Trang

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2016




Niềm mơ ước cho Nam Định .


( soi.today )


Đây là thành phố mà tuổi thơ của mình có nhiều kỷ niệm vì ông bà ngoại đều là gốc và sống ở đó nên hàng năm đều được về thăm ông bà và các bác ít nhất một lần rất dài mỗi dịp hè. Lúc đó bé nhưng vẫn rất nhớ một thành phố êm đềm và đẹp đẽ, chẳng khác Hà Nội là mấy.


Con phố Trần Hưng Đạo ngày đó có lẽ là con phố đẹp nhất, có nhà thờ đối diện với ngân hàng kiến trúc Pháp, có rạp chiếu bóng Văn Hoa, ngã tư trung tâm phố có cửa hàng bán hoa giống như ở phố Hàng Khay Hà Nội ngày xưa. Lại có nhà thờ lớn ven hồ. Và đặc biệt là những con phố mang dáng dấp của nhiều loại kiến trúc. Pháp có, Tàu có, cũng không khác lắm so với kiểu 36 phố phường Hà Nội. Có chăng là nhỏ hơn. Và cái tính cách con người cũng có khác hơn — nhẹ nhàng hơn, tình hơn, ít va chạm, mang cái “ sĩ ” và cái cốt cách của sĩ phu Bắc Hà.






Phố ở Nam Định. 



Mình không muốn Nam Định giữ mãi cái biểu tượng èo uột, dù chỉ là một phần, là cái nhà máy dệt mà theo mình là biểu hiện của cái nghèo, của nền kinh tế kế hoạch hóa ngày xưa áp đặt lên thành phố chứ chẳng dựa trên bất cứ một lợi thế cạnh tranh nào của mảnh đất đó. Người trẻ bỏ đi hết rồi vì cuộc sống nơi đó không có gì cho họ. Một tiếng còi tan ca gợi nhớ ngày xưa có chăng chỉ làm ngột ngạt thêm hình ảnh của một thành phố không có nhiều sức sống.





Nhà máy dệt Nam Định. 



Cái mình mong giữ lại là cái hồn cốt của Nam Định, được tạo bởi những con phố thấp nhỏ kiểu xưa, giống như một Hà Nội thời rất xa. Có lẽ cả miền Bắc chỉ còn Nam Định vẫn còn nét đẹp đó mà chưa bị đô thị hóa tước bỏ đi nhiều. Chẳng ở đâu có được những con phố vắng nối đan xen, san sát những mái ngói nhấp nhô đa sắc. Mình ước là người ta sẽ làm được với Nam Định điều mà Hội An làm được dù chỉ là với 40 con phố cổ của thành phố. Thành phố phải chuyển mình, nhưng xin giữ lại những con phố cổ nhỏ như nguyên hình của nó để duy trì được tinh thần của một đô thị Pháp thuộc nhỏ thời kỳ đầu thế kỷ 20.


Thay vì tiêm hóc môn cho nó lớn một cách duy ý chí, tại sao không giữ lại nó như một viên ngọc nhỏ, a little gem town, để chỉ sau 1 tiếng đồng hồ từ Hà Nội, du khách và con cháu thành Nam nhiều thập kỷ sau sẽ có cơ hội được trải nghiệm tinh thần và cảnh quan của một đô thị nhỏ thời Pháp thuộc, để làm chỗ transit tới Hải Hậu, Lý Nhân ..... vốn cũng nhiều điều thú vị và làm chỗ ghé chân trên đường về từ Tràng An, Ninh Bình. Cả thành phố là một phim trường sống động, với bao thú vị về tôn giáo, văn hóa, lịch sự và cốt cách con người.


Thành Nam ơi, xin đừng “ lớn ” ! Mà hãy mãi đẹp như ký ức của mình.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét