Trang

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016




1 bài viết khơi gợi lại lịch sử của người Việt tị nạn trước đây rất hay và thú vị . Có thể nói ngoài chiến tranh ra thì  KINH  TẾ  cũng là lý do chính đáng để cho người Việt Nam trước đây phải đi tị nạn , nhưng như thế thì sẽ chẳng có nước nào mà chứa cho nổi ( cho dù là nước giàu nhất thế giới ) , cho nên không chỉ ở Hong Kong mà bất cứ nơi nào nhận người Việt tị nạn trước đây cũng đều phải từ chối . Vì thế  KINH  TẾ  vẫn là vấn đề chủ yếu chứ không phải là để được quyền này quyền kia mà người ta đi tị nạn , nếu có quyền này quyền kia mà đất nước vẫn  NGHÈO  thì người ta vẫn đi " tị nạn " ở  NƯỚC  GIÀU  mà thôi. Đến lúc đó đừng quá trông mong vào các  NƯỚC  GIÀU  vì không có ai lại đi nhận 1 số lượng người vô hạn ở các nước nghèo mãi được , và rồi người ta cũng sẽ lấy lý do này lý do kia để mà từ chối thôi . Kết cục :  NƯỚC  NGHÈO  vẫn cứ là   NƯỚC  NGHÈO  và vẫn sẽ bị người ta lừa bịp cho ăn cái bánh vẽ mãi mà thôi  !!



Người Việt tị nạn tại Hương Cảng .


( Tiêu )



“ Bắt đầu từ nay ”

“ Pất lầu tùng lai ” là cách phát âm cụm từ 不漏洞拉  ( HV : bất lậu động lạp ) trong tiếng Quảng Đông của người Hương Cảng. Bổn thân cụm từ nầy không có nghĩa mà nó chỉ là cách phát âm theo giọng địa phương của người Hương Cảng cụm từ “ Bắt-đầu-từ-nay ” trong tiếng Việt. Cụm từ nầy đã trở nên rất phổ biến và rất nổi tiếng. Những sự việc liên quan tới cụm từ nầy đã gây ra một số ảnh hưởng cực kì nghiêm trọng tới xã hội Hương Cảng lúc bấy giờ.

Thời kì sau 1975, Việt Nam gần như đóng cửa với truyền thông bên ngoài ( cớ như Bắc Hàn bây giờ ) , những thông tin liên quan tới Việt Nam rất được thế giới quan tâm. Một số đồng bào “ tị nạn ” người Việt đã có những hành vi, hành động không khác gì “ bôi lọ ” dân tộc. Trong những trại tị nạn, dầu không đói khát nhưng họ sẵn sàng chém giết nhau chỉ vì một miếng ăn, một lời nói hay đơn giản là vì họ mạnh hơn ......

Rồi một ngày nào đó, tại một nước nào đó, những người “ tị nạn ” ngày đó sẽ kể cho con em họ nghe về ngày xưa họ chịu bao nhiêu là nguy với hiểm, đói với khát, khổ với sở như thế nào ..... nhưng họ có kể cho con em họ nghe là ngày xưa họ mài thanh sắt để chém đồng bào của mình, vạt ống nước để đâm đồng bào của mình ..... ra làm sao không ?

Trong tình cảnh kiểm soát ngặt nghèo ở những trại tị nạn Hương Cảng thì người Việt “ tị nạn ” vẫn “ chế ” ra được những thứ võ khí như vầy để giết nhau với những đồng bào cùng cảnh ngộ với mình. Nhìn người Nhựt xếp hàng ngay ngắn nhận thức ăn, nước uống hồi bị động đất với sóng thần rồi nghĩ tới mấy người Việt “ tị nạn ” nước mình ở Hương Cảng sao mà oải quá !

***


Không phải tự nhiên mà mấy tay nhà báo “ vui tánh ” phương Tây thường kêu nước mình là đất nước của những người “ khoái bỏ phiếu bằng chưn ” . Nghe xúi giục về thần thánh gì gì đó là bỏ quê hương đi theo. Bất đồng chánh kiến, không khoái, không ưa gì đó cũng bỏ đi. Đất nước nghèo khổ quá cũng bỏ đi. Thậm chí không biết gì hết thấy người ta kéo nhau đi cũng chen lấn đi theo chớ cũng chưa biết là đi đâu nữa ..... Thôi thì đủ thứ lý do trên trời dưới đất mà người nào cũng tự cho là “ tị nạn ” hết .

Sau ngày thống nhứt đất nước, hơn một triệu người Việt đã “ xuất cư bất hiệp pháp ” . Một con số khổng lồ ( con số thực tế còn có thể cao hơn nữa vì khi đi có ai khai báo gì đâu ) , thật sự là dân tộc bị chảy máu. Những người nầy thường ra đi trên những con tàu không an toàn và chịu nhiều nguy hiểm. Truyền thông Tây phương gọi họ là “ Boat people ” và được người Việt mình dịch lại thành “ Thuyền nhơn ”. Cũng cần nói thêm là ngoài những “ Thuyền nhơn ” ra thì còn một số người xuất cư theo đường bộ qua ngã Lào và Miên để tới Thái nữa, có lẽ do băng rừng vượt núi nên ít khi thấy truyền thông Tây phương đề cập.

Một số vùng có đông người vượt biên đã được Liên Hiệp Quốc hoặc nước sở tại lập trại tị nạn để cho tạm trú trong thời gian chờ định cư tại nước thứ ba. Các nước và vùng lãnh thổ tiếp nhận “ thuyền nhơn ” Việt là Hương Cảng, Thái, Nam Dương, Mã Lai, Phi Luật Tân.

Phần Hương Cảng thì có tất cả là 10 trại, mở không đồng loạt và tất cả đã đóng cửa từ năm 2000. Sau đây mình chỉ nói về người Việt tị nạn ở các trại Hương Cảng thôi nghen. Tiêu xin viết lại theo dạng tường thuật sơ lược kèm hình ảnh. Tất cả các hình ảnh nầy Tiêu chôm từ trên mạng lưới Tây có, Tàu có, Việt có, hằm pà lằng. 

Ngày 4.5.1975 con tàu Đơn Mạch tên là Clara Maersk chở theo 3.473 người Việt ( tài liệu khác nói 3.628 , trong đó có nhiều người là những “ chú Thoòng ” ở Chợ Lớn ) cập bến Hương Cảng, Chánh phủ Hương Cảng coi họ là những người “ nhập cư bất hiệp pháp ” nhưng chấp nhận cho họ “ tạm trú ” . Đây là đánh dấu cho sự khởi đầu của làn sóng người Việt di cư tị nạn tới Hương Cảng.

Việc tiếp nhận và giúp đỡ những người Việt nhập cư là việc Hương Cảng nên làm và phải làm. Chánh quyền và người dân Hương Cảng không biết được rằng từ lúc con tàu Đơn Mạch đổ bộ lên Cảng thì cũng là lúc Hương Cảng đang tự thắt một cái dây để buộc mình.

Làn sóng tị nạn chưa có dấu hiệu dừng lại mà cứ mỗi lúc một nhiều hơn. Giờ giá tàu vượt biên đã có phần “ hạ nhiệt ” nên những người ít tiền hơn những đợt trước cũng có thể đi được. Việc người tị nạn Việt Nam ra nước ngoài đã quá “ nhàm ” nên không còn gây nhiều chú ý với dư luận thế giới nữa.


***

Trước ngày 16.6.1988 thì bất cứ người Việt “ vượt biên ” ( nhập cư bất hiệp pháp ) nào tới Hương Cảng cũng đều được tự động coi là “ người tị nạn ” và hưởng những chánh sách liên quan rồi sau đó được sắp xếp cho “ định cư ở nước thứ ba ”. Tình hình hết sức tồi tệ, chánh quyền Hương Cảng lúc đó lâm cảnh “ Tứ diện Sở ca ” : người dân thì vô cùng bất bình khi hòn đảo bé nhỏ phải liên tục tiếp nhận người “ tị nạn ”, người “ tị nạn ” thì kêu gào, đòi hỏi đủ thứ, dư luận thế giới thì chỉ trách liên hồi, đưa mắt săm soi nhứt cử nhứt động ..... Quá oải, tình thế ép buộc họ phải tự cứu mình, cho nên : Từ sau ngày kể trên thì những người “ nhập cư bất hiệp pháp ” tới Hương Cảng phải được phỏng vấn và sàng lọc trước khi được công nhận là người tị nạn. Những người không được công nhận là tị nạn sẽ bị “ trả ” về Việt Nam.

Để thông báo chánh sách mới nầy, Chánh quyền Hương Cảng dùng đài truyền thanh quốc gia Hương Cảng ( RTHK ) để thông báo tới các người Việt nhập cư vô Hương Cảng biết là nếu họ nhập cư vì lí do kinh tế thì sẽ không được tiếp nhận, trước hay sau gì thì cũng sẽ bị trả về Việt Nam, vậy nếu ai thuộc diện như vậy thì nên cân nhắc kĩ và đừng tới Hương Cảng chi cho mất công.

Thông báo trên được phát thanh nhiều lần mỗi ngày. Tuy người dân Cảng không hiểu tiếng Việt, nhưng vì nghe thông cáo nầy lải nhải suốt nên họ thuộc nằm lòng cụm từ “ Bắt đầu từ nay ” và họ đã phát âm lại cụm từ đó theo âm bổn ngữ thành “ Pất lầu tùng lai ”.

Người dân Hương Cảng sử dụng cụm từ nầy không có gì là ác ý, họ hiểu ý nghĩa đại khái như : “ các bạn chú ý ”, “ chào các bạn ”, hoặc theo kiểu nghiêm túc thì còn được dịch là “ chào các đồng chí ” ..... chớ không hề biết nghĩa thiệt sự của cụm từ. Càng về sau, người dân Hương Cảng càng có ấn tượng không tốt về những người Việt nhập cư và người ta bắt đầu dùng cụm từ “ Pất lầu tùng lai ” để chỉ “ người Việt tị nạn ” kèm theo những cái lắc đầu và lè lưỡi.

Người dân Hương Cảng sau hơn chục năm “ lấy lúa ra đãi gà rừng ” lại còn bị Liên Hiệp Quốc “ quỵt tiền ” nên ức chế dồn dập. Mà những vị khách không mời người Việt có hiền lành gì cho cam, từ khi tới Cảng, người Việt tị nạn tại đây đã lập hàng loạt những kỉ lục mà không ai có thể hãnh diện nổi. Xã hội Hương Cảng chưa từng chứng kiến “ loạn lạc ” nào như vậy trước khi người Việt tới nhập cư. Sự việc rồi cũng kết thúc nhưng nỗi ám ảnh kinh hoàng mang tên “ Pất lầu tùng lai ” chắn chắn sẽ còn hằn sâu trong ký ức của người dân Hương Cảng.

Trong trại, cuộc sống khó khăn nhưng không tới nổi không thể sống được. Trong trại tụ tập rất nhiều thanh niên, cuộc sống buồn tẻ và tù túng. “ Nhàn cư vi bất thiện ”, những nỗi kinh hoàng cũng từ đây mà ra. Trong trại thì quyền lực thuộc về những “ Đầu gấu ” mang chức “ Trưởng trại ” do người tị nạn “ bầu ” lên. Việc bầu cử ở đây cũng giống như bầu “ Đại bàng ”, “ Tù trưởng ” ở các trại giam vậy, tất cả đều bằng võ lực. Quyền lực và quyền lợi đi đôi với nhau nên những tranh chấp là không thể tránh khỏi. Trong trại không có “ Đại ca xã hội đen Hương Cảng ” nào mà chỉ toàn là người Việt với nhau.

Trong các trại thì chuyện phe HP đánh phe QN, phe ĐN đánh phe TT-H, phe Huê kiều đánh phe người Việt  ..... loạn đả gây chết người là chuyện cơm bữa. Thường nhà chức trách chỉ âm thầm vào dọn dẹp, bắt người và âm thầm xét xử để tránh tai tiếng. Trong trại có một quyền mà phải tranh nhau đẫm máu mới có được, đó là nấu rượu. Một phần cơm của người tị nạn phải nộp lại cho các Đầu gấu của trại để chế biến rượu phục vụ Đầu gấu và các tay chưn.

Ở trại tị nạn, những phe đối nghịch nhau thường tự sắp xếp điều động “ dân ” mình về sống ở khu vực mình quản lí. Mỗi phe sẽ tự trang bị võ khí cho mình để luôn sẵn sàng khi có lịnh. Võ khí là các thanh sắt mài bén, tuýp sắt mài nhọn ..... gỡ ra từ các thanh giường, nhà và sử dụng tất cả những vật nào có thể gây tổn thương cho nhau. Có điều không thể hiểu nổi là cả dao và kiếm bằng cách nào đó cũng đã vào được trong trại. 

Ngày 3.2.1992 , trùng vào thời điểm giao thừa lúc 11 giờ tối, trại Thạch Cương đã xảy ra cuộc đụng độ đẫm máu giữa hai phe miền Nam và miền Bắc. Nguyên nhơn thì có nhiều và có một lí do đáng chú ý là sự khác biệt về ý thức hệ, hai bên đã nhục mạ lãnh tụ đất nước của nhau dẫn đến việc hai bên “ nói chuyện ” với nhau bằng giáo, mác, dao, kiếm, bom xăng .....

Cảnh sát Hương Cảng đã không có sự can thiệp cần thiết và mãi tới sáng hôm sau, với lực lượng áp đảo thì cảnh sát mới có thể vào bên trong trại và kiểm soát được tình hình. Từ 11 giờ tối tới 6 giờ sáng là cuộc sát phạt đẫm máu giữa những người Việt với người Việt. Kết quả là phe miền Bắc đã đánh bại phe miền Nam và tiến hành san thành bình địa, đốt trụi khu nhà miền Nam.

Theo nhiều tài liệu cho biết, hai bên đã chuẩn bị rất kĩ lưỡng cho cuộc đụng độ lần nầy. Đó là sự tính toán chớ không phải là mâu thuẫn bộc phát. Hậu quả khủng khiếp là 130 người bị thương, 24 người thiệt mạng. Đây chính là xung đột đẫm máu nhứt trong lịch sử hình sự Hương Cảng từ trước tới nay. Sự việc gây chấn động mạnh tới thế giới. Một câu hỏi được đặt ra là nếu như trong trại có lọt vô một khẩu súng thì sẽ ra sao, câu hỏi đó có lẽ nhiều người không dám nghĩ tới câu trả lời.

Một kỉ lục nữa được xác lập cho tư pháp Hương Cảng về số lượng bị cáo. 170 người bị xét xử trong đó có 18 người bị kết tội “ giết người ” và một số bị cáo vẫn còn bị giam giữ trong các nhà tù Hương Cảng cho tới ngày nay.

Trại Thạch Cương sau đó đã bị phá hủy, người tị nạn bị di dời qua các trại khác ở vùng xa xôi chỗ giáp với Huê lục hay đảo xa. Sau vụ này, nhà chức trách Hương Cảng đã để tâm và phân chia không cho người tị nạn hai miền Nam, Bắc sống chung trại với nhau nữa.








Hình 1 : Ngày 7.1.1994 hơn một ngàn cảnh sát và đặc nhiệm đã được đưa tới hỗ trợ di dời 1.500 người tị nạn trước sự kháng cự mạnh mẽ của họ.

Hình 2 : Tháng 4 năm 1995 cảnh sát lại được huy động để dẹp loạn ở trại Bạch Thạch ( Whitehead ). Trong một ngày cảnh sát đã thu giữ 3.250 đơn vị võ khí, trong đó có cả lựu đạn tự chế. Số lượng võ khí nầy đã xác lập một kỉ lục nữa đối với lịch sử Tư pháp Hương Cảng.

Hình 3 : Tinh Đảo nhựt báo ngày 11.5.1996 đưa tin : Ngày 10.5.1996 Trại Bạch Thạch bùng phát bạo lực dữ dội, lửa nổi khắp trại, võ khí là các ống nước mài bén và đá gạch. 24 nhơn viên công lực bị những người tị nạn bắt giữ làm con tin, 26 khu nhà bị đốt trụi, 53 xe công bị phá hủy và khoảng 200 người tị nạn đã bỏ trốn khỏi trại.

Hình 4 : Tháng 6.1996 người tị nạn Việt Nam đã cận chiến đẫm máu với nhau bằng ống nước vạt nhọn ở trại Vạn Nghi. Họ chống đối cảnh sát quyết liệt để cảnh sát đừng can thiệp vào cuộc chiến của họ. Không vào được bên trong trại, cảnh sát đã phải huy động lực lượng lớn và sử dụng súng để đẩy lùi họ khỏi cửa mà vào bên trong trại. Lúc đó cuộc chiến đã tàn, cảnh sát Hương Cảng đã rất vất vả để dọn dẹp chiến trường.







Hình 1; 2 : Người tị nạn Việt “ leo lên mái nhà ” ( đây là “ thương hiệu ” đặc trưng của họ ) và chống đối với lực lượng công quyền hây dọa “ tự sát ” đã trở thành hình ảnh quen thuộc với dân bổn xứ. Trong một số bộ phim Hương Cảng thời kì nầy , hình ảnh nầy cũng dễ bắt gặp.


Hình 3 : Hình ảnh này chụp trên một đường phố Hương Cảng thời giữa thập niên 90. Một số người tị nạn Việt Nam không biết bằng cách nào đã trốn thoát khỏi trại và gia nhập vào xã hội ngầm xứ Cảng. 


Hình 4 : Ngày 14.6.1999 người tị nạn Trại Vọng Hậu Thạch đã bùng phát bạo lực, người tị nạn dùng bom xăng, ống nước mài nhọn để cận chiến với nhau. Cảnh sát đã dụng hơi cay và dập tắt thành công bạo loạn. 








Hình 1 : Một số người tị nạn đã đạt được mục đích của họ.

Hình 2 : Còn một số lượng lớn người tị nạn đã bị Chánh quyền Hương Cảng cưỡng chế hồi hương .

Hình 3 : Người tị nạn leo nóc nhà phản đối cưỡng chế hồi hương, họ chỉ muốn qua Âu qua Mĩ chớ không muốn về quê hương. Cảnh này thường được đem ra làm trò cười trong mấy phim hài nhảm xứ Cảng.






Hình 1 : Người tị nạn Việt Nam quậy liên tục, Nhà nước Hương Cảng đã quá “ oải ” với người tị nạn Việt Nam. Vậy còn người dân Hương Cảng thì sao ?

Hình 2 : Quá chán nản với các trại tị nạn người Việt, những tình cảm xót thương ban đầu của dân Hương Cảng dành cho người Việt tị nạn dần không còn. Trong ảnh là nam phụ lão ấu Hương Cảng phản đối việc xây trại tị nạn cho người Việt, bên ngoài “ Thành khu nghị viện ” Cửu Long.

Hình 3 : Lúc đầu khi người Việt tị nạn mới qua, người dân Hương Cảng đã góp tiền, góp quần áo cũ, phát thức ăn ..... Nhưng những gì người Việt tị nạn ở đây đã làm khiến cho người dân bổn xứ không thể thương yêu họ nữa. Một bức ảnh nữa về việc phản đối của người dân đối với vấn đề người tị nạn Việt Nam.

Hình 4 : Người dân Hương Cảng không hiểu tại sao họ đầu tắt mặt tối kiếm tiền, nộp thuế cho nhà nước để nhà nước nuôi mấy ông nầy. Theo sở An Ninh Hương Cảng năm 1983 , tiền chi phí ăn ở cho người tị nạn Việt Nam hằng năm khoảng 270 triệu đồng ( đơn vị tiền Hương Cảng ) – 110 triệu do chánh phủ Hương Cảng đài thọ và 120 triệu do Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc và số còn lại các nước khác đóng góp.

Năm 2000, trại tị nạn cuối cùng dành cho người Việt đã đóng cửa. Rất nhiều người đã thở phào nhẹ nhõm. Lãnh thổ Hương Cảng vui mừng vì đã tháo được sợi dây mà tự mình buộc mình suốt mấy chục năm qua. Người dân Hương Cảng vui mừng vì đã “ tống cổ ” được những vị khách “ hung hăng và vô cùng bất lịch sự ” khỏi quê hương xứ sở của họ. Mặc dầu vậy, trong vụ nầy vui nhứt vẫn phải là Việt Nam, vậy là từ đây Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam không còn phải bị bạn bè quốc tế bêu riếu phản cảm vì một nhúm người “ làm rầu nồi canh ” đó nữa.

Nhà chức trách Hương Cảng đã tạo điều kiện cho một số người Việt sanh con tại Hương Cảng, cho họ nhập tịch nếu họ không muốn đi định cư ở nước thứ ba.

Trước khi cánh cổng trại tị nạn chánh thức đóng cửa, một số người tị nạn Việt Nam còn kịp bôi xấu mặt mũi dân tộc thêm một lần nữa. Trước khi đóng cửa, Chánh phủ Hương Cảng có cho họ một số tiền không nhỏ để hỗ trợ cuộc sống. Mặc dầu vậy có hơn 100 người vẫn chưa hài lòng, họ muốn Nhà chức trách Hương Cảng phải cấp thêm tiền, cấp nhà và tiếp tục “ nuôi ” họ. Còn nếu không thì họ vẫn ở lì trong trại cho Chánh phủ Hương Cảng nuôi tiếp.

Sự việc nầy khiến hai chữ Việt Nam lại lên đầy mặt báo thế giới, dân chúng Hương Cảng thì tức sôi máu. Ông Trần, Giám đốc Nha trợ cấp dân sự, nói với họ là nếu không chịu ra ngoài thì Chánh phủ không cấp thêm tiền nữa đâu. Ông nầy nói với báo chí “ Chúng tôi kêu gọi họ mau dọn đi, họ có tay chưn, họ có thể tự mưu sanh được ! ”

Sự việc tiếp theo đó như thế nào thì không rõ, không biết Chánh phủ có lén thêm tiền cho họ không mà cuối cùng 143 người cũng vui vẻ dời đi, chấm dứt luôn một chương sử không lấy gì làm hay ho cho lắm.

***

Cho tới ngày nay, ngoài hai tiếng “ Duyệt Lam ” thì người Hương Cảng vẫn gọi người Việt Nam là “ Pất lầu tùng lai ” cho thấy ấn tượng của dân Hương Cảng đối với người Việt Nam là vẫn rất sâu đậm. Giả sử trong nhà có người lạ thì sinh hoạt làm sao thoải mái được, đằng này khách tới không mời mà lại bất lịch sự, quậy liên miên thì làm sao dân Cảng chịu cho nổi ? Mười mấy năm “ lấy lúa ra đãi gà rừng ” để rồi mang bảng đi đòi nợ như ăn xin, hỏi sao dân Cảng không ức chế.

Ra nước ngoài đánh giết nhau giành miếng ăn thì có mà mang nhục với thiên hạ. Họ đánh giết nhau với những đồng bào đồng cảnh với mình rồi ăn vạ bên xứ người để được qua Âu qua Mĩ bằng mọi giá. Khỏi phải nói cũng biết những sự kiện trên làm cho hình ảnh “ nạn dân ” Việt Nam tệ như thế nào trong con mắt dư luận quốc tế.

Rồi ngày nay, nơi phương xa nào đó họ sẽ kể cho con cháu họ nghe về về những khó khăn, gian khổ, hiểm nguy như thế nào trong cuộc “ tị nạn ” ngày xưa mà trong đó họ đều là những “ nạn nhơn ”.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét