Trang

Thứ Ba, 21 tháng 8, 2018



tình cờ biết đến Lê Thiệp và đã đọc qua vài tác phẩm của ông thể loại ký sự thì thấy ông có cách viết rất lôi cuốn và hấp dẫn cho dù nội dung chẳng có gì đặc biệt. Lê Thiệp vốn là 1 nhà báo sống ở miền Nam trước năm 75, và sau này cũng có thể gọi ông là 1 nhà văn được. 1 nhà văn giỏi là 1 nhà văn cho dù nội dung truyện chẳng có gì đặc biệt nhưng vẫn khiến cho người đọc cứ muốn đọc đến những dòng cuối cùng.



Từ Việt Nam hóa chiến tranh đến nạc hóa đàn lợn.

( Lê Thiệp )


Từ ngữ là những ngôn ngữ chết, không được thông dụng trong dân gian nữa. La-tinh là một thí dụ. Chữ Nôm của ta có lẽ nên được coi là thứ ngôn ngữ chết một nửa bởi Nôm được viết từ chữ Hán nhưng nay nó viết bằng vần ABC được gọi là Quốc Ngữ. Khi những chữ có gốc Hán chuyển sang Nôm rồi viết thành Quốc Ngữ cái nghĩa gốc đôi khi vẫn còn đó nhưng nếu lạm dụng thì chúng ta có một thứ tiếng Việt rất lạ.

Chữ Hóa là một thí dụ. Xin hãy đọc câu văn sau đây : “ Công trình kiên cố hóa kênh Rạch Số 1 đã được khởi công nằm trong kế hoạch đô thị hóa vùng ngoại vi thành phố Cần Thơ. Tổng quan công trình kiên cố hóa này sẽ giúp phong phú hóa đời sống nhân dân cư ngụ quanh vùng, giúp công tác điện hoá triển khai mau, dễ dàng hóa lưu thông ra khỏi thành phố. Công tác hóa giá đất đai, nhà cửa và các mặt bằng đã được xúc tiến tốt đẹp từ sáu tháng qua ..... ”


***

Ông Hồ Chí Minh trong một bài dạy dỗ tại một cuộc học tập đã nói : “ Chúng ta phải trong sáng hóa tiếng Việt. ”

Đợt trong sáng hóa tiếng Việt đầu tiên của Đảng và Nhà Nước đã được sự giúp đỡ tích cực của Trung Quốc. Vào khoảng 1950, khi cuộc chiến tranh Việt Pháp lên cao độ, Đảng vẫn nhìn xa, cử rất nhiều đảng viên sang Tàu để học hỏi về chủ nghĩa, về cách cai trị theo hình thức mác-xít và nhất là hình thái tổ chức đảng.

Những lớp học cấp tốc được tổ chức và sách vở là từ tiếng Tàu dịch ra. Những dịch giả này hẳn không phải là những chuyên gia dịch thuật có đủ kiến thức nên các tài liệu được đem ra giảng dậy là một pha trộn ngô nghê giữa hai ba thứ ngôn ngữ : Hán, Hán Việt, Nôm và Quốc Ngữ.

Chúng ta có một thứ tiếng lạ, cả viết lẫn nói, được Đảng và Nhà Nước chấp thuận như “ ngôn ngữ triều đình ” làm điên đầu nhân dân. Nhưng thét rồi cũng quen, những chữ lạ được nhồi nhét, lập đi lập lại lâu ngày bỗng trở nên thông dụng và có một ý nghĩa nào đó được gán ghép cho. Sự cố kỹ thuật khi được đem vào miền Nam đã gây một vài ngỡ ngàng lúc đầu.

Khi đến thăm một người dân sống dưới sự hướng dẫn của Đảng và Nhà Nước, được chào mời kiểu :

- Xin vô tư. Mọi tiện nghi đã được bố trí chu đáo. Bánh cuốn đã được phân phối, lại còn tăng
viện cả cà cuống, đặc thù hôm nay có chả quế.

Nếu có chút lựng khựng nhưng nên hiểu nôm na theo kiểu Ngụy rằng “ Tự nhiên nhe bà con. Đồ ăn tùm lum, có bánh cuốn chả và thêm cà cuống nữa. ”

***

Ông Thao là một nhà báo kỳ cựu, viết lách từ thập niên 50, là người cầm trịch tờ báo Sóng Thần của Sài Gòn ngày xưa. Ông bị tù đày liên miên và sau đó sống dập vùi bên lề xã hội mãi tới khi rời khỏi Việt Nam cách đây ít lâu. Sau hơn 20 năm gặp lại hàn huyên bỗng thấy có những tiếng là lạ :

- Một cốc nhỏ cho thư giãn tinh thần.

- Cái mặt bằng chỗ kinh doanh sách cự ly không quá nửa gian phòng này.

- Mày ở Mỹ lâu phải tiếp thu chứ !

Một cốc nhỏ là một ly đế. Mặt bằng là cửa hàng mở ra đường. Kinh doanh sách của ông Thao là một chỗ để bày sách cũ bán kiểu chợ trời. Cự ly là chiều rộng, chiều ngang gì đó. Còn tiếp thu nên dịch thành hiểu biết .....

Anh em ngồi hàn huyên mà cứ phải đoán mò, phải hỏi lại dù đang cùng nói tiếng Việt thì cũng đáng suy nghĩ.


***

Cái chữ Hóa vốn là chữ Việt gốc Hán chỉ sự chuyển đổi từ hình thức này sang hình thức khác. Khi được ghép thêm một tiếng nó làm rõ nghĩa sự chuyển biến này. Oxýt hóa là hiện tượng một chất vô cơ bị oxy làm biến dạng như sắt, đồng khi bị oxy tác động thành hoen rỉ. Đó là bài học Hóa học hồi trung học. Hóa thạch là những vật hữu cơ bị chôn vùi lâu ngày biến thành đá. Đó cũng là điều học từ hồi còn be .....

Cái chữ Hóa này xem ra khá lợi hại. Cứ Hóa một quả là ta có một thứ khác. Kỹ nghệ hóa có nghĩa là nước ta trở thành nước kỹ nghệ, đó là chữ ngày xưa, nay là công nghiệp hóa. Xây lại cây cầu cho rộng hơn, vững chãi hơn, là kiên cố hóa. Để việc đi lại tiện lợi, nhanh chóng hơn là dễ dàng hóa. Cứ như ông phù thủy hóa một phát là đổi hoàng tử thành con cóc.

Trong tất cả những chữ đi cùng với chữ hóa thì lợi hại và ly kỳ nhất là chữ giá : Hóa giá. Cụ Vương Hồng Sển hồi sinh thời có kể một câu chuyện hóa giá rất ly kỳ nhưng trước hết là câu chuyện hóa giá rất thời sự ở Mỹ.

***

Năm 1933, Hoa Kỳ không dùng kim bản vị nữa và Bộ Ngân Khố quyết định nấu chảy đồng tiền vàng 20 đô la. Đồng tiền vàng này có tên là Double Eagle, một mặt khắc Nữ Thần Tự Do, mặt kia chạm hình chim Ưng đã được đúc nhưng chưa lưu hành. Khi quyết định nấu chảy khối tiền vàng, Bộ Ngân Khố đã tặng cho viện bảo tàng Smithsonian hai đồng để lưu trữ như tài liệu lịch sử. Nhưng theo lời xầm xì thì có khoảng 10 đồng Double Eagle bị thuổng, cất giấu. Một đồng đã lọt vào tay ông vua Ai Cập Farouk. Khoảng năm 1953 đồng tiền này biệt tăm cho đến 1966. Một tay buôn tiền cổ người Anh tên Stephen Fenton toan bán đồng tiền 20 đô-la hiếm hoi này cho một nhân viên mật vụ trá hình ở Nữu Ước. Cuộc điều đình giữa Fenton và chính quyền Hoa Kỳ sau đó đã đi đến kết quả. Hai bên đồng ý đem đồng đô-la hiếm quí này ra đấu giá. Tối 30-7-2002 vừa qua tại Sotheby’s, một người ẩn danh đã đấu được đồng tiền này với giá 7 triệu 600 ngàn Mỹ kim. Số tiền này sau khi trừ chi phí và hoa hồng đấu giá, còn lại 6 triệu 600 ngàn Mỹ kim được chia đồng đều giữa chính phủ Mỹ và tay buôn tiền cổ Fenton. Và một ngân khoản 20 Mỹ kim được trích ra để trả lại cho ngân khố Mỹ.

Hai mươi đô-la năm 1933 nay nếu cứ tính theo lạm phát thì cũng phải đáng cả trăm. Nhưng khi nó là của hiếm thì hóa giá thành 7 triệu 6. Thơm quá, nhưng là chuyện Mỹ.

Chuyện của cụ Sển cũng ly kỳ vì dính đến vàng, đến vua chúa. Một bọn đào mả trộm đã đào một ngôi mộ của một công nương triều Nguyễn. Bọn đào mả trộm bị bắt và Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Đà Nẵng tịch thu nhiều tang vật trong đó có hai món trang sức bằng vàng chạm trổ công phu hình hai con chim phụng. Cứ như lời cụ Vương Hồng Sển thì đây là hai món trang sức cực kỳ quý báu vì hai con chim phụng được chạm tinh xảo là một tượng trưng cho nghệ thuật thủ công của ta hồi đó.

Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Đà Nẵng trong một phiên họp đã quyết định đem bán đấu giá tất cả các tang vật tịch thu được. Cũng theo biên bản thì hai con chim phụng bằng vàng đó được “ hóa giá ” nấu chảy thành vàng ròng, vàng lượng, cho dễ bán. Không thấy nói rõ khi nấu chảy để “ hóa giá ” hai con chim phụng này, số vàng thu lại được là bao nhiêu.

Cụ Sển la trời như bộng, mắng mỏ sự ngu dốt của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Đà Nẵng tại sao lại có hành động vô ý thức, hủy hoại một bảo vật vô giá như vậy chỉ vì muốn hóa giá, bán cho dễ dàng. Một ông trí thức Hà Nội sau khi đọc bài của nhà học giả uyên thâm này, cười khẩy nói :

- Cái người ngớ ngẩn là cụ Sển. Tỉnh Ủy Đà Nẵng đâu có ngớ ngẩn, nhưng không làm biên bản như vậy thì làm sao giấu được hai con chim phụng đem ra bán cửa sau cho những tay chạy hàng đồ cổ ? Có khi hai con phụng đó đang ở trong một sưu tập tư nhân nào đó trên thế giới rồi cũng nên !


***

Khi chiếm được miền Nam, Đảng và Nhà nước đã bàng hoàng trước tài sản của bọn Ngụy quân Ngụy quyền bỏ lại. Cán bộ, đảng viên lập tức tiếp thu nhanh chóng và chỉ rất mau sau đó chiếm hữu những ngôi nhà, dinh thự này như là của riêng. Đây không phải là lần đầu Đảng và Nhà Nước mới đối phó với tình trạng này. Khi tiếp thu Hà Nội, Đảng và Nhà Nước cũng đã tiếp thu rất nhiều cơ sở của bọn chạy theo đế quốc đi Nam, do đó lần này Đảng và Nhà Nước - cán bộ và đảng viên thì chính xác hơn - có nhiều kinh nghiệm. Họ tiến chiếm những căn hộ này ngay và sau đó ráo riết lo hợp thức hóa chủ quyền. Hóa giá. Một căn biệt thự ở đường Tú Xương được hóa giá độ 30 lượng vàng, Đảng viên đang chiếm ngụ nộp cho nhà nước khoản này và có giấy tờ chủ quyền “ hợp pháp ”. Một căn biệt thự như vừa nói có thể bán ra cỡ 3 ngàn lượng vàng.

Cứ Hóa Giá một quả là mọi sự êm xuôi.


***

Trước khi mất miền Nam, có một chữ hóa rất hay xuất hiện trên báo chí Mỹ cũng như Việt và là câu đầu môi chót lưỡi của giới chức Hoa Kỳ kể cả Tổng Thống Nixon. Khi ông Kissinger thậm thụt với Tàu, với Nga và lo đi đêm với Bắc Việt để cố lôi đạo quân Mỹ khỏi bãi lầy Việt Nam, để hợp thức hóa, người Mỹ tung ra kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh. Thế cái cuộc chiến đẫm máu đó là của ai mà nay phải Việt Nam hóa ? Cái suy sụp đã rõ nơi chữ hóa.

Gần 30 năm sau, thương ước Việt Mỹ được ký kết. Trong cái cố gắng để bán từ con giun nguyên tử cho đến con cá tra, cá bông lau, cá ba-sa cho Mỹ, nhà nước ta gặp đủ thứ khó khăn. Con giun thì bị buộc tội đem vi trùng thổ tả vào Mỹ. Cá ba-sa thì bị buộc tội phá giá, cả một phái bộ của Đảng và Nhà Nước phải ra Quốc hội Mỹ điều trần. Nhưng cái kỳ vọng vào thương ước đó vẫn chưa giảm và nó còn lan xuống tận cùng của xã hội Việt Nam. Một người chuyên nuôi heo ở một làng quê Bắc Việt cũng nghĩ đến chuyện có thể xuất cảng heo sang Mỹ, nhưng cứ theo sự hiểu biết của ông tiểu trại chủ nuôi heo này thì dân Mỹ sợ béo, sợ mập nên rất sợ thịt mỡ. Ông tâm sự với một ngoại kiều :

- Thế nào tôi cũng phải nạc hóa đàn lợn để có hi vọng xuất khẩu sang Mỹ.

Có khi nhờ Việt Nam hóa chiến cuộc mà dân Hoa Kỳ sẽ được ăn thịt heo đã nạc hóa chăng ?



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét