Trang

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2018


ly kỳ và hấp dẫn hệt như trong mấy bộ phim trinh thám hình sự giật gân . Nhìn mặt của ông tướng cảnh sát Thái Lan lúc ở trong nhà tù thấy " tâm tư " dữ  !!



Lời nguyền của đá ( quí ) .


( soi.today )

Chuyện ám sát nhà báo Khashoggi tại tổng lãnh sự quán Saudi ở Istanbul ( Turkey ) làm xôn xao quan hệ quốc tế giữa Saudi, Turkey và Tây phương chưa biết đến đâu. Nhưng 29 năm về trước, một chuyện tương tự và ly kỳ không kém đã từng xảy ra và đến giờ, 29 năm sau, vẫn chưa giải quyết ổn thỏa. Trớ trêu thay, nạn nhân năm 1989 là ngoại giao Saudi và thủ phạm là vương quốc Thái Lan. Cuối thập niên 80, quan hệ giữa Saudi và Thái Lan đang tốt đẹp. Đầu tư Saudi tại Thái không có mấy nhưng số lao động xuất khẩu người Thái tại Saudi Ả rập lên đến 250.000, kiều hối gửi về cho gia đình mấy trăm triệu USD hàng năm. Trong số lao động này có một công nhân cắt cỏ quê ở Lampang, Tây Bắc Thái, anh Kriangkrai Techamong như mọi người lao động xuất khẩu, ra đi hẹn có ngày về.

Anh Kriangkrai được thu dụng làm vườn trong dinh của vương Faisal bin Fadh. Ông này là con trưởng của vua Fadh ( trị vì 1982 - 2005 ) , tuy trong hệ thống hoàng tộc Saudi không phải là thái tử nhưng hẳn cũng có nhiều tiền. Một hôm Kriangkai bắc thang đột nhập tầng 2 của hậu cung, thay vì đi ngó lén cung nữ đang múa rốn thì anh tự bảo, cái này quê nhà đã có nhiều rồi tuy là múa coyote, cái mà quê nhà anh hiếm là đồng hồ vàng Rolex và nữ trang, châu báu. Anh nhặt đây nhặt kia, giấu trong máy hút bụi và trước khi về nước, đóng kiện gửi qua DHL về nhà, tổng cộng 90 kg, trị giá vào lúc đó là 20 triệu USD.

Trong kiện hàng ấy có một viên kim cương màu thúy lãm, kích thước 50 carat. Giá trị của vật này thì khó ước, nhưng 1 carat kim cương xanh là 100.000 USD. Trên thị trường năm 2017, một bông tai kim cương xanh 14,54 carat có giá 48 triệu. Năm 2016, một viên 10,1 carat đấu giá được 32 triệu. Năm 2015, một viên khác 12,03 carat bán được 48 triệu. Năm 2014, một viên 9,75 carat bán được 32 triệu. Không nói đến sắc hay nước, chỉ về kích thước thôi thì 50 carat kể cũng là to. Chuyện kể vào hồi đầu thế kỷ, nữ vương Baroda ( Gujarat, Tây Bắc Ấn độ ) giận chồng bèn ném viên “ Mặt trăng Baroda ” là kim cương màu vàng 25,95 carats vào mặt khiến ông bị sứt trán.

Quay lại chuyện anh làm vườn. Vương Faisal bin Fadh một hôm giận vợ định phang bà bằng viên màu xanh 50 carat của nhà thì tìm không ra. Cuộc điều tra tại Saudi tìm ra thủ phạm Kriangkai và thông báo cho công an Thái. Một thượng tướng công an Thái, Chalor Kerdthes, nhanh chóng lo việc thu hoàn và đích thân sang Saudi trao trả. Khi đó phía Saudi phát hiện ra 80 %  nữ trang là đồ giả và không có viên đá quí 50 carat ở đâu. Theo các ảnh đăng lại tiệc tùng thì một số nữ trang này được ghi nhận là lủng lẳng trên cổ của các bà mệnh phụ Thái ! Hoàng tộc Saudi tức tốc gửi một doanh gia là ông Mohammad al Ruwaili sang Thái Lan để tìm hiểu.

“ Hiểu chết liền ” cũng là một thành ngữ Thái. Mohammad mất tích và vài ngày sau lãnh sự Saudi tại Thái Lan cùng 2 nhân viên ngoại giao khác bị ám sát. Công hàm bí mật của Hoa Kỳ năm 2010 kết luận là 3 nhà ngoại giao Saudi này bị Hezbollah thủ tiêu. Trong một quán rượu lúc đang xem vũ coyote ở Bangkok chăng ?

Phía Saudi không chấp nhận giải thích, cắt quan hệ với Thái Lan ở hàng đại sứ. Saudi không gia hạn các hợp đồng lao động khiến số người Thái tại Saudi xuống còn 10.000 năm 1991. Đầu tư Saudi tại Thái bị ngăn cấm và công dân Saudi không được phép sang Thái du lịch ngoại trừ thăm gia đình. Tham tán ( charge d’affaires , xử l‎ý thường vụ của sứ quán thay đại sứ ) Saudi , Mohammed Said Khoja năm 1994 cho biết “ lúc nào tôi cũng không rời khẩu súng ngắn Smith & Wesson bên mình, không phải vì Hezbollah hay vì khủng bố quốc tế mà vì tôi sợ công an Thái đó thôi ”.





Ảnh chụp ngày 1. 1. 1996 : Tham tán Mohammed Said Khoja của Ả rập Saudi tại Thái. Trước mặt ông là những bức ảnh chụp những nữ trang bị đánh cắp từ hoàng gia Saudi. Suốt cuộc điều tra đã có 4 nhà ngoại giao bị chết và một số sĩ quan cấp cao trong an ninh Thái được nghi là có liên quan. 


Anh Kriangkai, tuy nhanh tay nhưng thiếu hiểu biết, khi về quê liên hệ với một tiệm vàng ở Chiang Mai để bán lại các nữ trang châu báu với giá thật bèo. Năm 1994, chủ tiệm kim hoàn này tên là Santhi bị bắt cóc, tra tấn và phải chuộc bằng 68.000 USD. Vợ ông và đứa con 14 tuổi bị chết vì “ tai nạn lưu thông ”. Năm 1995, tướng Chalor bị tòa kết án tử hình về tội giết bà vợ và đứa trẻ. Án tử hình được vua Thái xá thành chung thân. Trong khi nằm ấp, tướng Chalor cầm micro thành lập một ban nhạc Rock, ra nhiều đĩa nhạc trong đó có cả một CD cover “ Jailhouse Rock ” ( Rock trong nhà tù ) của Elvis Presley. Ông ra tù năm 2013.







Tướng Chalor trong tù


Năm 2010, dưới áp lực của Saudi, 5 công an Thái bị kết án trong việc bắt cóc và thủ tiêu doanh gia Mohammad al Ruwaili , nhưng đến năm 2014, 5 tay súng này được thả ! Saudi giận dữ, vẫn chỉ duy trì quan hệ ở hàng tham tán và các biện pháp cấm dùng lao động Thái. Công dân Thái năm 2017 tại Saudi là 15.000 người. Ngoài việc mất thu nhập từ đầu tư và du khách, chuyện này ảnh hưởng không ít đến tình hình an ninh tại miền Nam Hồi giáo Thái Lan. Khu vực này là khu vực nghèo kém của vương quốc và là khu vực chính xuất khẩu lao động sang các nước Hồi giáo Vịnh Ả rập. Chỉ vì một viên đá quý mà mất 200.000 việc ở nước ngoài thực không phải là chuyện nhỏ với khu vực 2 triệu dân sống giáp ranh Mã Lai và vốn đã bất mãn sẵn.

Tham tán Khoja của Saudi, biết tật mê tín của quần chúng Thái, là người đặt ra chuyện “ lời nguyền của kim cương ” để dọa chơi. Năm 2016, anh làm vườn kẻ cắp Kriangkrai Techamong tuy chỉ ở tù có hơn 3 năm nhưng gặp nhiều rắc rối trong cuộc sống bèn xuống tóc quy y cửa Phật dưới pháp danh “ He Who Has Diamond Knowledge ” ( Thích Kim Cương Giác ? ) . Hiện diện trong buổi lễ này có thượng tướng Chalor giờ ngồi xe lăn và không còn biểu diễn rock nữa.

Viên đá xanh đến giờ này vẫn biệt tăm. Lời nguyền của nó, nếu có, thì tác dụng đến cả chính chủ. Vương Faisal bin Fadh, năm 1999, đột tử về bệnh tim lúc 53 tuổi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét