Trang

Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017



Gà chiên : ngon, không khó làm .



( soi.today )


Ngâm trong sữa thừa


Muốn gà chiên ngon, bắt buộc ta phải ngâm nó với sữa buttermilk trong vòng 12 tiếng ( 4 tiếng nếu gấp nhưng 12 tiếng ngon hơn cả, nhất là nếu ta dùng gà thả, thịt chắc ) . Buttermilk dịch thô là sữa bơ, nhưng đúng ra nó là sữa thừa sau khi làm bơ. Thời xưa sữa không tiệt trùng, chỉ cần để một hồi là tách lớp kem, đem nó đi quậy sẽ ra bơ, và lượng sữa còn lại rất ít béo mà giàu protein lẫn các khoáng chất tốt. Vì sữa không tiệt trùng có nhiều vi khuẩn, cái sữa thừa này chẳng bao lâu là lên men, đặc lại, vị hơi chua chua.

Ngày nay sữa đều tiệt trùng hết cho sạch, như vậy an toàn hơn nhưng vì thế sữa cũng mất chất và mất đi một lượng vi khuẩn giúp lên men. Bây giờ muốn làm bơ thì tốt nhất đi mua kem tươi về đánh, double hay heavy cream là tốt nhất nhưng chúng vô cùng khó tìm ( hạn sử dụng rất ngắn nên không ai muốn bán ). Đành dùng kem đánh whipping cream. Lấy máy đánh – tôi khuyên là đừng đánh tay – kem whipping cho đến khi nó thành kem, rồi đánh tiếp cho đến khi nó rã ra thành bơ. Vắt sạch bơ này là có thể dùng nó trét bánh mì.





chưa hẳn tất cả nhận xét đều đúng , nhưng đọc thì cứ thấy tức cười .


Một nét văn hóa công nghệ


( lược trích )


Thường thì sự tiến triển của văn minh nhân loại, luôn có một ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của mọi quốc gia. Và trong sự tiến triển chung đấy thì những thành tựu từ những cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là việc nâng cao công nghệ sản xuất, luôn giữ một vị trí cực kỳ quan trọng. Thế nhưng máy móc có hiện đại tối tân đến mấy cũng sẽ là vô ích nếu tư duy của con người không nhịp nhàng tương thích. 

Hiển nhiên với những chính sách về kinh tế cởi mở, khoảng hơn hai thập niên gần đây, nước ta luôn đồng hành cùng nhịp phát triển chung của thế giới. Cuộc cách mạng mạng tin học đem lại cho các đô thị Việt một diện mạo mới. Có điều, lịch sử dựng tạo các thành phố ở ta đều chưa dài, đang " nửa quê nửa tỉnh " nên vô số thói quen tiểu nông vẫn bám bùn cặn đọng trong từng gia đình, từng công sở. Đa phần những công chức vẫn chỉ lặt vặt a dua chạy theo công nghệ kỹ thuật số. 

Cuộc cách mạng tin học vĩ đại đã làm khuây khỏa rất nhiều những sinh hoạt thị dân thường nhật tẻ nhạt. Thậm chí, nếu phải " mục kích sở thị " ở một vài đám hiếu bây giờ mới thấy hết những tiến bộ ứng dụng kỹ thuật. Phường bát âm dân tộc với nhị với kèn với trống, lích kích quá, bỏ đi. Thay vào đó là một điện thoại thông minh gọn nhẹ với biết bao giai điệu thảm thiết buồn bã lâm khốc. Kinh hoàng nhất là nó lại còn tiện lợi khi vang đủ loại tiếng khóc qua loa thùng. Nếu chỉ đi ngang vô tình nghe, cứ ngỡ con cháu đang vật vã mình mẩy tiếc thương các cụ. Tò mò nhìn vào thấy cả đám đang ung dung hớn hở chơi bài. Công nghệ văn minh như thế, đương nhiên sẽ có một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên hâm mộ phát cuồng. Không phải ngẫu nhiên mà giờ đây để hóa vàng cho người thân đã khuất, nhiều người dư tiền còn đốt cả đống hàng mã làm giống hệt smart - tivi hay điện thoại cầm tay siêu cảm ứng.

Công nghệ cao có thể một sớm một chiều làm thay đổi cả nền kinh tế, nhưng ở phương diện văn hóa thì điều ấy chưa chắc. Có thể minh họa bằng chuyện ô-tô ở ta vì xe hơi là thành tựu đáng tự hào của công nghệ đỉnh cao. Cách đây chưa lâu đã có một câu trắc nghiệm bị coi là viển vông. Liệu đến bao giờ thì một gia đình trung lưu người Việt thế lực bình thường sẽ sở hữu một chiếc ô-tô. Bởi cũng chỉ chừng hơn vài chục năm trước, khi mà nền văn minh xe đạp Việt đang thời hoàng kim, nhiều tờ báo lớn cũng đặt cái câu hỏi ấy cho xe máy. Rồi chỉ cần đến năm chẵn hai nghìn, người ta đã nghẹn ngào có câu trả lời. Khắp mọi miền đất nước, từ sầm uất đô thị đến hẻo lánh vùng quê, phương tiện kinh hoàng để di chuyển chính là xe " bình bịch " . Một nền văn hóa thong thả lúa nước phương Đông bắt đầu hỗn loạn động đậy, nó đã bị đổ xăng. Thực ra, từ khái niệm mô tô lên tới ô-tô cũng chẳng phải thăm thẳm gì. Xe đạp xe máy rồi xe hơi, đều là tinh hoa sản phẩm của nền văn minh cơ khí phương Tây. 

Có điều, liệu ô-tô có thành một văn hóa gần gũi với người Việt. Dù cho đến hôm nay, những chiếc xe hơi dân dụng sang trọng tối tân đã lên tới tiền tỷ, nhưng thói quen đi xe máy vẫn ngấm đẫm trong tư duy thị dân. Hình như đã có một sự nuối tiếc vô thức về một nền văn hóa vừa tần tảo vừa lôi thôi nông nghiệp. Hao hao như kiểu đám văn nhân cũ kỹ thích viết bằng bút hơn là bằng bàn phím. Đấy là chưa kể chính những người sử dụng ô-tô. Ở họ vắng thiếu một mặt bằng tri thức của văn hóa xe hơi. Khác với người phương Tây đã hoàn thành việc dân chủ hóa ô-tô thì ở ta, kha khá nhiều trọc phú vẫn ngộ nhận và tạo những giá trị ảo khi huênh hoang được cưỡi trên xe bốn bánh.

Tuy nhiên, nếu ô-tô ít chỗ có một quá khứ hội nhập đầy bất trắc thì xe đông chỗ luôn được người Việt Nam hào hứng ưu ái. Có lẽ do dân ta quen sống trong những ngôi nhà ấm cúng " tứ đại đồng đường " . Có vẻ như những cảnh chen chúc chật chội trên những chuyến xe buýt hay xe khách liên tỉnh không quá làm mọi người khó chịu. Không phải ngẫu nhiên mà hệ thống xe buýt nhanh ( BRT ) đang chạy ở Hà Nội được đông đảo thị dân ủng hộ.

Giống như nhiều giá trị thuần Việt khác, văn minh công nghệ khi đã vào nước ta, nó luôn mang một diện mạo văn hóa khác với phần còn lại của thế giới.


( Nguyễn Việt Hà )


Thứ Hai, 23 tháng 10, 2017



nếu đúng là như vậy thì sau này đừng có ai mong chờ người ta sẽ giúp mình nữa nhé, mất công đến khi người ta thất bại rồi thì lại đổ thừa cho mình là thế này thế khác nữa .......... hihihihihiihhhi







Thứ Tư, 18 tháng 10, 2017



Làm pancake .


( soi.today )


Mua bịch bột pha sẵn về, chỉ cần đổ thêm vài nguyên liệu nữa là xong. 

Pancake loại khá ngon là đi mua bịch bột hotcake của Nhật về làm.

Mua bột pha sẵn ma-đờ-in-Nhựt-Bổn về, mỗi bịch đã chia sẵn 150g là quá sướng. Đem 150g bột đó đi rây, dù là bột làm sẵn, hướng dẫn ghi trên bao bì bảo không cần rây nhưng chúng ta cứ rây đi. Độ ẩm, không khí xứ mình kiểu gì cũng chẳng phải xứ anh đào. Các tiệm họ trữ bịch bột trong hoàn cảnh gì, mình đem nó về là không khí trong nhà bí thoáng tới đâu ..... cũng ảnh hưởng. Thế nên đem bột đi rây cho chắc ăn, bột sẽ tơi hơn nhiều.

Rây xong, cho vào giữa thau bột 1 quả trứng gà và 100ml sữa tươi nguyên kem ( sữa thanh trùng tốt hơn tiệt trùng ) , dùng cây đánh trứng quậy bột nhè nhẹ cho tất cả quện đều nhau.

Nên chú ý quậy nhẹ thôi, bột hòa đều rồi là ngưng, đừng có cố “ tẩn ” bột mà quậy ào ào nhé. Đánh đập bột làm bánh nhiều quá là nó sẽ dai, cứng, ăn khó chịu lắm.

Đến phần nướng bánh trên chảo. Phần này muốn bánh nó đẹp cũng không lười được. Đầu tiên là tìm cái chảo có đáy không bị ..... cong vênh. Nhà tôi dùng chảo gang thô, và gang thô đổ pancake cực ngon. Đứa bạn nhìn thấy pancake đổ ra đẹp, bèn nịnh rằng “ sao món quỷ gì dùng chảo này cũng đẹp và ngon vậy ” . Chảo gang đã chăm dầu thường xuyên nữa nên lúc làm bánh chỉ cần đặt chảo lên bếp là xong, không cần đổ dầu, bôi mỡ gì vào chảo nữa hết, bản thân gang thô ăn dầu mỡ béo đã tự “ chống dính ” rồi .





1 bài viết rất chi tiết soi rọi vào những khoảng trống lịch sử thời kỳ nhà Tây Sơn khi mà nhân vật chính là Quang Trung được nhắc đến nhiều hơn trong khi Nguyễn Ánh, người đã tạo lập nên 1 triều đại mới sau nhà Lê thì lại không được nhắc đến nhiều, nhất là giai đoạn phải đi sang nước người để tìm cách khôi phục lại lực lượng . Nếu bỏ qua những chi tiết mang tính phục hận thì chuyến đi của Nguyễn Ánh chẳng khác chi 1 chuyến đi du lịch và phiêu lưu mạo hiểm mà kết cục có hậu ( giống y như trong phim ) là toàn thắng vẻ vang . Có nhiều chi tiết lịch sử tưởng là cũ nhưng có cách nhìn khác hoặc cách nhìn mới thì vẫn mới , và có nhiều chi tiết lịch sử nếu biết cách khai thác thì sẽ đem lại những hiểu biết mới hơn cho hậu thế sau này . Nhưng đó cũng phải nhờ đến cái tài biết khai thác các tư liệu lịch sử và biết cách truyền đạt lại sao cho hấp dẫn vậy .

bài viết đã được lược bỏ nhiều đoạn chú thích và những đoạn văn rườm rà không cần thiết .


Tương quan Xiêm – Việt cuối thế kỉ XVIII .


( Nguyễn Duy Chính )


MỞ ÐẦU

Nghiên cứu về tình hình nước ta vào cuối thế kỷ XVIII, các sử gia đặc biệt nhấn mạnh vào thế tranh hùng giữa anh em nhà Tây Sơn và hai thế lực : họ Trịnh ở Ðàng Ngoài, họ Nguyễn ở Ðàng Trong. Việc Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc phù Lê diệt Trịnh rồi sau đó giao tranh với quân Thanh trong một trận chiến khốc liệt đã là đề tài được khai thác rất nhiều. Tuy chúa Trịnh và triều đình vua Lê ở Bắc Hà đã có một cơ cấu quy mô tưởng như bền vững thì việc thanh toán lại xem ra dễ dàng vì những người chống lại Tây Sơn chủ yếu dựa vào sức mình là chính, không có những điều kiện liên minh với bên ngoài nên chỉ tập trung thành những nhóm thổ hào và dần dần bị bẻ gãy như những chiếc đũa rời. Sau khi Lê Duy Kỳ ( tức vua Lê Chiêu Thống ) bị nhà Thanh bỏ rơi, dư đảng nhà Lê không bao lâu đều bị đánh tan.

Ngược lại ở trong Nam, anh em Nguyễn Nhạc tiêu diệt được cơ đồ chúa Nguyễn khá nhanh chóng, tưởng như chỉ cất tay là sẽ hoàn toàn thắng lợi thì tàn dư của họ vẫn tồn tại để rồi gần 20 năm sau đánh bại triều đình Tây Sơn, thu hồi giang sơn từ Nam chí Bắc. Nguyễn Ánh, người sót lại sau cùng của dòng chúa đất Nam Hà đã phải bôn tẩu trong những điều kiện hết sức ngặt nghèo và chỗ dựa chính của ông là Xiêm La, vừa là nơi ẩn náu khi không còn đất sống, vừa là chỗ mượn sức để tìm đường trở về. Có thể nói nếu không có sự giúp đỡ của triều đình Xiêm La, chúa Nguyễn không thể nào thành công được và tương quan Xiêm – Việt trong thời gian cuối thế kỷ thứ XVIII chủ yếu là tình hữu nghị giữa vua Xiêm Rama I - người sáng lập triều đại Chakri – với chúa Nguyễn Ánh cũng là vì vua sáng nghiệp của triều Nguyễn mà chúng ta thường gọi là vua Gia Long.

Sử nước ta tuy chép khá nhiều chi tiết về việc chạy qua chạy lại của chúa Nguyễn nhưng gần như hoàn toàn không đề cập gì đến tương quan giữa hai bên trong thế dựa vào nhau, có khi chung một mục tiêu nhưng cũng có lúc tranh chấp quyền lợi. Ðể đánh đổi lấy sự trợ giúp, chúa Nguyễn phải bằng lòng thần phục triều đình Bangkok như một nước chư hầu dù trong tâm tư ông chỉ coi họ như một đồng minh giai đoạn. Ðến khi chúa Nguyễn lên ngôi hoàng đế và sau khi vua Rama I từ trần, ông mới thực sự tỏ thái độ bình đẳng, đứng ngang hàng với Xiêm La. Tương quan giữa hai bên không thể giải thích một cách minh bạch nếu chúng ta không đặt trong quan niệm chung về vương triều và tổ chức của vùng Ðông Nam Á. Tuy nhiên, việc thừa nhận những liên hệ đó không mấy ai đặt ra hoặc chỉ lên án như một thái độ cầu viện nước ngoài, rước voi về dày mả tổ.

Bài nghiên cứu này nhấn mạnh vào tương quan khu vực để giải thích một số biến cố khi đối chiếu với lịch sử của Thái Lan, Ai Lao, Cao Miên ngõ hầu chúng ta có thể hiểu được sử Việt Nam một cách rộng rãi hơn.



Thứ Ba, 3 tháng 10, 2017




Món ngon từ đậu phụ trong ẩm thực Nhật .


( Zing )


Nhật Bản được coi là “ vùng đất của đậu phụ ” . Bàn tay tài hoa cùng óc sáng tạo tinh tế, người Nhật đã chế biến nên rất nhiều món ngon và bổ dưỡng từ nguyên liệu này.


Đậu phụ kinu : Kinu còn gọi là kinugoshi, hay silken, có nghĩa là đậu lụa. Đúng như tên gọi, kinu là loại đậu phụ tươi có kết cấu mượt mà, rất mềm và dễ vỡ nên khó chế biến. Kinu thường được ăn lạnh với xì dầu, hành lá và một chút wasabi. 



món ngon, món ngon Nhật Bản, Nhật Bản


Đậu phụ momen : Cùng với Kinu, momen là một loại đậu phụ tươi phổ biến nhất ở Nhật Bản. Đậu được ép nước kỹ hơn kinu nên có độ xốp, giàu protein và giữ được hình dạng tốt hơn khi chế biến. Momen có thể được chế biến theo rất nhiều kiểu như rán, nướng, nấu súp ..... 






Bật mí về cuộc đời và sự nghiệp của “ Vua cờ ” Garry Kasparov .


( cafebiz.vn )






Garry Kasparov từng là Đại kiện tướng cờ vua hàng đầu thế giới trong 20 năm. Được đào tạo trong hệ thống Liên Xô, ông đã trở thành thầy hướng dẫn cho những kỳ thủ trẻ, người khởi xướng nhiệt thành cho bộ môn thể thao này. Sau đây là bài phỏng vấn nho nhỏ với cựu vua cờ Kasparov .


- Vua cờ Garry Kasparov phân tích đối thủ của mình như thế nào ?




Trong cờ vua cũng dễ dàng thôi. Bạn quan sát nước cờ của họ giống như cách mà bạn đi nước cờ của mình : Anh ta đi nước này, anh ta đi nước kia, anh ta thích điều này, anh ta không thích điều kia. Ngay cả trong ván đấu của hai nhà vô địch có cùng đẳng cấp sẽ có những thế cờ nhất định khiến người này cảm thấy thoải mái hơn người kia. Vì thế, bạn hãy quan sát và sử dụng chiến thuật để đẩy đối thủ của mình vào những thế bí.


- Điều gì đã giúp ích cho ông nhiều nhất – năng khiếu bẩm sinh, tập luyện hay sự chuẩn bị ?

Nếu không có năng khiếu bẩm sinh bạn sẽ không tiến bộ được. Tập luyện chăm chỉ cũng chỉ là một phần của tài năng. Tôi luôn luôn cố gắng để vươn xa hơn nữa. Tôi không chỉ muốn giành chiến thắng của ván cờ hay chỉ gây ấn tượng với đối thủ của mình mà còn muốn chắc chắn rằng tôi đã học hỏi được điều gì đó.


- Kinh nghiệm từ ván đấu cùng với Anatoly Karpov đã giúp ông thế nào ?

Để khám phá những khả năng bạn đang có, bạn cần phải va chạm với những đối thủ mạnh hay thậm chí là giỏi hơn bạn. Giống như cách mà thép được tôi luyện : Khi nung sắt ở nhiệt độ cực cao, sắt có thể bị gãy hoặc trở thành thanh thép cứng cỏi.