Thứ Hai, 14 tháng 11, 2016
trước đây khi coi phim " Thủy hử " thì tôi rất thích các hình tượng anh hùng hảo hán chống triều đình . Nhưng sau này khi được đọc tác phẩm " Thủy hử " và suy nghĩ lại thì tôi thấy quả thật là " Thủy hử " có vấn đề , những suy nghĩ đó cũng rất trùng hợp như trong bài viết này , đó là tác phẩm " Thủy hử " đọc rất chán cùng với việc khắc họa các nhân vật y chang như Tam Quốc Chí : Lý Quỳ và Lỗ Trí Thâm là hình tượng đất sét của Trương Phi , Ngô Dụng là tên có vài mẹo vặt chuyên chùi rửa toalet so với Gia Cát Lượng , còn Tống Giang trượng nghĩa như thế nào thì không biết, chỉ biết đó là 1 tên thọt dái ngựa ( kiêm chùi rửa XÁC CHẾT ) so với Lưu Bị .
có thể nói các " anh hùng hảo hán Lương Sơn Bạc đó " chỉ là 1 đám bất tài không được quần chúng nhân dân ủng hộ rộng rãi , bởi nếu có tài thì đã không phải quy thuận triều đình ( tức là đã nhiều lần đánh trận thua thì mới phải ĐẦU HÀNG triều đình vậy ) , còn nếu được quần chúng nhân dân ủng hộ rộng rãi thì lực lượng phải càng lúc càng lớn mạnh chứ đâu phải chỉ là 1 đám CHÍ PHÈO trốn trên núi trên rừng rồi bị triều đình đánh cho tan tác như vậy ???
ngoài ra cũng có thể xét tác phẩm " Thủy hử " theo 1 khía cạnh khác , đó là tác giả Thi Nại Am đã cố tình khắc họa 1 cách dễu cợt và méo mó các nhân vật là để châm biếm đám phường chèo lấy danh nghĩa chống triều đình để làm chuyện trộm cướp đó chăng ?? Cái khẩu hiệu " cướp của người giàu chia cho người nghèo " thực chất chẳng qua cũng chỉ là đi ăn cướp mà thôi , và có lẽ cũng chính vì những kẻ cướp được tung hê 1 cách ngang nhiên và công khai như thế cho nên chả trách sao trước đây lại có 1 lý tưởng là đi ăn cướp ruộng đất của người giàu để chia cho người nghèo dưới danh nghĩa là " Cải cách ruộng đất " vậy . Cho nên làm việc gì cũng phải nghĩ đến nhân quả sau này , nếu cứ cho " Nghèo là đúng , Giàu là sai " , " Phản loạn là đúng, Triều đình là sai " thì rồi thể nào trong tương lai cũng sẽ có cái kiểu ăn cướp trắng trợn như của Lương Sơn Bạc mà thôi .
Bình luận Thủy Hử
Phần 1 : Đỉnh cao của sự kém cỏi trong nghệ thuật xây dựng nhân vật
( duc the )
Tam Quốc diễn nghĩa, Tây Du Ký, Thủy Hử, Sử ký Tư Mã Thiên, Đông Chu liệt quốc là những tác phẩm văn học Trung Quốc được tôi đọc từ hồi còn bắt đầu học đánh vần cho đến tận bây giờ vẫn còn nghiền ngẫm. Nói chung Tam Quốc, Đông Chu, Tây Du Ký và Sử ký luôn là những tác phẩm mà tôi tâm đắc. Mặc dù Thủy Hử cũng thuộc nhóm chuyện yêu thích nhưng từ nhiều năm nay, trong tôi luôn có những băn khoăn về tiểu thuyết này, băn khoăn về việc không rõ nó có đúng như những gì mà người ta ca tụng không. Sau một thời gian, tôi đã quyết định mạnh dạn bày tỏ những suy nghĩ của mình về tiểu thuyết này và có thể bạo gan mà đưa ra một kết luận “ Thủy Hử – Đỉnh cao của sự kém cỏi trong nghệ thuật xây dựng nhân vật ” – một thất bại của Thủy Hử trong lòng tôi.
Nhân vật là trái tim của bất kỳ tiểu thuyết nào, dù là võ hiệp, tình ái, lịch sử ..... Kể cả đến film sex, chỉ cần 2 nhân vật với những hành động lặp đi lặp lại vẫn cần có nhân vật. Và việc trang điểm cho các nhân vật đó luôn cần được quan tâm – văn học gọi là nghệ thuật xây dựng nhân vật. Tác phẩm có thành công hay không có tới 70% là nhờ vào việc xây dựng thành công những hình tượng nhân vật. Ta có thể ví dụ những cách thức xây dựng nhân vật dù rất đơn giản mà cực kỳ đắt giá, như Tư Mã Thiên khi miêu tả Hạng Vũ kiêu hùng, nhất định bên cạnh sẽ có một Bái Công Lưu Bang vô lại mà lại biết lấy lòng người. Một Hạng Vũ anh dũng đánh trăm trận trăm thắng, sức khỏe vô song, tàn sát đến mức “ chư hầu sợ phải cúi đầu lê gối mà không dám ngẩng đầu nhìn ” , một Hạng Vũ có lòng nhân từ thương yêu tướng sĩ, ai bị thương thì khóc .....
Nhưng vị Hạng Vũ đó càng tuyệt vời bao nhiêu thì càng khiến cho người ta thất vọng bấy nhiêu : đánh trận giỏi đến nỗi đi đến đâu tàn sát người vô tội đến đó, nhân từ thương tướng sĩ đến độ tướng sĩ lập được công trạng thì lại tiếc tiền của, chức tước chẳng dám ban thưởng cho ai, nhân từ thương người đến độ chẳng thèm tin một ai, có một Phạm Tăng quân sư tài năng mà chẳng biết dung ..... Và một Bái Công vô lại ham cờ bạc rượu chè, mê gái ban đầu như thế mà càng về sau càng khiến cho người ta mơ ước : biết lấy lòng dân, bảo vệ dân chúng, không tiếc tiền của, chức tước ban thưởng cho người có công, biết sử dụng nhân tài khiến cho các tướng giỏi của Hạng Vũ đều theo về : Hàn Tín, Trần Bình, Bành Việt, Kình Bố ..... Cái cách so sánh cặp nhân vật Hạng Vũ – Lưu Bang là một thành công điển hình của kiểu văn học sử.
Thi Nại Am xây dựng Thủy Hử với 108 vị anh hùng hảo hán và hàng loạt các nhân vật phụ không phải hảo hán, có thể là những võ sư bình thường ( như giáo đầu Vương Tiến, thầy dạy võ của Cửu Văn Long Sử Tiến ), hay các tham quan vô lại kiểu như Cao Cầu ..... Trong số 108 vị, chia ra làm hai nhóm là các Chánh tướng ( Thiên cang – 36 vị ) và các Phó tướng ( Địa sát – 72 vị ) , với nhiều kiểu xuất thân : người thì là dòng dõi cao quý ( như Lư Tuấn Nghĩa, Quan Thắng ..... ) , người thì chỉ là loại đầu trộm đuôi cướp ( như Thời Thiên, Bạch Thắng ..... ) , quan lại triều đình ( như Tống Giang, Tiểu Cái, Lâm Xung, Dương Trí ..... ) , hay những anh tự do như Võ Tòng, Dương Thanh .....
Nếu như đọc đoạn đầu ta thấy Lỗ Trí Thâm xuất hiện quả là hảo hán bao nhiêu ( vì bất bình đánh chết Trịnh Đồ để cứu cha con Cao Thúy Liên ) thì sau đó lại thấy hảo hán này lại như chìm nghỉm vào trong biển “ 108 vị anh hùng hảo háo toàn các vị xuất thân cao quý ”, và cho đến lúc chết mới để lại dấu ấn là việc tạc hóa viên tịch bên sông Tiền Đường. Một người được xưng tụng là “ Trí Đa Tinh – Gia Cát tái thế – Ngô Dụng ” tưởng như sẽ là một vị tuyệt thế thông minh, mưu trí hơn người nhưng lại vô cùng kém cỏi và tầm thường. Ngoài việc bày kế trộm châu báu từ tay Dương Trí rồi chạy lên Lương Sơn, ông ta cũng chẳng biết làm gì hơn. Cả bọn Tiểu Cái, Ngô Dụng khi thấy Lâm Xung bất bình trước chủ cũ là Vương Luân, chẳng những chẳng phơi bày gan ruột của hảo hán, lại còn chọc ngoáy ( đừng nhầm là khích ) khiến cho nội bộ lục đục, đẩy Lâm Xung vào chỗ giết bạn hữu ( người ngoài có thể nhầm là Lâm Xung giết Vương Luân vì ham tiền bạc từ Tiểu Cái ) . Sau đó nghiễm nhiên tập đoàn Tiều Cái tự tiện chiếm toàn bộ ngôi đầu : Tiều Cái, Ngô Dụng, Bạch Thắng, Lưu Đường ..... Thế là cái hình tượng đẹp đẽ về một Tiều Cái ngạo nghễ, phải trái phân minh thành ra tan vỡ.
Cái thất bại lớn nhất của Thủy Hử trong việc xây dựng nhân vật là bác Thi đã không biết làm thế nào để tả cái “ anh hùng ” của các nhân vật, mà lại tai hại hơn, bác ta cứ đi mải miết mô tả chi tiết cái anh hùng của bọn “ râu ria ”, nào là Võ Tòng đả hổ trên đồi Cảnh Dương, rồi say rượu đánh Tưởng Môn Thần ..... và chìm vào hàng ngũ vai phụ, thì những bác chiếm quyền to như Tống Giang, Tiều Cái, Lư Tuấn Nghĩa ..... chẳng có điều gì đáng so với những cái tên quá kêu của họ, nào là “ Cập Thời Vũ ” , “ Ngọc Kỳ Lân ” ..... Nếu như tác giả “ dựng ” lên một Tống Giang được anh hùng giang hồ hâm mộ đến khao khát được gặp ( như Võ Tòng chỉ mong được gặp một người trên đời là Tống Giang ) thì lại chưa bao giờ ông ta mô tả Tống Giang đã làm những điều gì đáng để anh hùng hâm mộ. Thử điểm xem : ngoài việc báo tin cho Tiều Cái, cho tiền Diêm Bà để đổi lấy việc giết chết Diêm Bà Tích, ..... ta chưa từng gặp một việc gì Tống Giang làm để cứu nhân độ thế, tương xứng với cái tên “ Cập Thời Vũ – cơn mưa đến kịp thời ” .
So sánh với Lưu Huyền Đức trong Tam Quốc, nào là dòng dõi Trung Sơn Tĩnh Vương, cháu xa của Hiếu Cảnh hoàng đế ( xuất thân Hán tộc ) thì sau đó là khởi nghĩa đánh giặc Khăn Vàng, đào viên kết bái, làm quan huyện thanh liêm cứu dân, đối xử với các tướng thật bụng mà hết lòng, lại hết lòng dốc sức vì nhà Hán, có chí lớn ..... khiến cho đến Tào Tháo cũng gọi là “ Anh hùng thiên hạ chỉ có sứ quân và Tháo này thôi ”. Khi ông ta đã lập công danh vang dội rồi mà Ngô Quốc Thái của Đông Ngô vẫn phải qua việc gặp mặt, nói chuyện mới thực gọi ông ta là anh hùng. Có nghĩa là cái anh hùng của Lưu Bị không tạo ra qua tin đồn mà chỉ tạo ra khi người ta tiếp xúc với ông ta. Ngược lại, Tống Giang được coi là “ Cập Thời Vũ ” ( chẳng qua là được gán cho mà thôi ) mà vì để lôi kéo Tần Minh theo phía mình, đã cho người giả dạng Tần Minh đến đốt nhà, đánh thành, giết người ..... khiến cho quan huyện nhầm tưởng là Tần Minh, đem vợ con Tần Minh ra chém sạch khiến cho Tần Minh từ chỗ đang là một người được triều đình trọng dụng lại thành ra tan cửa nát nhà. Mà việc này là do Tống Giang gây ra chứ chẳng phải do hôn quân bạo chúa nào. Và cái hình tượng Tích Lịch Hỏa Tần Minh cũng nhanh chóng sụp đổ khi ngoan ngoãn đi theo Tống Giang, còn hớn hở mừng rỡ khi được dụ dỗ sẽ gả cho cô em gái trẻ đẹp của Hoa Vinh, quên hẳn cái đau buồn vợ con vừa bị giết. Chỉ riêng cái chi tiết này đã khiến cho cái “ Cập Thời Vũ ” của Tống Giang đáng trở thành “ Cập thời bão ”. Lại buồn cười hơn, một người như Tiểu Toàn Phong Sài Tiến, nuôi giấu các anh hùng hảo hán, ai cũng được ông ta cứu giúp thì lại bị coi là thua xa anh chàng Tống Giang.
Một điều hết sức sai lầm của Thi Nại Am là việc ông ta gán cho các vị hảo hán những cái tên quá kêu, kêu đến độ không tin nổi, để rồi những hành động chả có chút gì là anh hùng của họ khiến cái hình tượng đó bị sụp đổ. Nào là Hắc Toàn Phong Lý Quỳ gặp ai giết người đó, nào là Lãng Lý Bạch Điều Trương Thuận sống trên sông Tầm Dương giết người bằng hai món “ dao phay ” và “ bánh trần ”, hay Đại Đao Quan Thắng chỉ ra trận có một lần, bị Lương Sơn dụ dỗ, thế là bỏ chủ theo lên Lương Sơn, rồi vợ chồng Thái Viên tử Trương Thanh hàng ngày giết người để làm bánh bao nhân thịt người, một Dương Hùng nghe vợ quên bạn, ..... Có nghĩa là ở trong Thủy Hử, hình tượng nhân vật được hình thành qua cái mỹ danh được mặc định gán cho chứ không thông qua hành động thực mà ta chẳng thấy được cái hảo hán thực sự ở đâu. Các nhân vật nào là quỳ lạy, nào là bái phục nhau chỉ qua danh hiệu. Tống Giang được mặc định gắn cho “ chân mệnh thiên tử ” mà chẳng ai thấy được cái “ chân mệnh ” đó ở đâu ngoài việc nghiễm nhiên 100 % nhân vật khác nghe như nghe lời bố.
Nói tóm lại, xây dựng nhân vật là một thất bại thê thảm của Thủy Hử. Ngoài các nhân vật xuất hiện ở những đoạn đầu như : Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng, Dương Trí, Hoa Vinh ..... , còn lại quá nửa các nhân vật còn lại được dựng lên một cách hết sức lãng nhách và hời hợt. Và cái lớn hơn trong cái tinh thần ấy là “ tứ hải giai huynh đệ ”, một lời phỉnh phờ đáng phì cười, sẽ được phân tích ở lần sau !!
Phần 2 : All are brothers? Thế thiên hành đạo, sao mà nực cười .....
Cái thất bại đầu tiên của Thi lão tiên sinh Kame, tên thật là Thi Nại Am là việc dựng lên hàng loạt nhân vật như những bức tượng đá vô hồn chỉ đáng đem cất vào tủ cho anh hùng tứ xứ cúi lạy và ca tụng. Cập Thời Vũ Tống Giang chẳng đáng đem làm anh chàng chạy bàn trong quán của Lưu Huyền Đức, Trí Đa Tinh Ngô Dụng có thể tạm đem làm anh chàng hàng xóm láu lỉnh cạnh nhà của Gia Cát Khổng Minh để học mót vài món nghề đâm bị thóc chọc bị gạo, Đại đao Quan Thắng chẳng qua chỉ là thằng hề bắt chước Quan Vũ bằng cách đeo bộ râu dài, đem son phấn của vợ tô mặt đỏ, vác cây đại đao và cưỡi ngựa xích thố của bọn hàng giết mổ gia súc, Lý Quỳ có chăng có thể là hâm mộ Trương Phi mà có bộ mặt đen sì nhưng lại vô cùng kém cỏi trong việc phân biệt phải trái .....
Thực ra thì bọn họ vẫn gọi nhau là anh em, nào là Tống Đại ca, rồi Võ hiền đệ ..... Bốn biển là nhà đấy chứ ? Ôi, nhưng tôi lại nhận ra một sự thật phũ phàng của cái đám tượng đá vô hồn ấy. Một thứ anh em vô cảm, một đám ngày đêm kêu nhau là huynh đệ mà chẳng ai dám thừa nhận rằng mình đã hùa theo cái đám dở hơi kia để được thiên hạ gọi là “ anh hùng hảo hán ”.
Chúng tôi vẫn đùa nhau một câu là “ thân đến mức thân thằng nào thằng ấy lo ”. Anh em Lương Sơn thì lại không thân nhau kiểu đó mà thân thiết kiểu ép nhau lên Lương Sơn, dồn nhau vào chỗ cùng đường để làm giặc cướp. Một gã được thiên hạ gắn cho cái mác “ Cập Thời Vũ ” , tức là như cơn mưa đến lúc trời khô hạn , khi muốn kéo một vị tướng quân triều đình là Tần Minh ( kẻ có danh hiệu cực kêu là Tích Lịch Hỏa – nghe đã thấy phát ngốt ) theo phe của mình đã cho người đóng giả Tần Minh, kéo quân vào thành đốt nhà, giết người, tàn sát dân chúng đổ tội cho Tần Minh. Cái kết cục tất yếu của việc đó là cả nhà của Tần Minh bị chết oan uổng, kể cả vợ đẹp con khôn, khiến cho Tần Minh từ chỗ công danh đề huề, vợ đẹp con khôn trở thành kẻ nhà tan cửa nát, cùng đường, và bị dụ dỗ đi theo lũ giặc cướp. Sau đó lại còn phải cảm tạ Tống Công Minh đã ép gả cô em gái của Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh cho mình. Eo ơi, nghe sao mà khiếp. Phải chăng Tống Công Minh sẽ đem Tần Minh đến một sứ thần tiên ? Không đâu, cái anh Tích Lịch Hỏa ấy cúc cung tận tụy phục vụ vị Tống Đại ca – Hô bảo nghĩa ấy làm giặc cướp chống triều đình, sau đó lại bị chính cái vị thủ lĩnh ấy bắt phải quay trở lại quỳ gối khom lưng theo triều đình – nơi mà trước đó bọn họ bảo toàn là hôn quân, gian thần, để rồi sau đó lại chết thảm nơi đất khách quê người.
Một Từ Ninh đang làm quan, sống đàng hoàng với vợ con, chỉ vì các “ anh em ” Lương Sơn muốn biết cách đánh câu liêm đã dùng kế ăn trộm áo giáp quý của ông ta để ép ông ta lên Lương Sơn, lại bị ép thành giặc cướp. Đau đớn nhất là vị có cái tên cực kêu Ngọc Kỳ Lân Lư Tuấn Nghĩa. Đang là một điền chủ giàu có và đầy quyền thế thì bị một người ( cũng xưng nhau là anh em ) biệt danh là Trí Đa Tinh, tên thật là Ngô Dụng lừa mưu mời lên Lương Sơn, sau đó lại dùng kế đâm sau lưng vu cho ông ta mưu phản khiến cho ông ta nhà tan cửa nát, bị kẻ khác chiếm mất hết tài sản, lại phải lên Lương Sơn. Cái kết cục của vị Ngọc Kỳ Lân này mới thảm làm sao. Bị “ đám anh em ” kia dụ dỗ thành giặc cướp chống triều đình, sau đó lại phải quay lại làm nô tài cho triều đình và chết đứt ruột vì ăn cơm có trộn thủy ngân.
Đáng thương cho một Lâm Xung, võ nghệ siêu quần, bị Ngô Dụng, Tiều Cái đẩy vào chỗ bất nghĩa, giết chết bạn hữu ( Vương Luân ) , sau đó lại chính những người anh em kia lại cười khẩy mà ngồi lên ghế trên, còn Lâm ta phải ngồi ở dưới. Tôi không hiểu sao lúc đó anh em Tiểu Cái, Ngô Dụng, Công Tôn Thắng ..... có thể mặt dày mà chiếm cái ghế đó từ tay Lâm Xung. Cuộc đời của Lâm Xung mới thật bi thảm làm sao. Nhà tan cửa nát phải lên Lương Sơn, muốn có một chốn tự do, mọi người coi nhau là anh em, nhưng rồi lại chính những người anh em đó lại mang ông ta trở lại cái chốn đau thương xưa, lại phải khom lưng đi hầu những kẻ thù cũ ( Cao Cầu ) , rồi mang bệnh mà ốm chết trong sự uất ức tột cùng. Có thể nhớ đến hình ảnh Lâm Xung đấm chết ngựa rồi thổ huyết chết ngất khi Cao Cầu được Tống Giang xun xoe rồi đưa về triều.
Ôi, chắc chỉ có những “ anh em ” như ở Lương Sơn mới có kiểu ép nhau làm giặc cướp, bày tỏ sự kính mến với nhau bằng cách làm cho nhau nhà tan cửa nát để theo mình. Và để che đậy cho cái sự cưỡng ép nhau đó, người ta lại đi lừa phỉnh bằng một câu là “ Bị triều đình ép lên Lương Sơn ”. Nhưng kỳ thực trong số 108 vị giặc cướp Lương Sơn có vô số các vị “ hảo hớn ” chưa hề bị ai ép mà bị chính các anh em của mình ép. Ai nói Tống Giang là “ Cập Thời Vũ ”, là “ Hô Bảo Nghĩa ” ? Theo tôi nhân vật này cần đáng xét lại, ông ta không chỉ đơn giản như thế. Làm bộ tịch từ chối không lên Lương Sơn, muốn làm đứa con hiếu nghĩa, muốn tận trung triều đình nhưng rồi lại chễm chệ ngồi ghế cao nhất để chống triều đình, rồi sau đó cầm quân đánh dẹp khắp các anh hùng hào kiệt khác cạnh tranh với mình. Phải chăng Tống Giang có chí lập công lớn để có trong tay thiên binh vạn mã mà soán ngôi ? Ai mà biết !!
Vâng, và còn hơn cái gọi là “ anh em ” ấy là sự phân biệt quen biết, sang hèn. Anh chàng Quan Thắng vì con nhà dòng dõi nên nhất định sẽ chiếm ngôi vị chánh tướng cho dù anh chàng này đánh trận thua lả tả bị bắt sống, lại còn cúi đầu hàng phục, Lý Quỳ chỉ là kẻ thô lỗ, không có đầu óc thì nằm ở hàng chánh tướng chỉ vì hắn cúc cung tận tụy ôm gối Tống đại ca, còn người nghe tên cực kêu là “ Thần cơ quân sư Chu Vũ ” vì chỉ là giặc cỏ nhỏ nhoi theo về nên cũng chỉ làm lèm nhèm ở phó tướng, Lưu Đường ở tới bậc 21 là vì chơi thân anh em đầu lĩnh Tống, Tiều ..... Cấp bậc ở Lương Sơn là một sự phân biệt sang hèn, phân biệt xuất thân và phân biệt sự quen biết với mấy bác đầu lĩnh ban đầu. Nói trắng ra là nếu 108 vị đều là anh hùng hảo hán, coi nhau như anh em ruột thịt thì cần gì phải phân cấp tới 108 bậc thế ? Chỉ cần bầu ra vài vị thủ lĩnh, còn lại thì đâu cần phân biệt sang hèn .....
Nếu như triều đình quan tướng thì coi nhau là bậc trên bậc dưới cũng đành. Ví như anh chàng Lưu Huyền Đức có lên ngôi vua rồi mới dám phong cho 5 ông tướng giỏi nhất, công trạng lớn nhất là Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Hoàng Trung, Mã Siêu làm Ngũ hổ đại tướng. Có thể thấy ngay cả anh chàng xuất thân tầm thường như Hoàng Trung vì lập đại công nên vẫn cứ lên hổ tướng như thường. Trước khi ông ta lên ngôi vua thì ngoài quân sư Gia Cát thì Quan hay Trương hay Triệu cũng là những võ tướng như nhau, cùng cấp bậc với những Ngụy Diên, Hoàng Trung ..... Tôi so sánh điều này để nói rằng thực ra cái Lương Sơn đó chỉ là anh em gia đình trá hình, thực tế là một dạng triều đình mà ở đó sự quen biết, dòng giống xuất thân ..... là một recommendation letter vô hình để nắm giữ chức vụ cao. Khi cúi đầu về phục vụ triều đình, Tống Giang có thể mặt dày nhận chức vụ của triều đình ( cùng với anh chàng kỳ lân rẻ tiền Lư Tuấn Nghĩa ), còn để cho “ anh em ” của mình ra sống vào chết mà không có được một phong thưởng nào.
Cái lá cờ “ Thế thiên hành đạo ” mới nực cười làm sao !! Ngay để “ thế thiên ” dụ dỗ, ép buộc anh chàng Tần Minh làm giặc cướp, “ hành đạo ” sẽ là việc đốt nhà, giết người khiến dân thành Thanh Châu ra ma, cả nhà Tần Minh đi đời. Hành đạo là việc cứu một anh em, cho Chúc gia trang phơi đầy thây ma. Tống Giang nghiễm nhiên tự giương lên lá cờ đó, và default cho rằng Lương Sơn là một chốn nhất thiên hạ, ai chống lại có nghĩa là chống lại Trời, và lập tức đám giặc cướp này sẽ nghiễm nhiên tới trước tiên là cướp thành, đốt nhà, giết người. Để cứu một anh “ Tống Công Minh ”, Lý Quỳ tay hai ngọn búa, ào ào vào thành gặp ai chặt đầu người đó. Kiểu “ hành đạo ” này cũng giống như một số chuyện cười mà người ta hay đặt ra để đùa mấy phim action kiểu Mỹ : cứu một anh binh nhì, cho cả tiểu đoàn đi đời.
Một Sử Văn Cung dám cùng với anh em Tăng Đầu thị nhăm nhe lập cõi riêng, không chịu theo Lương Sơn, thế là bị tóm cả đoàn. May mắn thay, anh chàng Tiều Cái chưa kịp hưởng hết niềm hân hoan làm vua một cõi thì bị Sử Văn Cung lỡ tay bắn chết, và thế là cả đám Tăng Đầu thị cũng theo đó đi đời. Chúc gia trang còn thảm hơn. Ăn trộm ngựa của “ bọ ”, đã thế còn “ hung hăng ” lập cõi riêng, họp báo tuyên bố toàn thiên hạ không chịu cúi đầu Lương Sơn, thế là dù có võ trang đến đâu cũng chẳng thể chịu nổi đòn của đám giặc cướp. Cả thôn đi đời nhà ma .....
Finally, có thể nói rằng Thủy Hử là chuyện đỉnh cao của những thất bại : thất bại từ giá trị văn học đến các giá trị nhân văn. Thất bại của văn học là sự kém cỏi trong việc xây dựng nhân vật, kém cỏi trong trong việc tạo ra tình huống, cốt truyện, vô cùng kém sáng tạo, không những thế lại dập theo khuôn mẫu của Tam Quốc, mà lại dập khuôn một cách vô cùng kém tắm. Nếu Quan nhị ca có hiển thánh ở đời Thủy Hử chắc sẽ đập chết thằng cháu bụng bự Đại Đao, tát vỡ mặt thằng mạo nhận “ Mỹ Nhiệm Công ” Lôi Đồng, Trương Phi thì đá đít thằng cu Lý Quỳ xuống ao, còn Gia Cát thì vuốt râu đánh rắm vào gã Trí Đa Tinh kém cỏi ..... Các giá trị nhân văn bị xóa bỏ bởi việc tàn sát, giết người một cách vô nhân đạo. Có thể nói đám 108 anh hùng hảo hớn Lương Sơn chỉ là một lũ giặc cướp không hơn không kém, và để thanh minh cho vụ đó, nào là thế thiên hành đạo, nào là bị ép lên Lương Sơn. Không, không ai ép cả, mà người ép họ là bác Thi Nại Am mà thôi.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét