Trang

Thứ Tư, 20 tháng 1, 2021


Thái Linh, một quãng đời tôi.


( Lê Thiệp )



Như có cái gì rời khỏi tôi, dứt ra đi không bao giờ trờ lại nữa, đồng thời có cái gì đó níu tôi lại, đẩy tôi lùi vào quá khứ, giữ diệt tôi xuống cái vùng riêng của mỗi người, ấp ủ, đậy kín. Anh ở đó không cách xa tôi bao nhiêu, nhưng họa hoằn lắm tôi mới ghé tới anh. Không bao giờ tôi đi một mình, bao giờ cũng với một bằng hữu kỳ cựu của anh hoặc của tôi muốn ghé thăm anh, hoặc với người thân. Trường hợp sau là Ngọc Dũng. Sao vậy ? Thái Linh với đầy những huyền thoại hoặc những khoảng tối, khoảng tối chung quanh anh, đã rời khỏi cuộc đời lặng lẽ như chính cung cách sống của anh giữa cuộc đời. Cái cung cách rời đi cũng một cách rất ương ngạnh, rất Thái Linh.


Anh mất vào khoảng 6 giờ sáng ngày 23-7-1998, không ai rõ anh sinh ngày nào. Bạn bè vẫn đùa về chuyện này. Có thể là thói quen của những ông đảng phái, đi làm cách mạng ngày xưa cứ giấu biến ngày sinh tháng đẻ, sợ đối phương lấy tử vi và đoán ra cuộc đời của mình. Hoặc có thể chính anh cũng không rõ mình sinh ngày nào và dùng đó như một bí ẩn cho chính mình. Trong cái mù mờ từ khởi đầu đó, khó ai vẽ lại được cả cuộc đời của anh. Mỗi bằng hữu, mỗi người thân biết từng khúc, từng mẩu và từ đó mỗi người nhìn anh dưới một khía cạnh khác nhau, đôi khi trái ngược. Người gần anh nhiều nhất, hiểu anh nhiều nhất hẳn là chị Thái Linh. Chị nói với tôi :


- Anh Linh ? Tôi cũng không chắc anh ấy họ Phạm nữa. Cái quãng thời gian trước khi lấy tôi là một bóng tối dầy đặc, tôi không bao giờ bước vào được. 


Người làm việc với anh lâu nhất và được coi là biết rõ Thái Linh nhất phải là Thái Lân. Hai ông đã làm việc với nhau ở Ngôn Luận và sang Chính Luận hơn một phần tư thế kỷ. Ông Lân nói :


- Ông Linh ? Ông có bao giờ nói về ông ấy đâu ! Đệ Tứ ? Tôi có hỏi ông ấy, ông ấy hỏi lại tôi : Thế tôi có phải là Trotskyste không ? Duy Dân ? Dám lắm nhưng tôi chưa thấy ông ấy có những liên lạc với anh em Duy Dân bao giờ.


Hơn ba mươi năm trước, tôi thấy Thái Linh lần đầu không phải từ phía trước mà từ phía sau. Khi bước khỏi cái cầu thang tối mù, bước vào toà soạn Chính Luận ở số 15 Võ Tánh, cái đập vào mắt tôi là một người có đôi vai to đang gập người xuống hí hoáy viết. Khi đi ngang, tôi nhìn nhưng vị ký giả đó hình như không để ý gì đến chung quanh, không thèm ngẩng lên nhìn. Sau khi trình diện ông Từ Chung, tôi đi ra và thấy vị ký giả đó vẫn gục người trước những mẩu télétype.


Cái phóng khoáng của nghề báo ở Việt Nam đôi khi đẩy những người trẻ như tôi vào hoàn cảnh khá tế nhị và khá khó xử. Tôi vào làm Chính Luận không hề được giới thiệu sinh hoạt toà soạn ra sao, có những ai và phải làm việc với ai. Ông Thái Lân bảo tôi 5 giờ sáng hôm sau đến làm việc. Có vậy thôi. Tôi y lệnh, nghĩ bụng 5 giờ sáng thì sớm quá, liệu có ai ở toà soạn vào lúc đó ? Nhưng đúng 5 giờ sáng, tôi bước vào đã thấy nhiều người ở đó. Chẳng biết phải gặp ai, nói gì, đang ngơ ngác thì cái ông tôi chỉ thấy cái lưng hôm trước ngẩng lên :


- Cậu mới vào làm ?


- Vâng, ông Tổng Thư Ký nói tôi bắt đầu làm từ hôm nay.


Ông Thái Linh - vâng, đó là Thái Linh - đưa tôi một tập giấy in ronéo, bảo :


- Cậu đọc cái này, sửa cho gãy gọn, đặt tít rồi đưa cho tôi.


Đó là tập hợp các bản tin Văn Đô, tin toà án, tin cảnh sát, tin của ông Phúc. Những bản tin này được viết với thứ tiếng Việt của các bản báo cáo cảnh sát hoặc giọng văn của toà án, có những tiếng như y thị, đương sự ..... rất ngô nghê. Tôi ngồi xuống một cái bàn trống gần đó, vừa đọc chưa hết một trang thì một vị khác đặt một tập giấy dầy ngang bàn và xoay qua hỏi ông Thái Linh :


- Ai vậy ?


- Ờ, mới vào làm.


Ông chợt nhớ ra, hỏi tôi :


- Cậu tên gì ? Đây là anh Thanh Thương Hoàng. Còn tôi là Thái Linh, ông kia là Vân Sơn .....


Ông vừa nói vừa chỉ. Chả ai thèm ngẩng đầu lên nhìn tôi. Thanh Thương Hoàng vỗ vai tôi :


- Đây là bàn tôi. Cậu ngồi sang cái bàn kia đi.


Phải ít lâu sau tôi mới hiểu cái áp lực của thời gian. Từ mờ sáng cho đến khoảng 10 giờ, mọi người trong toà soạn bận tíu tít, làm việc không ngừng để báo kịp lên khuôn. Không ai có thì giờ để hàn huyên, đấu láo. Căn phòng tù hãm, dầy đặc khói thuốc đó chứa hơn cả chục nhân mạng đôi khi yên lặng như tờ, chỉ nghe tiếng quạt máy chạy vù vù.


Không khí toà soạn chỉ thực sự ồn ào như cái chợ vào khoảng sau 9 giờ sáng. Các ông phóng viên, các ông viết bài trang trong, các ông thân hữu ..... lúc đó mới có mặt và ông nào cũng to mồm lớn tiếng cả. Trong cái ồn ào đó, ông Thái Linh vẫn lẳng lặng, đọc, viết ..... hí hoáy một cách hết sức tỉnh bơ. Chỉ mãi sau này tôi mới có được thói quen viết ở chỗ đông đúc và ồn ào nhưng lúc đầu thì quả là khổ sở. Do nhu cầu của phát hành, báo in vào cỡ 12 giờ trưa nên toà soạn làm việc hai tầm. Sáng, từ sớm đến khi lên khuôn và chiều, từ khoảng bốn giờ đến bảy tám giờ. Công việc buổi chiều là sửa soạn bài nằm cho các trang trong. Cái khoảng trống ở giữa, từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều là khoảng thời gian tôi học được nhiều nhất về nghề nghiệp.


Tôi vào làng báo với mong muốn trở thành phóng viên nhưng hơn một năm đầu, tôi phải ở toà soạn làm đủ thứ việc, từ sửa tin xe cán chó đến đọc và dịch tin của các hãng thông tấn. Người làm tôi ngạc nhiên nhất về nhiều phương diện vẫn là Thái Linh. Trước hết là cái đa dạng trong nghề nghiệp, cho tới hôm nay tôi chỉ không rõ ông có làm thơ bao giờ không, ngoài ra ông có thể cáng đáng mọi công việc của một nhật báo.


Tôi đã thấy ông sửa tin từ thành đến tỉnh, viết lại tin của mấy vị phóng viên dấm dớ, phụ trách tin quốc nội rồi có lúc lo tin quốc tế. Trong một vài vụ xử án lớn, ông Thái Lân còn nhờ ông đi làm phóng viên toà án. Ông đi phỏng vấn và phụ trách viết lại một số các cuộc phỏng vấn tập thể : năm bảy ký giả cuả toà soạn cùng có mặt và đặt câu hỏi với một nhân vật đặc biệt nào đó. Một dạo ông còn chuyên trị trang Mai Bê Bi dành cho trẻ em. Có lúc ông lo trang phụ nữ bếp núc, đọc bài của độc giả gửi tới, chọn truyện phiếm .....


Có thể nhìn những thay đổi công việc của ông trong toà soạn từ 2 khía cạnh. Hoặc là ông bị đì, bị hành. Hoặc là ông đa dạng, hễ cần và thiếu người thì ông làm. Tôi là nhân viên nhỏ tuổi nhất của toà soạn và tôi luôn luôn kính phục khả năng nghề nghiệp của ông. Có một lần ông hỏi tôi đọc Sagan chưa, tôi ấp úng trả lời có xem phim thì ông cười, đưa tôi một tập bản thảo. “ Tôi vừa dịch xong, cậu đọc đi ”. Đó là bản dịch cuốn Un peu de soleil dans l’eau froide. Đến lúc đó tôi mới biết ông còn có bút hiệu là Kiều Diễm Hồng.


Đối với tôi, Bé Ngôn Bé Luận của tờ Ngôn Luận trước đó hơi trẻ con nhưng mục này được hoan nghênh và yêu mến vì tính cách giáo dục nghiêm chỉnh. Một trong các trụ cột của Bé Ngôn Bé Luận là ông Linh dưới cái tên Kiều Diễm Hồng với những bài viết dễ thương. Khó mà hình dung nổi ông Linh to béo đeo kính cận là Kiều Diễm Hồng. Khi ông Từ Chung nhận lời hợp tác với bác sĩ Đặng Văn Sung để xuất bản tờ Chính Luận, danh sách trụ cột gồm 4 người : Từ Chung, Thái Lân, Thái Linh, Phan Nghị. Anh Phan Nghị sau chuyến đi Tây về tách ra làm báo riêng, hình như anh có được phía bên kia tiếp xúc, có thể vì vậy cuộc đời của anh đã rẽ sang một ngả khác.


Ông Từ Chung bị ám sát ngay sau khi Chính Luận ra đời ít lâu nên tôi không rõ cung cách đối xử giữa 2 người ra sao. Với Thái Lân, không bao giờ ông ra mặt bênh vực nhưng luôn bảo vệ ông Thái Linh một cách kín đáo. Bản tính ông Lân như vậy, không muốn trực tiếp can dự và đương đầu nhưng tôi đã nhận ra cái “ tình đồng chí, đồng đội ” giữa 2 ông. Tôi không nghĩ bác sĩ Đặng Văn Sung và cả ban quản trị báo Chính Luận cố tình đì ông Thái Linh nhưng phải thành thật nói là ông không được lòng nhiều người. Ông có nhiều cái chướng và khi tin mình đúng, ông rất dai dẳng đòi người khác chấp nhận cái nhìn của ông. Một thí dụ khá khôi hài : Khi bắt đầu học đánh mạt chược, ông lý luận đánh khung là một sự mạo hiểm, vậy có hoa lá hay không thì không ảnh hưởng gì đến sự mạo hiểm đó. Có ba khung xanh cứ việc phang dù có hoa hay không.


Trong số bằng hữu của Thái Linh có ông Cầm, một tay tử vi bói dịch cừ khôi. Ông Linh không tin bói dịch và thách ông Cầm quan sát đời sống của ông từ dáng đi, tướng người cùng những sự kiện chung quanh để lập một lá số tử vi. Có lần ông Cầm bấm quẻ nói nhà ông Linh sẽ có hoả hoạn, thế nào cũng để lại dấu tích. Ông Linh hạ lệnh cấm nấu nướng trong nhà, đi ăn tiệm. Mọi sự yên lành cho đến khoảng 9 giờ tối, mọi người đang xem truyền hình thì cái survolteur nổ xịt lửa làm nám đen một khoảng tường, ông Linh bảo như vậy không phải là hoả hoạn. Thái Linh không có nhiều bạn thân. Trong nghề báo, tôi chỉ thấy có Thanh Thương Hoàng, Hoàng Liên và Ngọc Dũng đi lại thường xuyên với ông. Người như Thái Linh thì bằng hữu phải đặc biệt : Vị Ý.


Hoạ sĩ Vị Ý cũng là người với nhiều huyền thoại xung quanh, một người không muốn giống ai và luôn luôn muốn thử cái mới, cái lạ. Tranh của Vị Ý đứng hẳn một góc trong hội họa Việt Nam. Ông thấy anh em ngồi xoa mạt chược bèn xin học. Sau khi biết qui luật, ông bảo đây là trò chơi của Tàu, không hay. Ông loay hoay nghĩ ngợi, đẽo gọt một lô quân bài để chế ra Mạt Chược Việt Nam, rất tiếc không ai hưởng ứng. Có một dạo Vị Ý trình bày tờ Sóng Thần với những cái tít lệch lạc xiên xẹo và thí nghiệm này cũng không được hoan nghênh. 


Cái tiểu vũ trụ của Thái Linh là như vậy, lúc nào cũng loay hoay với cuộc đời.

Chúng tôi 6 người gồm Thái Linh, Ngọc Dũng, Lê Thiệp, Đậu Phi Lục, Tô Ngọc và Nguyễn Trọng Nguyên của UPI cùng mua một miếng đất để xây một chung cư nhỏ. Bạn tôi, Nguyễn Tất Tống học kiến trúc, vẽ cho một họa đồ rất đẹp. Tất cả mọi người đồng ý trừ Thái Linh. Ông bảo như vậy Tây quá, không được. Bếp ngay giữa nhà, khói đi đâu ? Cầu tiêu để như vậy không được .....


Cuối cùng cái chung cư xây theo kiểu do ông nghĩ ra. Kết quả xây dở dang thiếu tiền nên một loạt nhà thiếu ống cống, thiếu cửa, mái đúc sai tiêu chuẩn võng xuống ..... Chỉ có 2 người sống ở đó là Thái Linh và Tô Ngọc, 4 căn kia bỏ hoang. Sau này thỉnh thoảng tôi và Ngọc Dũng vẫn cứ ngạc nhiên tại sao cả đám 6 người lại nhượng bộ Thái Linh ? Tôi cho rằng ông cương quyết và ương ngạnh hơn chúng tôi.


Cuối tháng Tư 1975, gia đình ông là gia đình Chính Luận đầu tiên rời khỏi Việt Nam qua sự bảo lãnh của người thân. Ông chào mọi người và khi ra đến cửa, ghé tai tôi nói “ sauve qui peut ”, thoát được ai thì thoát. Tôi không rõ tại sao ông lại nói với tôi câu đó bằng tiếng Tây. Phải chăng cái linh tính nhà báo cho thấy khó mà có chuyện cả toà soạn Chính Luận sẽ được bốc đi cùng một lúc như một số anh em khác tin tưởng, hoặc là ông thấy tình thế sẽ vô cùng nhiễu nhương, không ai có thể lo cho ai được, mạnh ai nấy chạy là giải pháp đúng nhất ? Tôi không gặp lại ông Linh cho đến 1979. Vượt biên, tôi định cư ở Connecticut và vừa êm cửa êm nhà, tôi xuống DC thăm ông. Lúc đó ông đã khác với cái ông Linh tôi nhìn thấy lần đầu từ phía sau.


Ông bị tai nạn, bán thân tê liệt. Tôi đến, ông đang ngồi xích đu ở trước hiên nhà.

Tôi cười hỏi ông : “ Ai đây ? ”. Ông cười : “ Lê Thiệp. Cậu tưởng tôi lẫn rồi à ? ”.

Suốt gần hai mươi năm sau đó, ông vẫn tỉnh táo, không hẳn trăm phần trăm nhưng không bao giờ mê sảng. Khi Pháp tổ chức giải Túc Cầu Thế Giới, ông đã coi hết mọi trận và tiên đoán Ba Tây sẽ thua Pháp. Tôi không hề ngạc nhiên về lời tiên đoán của ông vì có một dạo ông là ký giả thể thao viết tường thuật bóng tròn sắc nét.


Cái đáng ngạc nhiên là cú điện thoại của chị Linh. “ Anh mất rồi, Thiệp ơi ! ”. Theo lời chị Linh, “ anh đi bình yên ” sau khi ương ngạnh chống trả với cuộc đời hai mươi năm bệnh hoạn. Tôi có việc phải đi xa, chị Thái Linh dành cho tôi một biệt đãi là để tôi viếng anh trước tiên vào buổi chiều Thứ Sáu, vì đến hôm sau mới là giờ viếng chính thức. Khi tôi tới, chị Linh ngồi cạnh chồng. Thái Linh nằm đó yên bình và tôi chợt thấy đây là lần đầu tiên tôi nhìn anh trực diện trong cái dáng dấp của một yên nghỉ. Một cái gì đó trong tôi chợt mất đi và tôi hiểu đó là một phần đời, cái quãng đời của những ngày mới lớn, mới lơn tơn đi vào làng báo với tấm lòng trong trắng, cái quãng đời đó có ông Thái Linh chứng kiến, dìu dắt. Ông đi và một phần nào đó của tôi cũng sẽ theo ông đi vào dĩ vãng.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét