Thứ Ba, 18 tháng 6, 2019
sự hiểu biết ( tri thức ) tự bản thân nó đã là quý giá. Sự hiểu biết không cần phải có tính " áp dụng " vào thực tế được hay không. Sau này chính những sự hiểu biết đó theo thời gian, tùy vào những trường hợp cụ thể mà sẽ có tính " ứng dụng " không ai lường trước được, chẳng hạn như những ứng dụng của toán học và vật lý ngày nay vào máy móc điện tử, vũ trụ không gian bắt nguồn từ những LÝ THUYẾT toán học và vật lý trước đó mấy trăm năm mà không ai nghĩ là nó sẽ có tính ứng dụng như thế nào. Vì vậy ĐỈNH CAO nhất trong sự hiểu biết chính là sự SAY MÊ TRI THỨC chỉ vì nó đem đến sự hiểu biết chứ không phải vì nó có tính " ứng dụng " vào thực tế hay không.
Di sản của Socrates.
( Tia Sáng : lược trích )
Nhược điểm của trào lưu du giáo dẫn ta tới cái tương phản với nó, đồng thời là cái di sản đầu tiên và thắng lợi huy hoàng nhất của truyền thống giáo dục mà khởi điểm là Socrates.
1/ “ Không biết và cũng không tưởng là mình biết ”
Có thể chúng ta không biết gì nhiều về Ông, song hầu như ai cũng biết câu khuyến dụ “ HÃY TỰ BIẾT MÌNH ” được gán cho Ông. Câu văn biểu thị thái độ khiêm tốn trước sự hiểu biết ấy, ngày nay còn thiết yếu cho việc học hỏi hơn bao giờ hết. Không phải chỉ vì nó đơn giản mang cái nghĩa mà thời xưa Socrates đã giải thích ( về thứ hiểu biết do kinh nghiệm - học hỏi - suy luận đem lại gọi là “ tri thức ” ) và cho là nằm ngoài tầm với của bản thân Ông : “ tôi không biết gì cả ( không có loại tri thức đó ) , và điều tôi không biết, tôi cũng không hề tưởng rằng mình biết ”. Về vế thứ nhất – sự không biết – Karl Jaspers ( 1883 - 1969 ) nhận định : “ Socrates chính là triết gia của thứ tư duy luôn bôn ba trên đường với hiểu biết duy nhất là sự không - biết ( ... ) , với lòng tin rằng chân lý sẽ hiện ra ở cuối con đường khảo hạch không nhân nhượng, rằng chính trong ý thức chân thật về sự không - biết mà sự hiểu biết cốt tủy, sinh tử chứ không phải là hư vô sẽ xuất hiện ”.
Về vế thứ hai – sự tưởng là biết – Maurice Merleau - Ponty ( 1908 - 1961 ) bàn : Bản Tự Biện từng nhận định buồn bã : “ Mỗi khi tôi thuyết phục được ai là anh ta chẳng biết gì, người ta tưởng là tôi biết tất cả những gì anh ta không biết ”. Socrates đâu biết nhiều hơn họ, Ông chỉ biết rằng không có sự hiểu biết tuyệt đối, và chính nhờ sự thiếu hụt đó mà lý trí của chúng ta còn rộng mở trước chân lý.
Tưởng rằng mình biết luôn luôn là một chướng ngại cho sự hiểu biết. Tuy nhiên đối với các nhà khoa học đương đại, ngay cả những tri thức có giá trị nhiều khi cũng vẫn là một trở ngại cho sự hiểu biết sâu hơn, rộng hơn, khác hơn. Hãy nhìn vào lịch sử của vài bộ môn khoa học. Vật lý của Newton và hình học của Euclid đều là những mảnh đất vững chãi của sự hiểu biết, thế nhưng nếu ai cũng sùng bái Newton như vị sứ giả có một không hai mà Thượng đế gửi xuống để khai trí con người thì có lẽ ta đã không bao giờ vượt qua được vật lý của thế giới trung mô để tìm hiểu vật lý của thế giới vĩ mô và thế giới vi mô. Nếu ai cũng tin rằng Euclid là “ không thể vượt qua ” thì có lẽ ta đã không bao giờ xây dựng được những mô hình hình học phi - Euclid. Hơn bao giờ hết, ta cần phải luôn luôn tự nhủ : hiểu biết tuyệt đối, cũng như chân lý vĩnh hằng, là đường chân trời mời mọc hay ám ảnh ở tít đằng xa, không bao giờ là chốn bồng lai vây bọc quanh ta. Và nếu cái thái độ cởi mở trước sự học này đã không bắt nguồn từ chính Socrates thì ít ra nó cũng có nhiều liên hệ với một truyền thống khoa học không xa lạ với Triết gia.
Bởi vì ở Socrates, ý thức “ không biết ” song song với sự “ không tưởng rằng mình biết ”, cùng dẫn đến động thái tích cực là việc dấn thân đi tìm cái đúng, thực ( được xem là đặc trưng của triết gia philo - sophos = kẻ yêu - hiểu biết – với định nghĩa này thì tất cả chúng ta đều là triết gia ) chứ không phải là buông xuôi chịu đựng họa dốt nát. Và sự dấn thân ấy, cái thái độ sapere aude ( hãy dám biết ) ấy, một mặt không ai có thể làm thay ta được, kể cả thần thánh, mặt khác ta cũng không thể làm một mình được, mà cần có đối tác. Đối với chúng ta ngày nay, đối tác đó chủ yếu là thầy cô – một quan điểm trên / dưới lệ thuộc thừa hưởng từ trào lưu du giáo.
Ở phương Đông, ông cha ta từng tuyên phán : “ Nhất tự vi sư, bán tự vi sư ”, dù chỉ hơn có nửa chữ cũng vẫn là thầy. Ở Athens, Socrates từng hoài nghi : “ Giá mà qua tiếp xúc, sự hiểu biết có thể truyền từ người có nhiều hơn sang kẻ có ít hơn, tựa như nước có thể chảy từ ly đầy hơn sang ly vơi hơn qua mảnh len, thì tốt biết bao ! ” ; và sự ngờ vực này không chỉ giới hạn vào loại hiểu biết đạo đức hay chính trị mà còn lan ra cả nhiều lĩnh vực khác. Thế nên, do Ông không tự nhận là thầy của bất cứ ai, và cũng không công nhận ai thực sự là thầy, Socrates bất ngờ thiết lập một quan hệ mới giữa những người cùng đi tìm hiểu biết, nghĩa là cùng học dựa vào nhau : quan hệ đối tác bình đẳng.
Trong quan hệ đó, người này “ đỡ đẻ ” cho người kia như thần Apollo “ đỡ đẻ ” cho Socrates. Thần phán : “ Không có ai hiểu biết hơn Socrates trên đời này ” ; nhưng nếu Socrates kiêu hãnh xem đấy là chân lý thay vì kinh ngạc tự biết rằng mình không biết chi hết, rồi tìm cách chứng minh là câu thần dụ ấy sai thì chẳng đời nào Ông ngộ ra được ý thần : “ Hỡi con người, kẻ thông thái nhất trong số các anh sẽ là người tự biết rằng hiểu biết của mình không là gì cả, như Socrates ”, nghĩa là Socrates hiểu biết hơn người chính vì ông biết rằng mình không biết chi hết. Như Socrates “ đỡ đẻ ” cho bất cứ ai trò chuyện cùng Ông, Socrates chỉ hỏi “ x là gì ”, đôi khi còn mớm cho họ một ý, nhưng chính kẻ đối thoại phải động não để tìm ra câu trả lời thích đáng, có khi còn khiến Ông phải đổi hướng trò chơi hỏi đáp. Trong quan hệ này đâu có ai dạy ai, cho nên Socrates mới kết luận : “ Thật rõ ràng là họ chưa bao giờ học được bất cứ điều gì từ tôi cả, và nhiều phát hiện hay đẹp mà họ thấy gắn bó thiết thân đều do công phu của họ ”. Kierkegaard bình : “ Cách hiểu Socrates tốt nhất chính là hiểu rằng chẳng ai mắc Ông món nợ nào cả, đấy là điều Ông thích hơn hết, và có thể ưa thích như vậy thì quả là đẹp ” .
2/ Quan hệ đối tác : kẻ “ đỡ ”, người “ đẻ ”
Trong quan hệ đối tác bình đẳng đó, người này “ đỡ ” song người kia cũng phải “ đẻ ”. Socrates cho rằng : “ thần bắt tôi đỡ đẻ mà không cho phép tôi sinh sản ” ; đây là một kiểu nói nhằm vừa xác định vai trò “ bà đỡ ” của Ông như một thiên chức, vừa xác lập là bất cứ ai khác ( trừ loại “ bà đỡ ” như Ông ) cũng có thể sinh sản dù giá trị của sản phẩm ra đời có thể không đồng đều về phẩm chất. Nghĩa là ai cũng có lý trí, hay nói cách khác, lý tính là bẩm sinh ở mỗi người, và với lý tính bẩm sinh này, ai cũng có thể đạt được những tri thức đúng đắn nếu được cật vấn đúng phương pháp, thần linh hay người khác không có vai trò nào ở đây. Ngày nay có thể ta ít bi quan hơn Socrates : nhất định là thầy cô có thể dạy học trò biết nhiều thứ cho dù phải nhắc đi nhắc lại rằng “ tri phải đi đôi với hành ”. Tuy nhiên cũng cần nhớ lại rằng, ở Socrates chữ hành đi xa hơn chuyện thực tập nhiều : nó là sự vận dụng toàn bộ trí năng của chính mình để tự suy nghĩ xem xét, tự trải nghiệm khám phá ngay từ bước đầu tiên.
Dù ở Socrates xưa, thứ hiểu biết được đem ra bàn luận thường là hiểu biết đạo lý : đức hạnh là khoa học chân chính trước hết vì nó là khoa học về bản thân ta, nhưng cũng vì vậy mà nó luôn luôn vuột khỏi tầm tay của bao kẻ thông minh mà không hề nghĩ suy gì về mình. Ngày nay không ai cấm ta mở rộng lĩnh vực áp dụng và nhận thức rằng mọi khoa học chân chính đều không thể được tiếp thu từ bên ngoài mà phải được ( tái ) phát hiện từ bên trong dưới ảnh hưởng của sự kinh ngạc trước một vấn đề, bất kỳ là vấn đề gì. Đóng góp lớn thứ hai của Socrates cho giáo dục thời nay là tinh thần TỰ HỌC . Dù có cắp sách đến trường, ta cũng phải tự mình học, nghĩa là tự suy nghĩ xem xét, tự trải nghiệm khám phá chứ có ai làm hộ mình đâu ? Như vậy tại sao ta lại không nuôi dưỡng ý thức tự học này ngay từ đầu để đề phòng hoặc đối phó với những thời nhân tai ( có thể xảy ra ở khắp nơi ! ) khi nền giáo dục quốc gia bị lũng đoạn, thậm chí tiêu vong vì đủ thứ tệ hại chính trị, xã hội, kinh tế, đạo đức do con người gây ra đã cùng tác động song song để đẩy trình độ hiểu biết của cả nước xuống cấp ?
Trở lại với phương Đông và lời căn dặn “ Nhất tự vi sư, bán tự vi sư ”. Dù chỉ dạy có nửa chữ cũng là thầy và do đó phải được kính trọng trong tư cách là thầy 100 % chứ không phải chỉ trong giới hạn của 1/2 chữ. Vâng, về tình nghĩa thì đúng thôi ! Với điều kiện là nó không sinh ra đầu óc nô lệ. Muốn tránh tình cảnh này thì từ nay hãy xem thầy cô như bà đỡ theo nghĩa của Socrates : đường hoàng cật vấn, phản biện. Hãy xem bạn học như đối tác : thân tình hỏi đáp, tranh luận. Hãy xem sách như bà đỡ, ở phương Đông ta cũng hay nói : “ Không thầy đố mày làm nên ” ; từ nay nên tự nhủ : “ Không sách đố thầy làm nên ” ; hãy đọc thật nhiều để có vốn mà suy tư và nhất là đừng cho phép bất cứ ai cấm mình đọc sách. Hãy xem Internet như đối tác : ngày nay mọi thông tin khoa học đều được truyền tải trên mạng, không ai còn lấy thúng úp voi được nữa ; hãy học thật giỏi ngôn ngữ của một xứ sở tự do và văn minh rồi lên Internet tự tìm lấy thông tin, hiểu biết – đấy là một quyền không thể chuyển nhượng của con người.
3/ “ Xét mình, xét người ”
Điều này dẫn ta tới đóng góp lớn thứ ba của Socrates cho giáo dục thời nay, đấy là khuyến dụ : “ XÉT MÌNH, XÉT NGƯỜI ”. Thoạt nghe có vẻ như đây chỉ đơn thuần là một đòi hỏi đạo lý ; thật ra Socrates yêu cầu “ tu dưỡng tâm hồn với đức hạnh ” luôn luôn cặp đôi với một mệnh lệnh khác bao trùm tất cả là “ trau dồi hiểu biết ”, bởi vì theo Triết gia, “ chỉ có một thiện căn, đó là sự hiểu biết, và chỉ có một ác căn, đó là sự ngu muội ”. Để rồi sự tin tưởng tuyệt đối cho rằng lý trí có thể hoàn toàn chế ngự được đạo đức cuối cùng đã dẫn Ông tới kết luận “ không ai cố ý làm điều bất chính ”, được diễn đạt một cách khái quát qua công thức trứ danh “ hiểu biết là đức hạnh ” mà đời sau gọi là “ nghịch lý Socrates ” ( “ the Socratic paradox ” ) . Ở đây, Triết gia dường như đã bỏ qua một hiện tượng hiển nhiên mà người Hy Lạp gọi là akrasia : mặc dù biết một điều gì đó là không nên làm, người đời rốt cuộc vẫn cứ làm chỉ vì thiếu ý chí để tự kiềm chế.
---------------------------------------------------
và sau đây là một chút thư giãn sau khi đã động não suy nghĩ tìm kiếm tri thức. Chẳng phải TRI THỨC cũng là một VẺ ĐẸP đáng để ngắm nhìn đó hay sao ??
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét