Trang

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2019


Yasujiro Ozu - Vĩ Đại Từ Sự Tinh Tế.


( spiderum.com )







Yasujiro Ozu là một trong những vị đạo diễn được đánh giá là vĩ đại nhất lịch sử điện ảnh Nhật Bản nói riêng và điện ảnh thế giới nói chung. Trái ngược hoàn toàn với Akira Kurosawa, vị đạo diễn tiên phong cho dòng phim hành động hiện đại, các phim của ông đều có nét tương đồng nhất định chung, rất Ozu và có lẽ là “ Nhật ” nhất trong số các đạo diễn Nhật Bản, bộc tả những tình tiết đời thường về gia đình qua từng thế hệ bằng những kỹ thuật điện ảnh phá vỡ quy phạm làm phim cổ điển một cách tối giản. Một cách đánh giá được xem là lập dị, Ozu luôn để máy quay cách sàn nhà từ 30 - 60 cm và không hề di chuyển ống kính xuyên suốt cảnh quay. Chính điều này đã tạo nên sự độc đáo trong phong cách làm phim của Ozu.

Ozu ví sự nghiệp làm phim của mình với làm đậu phụ khi người ta chỉ ra các phim của ông giống nhau một cách lạ thường. Ông giống như một nghệ nhân làm đậu phụ, rèn giũa đến mức tinh xảo nghệ thuật làm đậu phụ rán, luộc hay nhồi ; còn những việc khác, theo ông, để dành cho những vị đạo diễn khác. Ông sản xuất hơn 50 bộ phim khác nhau từ những năm 1920 cho đến khi qua đời năm 1963. Những phim đầu tiên của Ozu thử nghiệm nhiều thể loại khác nhau, từ hài kịch đến mafia, chịu nhiều ảnh hưởng từ Hollywood lúc bấy giờ. The Only Son năm 1936 là bộ phim có lồng tiếng nói đầu tiên của Ozu, đánh dấu bước chuyển biến đầu tiên trong việc chuyển sang chủ đề gia đình trong sự nghiệp đạo diễn.

Sau Thế Chiến II, ông thực hiện Late Spring [ Xuân muộn ] với sự xuất hiện đầu tiên của minh tinh Setsuko Hara ( được mệnh danh là biểu tượng màn bạc Nhật Bản những năm 1950 ) trong 6 bộ phim bà thực hiện với Ozu về sau : Early Summer [ Hè sớm ] năm 1951, Tokyo Story [ Câu chuyện Tokyo ] năm 1953, Tokyo Twilight [ Chạng vạng ] năm 1957, Late Autumn [ Thu muộn ] năm 1960, và The End of Summer [ Kết thúc mùa hè ] năm 1961. Trong đó bộ ba Noriko ( “  Noriko trilogy  ” ) bao gồm Late Spring [ Xuân muộn ]  , Early Summer [ Hè sớm ] và Tokyo Story [ Câu chuyện Tokyo ] là được đánh giá cao nhất, tạo nên tên tuổi của ông trong lịch sử điện ảnh Nhật Bản.

Tokyo Story là kiệt tác bất diệt đưa ông lên bản đồ 5 châu, luôn lọt top 10 những phim được đánh giá là vĩ đại nhất mọi thời đại và trở thành tác phẩm đáng phải xem đối với bất cứ ai bước chân vào bộ môn nghệ thuật. Ta khó lòng có thể phân tích hết được những yếu tố tạo nên sự tinh túy trong Tokyo Story : từ nhan sắc đồng trinh bất diệt của Setsuko Hara, những khoảng lặng như cắt sâu vào xúc cảm thuần khiết của khán giả, đến cốt truyện đề cao tình nghĩa gia đình và những ẩn dụ triết lý sâu sắc trong sự bất đồng giữa thế hệ cũ và thế hệ mới của một nước Nhật đang thay đổi đến chóng mặt. Trong cái nhìn tổng thể, Tokyo Story là một tác phẩm đặc biệt, bữa “ đậu phụ ” hoàn hảo nhất của Ozu mà cần thời gian để thưởng thức chiêm nghiệm một cách tế nhị để rồi vỡ ra trong ta những hương vị thanh tú mà ngay cả những món sơn hào hải vị cũng khó có thể mang lại được.

Phim của Ozu hàm chứa nhiều cảm xúc bên trong nét bình dị như một bức tranh được vẽ đi vẽ lại bằng các màu khác nhau trong tâm trí của một họa sĩ hướng tới sự hoàn mỹ giản đơn trong cái đẹp đời thường. Nhà cố bình luận phim huyền thoại Roger Ebert đã nhắc đến khái niệm “ pillow shot ” ( cảnh tĩnh ) khi nói về những khoảng lặng trong phim của Ozu. “ Pillow shot ” giống như “ pillow words ” trong thơ haiku : đó là những cảnh quay như từng khoảnh khắc trong cuộc sống. Tồn tại không vì mục đích cao cả và vĩ đại, tồn tại chỉ để ta chiêm nghiệm hết cái đẹp trong kiếp nhân sinh quá đỗi mong manh ngắn ngủi, mang lại 1 ý nghĩa cảm xúc : một tích tắc kéo dài như một thiên niên kỷ.

Tokyo Story của Ozu đứng vị trí thứ nhất trong danh sách 50 phim vĩ đại nhất mọi thời đại của tạp chí Sight and Sound, lấy ý kiến từ hơn 358 đạo diễn lớn nhỏ khác nhau trong lịch sử. Yasujiro Ozu chưa từng kết hôn và sống cả đời với mẹ mình. Ông mất vào năm 1963 ; trên nấm mộ của mình ở Đền Engaku-ji thuộc Kamakura, Kanagawa, đạo diễn chỉ cho khắc duy nhất một chữ mu ( 無, vô ).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét