Thái Linh, một quãng đời tôi.
( Lê Thiệp )
Như có cái gì rời khỏi tôi, dứt ra đi không bao giờ trờ lại nữa, đồng thời có cái gì đó níu tôi lại, đẩy tôi lùi vào quá khứ, giữ diệt tôi xuống cái vùng riêng của mỗi người, ấp ủ, đậy kín. Anh ở đó không cách xa tôi bao nhiêu, nhưng họa hoằn lắm tôi mới ghé tới anh. Không bao giờ tôi đi một mình, bao giờ cũng với một bằng hữu kỳ cựu của anh hoặc của tôi muốn ghé thăm anh, hoặc với người thân. Trường hợp sau là Ngọc Dũng. Sao vậy ? Thái Linh với đầy những huyền thoại hoặc những khoảng tối, khoảng tối chung quanh anh, đã rời khỏi cuộc đời lặng lẽ như chính cung cách sống của anh giữa cuộc đời. Cái cung cách rời đi cũng một cách rất ương ngạnh, rất Thái Linh.
Anh mất vào khoảng 6 giờ sáng ngày 23-7-1998, không ai rõ anh sinh ngày nào. Bạn bè vẫn đùa về chuyện này. Có thể là thói quen của những ông đảng phái, đi làm cách mạng ngày xưa cứ giấu biến ngày sinh tháng đẻ, sợ đối phương lấy tử vi và đoán ra cuộc đời của mình. Hoặc có thể chính anh cũng không rõ mình sinh ngày nào và dùng đó như một bí ẩn cho chính mình. Trong cái mù mờ từ khởi đầu đó, khó ai vẽ lại được cả cuộc đời của anh. Mỗi bằng hữu, mỗi người thân biết từng khúc, từng mẩu và từ đó mỗi người nhìn anh dưới một khía cạnh khác nhau, đôi khi trái ngược. Người gần anh nhiều nhất, hiểu anh nhiều nhất hẳn là chị Thái Linh. Chị nói với tôi :
- Anh Linh ? Tôi cũng không chắc anh ấy họ Phạm nữa. Cái quãng thời gian trước khi lấy tôi là một bóng tối dầy đặc, tôi không bao giờ bước vào được.
Người làm việc với anh lâu nhất và được coi là biết rõ Thái Linh nhất phải là Thái Lân. Hai ông đã làm việc với nhau ở Ngôn Luận và sang Chính Luận hơn một phần tư thế kỷ. Ông Lân nói :
- Ông Linh ? Ông có bao giờ nói về ông ấy đâu ! Đệ Tứ ? Tôi có hỏi ông ấy, ông ấy hỏi lại tôi : Thế tôi có phải là Trotskyste không ? Duy Dân ? Dám lắm nhưng tôi chưa thấy ông ấy có những liên lạc với anh em Duy Dân bao giờ.