Trang

Thứ Năm, 2 tháng 1, 2020



( Mai Dương )


Chiến thắng vĩ đại trước quân Thanh đã chính thức đưa Quang Trung vào ngôi đền của những Anh hùng dân tộc. Chiến thắng này cũng đã làm lu mờ những góc khuất khác của người anh hùng áo vải mà hậu thế thời hiện đại hầu như rất ít được biết đến hoặc phổ cập. Tây Sơn cũng là triều đại không đội trời chung với triều Nguyễn, ở đó, chúng ta thấy dáng dấp của một cuộc cách mạng để thiết lập và hình thành một chế độ mới thay vì tính chất kế thừa truyền thống. Các sử gia thời hiện đại có lẽ vì yếu tố chính trị nên khi giữ góc nhìn chừng mực với Vương triều Nguyễn bao nhiêu thì lại ưu ái và nâng niu Tây Sơn bấy nhiêu.

Người ta viết về cuộc hành quân thần tốc của Tây Sơn, viết về những dự định giành giật lãnh thổ Trung Hoa còn dang dở của Nguyễn Huệ, viết về cái chết tức tưởi ở tuổi 40 của người anh hùng với đầy sự khâm phục xen lẫn tiếc nuối. Người ta viết về cành đào của Lê Ngọc Hân như một chứng tích yêu đương đẹp đẽ của chính nghĩa, của tinh thần dân tộc, của sự lãng mạn đầy tính sử thi.

Nhưng người ta quên rằng,

Dựng ngọn cờ phù trợ chúa Nguyễn trong những ngày khởi nghiệp là cái cớ đầu tiên của Tây Sơn, có thể xem như là một giải pháp thu phục lòng dân giai đoạn đó, là chi tiết không được nhắc tới. Kết giao với hải tặc Trung Hoa, những thành phần tội phạm trôi nổi trên biển là chi tiết không được nhắc tới. Và quan trọng nhất, trong cơn say chiến đấu và chiến thắng của mình, triều Tây Sơn đã sa vào một lỗi lầm không thể quay đầu được nữa, đó là tàn sát tận cùng dòng họ Nguyễn, đỉnh điểm là khai quật, xới tung lăng tẩm của tất cả các triều đại Chúa Nguyễn trước đó. Nguyễn Ánh khi thoát khỏi những cuộc truy soát này và nuôi chí phục hận, mới chỉ là một thiếu niên đang tuổi trăng tròn.

***

Có một điều lạ lùng là khi chiến thắng và lên ngôi hoàng đế, đối tượng mà Gia Long - Nguyễn Ánh tìm & diệt để trả thù không phải dòng dõi Chúa Trịnh vốn là kẻ thù truyền kiếp của tổ tiên mà lại chính là Tây Sơn. Dưới tay Quang Trung, Nguyễn Ánh vĩnh viễn là một kẻ bại trận nhưng khi Quang Trung gục đổ, kẻ bại trận kia lại lừng lững sống lại và đẩy hậu duệ của vị vua Tây Sơn lừng lẫy vào một trong những cuộc trả thù tàn khốc nhất trong lịch sử.

Sử chép rằng, Gia Long cho tập hợp 4 người con trai của Quang Trung lại [ trong số đó có Quang Toản - vị vua kế vị của Tây Sơn ] rồi đào mồ mả của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ lên, bắt họ chứng kiến cảnh chặt đầu các bộ xương, băm vằm bộ xương, bắt quân lính tiểu tiện vào các hộp sọ. Quang Toản & các em bị hành hình đến chết trong đau đớn. Hộp sọ của Thái Đức Hoàng Đế - Nguyễn Nhạc, Quang Trung Hoàng Đế - Nguyễn Huệ, Cảnh Thịnh Hoàng Đế - Quang Toản được cho vào rọ, đeo xiềng xích và tống giam vào xà lim vĩnh viễn.

***

Điều gì đã tạo ra một động cơ trả thù ghê rợn đến vậy từ Nguyễn Ánh ? Rõ ràng đây không phải là mức độ trả thù thuần túy từ những cuộc chiến đấu, đấu tranh giành chính trị như bao đời nay vẫn xảy ra. Chúng ta thấy trong đó có sự hận thù được gột rửa một cách hả hê bất chấp điều tiếng chỉ bởi đơn giản đó là sự rửa nhục. Giá như Quang Trung đừng làm cái điều được đánh giá là thất đức khi đào mồ đào mả tổ tiên Nguyễn Ánh, giá như Quang Trung đừng nhẫn tâm khai quật mộ của cha đẻ Nguyễn Ánh rồi vứt sọ xuống dưới dòng sông lạnh, giá như ông chỉ dừng lại ở chiến đấu và chiến thắng thì hậu thế của ông dẫu có đánh mất cả sự nghiệp của tổ tiên vì kém cỏi thì cũng không đến mức đau đớn và nhục nhã đến như vậy.

Thương thay cho Quang Toản phải gánh cái họa kinh hoàng từ người Cha của mình. Anh có thể tước binh quyền của người ta, có thể bỏ tù họ, có thể giết họ, điều đó không sao vì anh là người chiến thắng. Nhưng nếu anh sỉ nhục họ, tấn công vào chữ Đạo, chà đạp lên nhân phẩm và lương tri họ, thì mối thù mà anh tạo ra sẽ là vạn kiếp và không ai khác chính đời con cháu của anh phải gánh chịu mà thôi.

***

Lịch sử chép rằng có 2 người con và 1 người em họ của Nguyễn Nhạc thoát được, trốn vào vùng dân tộc, mãi đến đời Minh Mạng mới dám về thăm quê vì nghĩ rằng oán cừu đã hết nhưng họ đã nhầm, Minh Mạng vẫn cho người lùng bắt và giết sạch bằng hết. Người ta cũng phân vân rất nhiều vì cái chết đột tử của Quang Trung nếu chiếu vào chữ Đạo. Rõ ràng đó là một thiên tài quân sự, một bậc danh tướng cổ kim hiếm gặp nhưng tại sao lại đứt gẫy giữa chừng, và triều đại vàng son của Người cũng tan tành trong chớp mắt ?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét