Thứ Tư, 6 tháng 3, 2013
' Làm phim không phải để lấy giải thưởng '
( BBC tiếng việt )
Một trong các đạo diễn điện ảnh thành công nhất tại Việt Nam nói anh làm phim không phải để lấy giải thưởng, trước lúc diễn ra giải Cánh diều vàng hàng năm của Hội Điện ảnh Việt Nam.
Nguyễn Quang Dũng, đạo diễn của một số phim nhựa thu hút đông khán giả đến rạp, giải thích anh không "tẩy chay" giải thưởng nhưng thấy "không cần thiết tham gia".
Phim mới nhất của anh, Mỹ Nhân Kế, là một trong những bộ phim đoạt doanh thu cao nhất của Việt Nam.
BBC : Được biết phim Mỹ Nhân Kế không tham gia giải Cánh Diều Vàng năm nay dù đã có lời mời của ban tổ chức, vì sao ?
Những năm trước tôi cũng không có ý định tham gia giải. Những lần tham gia trước vì mỗi năm quá ít phim sản xuất, nên thường ban tổ chức mong các nhà làm phim ủng hộ cho có số lượng. Chúng tôi nộp phim để ủng hộ theo tinh thần đó.
Và thực chất cũng không muốn báo chí quy chụp là chúng tôi "tẩy chay" các Liên hoan phim Việt Nam, thực chất thì tôi không có suy nghĩ đó.
Năm nay tôi thấy có nhiều phim sản xuất và tham dự nên thấy cũng không cần thiết tham gia và vì chúng tôi vẫn còn đang chiếu ở các rạp mà liên hoan phim lại có những buổi chiếu miễn phí, tuy là không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu nhưng không đúng kế hoạch của phát hành.
Tôi không có mục đích lấy giải thưởng khi làm phim và cũng không lấy giải thưởng để đo sự nghiệp mình nên không mặn mà thôi. Mỗi lần liên hoan phim, dù được giải hay không báo chí cứ hỏi, mà đa phần tạo cho tôi cảm giác họ hỏi để mình soi mói ban tổ chức, hoặc dễ tạo mâu thuẩn những người đồng nghiệp nên tôi thấy phiền, lần này tôi muốn tránh những việc như thế.
BBC : Mỹ Nhân Kế là một trong những phim thành công nhất về doanh thu ở Việt Nam, mặc dù có một số ý kiến cho rằng, phim còn có nhiều lỗi, vậy doanh thu lớn nhờ đâu ?
Tôi không phải là người quá tài năng, Mỹ Nhân Kế cũng không phải là bộ phim xuất chúng. Mỹ Nhân Kế là 1 bộ phim được đầu tư công sức và tiền của một cách nghiêm túc và nó có cái riêng, có cảm xúc. Nên ai muốn tìm lỗi thì sẽ thấy lỗi, ai xem với sự chia sẻ và đồng cảm thì sẽ thấy cảm xúc. Mỹ nhân kế có cả 2 đối tượng đó.
BBC : Có phải ngày càng có ít người muốn tham gia giải Cánh Diều Vàng, trong khi ở Việt Nam hiện nay chưa phải đã có nhiều giải thưởng cho phim ảnh, và vì sao có/không ?
Một giải thưởng hay một liên hoan phim có nhiều người tham gia khi ở đó người ta thấy có lợi.
Nếu được giải mà phim nhiều người quan tâm hơn, nhiều nhà phát hành muốn phát hành thì các nhà làm phim sẽ rất muốn tìm cơ hội ở đó. Hoặc ít ra đó phải là nơi người ta có cơ hội tìm nhà đầu tư hay đối tác tương lai thì chắc sẽ xôm tụ hơn. Tôi nghĩ các giải thưởng và các liên hoan phim Việt Nam chưa tạo được điều đó thật tốt.
BBC : Ở Việt Nam hiện nay, có phải phim tư nhân đang dần chiếm ưu thế so với phim nhà nước ? Liệu có còn phù hợp khi Việt Nam vẫn duy trì việc Nhà nước cho tiêu chuẩn làm phim mỗi năm ?
Đúng vậy bởi hiện nay điện ảnh kinh doanh được, nên có nhiều nhà đầu tư hơn. Mà kinh doanh thì phải có lãi thì mới tái đầu tư và phát triển được.
Tôi nghĩ các phim nhà nước vẫn tồn tại. Ngoài yếu tố giải trí, kinh doanh, nghệ thuật ....... điện ảnh cũng là một công cụ tuyên truyền mà. Tuy không chiếm ưu thế nhưng vẫn và nên tồn tại.
Tôi thích điện ảnh phát triển đa dạng, có giải trí, có kinh doanh, có thể nghiệm, có nghệ thuật và có cả tuyên truyền. Như vậy người làm nghề sẽ có nhiều chọn lựa hơn, ai hợp gì thì sẽ theo dòng ấy. Khán giả cũng có nhiều thể loại để xem hơn.
BBC : Theo đạo diễn, có nhất thiết phải phân định rạch ròi phim thương mại/phim nghệ thuật ? Và cách gọi như thế đã phù hợp chưa, trong khi phim ‘thương mại’, phim mang tính giải trí nhiều không hẳn có nghĩa là chất lượng sản xuất đã kém phim nghệ thuật ?
Tôi thì nghĩ cái gì mà có bán, có mua đều nằm trong thị trường hết, chỉ có khác đối tượng thôi. Tên gọi không quan trọng, quan trọng là cách gọi và cách nhìn phải tôn trọng. Ai cũng có quyền chọn lựa con đường của mình, và mọi thành quả, thành công, sức sáng tạo và lao động nghiêm túc, có trách nhiệm đều đáng được trân trọng.
BBC : Một nhà sản xuất phim người Anh từng nói : "làm phim trước hết để làm gì, để giải trí (entertain) cho người xem", đạo diễn nghĩ sao ?
Với tôi thì làm phim thì đầu tiên là mình có nhu cầu kể chuyện, chia sẻ cảm xúc với người khác, nhưng khi đã xài tiền của người khác và có cộng tác với người khác thì mình phải có trách nhiệm nghĩ và làm vì lợi ích chung.
Tôi không thể vì cái tôi của mình mà quên và không quan tâm đến nhà đầu tư cũng như những người làm việc chung được. Nhưng tôi cũng không thể làm chỉ vì người khác được mà mình chẳng có cảm xúc.
BBC : Đối với anh, trong phim ảnh nói chung, các nhà làm phim nên đi theo thị hiếu của khán giả, thích gì cho nấy, hay nên đưa ra một định hướng, một xu hướng nhất định, như một dạng tiên phong trong phong cách/nội dung ?
Khán giả ngoài chuyện họ luôn cần chúng ta cung cấp cái họ muốn thì họ cũng dễ chán nếu nó quá nhiều và cũ kỹ. Nếu chúng ta có thể cung cấp những điều mới lạ thì họ cũng sẽ thích thú và chờ đợi.
Một thị trường tốt là thị trường có nhiều thể loại, nhiều phong cách và nhiều đối tượng. Phải có món ăn hằng ngày và phải có cả những thử nghiệm, tìm tòi.
Với tôi, làm phim cũng giống như tình yêu thôi. Bạn phải có cảm xúc thì mới yêu được.
Để có thể sống cùng nhau thì bạn phải biết cách làm người yêu của bạn cũng có được cảm xúc. Bạn phải tìm hiểu và biết người yêu bạn thích gì, muốn gì ở bạn.
Bạn cũng phải biết gây bất ngờ bởi những điều mới lạ, nhưng không xạ lạ, và phải biết cùng nhau vun trồng cho càng ngày càng phát triển, hạnh phúc và có thể sống cùng nhau khi hiểu nhau, chia sẻ cùng nhau và không làm cho nhau chán ngán.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét