Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014
Câu chuyện ly kỳ về quả vải và các món ăn Âu
( Trí Thức Trẻ )
Quả vải được tin rằng đã xuất hiện ở khu vực Châu Á từ thời cổ đại, dưới hình thức một loại thực vật mọc hoang trước khi được trồng trọt như sản phẩm nông nghiệp.
Du nhập vào phương Tây
Khi thực dân Anh xâm chiếm Ấn Độ, quả vải đã theo chân các thương gia tới xứ sở sương mù. Khoảng cuối thế kỉ 18 - đầu thế kỉ 19, vải đã được trồng rộng rãi tại Anh và Pháp bằng phương pháp lồng kính để khắc phục tình trạng không phù hợp với khí hậu ôn đới của giống cây này. Sự xuất hiện của vải tại Pháp cũng có một giả thuyết khác là truyền từ vùng Đông Dương sang khi Pháp đang cai quản Đông Dương lúc đó.
Ở châu Mĩ, quả vải cũng có tốc độ “ lan truyền ” tương tự : Vải đến với Hawaii vào năm 1873, Florida vào năm 1883, và đã được chuyển tải từ Florida đến California vào năm 1897. Hầu hết vải tại phương Tây đều được trồng trong lồng kính do không hợp khí hậu, nhưng không vì thế mà sản lượng giảm sút. Florida là nơi trồng vải thành công tại Mĩ với những rừng cây có kích cỡ khổng lồ. Một điều thú vị khác về quá trình du nhập của vải ở phương Tây là cái tên Tiếng Anh của vải thiều - “ brewster lychee ” - được đặt tên theo cố Mục sư William Brewster. Ông là nhà truyền giáo đã đến Trung Quốc vào cuối thế kỷ 19 và có công giới thiệu loại quả nhiệt đới này vào nước Mĩ, và đặc biệt là Nam Florida.
Quả vải tại Âu Mĩ được ưa chuộng bởi vị ngọt mát rất độc đáo đặc trưng cho phong cách miền nhiệt đới, nhưng không vì thế mà các công thức chế biến từ vải tại đây lại y như ở Châu Á. Người phương Tây có thể ăn vải như trái cây tráng miệng, nhưng không nhiều, họ chủ yếu là biến nó thành nguyên liệu pha đồ uống hoặc làm bánh, thậm chí là chế biến món mặn – tạo ra sự kết hợp Á – Âu hài hòa và thú vị.
Một số món Âu từ vải
Dù đã có thể trồng vải tại tại đất phương Tây, nhưng sản lượng vải tươi ở các nước Âu – Mĩ vẫn không là bao so với tại Châu Á. Do đó, cũng như đa phần các loại trái cây Á Đông khác, vải thường được bày bán trong siêu thị nước ngoài dưới dạng đóng hộp. Vải ngâm vì thế trở thành một nguyên liệu ưa thích cho việc biến tấu các món mặn, ngọt quen nhàm trong ẩm thực truyền thống phương Tây.
Công thức Martini quen thuộc sẽ độc đáo và thú vị hơn nhiều chỉ với 1 vài miếng vải ngâm, đây cũng là loại đồ uống lý tưởng cho mùa hè. Thực chất, nếu có điều kiện, vải tươi vẫn được ưa sử dụng hơn vì hương vị thanh mát tự nhiên kết hợp rất tốt với martini, và tùy sở thích của mỗi người, người ta có thể thay martini bằng vodka. Quả vải, gừng, cốt chanh hoặc cam cùng một lượng nhỏ rượu được cho vào bình shake và lắc đều, chưa đầy 10 phút chuẩn bị là có ngay một ly nước giải khát ngon lành đúng chuẩn mùa hè.
Cũng dễ dàng như cocktail vải, sorbet trái vải là món tráng miệng dễ làm và khá phổ biến tại các nước phương Tây vào những ngày hè nóng nực. Khác với kem có độ béo và nhuyễn mịn, sorbet được xem như một biến thể của đá bào và thường gắn liền với các nguyên liệu trái cây. Dùng vải chế biến sorbet càng làm tăng cường tính chất ngọt mát, sảng khoái đặc trưng của loại quả này. Công thức sorbet vải cũng thường mang đầy màu sắc từ hình thức đến hương vị do sự kết hợp giữa nguyên liệu chính với các loại của nhiệt đời khác như dừa, cam, chanh, .....
Dòng bánh pie, tart nói riêng và các loại bánh vỏ giòn pastry nói chung cũng có thể đi kèm vải để tạo ra món tráng miệng mới lạ mà không quá cầu kì, tốn nhiều công sức. Vải ngâm có vị ngọt đậm thường được sử dụng trong trường hợp này. Sự tương phản với vỏ ngoài giòn rụm, hoặc xôm xốp với kết cấu mềm mịn của trái vải bên trong chính là điểm hấp dẫn của công thức biến tấu trên.
Không chỉ xuất hiện trong các món ngọt, vải còn được người phương Tây sử dụng để chế biến món mặn với nhiều hướng sáng tạo khác nhau.
Phổ biến nhất vẫn là phương thức thịt hầm trái vải, thường đi kèm các phụ gia như hạt điều, quế, hồi, ..... hòa quyện vị ngọt của thịt với độ ngọt mọng nước quả vải. Vải cũng được lựa chọn để cho vào nhân nhồi trong các món gà, hoặc xào với rau củ, thậm chí là trộn salad.
Những xe tải chở hàng tấn vải đỏ au và chín mọng đã trở thành hình ảnh quá đỗi quen thuộc với cư dân Châu Á nói chung và người Việt nói riêng. Thế nhưng, vươn ra khỏi khuôn khổ đất mẹ, quả vải đã có một cuộc hành trình thăng trầm và dài lâu, để cuối cùng xâm nhập vào văn hóa ẩm thực phương Tây. Hòa trộn giữa nguyên liệu Á đông với kĩ thuật nấu nướng truyền thống, đặc trưng của phương Tây, các món Âu từ trái vải là một góc độ thú vị của văn hóa ẩm thực, hé lộ xu hướng xóa nhòa ranh giới Đông – Tây của ẩm thực toàn cầu.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét