Trang

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2018


bài này đã đăng cách đây vài năm nhưng đăng lại vì thấy hay và thi vị quá. Có thể nói bánh mỳ là thức ăn chính của cả Châu Âu chứ không riêng gì nước Pháp, bánh mỳ không cần phải nấu nướng hằng ngày cho nên bánh mì dễ đi vào ẩm thực của các nước Châu Á trong khi ngược lại, gạo không được phổ biến nhiều ở các nước Châu Âu, không phải do quá dở ăn không được mà có lẽ do phải nấu nướng lểnh kểnh so với việc chỉ việc ra tiệm mua bánh mì. Bánh mì gần giống như cơm vì có thể ăn được với mọi loại thức ăn khác như : trứng, bơ, thịt, pate ..... thậm chí còn có thể dùng được với sữa nữa. Nếu như sau này có thêm 1 loạt bài nói về bánh mì thì sẽ tuyệt lắm .


Le, la baguette 


( soi.today : lược trích )


Ở bên Pháp có 2 chuyện đáng kể : thứ nhất là tình yêu và thứ nhì là bánh mỳ. Tình thì vô vàn rắc rối, rừng Boulogne, rừng Vincennes, rừng cao su mâu thuẫn vân vân, tôi chỉ biết kể chuyện bánh mỳ.

Năm nay hai trăm năm kỷ niệm Cách mạng Tư sản Pháp, nói chuyện bánh mỳ không khỏi nhớ đến vợ chồng con cái Louis Thập Lục. Nhà này cũng được quần chúng mến yêu gọi là “ Ông làm bánh mỳ ”, “ Bà làm bánh mỳ ” và “ Cậu bé làm bánh mỳ ” ( Đông Cung Thái Tử, Dauphin de france, le petit mitron ) , tựa như là ta được thóc được gạo vẫn cho đó là ơn vua vậy. Thế mà bà Marie - Antoinette ( “ con mẹ người Áo ” ) lúc dân chúng biểu tình đòi bánh mỳ lại bất nhẫn thốt ra câu “ Chúng nó không có bánh mỳ thì cho chúng ăn bánh ngọt ”. Chữ “ bánh ngọt ” ở đây là brioche, người Mỹ dịch là cake. “ Qu’ils mangent de la brioche – Let them eat cake ” là một câu nhanh nhẩu khôi hài ( đen ) làm người đời nhớ mãi. Bánh brioche đời bà ta tôi không biết chứ đời nay ra tiệm mua nó đắt hơn bánh mỳ tiêu chuẩn những sáu bảy lần, nhiều khi người ta còn cho cả tóp mỡ ( lardon ) vào, ăn rất ngon. Thành thử ra vài năm sau đó, người ta có lôi bà này ra chặt béng đầu cùng với ông chồng Cả Đụt của bà tôi thấy cũng phải tuy tôi không là người khát máu. Điển tích này chỉ để nói ở bên Tây dù là Hoàng Gia, Hoàng Hậu gì đi chăng nữa, cái chuyện bánh mỳ chẳng thể đùa được.

Đã lỡ nhắc đến họ nhà này, lại kỷ niệm hai trăm năm 1789, tôi nhớ Prévert có bài thơ mang tựa “ Những gia tộc lớn ” để tặng họ. Nhớ mang máng thôi, xin đừng gọi điện thoại đến bắt bẻ :



Louis I

Louis II

Louis III

Louis IV

Louis V

Louis VI

Louis VII

Louis VIII

Louis IX

Louis X (tên gọi le Hutin)

Louis XI

Louis XII

Louis XIII

Louis XIV

Louis XV

Louis XVI

Louis XVIII

Rồi hết.

Hạng người này là hạng người gì

Mà không biết đếm được đến hai mươi.


Mà không biết đếm thật, đếm gian, đếm nhảy, sau ông Thập Lục xấu số đến ngay ông Thập Bát, ông Thập Thất lọt vào xó xỉnh nào không ai hay biết, tội nghiệp. Họ này thật ra còn đỡ, chứ cái họ tiếp theo thì chỉ biết đếm đến ( Nã Phá Luân ) III mà lại cũng lò cò từ Đệ Nhất đến Đệ Tam, ông Đệ Nhị chưa kịp làm vua, mới làm Thái tử thành Rome, Tiểu Đại Bàng, thì ho ra máu mà chết. Ông thứ nhất ai chẳng biết, thơ tình của ông còn có người thuộc, ông thứ ba lắm chuyện, lấy vợ người Tây Ban Nha xây cung điện ở Biarritz gần biên giới cho nàng đỡ nhớ nhà ( bây giờ là một khách sạn, ai có tiền nên vào ở thử, cam đoan lịch sự ) , mang cả họ mạc bên bà ấy phong cho làm đại đế Mễ Tây Cơ, galant với vợ thế là cùng, nếu việc không thành chẳng phải lỗi ở ông. 

Về sau cả ông lẫn bà bị đuổi, anh chàng bà con bên Mễ bị người bản xứ ( tức là giống lau chùi bàn và cắt cỏ ở Cali ngày nay ) mang ra xử bắn, đứa con nối dõi ( Nã Phá Luân Đệ Tứ tương lai ) lại bị người Zulu ở Nam Phi giết ngoài mặt trận. Lắm chuyện thật, nhiều buồn phiền nhưng chẳng chuyện nào dính dáng đến bánh mỳ cả, tôi từ Marie - Antoinette đi đến được Maximilien đại đế Mễ Tây Cơ ( Maximilien cũng người Áo ) thì tôi cũng hay. Vâng, thứ nhất tình yêu, thứ nhì bánh mỳ, hay là có khi ngược lại, nhất bánh mỳ nhì tình yêu. Thứ tự nào đi nữa thì tình yêu ( Pháp ) cũng liên hệ rất nhiều đến bánh mỳ ( Tây ) như thành ngữ “ Sống bằng tình yêu và bánh mỳ khô ” thường được nhắc nhở chớ nên.

Bánh mỳ là thứ hàng căn bản ở pháp. Nó khác gạo ở chỗ là người ta không ra chợ chất nửa tạ tám thơm, nàng hương mang về nhà đong dần vào nồi cơm điện tự động được. Bánh mỳ phải mỗi ngày mỗi xếp hàng mua, nếu nó nóng hổi thì càng tốt, vừa đi vừa gặm cái cùi thì tuyệt. Tôi là người không câu nệ miếng ăn, nhưng xa Pháp lâu thì tôi nhớ bánh mỳ. Bánh mỳ không, ở lò ra, không cần chấm mắm ớt, không cần phết tương. Bánh mỳ baguette, buổi sáng ra, vào quán, cái baguette chẻ làm hai theo chiều dọc, hai đầu cắt chéo, ổ phết bơ, chấm café sữa, gọi là tartine beurée. Tôi đi đâu cũng nhớ bánh mỳ, vì bánh mỳ chỉ ở Pháp mới có. Bánh mỳ cả chục loại trắng đen, nhà quê, thành thị, nhưng ở đây nói đến bánh mỳ tiêu chuẩn tức là bánh mỳ trắng làm bằng farine de blé, không thêm bớt màu mè. 

Thí dụ như bánh mỳ baguette viennoise, có thêm bơ nhưng mềm như èo uột sắp chết. Không, bánh mỳ căn bản kia, bánh mỳ – bánh mỳ, pain. Pain là hình thức thông dụng đối với Việt Nam. Nó to và chắc tay nhưng nhiều ruột. Baguette thon dài hơn, tôi thích nhất, lại còn Ficelle gầy bằng ba ngón tay, cứng cáp, gần như không có ruột. Baguette nặn theo hình bông lúa thì người ta gọi là Épi. Hình bông lúa thì ích lợi gì, đầu mỗi cái hạt bông nó nhọn và cháy, lâu lâu mua loại này bẻ đầu ăn chơi nó cũng đỡ buồn tay. Épi mà nặn theo hình một vòng tròn thì thành courone, không phải để đội đầu nhưng có thể thọc tay vào giữa mà cầm cho nó thay đổi.

Bởi vì căn bản nên giá bánh mỳ ở bên Pháp là giá được nhà nước ấn định, một baguette 400gr 2F95, ở đâu cũng thế, trong siêu thị bọc giấy bóng kính, ở cửa hàng tạp hoá, ở tiệm bánh mỳ xập xệ hay ở hàng Poilane vẫn 2F95. Bánh mỳ Poilane là bánh mỳ được tiếng nhất ở Paris, có người cầu kỳ chỉ chịu ăn thứ bánh này, nhưng đó là vấn đề khẩu vị , lại lẫn lộn vào với vấn đề thời trang kiểu cách nên không cãi được.

Nghề làm bánh mỳ là nghề cần thiết cho xã hội nên luật lệ khắt khe, đóng cửa phải thay phiên nhau trong một khu phố, cửa hàng này đóng thứ ba thì cửa hàng kia phải đóng thứ hai. Giá luật định cho thứ bánh mỳ căn bản, nếu bạn đến trễ không còn thứ căn bản, chỉ còn thứ fancy đắt tiền thì lỗi ở cửa hàng, họ phải bán thứ fancy theo giá luật định cho bạn. Nói tóm lại ở bên Pháp, đồng áng hay thị tứ, khu sang trọng hay nghèo hèn, có 2F95 là phải có bánh mỳ, fancy hay là căn bản.

Cứ như bánh mỳ đi, bánh mỳ căn bản, baguette hai quan chín mươi lăm, “ bien cuite s’il vous plait ” để tối ăn ngay, “ pas trop cuite ” còn để dành ngày mai. Cứ như bánh mỳ, chẳng ai cầm lòng được, trên đường về bao giờ cũng phải bẻ một miếng ăn trước. Cứ như bánh mỳ, không ai cầm lòng đặng, trên bàn còn chút vụn cũng còn nhặt lên tóp tép đỡ buồn răng. Bánh mỳ giấy bóng kính lỗ chỗ siêu thị khổng lồ trong thương xá ngoại ô, bánh mỳ bình thường ở đầu phố này xuống đường quẹo tay trái thấy ngay, bánh mỳ đài các Poilane nấu ở lò than củi cẩn thận còn lấm tấm bột, cứ như bánh mỳ đi. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét