoài cửa hang, tất cả mọi thứ họ làm, họ thấy đều chỉ là những cái bóng của các con rối thôi. Cách hiểu nghệ thuật này tương tự như khái niệm về các công án trong thiền môn.  


*


Nguyên bản “ Dụ ngôn về cái hang ”

Dụ ngôn về cái Hang nằm trong tập 7 của “ The Republic ” ( Cộng hòa ) – tác phẩm nổi tiếng nhất của Plato. Đây là một đoạn đối thoại dài về bản chất của công lý. Trích đoạn dưới đây lấy từ bản dịch ra tiếng Anh của Benjamin Jowett ( nhà xuất bản Vintage, 1991 ) , trang 253 – 261. 

Socrates : Và giờ – tôi nói – để tôi trưng ra một hình ảnh ( cho thấy ) bản chất của chúng ta là được khai sáng hay không được khai sáng tới đâu : Nhìn kìa ! loài người sống trong một cái hang dưới lòng đất, miệng hang mở, hướng về phía ánh sáng và ánh sáng chiếu dọc theo hang; họ đã sống tại đây từ bé, chân cũng như đầu bị xích nên không thể cử động, và chỉ có thể nhìn ra phía trước mặt, vì xích ngăn không cho họ ngoái đầu. Ở trên cao và phía sau họ, phía xa xa, là một ngọn lửa bập bùng, giữa ngọn lửa và các tù nhân có một lối đi nhô lên, và anh sẽ thấy, nếu nhìn kỹ, có một bức tường thấp xây dọc theo lối đi ấy, giống như bức màn mà những người diễn rối vẫn có trước mặt họ, qua đó họ biểu diễn rối cho chúng ta xem.

Glaucon : Tôi thấy.

Socrates : Và anh có thấy – tôi nói – có những người đi dọc theo bức tường, đem theo đủ các loại bình, tượng cũng như hình thú vật làm từ gỗ, đá, và nhiều chất liệu khác, những hình ảnh này hiện ra bên kia bức tường ? Một vài người đang trò chuyện, một số khác thì im lặng.

Glaucon : Anh đã cho tôi xem một hình ảnh kỳ lạ, và những tù nhân này cũng kỳ lạ.

Socrates : Giống chúng ta thôi – tôi đáp; và họ chỉ thấy bóng của chính mình, hoặc bóng của nhau, do ánh lửa hắt lên bức tường đối diện của cái hang ?

Glaucon : Đúng thế – anh ta nói; làm sao họ có thể thấy cái gì khác ngoài những cái bóng nếu họ không bao giờ được phép quay đầu ?

Socrates : Và những vật kia được mang vào theo cung cách để họ chỉ có thể thấy được như những cái bóng ?

Glaucon : Đúng vậy – anh ta nói.

Socrates : Và nếu có thể nói chuyện với nhau, họ có tin rằng mình đang đặt tên cho các vật ở trước mặt mình ?

Glaucon : Quả thế thật.

Socrates : Và giả định sâu hơn nữa, nếu trong nhà tù này có một âm dội đến từ bên kia bức tường, liệu họ có chắc chắn để không tưởng rằng, khi mấy người ở đằng sau nói chuyện, âm thanh mà họ nghe thấy là đến từ cái bóng đang chuyển động ?

Glaucon : Chắc chắn là không rồi – anh ta trả lời.

Socrates : Đối với họ – tôi nói – sự thật, theo nghĩa đen, sẽ không là gì khác ngoài những cái bóng của các hình ảnh.

Glaucon : Đúng thế. 

Socrates : Và giờ hãy nhìn lại lần nữa, chứng kiến chuyện gì sẽ tự nhiên diễn ra tiếp nếu các tù nhân được thả và thôi không bị trừng phạt vì những lỗi lầm của mình. Đầu tiên, khi bất cứ ai trong số họ được giải phóng và bất thình lình bị thôi thúc phải đứng lên, ngoái cổ lại, và đi tới, nhìn về phía ánh sáng, anh ta sẽ phải chịu những cơn đau buốt; ánh sáng chói lóa sẽ làm anh ta khốn khổ, và anh ta sẽ không thể thấy thực tại của cái thứ mà hồi còn ở trạng thái cũ, anh đã thấy lúc nhìn những cái bóng; và rồi anh ta tưởng tượng có ai đó đang nói với anh, rằng những gì anh thấy trước đây chỉ là ảo ảnh, nhưng lúc này, khi đến gần hơn với hiện tồn, và mắt anh hướng đến một tồn tại cũng thực hơn, anh đã có một cái nhìn rõ hơn, – câu trả lời của anh ta sẽ là gì ?

Và anh ( Glaucon ) có thể tưởng tượng xa thêm nữa : kẻ hướng dẫn cho người này chỉ vào các vật khi chúng lướt qua và yêu cầu anh ta gọi tên chúng, – Liệu anh ta không bị bối rối chứ ? Liệu anh ta có không tưởng tượng rằng những cái bóng mình thấy trước kia là thực hơn những vật đang bày trước mặt bây giờ ?

Glaucon : Thật hơn nhiều.

Socrates : Và nếu anh ta bị thôi thúc phải nhìn thẳng vào ánh sáng, liệu mắt của anh ta có bị đau, khiến anh ta phải quay mặt đi để chỉ thâu nhận những vật thuộc ảo tưởng mà mắt anh ta có thể thấy, cái ảo tưởng mà anh cho rằng thuộc một thực tại còn rõ ràng hơn những thứ người ta đang cho anh xem lúc này ?

Glaucon : Đúng, giờ thì anh ta như vậy.

Socrates : Và giả định một lần nữa, anh ta miễn cưỡng lết lên một con đường dốc ngược và gồ ghề, bám chắc cho đến lúc buộc phải diện kiến mặt trời, anh ta sẽ đau chứ ? khó chịu chứ ? Khi tiếp cận ánh sáng, mắt anh ta sẽ lóa, và anh ta sẽ không thể thấy bất kỳ cái gì mà giờ đây được gọi là thực tại.

Glaucon : Trong một lúc là hoàn toàn không – Glaucon nói.

Socrates : Anh ta đòi hỏi phải quen dần với khung cảnh của thế giới bên trên. Thoạt tiên anh ta sẽ dễ thấy những cái bóng nhất, kế là hình phản chiếu của con người và những vật khác trong nước, rồi mới đến bản thân các vật; xong anh ta sẽ nhìn chằm chằm vào ánh sáng của mặt trăng, của các vì sao, thiên đường dát vàng dát bạc, và hẳn anh ta sẽ thấy bầu trời và những vì sao vào buổi đêm dễ hơn là ngắm mặt trời và ánh sáng của mặt trời vào ban ngày ?

Glaucon : Chắc chắn rồi.

Socrates : Cuối cùng hết, anh ta có thể nhìn thấy mặt trời, và không chỉ hình phản chiếu của mình trong nước, anh sẽ thấy mình tại một nơi xứng hợp với anh chứ không phải một nơi nào khác; và anh ta sẽ tự ngẫm về bản thân như anh ta, là anh ta.

Glaucon : Chắn chắn thế.

Socrates : Rồi anh ta bắt đầu tiến tới lập luận rằng chính anh ta đã tạo ra mùa màng và năm tháng, là người bảo hộ của tất cả những thứ thuộc về cái thế giới có thể nhìn thấy đây, và theo cách nào đó, là nguyên nhân của mọi vật mà anh ta và bè bạn của anh ta từng quen nhìn ?

Glaucon : Rõ rồi – Glaucon nói – anh ta sẽ thấy mặt trời trước tiên, rồi mới lý sự về bản thân.

Socrates : Và khi nhớ lại nơi ở cũ của mình, thứ thông thái của cái hang cũng như của các bạn tù, liệu anh ( Glaucon ) có cho rằng anh ta sẽ tự khen ngợi mình về sự thay đổi này, và thương hại những thứ kia ?

Glaucon : Chắn chắn anh ta sẽ thế.

Socrates : Và nếu trong đám họ vẫn có thói quen suy tôn những ai nhanh nhẹn nhất trong việc quan sát những cái bóng lướt qua lại, trong việc bình xem cái bóng nào tới trước, bóng nào theo sau, bóng nào đi cùng nhau, và đó sẽ là người giỏi nhất, có thể rút ra các kết luận về tương lai; Anh ( Glaucon ) có nghĩ rằng anh ta có còn quan tâm tới các danh hiệu cũng như vinh quang đó, hoặc ghen tị với những ai đang sở hữu chúng ? Liệu anh ta có nói theo Homer :

Thà làm một đầy tớ nghèo của một ông chủ nghèo và chịu đựng mọi thứ, còn hơn là suy nghĩ như đám bạn tù nghĩ và sống theo cung cách họ ?

Glaucon : Vâng – Glaucon nói – tôi nghĩ rằng anh ta thà phải chịu đựng bất kì chuyện gì còn hơn là nuôi dưỡng những quan niệm sai và sống theo cung cách khốn khổ này.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét