Trang

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2019



1 bài viết sơ lược về thời kỳ kết thúc được xem là giống như thời Chiến Quốc của Nhật Bản rất hay và dễ hiểu. Ngoại trừ những bài viết theo kiểu khoa học dành cho giới chuyên môn, nếu muốn thành công thì 1 bài viết phải thỏa mãn ít nhất 2 yếu tố : rõ ràng dễ hiểu và thu hút người xem qua từng câu chữ. Thông thường thì các bài viết về kinh tế hay là lịch sử dễ gây nhàm chán, chỉ cần đọc vài dòng thôi là không muốn đọc nữa bởi vì nhìn vào chỉ toàn là các con số ngày tháng năm hay là con số phần trăm, rất khô khan và cứng nhắc. Chưa kể bài viết cho dù có rõ ràng nhưng cách trình bày không thu hút thì cũng khó đạt được hiệu quả cao. Đây cũng là điều đáng tiếc khi có nhiều bài viết rõ ràng, nhiều sự kiện thông tin nhưng cách trình bày lại không hay thành ra cũng không hấp dẫn mấy. Đối với các chủ đề có tính tác động vào thị giác như du lịch hay là ăn uống thì  HÌNH  ẢNH  lại quan trọng hơn bài viết do người xem thường chủ yếu xem  HÌNH  ẢNH  nhiều hơn.


Sekigahara - Trận chiến phân chia thiên hạ.

( spiderum.com )

Thời Chiến Quốc ( Sengoku Jidai ) là một thời đại loạn lạc bậc nhất trong lịch sử Nhật Bản. Các lãnh chúa ( daimyo ) nổi lên cát cứ khắp nơi để thâu tóm quyền lực, họ chẳng coi Mạc phủ Ashikaga hay Thiên Hoàng ra cái đinh gì, mạnh ai nấy lo. Suốt hơn một thế kỷ dài đằng đẵng, các lãnh chúa gây chiến, triệt hạ, thâu tóm lẫn nhau để mong thâu tóm cả thiên hạ trong tay. Thế cục biến đổi theo nhiều cách không ai có thể đoán định được. Trong hằng hà sa số cái tên xuất hiện trong thời đại này, nổi bật nhất vẫn là 3 cái tên : Oda Nobunaga, Hashiba Hideyoshi ( sau này là Toyotomi Hideyoshi ) và Tokugawa Ieyasu. Câu chuyện về cách 3 người họ kết thúc thời Chiến Quốc chắc khá nhiều người đã biết rồi : Nobunaga quét sạch thiên hạ, Hideyoshi tiếp bước công việc ấy và cuối cùng Ieyasu hoàn thành nó. Đó là nói một cách vắn tắt, còn thực sự thì chẳng hề đơn giản hay " hòa bình " như thế. Thiên hạ về tay Tokugawa phải trải qua bao biến cố mà lớn nhất chính là một trận đại chiến được coi là " trận chiến lớn nhất Nhật Bản ". Đó là trận đại chiến diễn ra tại cánh đồng Sekigahara tháng 10 năm 1600. Trận đại chiến phân chia thiên hạ, cuộc quyết đấu đẫm máu giữa Toyotomi và Tokugawa.




Năm 1582 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong thời Chiến Quốc khi Oda Nobunaga bất ngờ bị tướng của mình là Akechi Mitsuhide làm phản và bị buộc phải tự sát ở chùa Honno - Ji. Oda Nobunaga trải qua hơn 20 năm chinh chiến, ghi dấu với những trận chiến nổi tiếng như trận Okehazama ( chỉ với 3 ngàn quân mà đánh thắng hơn 2 vạn quân Imagawa ) , cuộc thảm sát Enryaku-ji hay trận Nagashino ( đập tan hoàn toàn đội kỵ binh hùng mạnh của nhà Takeda ) , tiến về Kyoto chấm dứt Mạc phủ Ashikaga, nắm quyền kiểm soát hoàn toàn phân nửa nước Nhật. Vinh quang của Nobunaga đột ngột tắt vụt và cháy rụi theo chùa Honno - Ji năm 1582. Cho đến ngày nay, động cơ làm phản của Akechi Mitsuhide vẫn là một câu hỏi lớn. Đó là một thời cơ không thể tốt hơn khi quân hộ vệ của Nobunaga rất ít, muốn làm phản dễ như trở bàn tay, nhưng tại sao lại làm phản ? Trong hàng ngũ các tướng lĩnh của gia tộc Oda thì Akechi Mitsuhide không thuộc hàng thượng tướng, không có binh lực quá mạnh, cũng không có được sự ủng hộ của người thừa kế nào của Nobunaga hay chí ít là các tướng lĩnh khác, vậy thì việc đột ngột làm phản là do đâu ? Akechi Mitsuhide thực sự có tham vọng muốn thế chỗ Nobunaga ( mà như đã nói, điều này hoàn toàn không thể xảy ra ) hay rốt cuộc hắn cũng chỉ là một phần của một kế hoạch lớn hơn ? 

Chúng ta đều biết dưới trướng của Oda Nobunaga, ngoài các đại tướng của gia tộc Oda, vẫn còn 2 kẻ mang tham vọng không kém gì Nobunaga, đó là Hashiba Hideyoshi và Tokugawa Ieyasu. Cả 2 lúc này đều là những lãnh chúa hùng mạnh nắm trong tay rất nhiều đất đai, binh lực dồi dào, họ chỉ thua có mỗi Oda Nobunaga mà thôi. Nếu Nobunaga chết đi, ai sẽ được lợi nhiều nhất từ cái chết ấy ? Không phải gia tộc Hojo, không phải gia tộc Uesugi, không phải gia tộc Date hay gia tộc Mori, mà chính Hideyoshi và Ieyasu mới là những người được hưởng lợi nhiều nhất. Cho nên biết đâu sự biến chùa Honno - ji lại có bàn tay của một trong hai người họ ?

Dù sao thì ngay sau khi Nobunaga chết, Akechi Mitsuhide cũng đã bước lên nắm lấy quyền lực của Nobunaga tại Kyoto. Trong số các đại tướng cũng như đồng minh của Oda, Hashiba Hideyoshi nắm được tin tức sớm nhất. Lúc đó quân của Hideyoshi đang tham chiến với quân của Mori Terumoto, ngay sau khi nghe được tin dữ ( hoặc tin mừng, có thể lắm nếu ở vị trí của Hideyoshi ), ông lập tức đình chiến với nhà Mori, giữ kín bí mật về cái chết của Nobunaga và lập tức dẫn quân trở về Kyoto để xử trí Mitsuhide. Chỉ 13 ngày sau khi Nobunaga chết, quân của Hideyoshi đã tiến đến tiền đồn của Mitsuhide ở Yamazaki. Nhận thức được sức mạnh của Hideyoshi và không muốn bị vây hãm trong lâu đài, chia cắt với quân đội của mình, Mitsuhide quyết tâm chuẩn bị cho trận đánh ở phía Nam. Vì vị trí đó ở giữa một con sông và một ngọn núi, Yamazaki giúp cho quân của Mitsuhide có một điểm nút giúp họ giảm được lượng quân địch phải đối mặt tại một thời điểm. Về phần Hideyoshi, ông cho quân chiếm lấy và canh giữ vùng rừng núi Tennozan vì theo nhận định, đây là một tuyến đường quan trọng hướng đến Kyoto, Hideyoshi để lại một đội quân phòng thủ ở đây, còn lại toàn bộ kéo đến Yamazaki. Lực lượng hai bên có sự chênh lệch khá lớn, không có số liệu chính xác về binh lực hai bên nhưng Mitsuhide có khoảng 1 vạn cho đến 1 vạn 6 ngàn quân, Hideyoshi có khoảng gần 4 vạn quân. 

Trận chiến diễn ra không quá lâu, thua kém về quân số, quân của Mitsuhide nhanh chóng bị áp đảo dù họ đã chọn tấn công trước để lấy lợi thế. Đội quân của Mitsuhide nhanh chóng tan vỡ và Mitsuhide bị bắt khi đang chạy trốn, sau đó bị xử tử. Với chiến công này, Hideyoshi nghiễm nhiên trở thành công thần của gia tộc Oda vì đã trả thù cho Oda Nobunaga. Bây giờ, việc đầu tiên cần đề ra là ai sẽ thừa kế di sản của Nobunaga khi mà cả con trưởng của Nobunaga cũng đã chết tại Honno-ji ? Nội bộ phe Oda chia hai, một bên, dẫn đầu bởi đại tướng Shibata Katsuie muốn lập người con thứ 3 còn sống của Nobunaga là Nobutaka lên làm tộc trưởng, bên kia, dẫn đầu bởi Hideyoshi lại muốn lập Hidenobu - con trai của Nobunaga còn bé lên làm tộc trưởng ( hẳn nhiên là vì Hideyoshi muốn dễ bề kiểm soát và thâu tóm Oda ). Căng thẳng leo thang giữa Hideyoshi và Katsuie, cuối cùng dẫn đến trận chiến Shizugatake năm 1583 giữa Hideyoshi và những người ủng hộ Nobutaka. Thêm một lần nữa Hideyoshi chiến thắng, cả Katsuie lẫn Nobutaka đều tự sát sau khi bại trận, không còn ai có thể ngáng đường Hideyoshi thâu tóm gia tộc Oda nữa .....

Trừ Tokugawa Ieyasu tạm thời vẫn án binh bất động dù ông có lực lượng không kém gì Hideyoshi nhưng vốn tính thận trọng, Ieyasu không khinh suất như Nobutaka hay Katsuie, nhất là khi ông thấy rằng Hideyoshi gần như đã hoàn toàn nắm được gia tộc Oda trong tay rồi. Năm 1583 cũng là năm Hideyoshi xúc tiến việc xây dựng lâu đài Osaka nổi tiếng - tòa thành mà sau này, đáng thương thay, lại là chứng nhân cho sự sụp đổ của chính gia tộc ông.

Mặc dù đã dẹp yên được Nobutaka cũng như đưa Hidenobu lên ngôi tộc trưởng, những người chống đối vẫn còn đó. Đó là một người con khác của Nobunaga - Nobukatsu. Mặc dù Nobukatsu trước đó đã về phe với Hideyoshi trong việc ủng hộ Hidenobu nhưng mối quan hệ giữa họ nhanh chóng biến thành thù địch bởi vì sau trận thắng Shizugatake, Hideyoshi đã mời Nobukatsu cùng chư tướng của Oda tới lâu đài Osaka, thực chất của việc này là để mọi người tỏ lòng kính trọng với Hideyoshi và như thế, Nobukatsu tự nhiên trở thành kẻ có thân phận ở dưới Hideyoshi. Vì thế Nobukatsu từ chối đến Osaka, phá vỡ liên minh với Hideyoshi. Điều này đã cho Hideyoshi cái cớ để tấn công Nobukatsu, để đáp lại, Nobukatsu thuyết phục Ieyasu về phe với mình và Ieyasu đồng ý. Có lẽ Ieyasu cũng muốn tự làm một phép thử xem liệu thế lực của Hideyoshi có thật sự mạnh đến thế. Nếu Hideyoshi chiến thắng thì Ieyasu tạm thời chưa thể giành lấy quyền lực, còn nếu thắng được, chắc chắn Ieyasu sẽ bước lên thay thế Hideyoshi ngay lập tức.

Chuỗi các trận giao tranh giữa quân của Hideyoshi và quân của Nobukatsu - Ieyasu được gọi chung là cuộc chiến Komaki - Nagakute. Cuộc chiến diễn ra cù cưa và khá dai dẳng suốt gần nửa năm với hàng loạt các trận đánh khác nhau, tổn thất của Hideyoshi có vẻ lớn hơn nhưng Nobukatsu và Ieyasu cũng chẳng thể hoàn toàn đánh bại được Hideyoshi. Cuối cùng Hideyoshi thỏa thuận một hiệp ước với Nobukatsu, theo đó Nobukatsu được quyền cai trị một lãnh địa và trở thành một lãnh chúa. Nobukatsu đồng ý, cũng có nghĩa là ngầm chấp nhận trở thành thuộc tướng của Hideyoshi. Ieyasu cũng đồng ý theo, bởi vì sau hàng loạt các cuộc giao tranh, mặc dù gây được tổn thất tương đối cho Hideyoshi nhưng thực tế thì thế lực của Hideyoshi vẫn còn quá lớn, hơn nữa Nobukatsu đã chấp nhận giảng hòa, Ieyasu không còn lý do để tiếp tục gây chiến. Thế là Ieyasu cũng chấp nhận trở thành thuộc tướng của Hideyoshi, tiếp tục gây dựng thế lực để chờ thời.

Sau khi nắm được quyền lực mà Oda Nobunaga để lại, năm 1585, Hideyoshi được phong chức Quan Bạch ( Kampaku ) và trở thành người có quyền lực tối cao. Một năm sau đó, ông chính thức được ban họ " Toyotomi " và cái tên Hashiba Hideyoshi được thay thế bằng Toyotomi Hideyoshi - cái tên mà nhiều người quen thuộc hơn. Đến năm 1590, cuộc vây hãm Odawara diễn ra khi Hideyoshi quyết tâm bắt gia tộc Hojo phải thần phục để hoàn toàn thống nhất Nhật Bản. Hideyoshi đem đến thành Odawara một lực lượng khổng lồ - theo ghi chép là lên tới 20 vạn quân, đối đầu với chỉ 5 vạn quân Hojo. Nhưng thực chất là trong 3 tháng của cuộc vây hãm, chẳng có một trận chiến nào diễn ra cả. Hojo thì đóng chặt cổng thành, còn quân của Hideyoshi cũng chẳng buồn tấn công mà chỉ vây kín thành để cắt nguồn cung cấp của Hojo. Sử gọi đây là " cuộc vây hãm kỳ lạ nhất lịch sử samurai ", các samurai vây thành chủ yếu ngồi ..... giải trí với nhau bằng đủ mọi cách. Quân trong thành cũng không xông ra làm gì, chỉ có vài cuộc giao tranh nhỏ lẻ, và sau 3 tháng, Hojo đầu hàng, toàn bộ Nhật Bản được thống nhất, gia tộc Toyotomi bước lên đỉnh cao quyền lực.

Tuy thế, có một vấn đề đau đáu của gia tộc Toyotomi là : ai sẽ kế thừa sự nghiệp của Hideyoshi khi ông qua đời ? Hideyoshi mãi đến năm 1588 mới có con trai, đặt tên là Tsurumatsu nhưng lại bất hạnh qua đời khi mới 3 tuổi. Ít lâu sau đó, em trai của ông là Hidenaga cũng qua đời, vì vậy vào năm 1592, Hideyoshi chọn cháu trai là Hidetsugu làm người kế vị , truyền cho Hidetsugu chức Quan Bạch và lui về làm Taiko ( Thái Cáp - Quan Bạch về hưu ). Tuy nhiên đến năm 1593, Hideyoshi có thêm một con trai mới, đặt tên là Hideyori. Mối quan hệ giữa Hideyoshi và Hidetsugu ngày càng xấu dần, đồng thời cũng rộ lên những tin đồn về các vụ sát hại người bất công khiến Hidetsugu có biệt danh là Sát Sinh Quan Bạch, tất nhiên đó đều là những lời đồn đại. Cuối cùng, vào năm 1595, Hidetsugu bị buộc tội mưu phản và bị ép tự sát ở núi Koya. Hideyoshi sau đó chọn Hideyori làm người thừa kế.

Suốt những năm ở trên đỉnh cao quyền lực, có một sai lầm nặng nhất mà Hideyoshi phạm phải, đó là 2 cuộc xâm lược Triều Tiên không thành. Tham vọng của Hideyoshi vượt ra ngoài biên giới Nhật Bản, ông muốn biến Nhật Bản thành bá chủ châu Á, lật đổ vị trí số một của nhà Minh khi đó, vì vậy kế hoạch được xúc tiến bằng 2 cuộc xâm lược lên bán đảo Triều Tiên vào năm 1591 và 1597. Trong lần xâm lược đầu tiên, quân Nhật Bản đánh thắng như chẻ tre và sau 4 tháng đã chiếm được hầu hết Triều Tiên trên đất liền, nhưng ở dưới biển thì không dễ như thế. Hạm đội Triều Tiên, dưới sự chỉ huy của đô đốc Yi Sun-shin đã sớm phản công và đẩy lùi hạm đội Nhật Bản, đến khi quân tiếp viện từ nhà Minh kéo sang thì quân Nhật dần bị đẩy lùi và cuối cùng hai bên ký hòa ước đình chiến. 

Hideyoshi dĩ nhiên không cam chịu, đến năm 1597 ông lại tiếp tục phát động cuộc xâm lược lần thứ hai nhưng không thành công lắm, quân bộ thì dậm chân ở Gyeosang, thủy quân thì bị thảm bại tại trận thủy chiến Myeongyang huyền thoại khi 13 tàu chiến của Yi Sun-shin đánh bại hạm đội 330 tàu chiến của Nhật Bản. Đến tháng 6 / 1598 thì chiến dịch xâm lược tạm thời dừng lại. Tháng 9 / 1598, Hideyoshi mất, quân Nhật rút khỏi Triều Tiên. Hai cuộc xâm lược Triều Tiên kết thúc gần như không đem lại lợi ích gì cho Nhật Bản mà trái lại, nó còn khiến gia tộc Toyotomi chịu tổn thất nặng nề, ngân khố quốc gia suy kiệt, các gia tộc khắp Nhật Bản bất mãn, bản thân gia tộc Toyotomi cùng các chư hầu trung thành cũng bị suy yếu nghiêm trọng. Tham vọng của Hideyoshi quá lớn và thực hiện quá gấp rút nên xôi hỏng bỏng không. Chính tác hại từ 2 cuộc xâm lược này đã khiến vị thế của gia tộc Toyotomi tụt xuống rất thấp.

Và kẻ hưởng lợi nhất là ai ? Không ai khác ngoài Tokugawa Ieyasu, kẻ vẫn đang ẩn mình ở Edo chờ thời điểm thích hợp để đứng lên giành lấy quyền lực. Cơ hội đó đã đến với cái chết của Toyotomi Hideyoshi vào năm 1598. Trước khi mất, Hideyoshi đã thành lập Ngũ Đại Lão ( Go - tairo ) - hội đồng 5 vị lãnh chúa quyền lực nhất lúc bấy giờ để làm nhiếp chính cho Hideyori, 5 vị Đại Lão đó là : Tokugawa Ieyasu, Ukita Hideie, Maeda Toshiie, Uesugi Kagekatsu và Mori Terumoto. Hideyoshi hy vọng phân chia quyền lực làm 5 sẽ khiến các Đại Lão kìm kẹp lẫn nhau nhưng chủ yếu là để ngăn Ieyasu độc bá quyền lực. Dưới quyền Ngũ Đại Lão là 5 pháp quan, đứng đầu là cận thần của Hideyoshi - Ishida Mitsunari. 

Một trong những quy định mà Hideyoshi lập ra là các lãnh chúa không được phép tự tiện gả con cái cho nhau nhằm tránh việc các lãnh chúa kết đồng minh bằng hôn nhân có thể gây khó khăn cho người thừa kế Hideyori của ông, nhưng với Ieyasu thì quy định này ông chẳng coi vào đâu. Ngay khi Hideyoshi vừa qua đời, Ieyasu đã phá ngay quy định , kết đồng minh với hai lãnh chúa Date Masamune và Fukushima Masanori theo cách trên và khi bị các Đại Lão và các pháp quan chất vấn, Ieyasu đáp lại bằng một câu không thể nào ..... " vô tội " hơn : " Ta quên mất ! ". Chính điều này đã chọc tức Ishida Mitsunari, người vốn cực kỳ trung thành với gia tộc Toyotomi và cũng rất đề phòng Ieyasu. Thêm vào đó, những cuộc ám sát bất thành nhắm vào Ieyasu càng khiến mâu thuẫn dâng cao, việc hai phe Tokugawa và Toyotomi quyết đấu một trận sống mái chỉ còn là vấn đề thời gian.

Hai năm sau khi Hideyoshi qua đời, trận quyết chiến phân chia thiên hạ diễn ra tại cánh đồng Sekigahara ở tỉnh Gifu. Một phe ủng hộ Toyotomi Hideyori, được gọi là Tây quân, phe kia ủng hộ Tokugawa Ieyasu, được gọi là Đông quân. Xung đột bắt đầu khi một trong Ngũ Đại Lão - Uesugi Kagekatsu công khai đứng lên chống lại và buộc tội Ieyasu vi phạm giáo huấn của Hideyoshi, ông triệu tập quân đội để chống lại Ieyasu. Tức điên lên vì chuyện này, Ieyasu tập hợp quân đội và tiến lên phía Bắc để đánh Uesugi. Ishida Mitsunari, không bỏ lỡ cơ hội, cũng đứng lên triệu tập các gia tộc trung thành với Toyotomi để quyết một trận sống mái với Tokugawa. Nhận được tin, Ieyasu lệnh cho Date Masamune ở lại canh chừng nhà Uesugi, còn ông dẫn đại quân tiến về phía Tây để quyết đấu với Mitsunari.

Cả hai phe Đông quân và Tây quân đều không có được toàn lực của mình. Về phía Tây quân, 15 ngàn quân của họ sa lầy trong trận vây hãm lâu đài Tanabe khiến đạo quân này không thể tham gia trận đánh, về phía Đông quân, 38 ngàn quân của họ dưới quyền chỉ huy của Tokugawa Hidetada cũng bị quân của Sanada Masayuki cầm chân tại thành Ueda. Mặc dù thế, trận chiến vẫn diễn ra tại cánh đồng Sekigahara vào tháng 10 năm 1600. Lực lượng hai bên thực chất không hề chênh lệch quá nhiều. Tây quân, dưới sự chỉ huy của Mori Terumoto ( nhưng quân của gia tộc Mori không tham chiến ) có hơn 8 vạn quân. Đông quân, gần 9 vạn dưới sự lãnh đạo của Tokugawa Ieyasu. Chênh lệch về lực lượng là không nhiều, nhưng phải công nhận Ishida Mitsunari đã sáng suốt khi chọn cánh đồng Sekigahara làm nơi quyết chiến bởi vì nó cho Tây quân những lợi thế về địa hình. Với lực lượng hai bên gần như ngang bằng, phe nào có lợi thế về địa hình sẽ có cơ hội chiến thắng cao hơn. 

Mặc dù nắm trong tay lợi thế về địa hình, Tây quân vẫn thất bại. Về lý do thất bại, có 2 lý do chính : Tây quân chưa bao giờ thật sự là một lực lượng thống nhất, và có một vài lãnh chúa đã bị Ieyasu chiêu hàng, dẫn đến việc liên minh Tây quân bị phá vỡ trong giai đoạn 2 của trận chiến. 

Vào ngày diễn ra trận đại chiến, một màn sương mù khá dày bao phủ toàn bộ cánh đồng Sekigahara, đến khoảng 8 giờ sáng, sương bắt đầu tan và khi đó trận chiến bắt đầu. Cánh quân của Đông quân do Ii Naomasa và Fukushima Masanori tấn công đầu tiên và xuyên thủng qua hàng phòng ngự ở trung tâm của Tây quân. Suốt cả buổi sáng, hai bên ở thế giằng co, Đông quân chiếm được lợi thế ở mặt Bắc của chiến trường trong khi ở mặt Nam, cánh Tây quân do Otani Yoshitsugu chỉ huy vẫn đứng vững trước Đông quân. Cho đến buổi chiều, thế trận đột ngột xoay chuyển. Trước trận chiến, Ieyasu đã liên lạc với một số lãnh chúa bên Tây quân và thuyết phục họ đổi phe, ông sẽ đảm bảo quyền lợi cho họ. Hai đạo quân của Kikkawa Hiroie và Kobayakawa Hideaki là hai đạo quân ở vào thế mà nếu đánh thốc vào Đông quân thì Đông quân sẽ bị vây ba mặt và chắc chắn sẽ bị đập tan. Nhưng lãnh chúa Kikkawa, một phần không yêu thích gì Ishida Mitsunari, một phần bị thuyết phục bởi Ieyasu nên quyết định không tham chiến, lãnh chúa Kobayakawa cũng vậy, nắm giữ tới 16 ngàn quân, một lực lượng lớn của Tây quân nhưng ông lại dao động bởi lời hứa của Ieyasu nên cũng không cho quân tham chiến. 

Đến khi trận chiến trở nên căng thẳng, Ieyasu lệnh cho quân bắn súng vào vị trí của Kobayakawa để ép ông tham chiến. Đến lúc này lãnh chúa Hideaki mới quyết định tham chiến cho Đông quân, ông lệnh cho quân đánh úp vào mặt sau của quân Otani khiến Otani bị chẹn từ cả hai phía và bị áp đảo quân số. Lãnh chúa Otani buộc phải rút lui và cánh trái của Tây quân để hổng, chỉ chờ có thế, Đông quân đánh thốc vào và ép Tây quân phải thoái lui. Lãnh chúa Otani Yoshitsugu, bị vây giữa chiến trường, bất lực nhìn Tây quân vỡ trận đã tự sát ngay tại đó. 

Khi thấy quân Kobayakawa trở mặt, một loạt các lãnh chúa Tây quân khác như Wakisaka Yasuharu, Ogawa Suketada, Akaza Naoyasu và Kutsuki Mototsuna cũng lập tức quay mặt đánh lại vào Tây quân khiến cho hàng ngũ Tây quân đại loạn. Hầu hết đều quay ngược rút lui, chỉ còn quân của lãnh chúa Shimazu Yoshihiro cố thủ ở lại chiến đấu với quân của Ii Naomasa nhưng cuối cùng ông cũng thất bại và phải rút lui. Tây quân gần như tan vỡ, Ishida Mitsunari cố gắng dẫn bộ thuộc thoát khỏi chiến trường nhưng cuối cùng cũng bị bắt cùng với một số lãnh chúa khác như Konishi Yukinaga và Ankokuji Ekei. Trận đại chiến Sekigahara khép lại với phần thắng thuộc về Đông quân của Tokugawa Ieyasu. Thiệt hại của Đông quân là không đáng kể khi chỉ có khoảng 5 ngàn người tử trận trong khi con số đó của Tây quân là hơn 3 vạn người. Đại chiến phân đôi thiên hạ kết thúc để lại một cánh đồng Sekigahara đầy xác chết, ám mùi máu và thuốc súng. Huyền thoại kiếm thuật Miyamoto Musashi tương truyền cũng tham gia trận đại chiến Sekigahara và theo phe Tây quân. Sau khi Tây quân thất bại, ông lẩn trốn và bắt đầu tu luyện.

Sau trận chiến, Ishida Mitsunari, Ankokuji Ekei và Konishi Yukinaga bị xử tử, phần lớn các gia tộc theo Tây quân đều bị tước đi đất đai và lãnh thổ, như Uesugi, Mori, Chosokabe, Ukita và Miyabe đều bị tước đi ít nhiều. Bản thân gia tộc Toyotomi cũng bị tước đi hầu hết đất đai, Ieyasu vẫn để cho Toyotomi Hideyori làm chủ thành Osaka nhưng không còn nắm vị trí quyền lực nhất đất nước nữa. Các gia tộc theo Đông quân đều được hưởng lợi sau chiến thắng, nhất là gia tộc Tokugawa giờ trở thành gia tộc mạnh nhất Nhật Bản. Tạm thời giờ đây Toyotomi Hideyori không còn là mối lo lớn cho Tokugawa Ieyasu dù rằng ông vẫn chờ một thời điểm thích hợp để xóa bỏ hoàn toàn gia tộc Toyotomi, chấm hết mọi giao tranh. Và thời cơ đó đã đến sau 14 năm khi Toyotomi Hideyori phất cờ ở lâu đài Osaka chống lại Ieyasu, chiến dịch vây hãm lâu đài Osaka kết thúc năm 1615 với việc lâu đài Osaka bị đốt cháy phần lớn, Hideyori tự sát và gia tộc Toyotomi sụp đổ hoàn toàn. Dù thế Ieyasu cũng phải vất vả lắm mới xóa sổ được Toyotomi vì một lẽ là đến cuối cùng, gia tộc Toyotomi lại có được sự phục vụ của " chiến binh số một Nhật Bản " - Sanada Yukimura, danh tướng cuối cùng thời Chiến Quốc, người lập ra vành đai phòng thủ Sanada - Maru huyền thoại đẩy lùi hàng vạn quân Tokugawa chỉ với 2 ngàn lính. Và trong trận chiến cuối cùng, tương truyền Yukimura đã một mình một ngựa xông đến thẳng trước mặt Tokugawa mới chịu chết.

Những nỗ lực cuối cùng của gia tộc Toyotomi đã trở thành vô ích bởi vì Mạc phủ Tokugawa đã sớm vững vàng 10 năm trước đó rồi. Năm 1603, Tokugawa Ieyasu được phong chức Chinh Di Đại Tướng Quân và 2 năm sau nhường chức cho con trai Hidetada, chính thức chấm dứt một thế kỷ rưỡi đầy máu của thời Chiến Quốc và thành lập Mạc phủ cuối cùng của Nhật Bản - Mạc phủ Tokugawa. 

Đại chiến tại Sekigahara được mệnh danh là đại chiến phân chia thiên hạ, quả đúng với cái tên của nó. Đó là trận chiến quyết định ngôi vị làm chủ Nhật Bản giữa Toyotomi và Tokugawa. Trong số 3 người chấm dứt thời Chiến Quốc, Tokugawa Ieyasu quả thực là người nhẫn nại nhất. Đầu tiên phục vụ dưới trướng của Oda Nobunaga, sau đó phục vụ dưới trướng của Toyotomi Hideyoshi, đợi đến khi Hideyoshi chết đi mới thực sự đứng lên giành quyền lực. Có một câu nói về 3 người họ như thế này : "Nobunaga nhào bột, Hideyoshi nướng bánh, Ieyasu ăn bánh". Tokugawa Ieyasu về danh nghĩa là người thực sự chấm dứt thời Chiến Quốc, thành lập Mạc phủ Tokugawa, nhưng mặt bằng chung của Nhật Bản đã được Oda Nobunaga và Toyotomi Hideyoshi quét sạch phần lớn rồi. Oda Nobunaga có sức mạnh, Toyotomi Hideyoshi có cơ trí, còn Tokugawa Ieyasu có kiên nhẫn. Kiên nhẫn được như Ieyasu không có mấy người làm được, và vì có thể kiên nhẫn như thế, đến cuối cùng không phải Oda hay Toyotomi mà chính Tokugawa mới là gia tộc đạt đến đỉnh cao danh vọng và quyền lực. Thời đại của Mạc phủ Tokugawa kéo dài gần 270 năm cho đến khi trận chiến Toba - Fushimi diễn ra năm 1868 mới thực sự chấm dứt.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét