Trang

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013


Vạn Hạnh thiền sư và công cuộc khởi nghiệp của triều Lý

( ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT )

Thiền sư Vạn Hạnh sinh ra và khẳng định vai trò lịch sử của mình trong buổi đầu xây dựng một nhà nước thật sự tự chủ, tự quyết. Khi ấy, làm nền tảng tư tưởng cho chính thể và cho xã hội thuộc về cả tam giáo, nhưng có phần nghiêng về Phật giáo.


Đến giờ, sau 1000 năm nhìn lại, các nhà sử học đã có đủ cứ liệu để đánh giá thuyết phục vai trò của triều Lý trong lịch sử dựng nước và giữa nước vô cùng dài lâu, gian khổ mà cũng vô cùng oanh liệt của dân tộc ta. Có thể thấy vai trò to lớn ấy bộc lộ tập trung ở ba điểm nổi bật sau ; một là : quyết định rời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, đổi tên là Thăng Long, mở ra một thời đại mới trong giao lưu và phát triển vượt bậc của đất nước trên nhiều phương diện ; hai là : đặt nền tảng về mọi mặt cho sự ổn định và phục hưng của dân tộc với khoảng thời gian dài nhất, từ năm 1009 khi Lý Công Uẩn xưng vương đến năm 1225 khi Lý Chiêu Hoàng xuống Chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh - chừng 215 năm ; và ba là : đấu tranh bảo vệ sự trọn vẹn, thống nhất của non sông, để rồi tên gọi Đại Việt ( 1 ) trở thành một cái tên chung, tượng trưng cho tinh thần tự chủ, tự quyết của cả một dân tộc luôn đường hoàng sánh ngang với Trung Quốc và các nước khác.

Công tích vĩ đại ấy hiển nhiên thuộc về một triều đại, nhưng gắn liền với một tên tuổi chói sáng giữ vai trò đặt nền xây móng là Lý Công Uẩn ( 974 - 1028 ) , tức vua Lý Thái Tổ - vị vua đầu tiên của nhà Lý. Dường như ông được sinh ra là để đáp ứng những nhu cầu bức bách mang tầm lịch sử của cả dân tộc. Vì vậy, có thể thấy trong ông kết tinh và ẩn chứa những phẩm chất riêng, đặc biệt thích hợp với sự nghiệp tạo dựng một thời đại mới - thời đại phát triển trong thế ổn định bền lâu về mọi mặt của đất nước.

Hãy nhớ lại giai đoạn lịch sử chừng 100 năm trước thời Lý. Đất nước trải qua sự trị vì của các triều đại Ngô ( 939 - 965 ) , Đinh ( 968 - 980 ) và Lê ( 980 - 1009 ) . Khách quan mà xét đoán thì nếu không có những bậc tiền bối làm nên các triều đại ngắn ngủi này thì chưa hẳn đã xuất hiện nhân vật mang tầm vóc lịch sử như Lý Công Uẩn. Bằng tài năng và tâm huyết hiếm có, như tập trung sức mạnh tiềm tàng của cả dân tộc, những Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành .... trên thực tế đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử được giao phó.

Họ đã nhiều lần chiến thắng oanh liệt kẻ thù ngoại bang, bảo vệ được nền độc lập, tự chủ cho tổ quốc. Họ cũng đã chiến đấu ngoan cường, không tiếc máu xương, để gìn giữ sự thống nhất của non sông. Nhưng, chính thể và xã hội nước ta khi đó chưa thể nói là đã ổn định. Càng chưa thể nói tới sự phát triển. Chỉ trong vòng 70 năm, không kể 3 năm đất nước rơi vào đại loạn thập nhị sứ quân ( 965 - 967 ) , đã có tới ba triều đại thay thế nhau trị vì. Đặc biệt, vào lúc chuyển giao giữa triều Lê và triều Lý, có thể nói đất nước thật sự đứng trước sự hỗn loạn đầy hiểm nguy. Không ai có thể dự đoán được tương lại, vì nó hiện ra thật mờ mịt và bất định. Vấn đề đặt ra là phải khẩn thiết chọn lựa nhân tài, đại diện xứng đáng cho xu thế tất yếu của lịch sử, mà yêu cầu hàng đầu là có sức thu hút, tập hợp sức mạnh của toàn xã hội, toàn dân tộc về một mối duy nhất. Và điều đó đã xảy ra như từng xảy ra.

Vì, một khi lịch sử đặt ra thách thức thì đồng thời lịch sử cũng tạo ra những con người đủ sức đưa cộng đồng vượt qua thách thức ấy, đem lại sự tiến bộ và thúc đẩy lịch sử đi về phía trước. Quyết định khi đó nằm ở sự chọn lựa, và phải là một sự chọn lựa sáng suốt. Rồi những bậc thức giả như Thiền sư Vạn Hạnh (  ? - 1018 ) và quan Chi hậu Đào Cam Mộc (  ? - 1015 ) đã kịp thời xuất hiện, mang một sứ mệnh lịch sử khác, không thể nói là không mang tính quyết định : sứ mệnh chọn lựa nhân tài phù hợp nhất trong điều kiện đó của đất nước.

Thiền sư Vạn Hạnh ( 2 ) sinh ra và khẳng định vai trò lịch sử của mình trong buổi đầu xây dựng một nhà nước thật sự tự chủ, tự quyết. Khi ấy, làm nền tảng tư tưởng cho chính thể và cho xã hội thuộc về cả tam giáo, nhưng có phần nghiêng về Phật giáo. Tất nhiên, đó không hoàn toàn là thứ tôn giáo xuất thế như thường thấy và như kinh Phật đòi hỏi, mà mang tinh thần nhập thế tích cực, nhằm thỏa mãn đến mức có thể nhu cầu tồn tại và vươn lên của đất nước, gắn chặt với duyên kiếp của biết bao sinh mệnh cùng khổ, thiết tha mong muốn được giải thoát trong cõi an lạc, tĩnh tâm.

Ở ông có sự kết hợp hài hòa, đẹp đẽ giữa ý thức của một công dân hết lòng phụng sự đất nước với tư tưởng phù hợp và tốt đẹp nhất của nhà Phật. Điều này đã thôi thúc ông, và trên thực tế đã chi phối ông, trong việc chủ động bàn bạc với một số bậc trí giả cùng chí hướng đương thời khác để rồi quyết định đưa ra sự chọn lựa người kế nghiệp các bậc tiền bối xứng đáng hơn cả theo đòi hỏi mới của đất nước. Sư Vạn Hạnh đã viết bài Khuyến Lý Công Uẩn với sự quyết đoán cẩn trọng đặt trên một tầm nhìn xa rộng : “ Gần đây tôi thấy lời sấm lạ, biết rằng họ Lý cường thịnh tất dấy lên cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ, người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai bằng Thân vệ ( 3 ) , là người khoan từ, nhân thứ, lại được lòng dân chúng, mà binh quyền nắm trong tay. Người đứng đầu muôn dân chẳng phải Thân vệ thì còn ai đương nổi nữa ” .

Cần lưu tâm trước nhất tới “ lời sấm lạ ” mà sư Vạn Hạnh nói tới trong lời khuyên Lý Công Uẩn. Nguyên văn sấm ngôn đó như sau : 

Thụ căn diểu diểu 
Mộc biểu thanh thanh 
Hòa đao mộc lạc 
Thập bát tử thành 
Chấn cung hiện nhật 
Đoài cung ẩn tinh 
Lục thất niên gian 
Thiên hạ thái bình 

Có người nói đây chính là sáng tác của Vạn Hạnh nhằm chủ động tạo ra dư luận xã hội đưa tới sự biến chuyển lớn lao kia. Cơ sở là trong Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn chép : 

“ Sư Vạn Hạnh đoán rằng : 

- Thụ căn diểu diểu 樹 根 杳 杳 thì căn 根 là gốc, diểu 杳 và yểu 夭 đồng âm nên diểu 杳 đọc là yểu 夭 ( tức non yểu ). 

- Mộc biểu thanh thanh 木 表 青 青 thì biểu 表 là ngọn ; ngọn là bề tôi. Chữ thanh 青 đồng âm với chữ thanh 菁 nên viết là thanh 菁, tức là thịnh 盛. 

- Hòa đao mộc 禾 刀 木 là chữ Lê 梨. 

- Thập bát tử 十 八 子 là chữ Lý 李 [ ....]. 

- Chấn cung hiện nhật 震 宮 現 日, thì chấn 震 là phương Đông, hiện 現 là hiện ra, nhật 日cũng giống như thiên tử. 

- Đoài cung ẩn tinh 兌 宮 隱 星 thì đoài 兌 là phương Tây, ẩn 隱 cũng như lặn, tinh 星 như thứ nhân. 

Mấy câu đó ý nói vua thì non yếu, tôi thì cường thịnh, họ Lê 梨 mất thì họ Lý 李 nổi lên, thiên tử ở phương Đông mọc ra thì thứ nhân ở phương Tây lặn đi. Trải qua 6,7 năm thì thiên hạ thái bình ” .  

Điều này cũng hoàn toàn trùng hợp với lời của Đào Cam Mộc. Theo Việt sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư thì sau cái chết của Lê Ngọa Triều ( 11/1009 ), Lý Công Uẩn cùng Hữu điện tiền chỉ huy sứ là Nguyễn Đề đem 500 quân Tùy long vào cung canh giữ. Nhân tình hình rối ren này, một viên quan khác giữ chức Chi hậu dưới triều Tiền Lê là Đào Cam Mộc đã đem việc thoán ngôi bàn với Lý Công Uẩn. Điều này được phản ánh trong Khuyến Lý Công Uẩn tức đế vị. Cam Mộc chân tình bộc bạch : “ Cam Mộc này lấy cơ trời việc người như thế nên mới dám nói ra điều ấy .... Người trong nước ai cũng bảo là họ Lý sẽ dấy lên, mà lời sấm cũng hiện ra rồi .... Đấy chính là lúc trời trao người theo, Thân vệ còn nghi ngờ gì ! ” . Sau Lý Công Uẩn nghe theo và lập nên nghiệp nhà Lý ( 4 ) .

Trước tác của Vạn Hạnh Thiền sư còn lưu giữ đến nay không nhiều, gồm 5 bài thơ chép trong Thiền uyển tập anh 禪 苑 集 英 cùng một số lời bàn luận về thời cuộc ghi lại trong Đại Việt sử ký toàn thư 大 越 史 記 全 書. Trong số thơ ít ỏi còn lại ấy đã có tới 3 bài sấm thi. Ngoài ra, người ta còn tìm được một số bài khác dưới hình thức sấm ngôn mà tương truyền là do Vạn Hạnh “ chép được của thần linh ” . Xin được lưu ý, hầu như những sấm vĩ do ông làm hoặc gắn với tên ông đều xoay quanh sự kiện thành lập vương triều Lý. 

Như bài Yết bảng thị chúng của ông có câu : 

Tật lê trầm Bắc thủy 
Lý tử thụ Nam thiên 

Nghĩa là : Cây tật lê chìm xuống biển Bắc, Cây mận mọc lên ở trời Nam.

Hoặc bài Đại sơn truyền tụng cùng với tên tuổi ông đã gắn việc họ Lý ắt thành sự nghiệp ( Thập bát tử định thành ) với việc chắc chắn sẽ thấy mặt trời mọc lên trong trẻo ( Định kiến nhật xuất thanh ) .

Điều này hẳn có nguyên do sâu xa. Chẳng là sấm ngôn vốn không xa lạ gì đối với đời sống tâm linh của con người và xã hội ngày trước. Nó tồn tại và lưu truyền như những lời tiên đoán có phần thần bí nhưng linh thiêng, và vì vậy, hầu như ai cũng nghĩ rất nên tin, hơn thế, trong không ít trường hợp, cần phải tin. Có lẽ do vậy mà nhiều người đã sử dụng sấm vĩ như một hình thức tạo dư luận, gây lòng tin nơi dân chúng, thường không cần viện tới chứng lý thật rõ ràng. Ưu thế nổi bật là chúng được truyền bá ẩn mật mà rộng rãi như những điều hiển nhiên, thuận với lẽ trời, hợp với lòng người. Không phải vô cớ mà để khuyên Lý Công Uẩn cho thật hiệu quả, Đào Cam Mộc trong tư liệu nêu trên lại nhấn đi nhấn lại rằng, đây là việc cần làm bởi hợp với “ cơ trời việc người ”, nên “ chính là lúc trời trao người theo ” .

Rồi sau đó, lúc chính thức lên ngôi, Lý Thái Tổ quyết định đổi niên hiệu là Thuận Thiên, dời đô từ Hoa Lư về Đại La, bởi trước sau xác định : “ Trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân ” . Cần thay đổi là vì nhà vua cho rằng “ cứ đóng yên đô thành ” ở Hoa Lư thì “ khiến cho triều đại không được lâu bền, số phận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi ” . Cũng thật dễ hiểu là tại sao sấm thi lại đặc biệt nảy nở vào những thời điểm lịch sử quan trọng, báo hiệu những đổi thay lớn lao. Còn nhớ, một sấm thi như vậy đã từng xuất hiện vào thời Tiền Lê nhằm kín đáo tuyên truyền cho sự xuất hiện của một triều đại mới : 

Đỗ Thích thí Đinh Đinh 
Lê gia xuất thành minh 
Cạnh đầu đa hoạnh tử 
Đạo lộ tuyệt nhân hành 

Nghĩa là : 

Đỗ Thích giết Đinh Đinh
Nhà Lê hiện thánh minh
Cạnh tranh nhiều kẻ chết 
Đường xá người vắng tanh

Vào thời kỳ chuyển giao mà Vạn Hạnh Thiền sư vừa là người chứng kiến vừa là người tham gia, sấm ngôn càng xuất hiện nhiều. Một nhà trí thức lớn trải đời như ông không thể không tìm tới hình thức tuyên truyền phổ biến và hữu hiệu, hướng vào mục đích đang thu hút mọi tâm lực và trí lực của mình là bằng mọi giá và mọi cách đưa Lý Công Uẩn lên ngôi. Ở đây, ông đã thật sự làm chủ vũ khí tinh thần lợi hại mà mình chủ động nắm giữ. Sấm ngôn cần phải mang hình thái thật tôn nghiêm. Ông đã sử dụng chữ Hán để đảm bảo sự trang nghiêm cần thiết ấy. 

Như câu mở đầu bài Quốc tự : Thập khẩu thủy thổ khứ 十 口 水 土 去 ( Ở đây tác giả chủ tâm chiết tự tên Cổ Pháp 古 法 để chỉ quê hương Lý Công Uẩn ; chữ thập 十 hợp với chữ khẩu 口 thành chữ cổ 古, chấm thủy 氵 hợp với chữ khứ 去 thành chữ pháp 法 ) . 

Hoặc câu thứ hai trong bài Yết bảng thị chúng : Cây mận mọc lên ở trời Nam ( “ cây mận ” tên chữ Hán là lý 李 ). Nhất là ông tìm tới phép ẩn dụ, đặc biệt là lối chiết tự, nhằm phủ lên sự kiện một sắc màu huyền vi mang vẻ kỳ bí, cao siêu mà không mấy xa lạ. Bài Sấm ngôn gắn với tên ông vừa nêu trên có thể xem là một dẫn dụ điển hình : Hòa đao mộc lạc 禾 刀 木 落,/ Thập bát tử thành 十 八 子 成  ( “ Hòa đao mộc 禾 刀 木 ” là chữ lê 梨 , còn “ thập bát tử 十 八 子 ” là chữ lý 李 ) .

Tuy nhiên, đáng lưu ý hơn cả chính là quan niệm về mẫu người thế thiên hành đạo phù hợp với bước chuyển giao lịch sử qua lời nhận xét Lý Công Uẩn của sư Vạn Hạnh. Ông bảo đó “ là người khoan từ, nhân thứ, lại được lòng dân chúng, mà binh quyền nắm trong tay ”. Một cái nhìn thật chân xác, lấy tiêu chí đánh giá sứ mệnh của một đấng minh quân ra mà xem xét, bộc lộ ở ba phẩm chất căn cốt : một là, người có tấm lòng “ khoan từ, nhân thứ ” ( phẩm chất hàng đầu trên phương diện cá nhân ) ; hai là, người “ được lòng dân chúng ” ( một phẩm chất cần trong quan hệ với cộng đồng ) ; và ba là, người “ binh quyền nắm trong tay ” ( nghĩa là có thực lực, thực quyền – phẩm chất đủ để đưa đến thành công ) .

Ở đây, có sự gặp gỡ trong cái nhìn của vị minh sư Vạn Hạnh với cái nhìn của vị minh quan Đào Cam Mộc. Trong Khuyến Lý Công Uẩn tức đế vị, viên quan này nhận xét về người mình quyết định chọn lựa như sau : “ Thân vệ là người công minh, trung hậu, khoan ái, nhân từ, lòng người đều quy phục. Hiện nay trăm họ quẫn bách, không chịu nổi mệnh trên. Thân vệ nhân tình thế đó lấy ân đức mà vỗ về thì người ta tất đua nhau theo nhau về như nước chảy chỗ trũng, ai có thể ngăn lại được ! ”. Không chỉ gặp gỡ trong cách nhìn nhận về một con người cụ thể mà cả ở cơ sở xuất phát cho lối nhìn nhận ấy : luôn xét đến vị thế xã hội trong quan hệ với cộng đồng qua tâm điểm “ lòng dân ”, “ lòng người ”. Cũng rất đáng nói là sự tương đồng ở một mức độ nào đó trong cái nhìn của hai ông và lối xem xét phẩm chất của bậc quân tử ở Nho giáo : khởi đầu là tu thân, sau đó mới đến tề gia, rồi trị quốc, và cao xa hơn là bình thiên hạ.

Hẳn nhiên, trong trường hợp này, sự khác biệt với tư tưởng Nho gia phải nói là lớn, rõ, và căn bản. Sư Vạn Hạnh nói đến lòng“ khoan từ, nhân thứ ”, còn Đào Cam Mộc, chắc chắn cũng ảnh hưởng của tư tưởng nhà Phật, thì chú tâm tới tính “ khoan ái, nhân từ ”. Có lẽ họ cùng xuất phát từ quan niệm của tôn giáo này về Phật tính – một khái niệm then chốt về mặt đạo lý cũng như về nhận thức luận của Phật giáo. Theo Giáo sư Cao Xuân Huy thì Thiền tông cho rằng mục đích của tu tập đạo Thiền là đạt tới chính giác, tức đến chỗ hiểu được Phật có ở khắp mọi vật, mọi nơi, niết bàn cũng như là trần thế. Cũng theo Giáo sư, một nhà Thiền học đời Đường là Tông Mật đã phân tích và so sánh các phái biệt của Thiền tông và đã chia ra 7 phái, trong đó có phái thứ 4 gọi là Trực hiển tâm tính tông, nêu lên nguyên lý “ xúc loại thị đạo nhi nhậm tâm ”, nghĩa là : ở trong bất cứ cái gì cũng có Đạo ( tức Phật ), trong cỏ cây hoa lá đều có Phật tính cả.

Do đó, muốn tìm Phật thì không cần phải tìm ở đâu xa mà tìm ngay ở những vật xung quanh và trong cái tâm của mình. Có thể vì vậy mà đạo Phật luôn đề cao thái độ khoan hòa, khoan dung, từ tâm, nhân ái. Tư tưởng quý giá này dẫn dắt Vạn Hạnh Thiền sư trong mọi lối ứng xử với việc chung cũng như với việc riêng. Bài Ký Đỗ Ngân là một dẫn dụ điển hình. Ông chủ động hỏi đối phương : “ Thổ ” 土 và “ mộc ” 木 sinh ra nhau, “ cấn ” 艮 đứng liền với “ kim ” 金 ( tức là Đỗ Ngân 杜 銀 )/ Cớ sao lại chất chứa trong lòng mưu mô hại ta ? Từ đó ông tìm đến một tâm thế đúng đắn : Lúc bấy giờ lòng ta buồn bã vô cùng,/ Nhưng về sau thì chẳng còn để bụng oán giận. Mọi tăng ni, Phật tử có thể noi theo tấm gương sáng của những vị Đại sư như Vạn Hạnh trong mọi lối hành xử thường phức tạp ở đời. Có thể vì vậy mà tuy đạo Phật có nhiều tông phái khác nhau, trong từng tông phái, do hoàn cảnh lịch sử và địa lý cụ thể, lại chia thành các chi, các nhánh không hoàn toàn giống nhau, nhưng trong Phật sử, ta chưa thấy những xung đột lớn gây nên những cuộc thánh chiến hao người tốn của chăng ? 

Chữ Đức 德 được đặt lên hàng đầu trong đòi hỏi ở một bậc quân vương dường như báo hiệu một thời đại mới sẽ được thiết lập trong lịch sử dân tộc : một thời đại được đặt nền tảng chắc chắn trên chữ Đức, vốn là gốc sâu bền nhất cho một chính thể, tạo nên thế ổn định và phát triển dài lâu của đất nước. Bài Quốc tự của Vạn Hạnh yêu cầu : Thập khẩu thủy thổ khứ, Ngộ thánh hiệu Thiên Đức. Bởi vậy, sau khi lên ngôi năm Canh Tuất ( 1010 ) , Lý Thái Tổ đã quyết định đổi châu Cổ Pháp ( tức Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh ngày nay ) thành phủ Thiên Đức, sông Bắc Giang thành sông Thiên Đức ( tức sông Đuống ngày nay ) . Thiên Đức ( Đức trời ) , nghĩa là đức lớn, thuận lẽ trời, lan tràn khắp vũ trụ, thấm tới muôn dân.

Những gì Thiền sư Vạn Hạnh đặt kỳ vọng vào người có công khởi nghiệp triều Lý sau đó đã biến thành thực tế lịch sử sinh động. Khi lên ngôi, Lý Thái Tổ đã tiến hành đại xá cho cả nước, xóa bỏ tù ngục, kiện tụng ; xuống chiếu cho thiên hạ là hễ ai có có việc tranh kiện thì cho phép đến triều để tâu bày, nhà vua thân hành ngồi xử kiện .... Nhà vua còn cho phát hai vạn quan tiền, thuê thợ dựng tám ngôi chùa ở phủ Thiên Đức, mỗi chùa đều dựng bia công đức. Đền chùa ở các hương ấp bị đổ nát đều cho tu sửa lại. Năm Tân Hợi ( 1011 ) , Nhà vua đại xá các loại thuế khóa cho cả nước trong 3 năm. Những người mồ côi, góa chống, già yếu được ưu đãi, những người thiếu thuế lâu năm đến đây đều được xóa.

Lý Thái Tổ còn phát áo quần, lương thực, thuốc men cho những tù binh bị bắt cuối thời Tiền Lê, tha cho về quê quán. Tầm nhìn và công đức của vị vua khởi nghiệp được các vua hậu bối của triều Lý tiếp tục kế thừa, theo đúng tinh thần “ tổ diệm ” của nhà Phật. Năm Mậu Thìn ( 1028 ) , Lý Thái Tổ mất, Lý Phật Mã ( tức Lý Thái Tông - con trưởng Lý Thái Tổ, sinh năm 1000 và mất năm 1054 ) thế ngôi. Năm sau, Kỷ Tỵ ( 1029 ) , nhà vua liền đặt lầu chuông để xét việc oan uổng trong dân.

Từ mình mà suy xét người và đời, do vậy Lý Phật Mã đã được Lê Phụng Hiểu – một công thần nổi tiếng trung thực của triều Lý đã thành thực tỏ bầy : “ Đức của bệ hạ cảm động đến cả trời đất, kẻ nào dám mưu toan gì khác thì trời đất thần linh đều gắng hết sức phận mình mà tru diệt đi, chứ chúng thần có công gì ” .

Từ những gì đã trình bầy, có thể rút ra hai kết luận sau :

- Cần đánh giá đúng đắn và đầy đủ vai trò của Thiền sư Vạn Hạnh trong việc đáp ứng tốt nhất, hiệu quả nhất những yêu cầu lịch sử khách quan của thời đại mình bằng việc chọn lựa Lý Công Uẩn – con người hoàn toàn xứng đáng cho việc trị vì dài lâu đất nước trong hoàn cảnh mới của dân tộc.

- Qua việc tìm hiểu vai trò cụ thể của một vị đại sư đối với một vương triều, ta có thể nhận ra con đường đồng hành với dân tộc của Phật giáo ở Việt Nam trong mọi thời kỳ lịch sử – con đường này là sự chọn lựa tự nhiên vừa phù hợp với giáo lý của Đạo lại vừa phù hợp với cái tâm của người theo Đạo. 

----------------------------------------------

Chú thích :

( 1 ) Năm Giáp Ngọ ( 1054 ), Lý Thái Tông quyết định đặt tên nước là Đại Việt. Tuy nhiên, mãi tới năm Giáp Thân ( 1164 ), sau sự thất bại thảm hại khi tiến đánh nước ta ( 1076 ) chừng gần 100 năm, nhà Tống mới chính thức thừa nhận Đại Việt là một vương quốc độc lập, cho đổi tên Giao Chỉ thành nước An Nam.

( 2 ) Ông người châu Cổ Pháp cùng quê với Lý Công Uẩn, có tài liệu nói có lẽ ông còn cùng họ với Lý Công Uẩn. Sách Thiền uyển tập anh chép : ông “ thuở nhỏ thông minh khác thường, học thông tam giáo ”.

( 3 ) Thân vệ : Vệ binh của nhà vua – chỉ việc Lý Công Uẩn được bổ chức Thân vệ điện tiền đô chỉ huy sứ dưới triều Tiền Lê. Một tài liệu khác thì nói lúc đó Lý Công Uẩn giữ chức Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ.

( 4 ) Để ghi nhớ công lao to lớn đó, khi lên ngôi vua, Lý Thái Tổ phong cho Đào Cam Mộc làm Nghĩa Tín hầu và gả công chúa An Quốc cho. Năm Ất Mão ( 1015 ), vị trung thần này mất, được vua Lý truy tặng Thái sư Á vương. Trong Khuyến Lý Công Uẩn tức đế vị, vì cố gắng thuyết phục Lý Công Uẩn nên Đào Cam Mộc nói : “ Thân vệ sao không nhân lúc này đem kỳ mưu, dùng quyết đoán, xa theo theo dấu cũ của của Thang Vũ, gần thì xem việc làm của Đinh Lê, trên thuận ý trời, dưới chiều lòng người, mà cứ khư khư giữ tiểu tiết làm gì ? ” . 

Ở đây, ông muốn nhắc tới chuyện xảy ra ở Trung Hoa ( Vua Thành Thang nhà Thương diệt vua Kiệt nhà Hạ, vua Vũ nhà Chu diệt vua Trụ nhà Ân. Kiệt và Trụ là hai tên vua hung bạo nên việc vua Thang vua Vũ diệt đi và lên ngôi tuy có trái với nguyên tắc “ trung quân ” của Nho giáo, nhưng sử sách Trung Quốc xưa vẫn ca ngợi ) , và chuyện xảy ra ở nước ta ( Vua Đinh Tiên Hoàng không theo phục Ngô Xương Văn là con được Ngô Quyền truyền ngôi ; và Lê Hoàn chiếm ngôi của Đinh Toàn do Đinh Tiên Hoàng truyền ngôi ) .


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét