Trang

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2016





Đại Việt thời Lê Sơ .


NƯỚC ĐẠI VIỆT THỜI LÊ SƠ – MỘT VÀI ĐẶC ĐIỂM CĂN BẢN CỦA NỀN TẢNG CHÍNH TRỊ, KINH TẾ, VĂN HÓA – XÃ HỘI



( Nguyễn Hải Kế : lược trích )



I )   BỐI CẢNH CHUNG


Sau ngày “ Bình Ngô đại cáo ” , kỉ nguyên mới của nước Đại Việt bắt đầu. Sử gọi 100 năm giai đoạn từ sau 1428 trở đi đến năm 1527 là thời Lê sơ. Có thể chia thời Lê sơ thành 3 giai đoạn :

Giai đoạn thứ nhất  : 1428 – 1459 , với 4 triều vua : Lê Thái Tổ ( 1428 – 1433 ) , Lê Thái Tông ( 1434 – 1442 ) , Lê Nhân Tông ( 1453 – 1459 ) , Lê Nghi Dân ( 1459 ) .

Lê Lợi – Thủ lĩnh tối cao của nghĩa quân Lam Sơn cũng là vị vua đầu tiên mở đầu triều đại Lê Sơ đã nhanh chóng triển khai công việc quản lý đất nước thời hậu chiến, khắc phục hậu quả chiến tranh.

Năm 1433 , Lê Thái Tổ mất. Thái tử Nguyên Long lên nối ngôi ( vua Lê Thái Tông ) . Đại Tư đồ Lê Sát, Tư khấu đô Tổng quản Lê Ngân phụ chính. Với thời gian, lần lượt Lê Sát rồi Lê Ngân đều “ mắc tội chuyên quyền làm trái đạo ” ..... rồi bị tội chết. Lê Thái Tông trực tiếp nắm quyền.

Năm 1442, Lê Thái Tông mất, Thái Tử Bang Cơ mới 2 tuổi lên ngôi ( Vua Lê Nhân Tông ) . Tuyên từ Thái hậu Nguyễn Thị Anh nhiếp chính. Triều đình Lê tiếp tục cảnh lục đục, rối loạn. Nhiều công thần bị giết. Đám quan triều tham ô, hối lộ ..... 11 năm sau ( 1453 ) , Nhân Tông nắm quyền lực, cố gắng vãn hồi tình hình thì lại xảy ra cuộc chính biến năm 1459 do Lê Nghi Dân cầm đầu. Mẹ con vua Lê Nhân Tông bị giết. Lê Nghi Dân tự lập làm vua. Tám tháng sau, Nguyễn Xí, Đinh Liệt ..... các công thần, tướng lĩnh thời Lam Sơn nổi binh phế truất Nghi Dân, đưa hoàng đế Lê Tư Thành 14 tuổi lên ngôi.

Giai đoạn thứ hai : Từ khi Lê Tư Thành lên ngôi ( tức Lê Thánh Tông : 1460 – 1497 ) rồi Lê Hiến Tông ( 1498 – 1504 ) .

Triều Lê Thái Tông liên tục tiến hành hàng loạt công việc cải tổ, củng cố bộ máy hành chính quốc gia. Nhiều công việc được tiến hành dưới triều đại của Lê Thánh Tông, đã ghi vào lịch sử dân tộc kèm với chữ Hồng Đức – niên hiệu thứ hai và lâu nhất của triều vua này 1470 – 1497 như đê Hồng Đức, bản đồ Hồng Đức, giáo dục Hồng Đức, luật Hồng Đức, quan chế Hồng Đức, thơ văn Hồng Đức ..... Chiếm hơn 1/3 thời gian thời kỳ Lê sơ ( 38 / 100 năm ) , giai đoạn trị vì của Lê Thành Tông được coi là thịnh trị nhất không chỉ của thời Lê sơ mà còn có vị trí nổi bật về xây dựng đất nước và phục hưng dân tộc trong lịch sử các vương triều phong kiến Việt Nam.

Giai đoạn thứ ba : 1504 – 1527 là giai đoạn suy yếu của triều đình Lê sơ. Chỉ gần một phần tư thế kỉ của tình trạng tranh quyền đoạt lợi giữa các phe cánh ( giữa anh em trong hoàng tộc, giữa hoàng tộc và ngoại thích ..... ) đã lần lượt ném lên ngai vàng những “ vua quỷ ” ( Lê Uy Mục 1505 – 1509 ) , “  vua lợn ” ( Lê Tương Dực 1510 – 1516 ) , Lê Chiêu Tông, Lê Cung Hoàng ..... Năm 1527, Mạc Đăng Dung phế bỏ Cung Hoàng, khai tử triều Lê sơ, lập nhà Mạc.




II )   MỘT VÀI ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN VỀ CHÍNH TRỊ, KINH TẾ, VĂN HÓA, XÃ HỘI THỜI LÊ SƠ

Nhìn lại 100 năm triều đại Lê sơ, thấy nổi lên những đặc điểm sau :

1. Triều Lê sơ thành lập là kết quả trực tiếp của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ( 1417 – 1427 )

Các chính quyền nhà nước Đại Việt tự chủ trước đó như Đinh, tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, ra đời là sự kế thừa, chuyển giao chính quyền tự tập đoàn dòng họ này sang tập đoàn dòng họ khác ( Lê Hoàn kế nghiệp họ Đinh, Lý Công Uẩn thay thế chính quyền của con cháu họ Lê, Trần thay thế Lý, Hồ đoạt chính quyền từ dòng họ Trần suy yếu ) . Các cuộc thay thế đó hoặc là những cuộc “ đảo chính cung đình ” được tổ chức hoàn bị ít đổ xương máu hoặc thanh toán nội bộ tàn bạo, quyết liệt. Trong hoàn cảnh của xã hội càng ngày càng chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, các triều đại này ít hay nhiều đều bị dư luận xã hội đương thời nhận xét, lên án, chê bai là “ cướp ngôi ”, là “ bất chính ”.

Triều Lê sơ được thành lập lại hoàn toàn khác. Đó là kết quả của công cuộc kháng chiến cứu quốc lâu dài gian khổ suốt 10 năm ( 1417 – 1427 ) và có tính nhân dân sâu rộng nhất từ năm 938 đến lúc này. Gọi là nhà nước mới, triều đại mới bắt đầu nhưng triều Lê sơ năm 1428 là thành quả của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc sâu rộng 20 năm mà trức tiếp là khởi nghĩa Lam Sơn. Nhà nước đó là sự tiếp tục tự nhiên, là bước phát triển mới của bộ chỉ huy khởi nghĩa Lam Sơn.

Trong con mắt đương thời cũng như hậu thế, triều đại Lê sơ “ chính danh ” hơn, vẻ vang hơn. Không chỉ thời Lê sơ mà cả nhà Lê nói chung, hào quang của cuộc kháng chiến chống Minh lâu dài anh dũng vẻ vang của dân tộc vẫn luôn luôn bao trùm lấp lánh trên triều đình này.

Ý thức về độc lập, về toàn vẹn núi sông từ lâu đã hình thành tiềm tàng trong nhận thức của các chính quyền nhà nước Đại Việt thời tự chủ. Qua 20 năm bị giặc Minh đô hộ, áp bức, đồng hóa, non sông Đại Việt được giành lại bằng bao nhiêu hi sinh xương máu của các thế hệ nên ý thức đó càng trở nên rất rõ, cụ thể và sinh động đối với thể hệ mở nước. Đó là lí do đầu tiên căn bản đã khiến Lê Lợi – Lê Thái Tổ ngay từ đầu kiên quyết và trực tiếp dẹp mọi cuộc phiến loạn ở vùng biên giới mà theo ông là làm mất đi sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia. 

40 năm sau, khi Lê Thánh Tông viết : “ Một thước núi, một tấc sông của chúng ta lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ đi được ..... Nếu ngươi dám đem một thước núi, một tấc đất đai của Thái Tổ để làm mồi cho giặc, ngươi sẽ bị tru di ” thì lời dụ ấy, tinh thần ấy hẳn đâu phải chỉ là dụ riêng cho Thái bảo Lê Cảnh Huy khi đi bàn về vấn đề biên giới mà là tuyên bố với trăm quan, thiên hạ.

Nhận thức như thế sẽ hiểu động lực nào trở thành thường trực căn bản khiến Lê Thành Tông kiên quyết, cứng rắn, trực tiếp đánh dẹp những cuộc nổi loạn, gây rối, ảnh hưởng, xâm hại đến lãnh thổ quốc gia hoặc tuần thú những “ điểm nóng ” biên cương. Đó cũng là nguyên nhân sâu sa khiến trong suốt triều Lê sơ không ngừng tăng cường triển khai nhiều chủ trương, biện pháp về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, để ( theo nhận thức của triều đình ) chủ động, ngăn ngừa có hiệu quả việc xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ an ninh quốc gia trong đó có cả biện pháp hạn chế nghiêm ngặt ngoại thương, tiếp xúc, trao đổi, với bên ngoài .....



2. Từ chiến tranh sang hòa bình


Đó là bước chuyển sâu sắc, toàn diện.

Lê Lợi – Lê Thái Tổ sớm ý thức được điều này. Ngay mùa xuân năm 1428 , giữa bộn bề của công việc của ngày đầu giải phóng, khi chưa bàn đến định công, ban thưởng thành tích kháng chiến, vua còn ở điện tranh bên bến Bồ Đề, quân, dân còn chưa quen với việc viết đúng niên hiệu, quốc hiệu, đô hiệu của thời kỳ mới ..... Lê Lợi đã hạ lệnh “ cho các quan Tư không, Tư đồ, Tư mã, Thiếu úy, Hành khiển bàn định pháp lệnh cai trị quân dân để người làm tướng biết phép trị quân, quan các lộ biết phép trị dân ..... Mọi công việc đều có cơ quan phụ trách riêng ”. Biết như vậy nhưng chính vua cũng còn băn khoăn khi đặt ra trước triều đình : “ Hiện nay công việc của triều đình rất bề bộn, việc gì nên làm trước, việc gì nên làm sau ? Các tướng trong triều ai có thể cáng đáng được việc lớn ? Có thể trao cho ai sứ mệnh ngoài ngàn dặm, ai có thể dạy dỗ thái tử ? ..... ” . Nói tóm lại là câu hỏi với những vấn đề đặt ra trước nhà nước Lê sơ không như trước. Kinh nghiệm, tri thức của thời kỳ chiến tranh giải phóng dẫu tươi rói, nóng hổi, phong phú và quý báu nhưng cũng không đủ để trả lời.

Nguyễn Trãi cũng ngay trong buổi đầu của thời kỳ hậu chiến đã nhận ra yêu cầu này và khi ông viết : “ Văn trị chung tu chí thái bình ” ( Cuối cùng để đạt tới nền thái bình thì phải dùng văn ) là ông đã mường tượng đường lối chung của thời kỳ mới.

Với thời gian, những tri thức, phương lược, chủ trương, quyết sách quản lí, cai trị đất nước trong điều kiện mới, hoàn cảnh mới, đòi hỏi mới, tâm thế mới ..... lần lần được tăng cường, bổ sung, điều chỉnh trong suốt thời Lê sơ. Bối cảnh đó lại làm nổi bật một thực tế , đúng hơn là một đặc điểm khác là :



3. Các tướng lĩnh, công thần của cuộc kháng chiến chống Minh có vị trí đặc biệt quan trong nửa đầu thế kỷ XV


Sau cuộc kháng chiến thắng lợi, hầu hết những người này tham gia vào bộ máy nhà nước từ cấp cao nhất ( vua ) đến các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, thuộc các lĩnh vực, cấp độ khác nhau.

Bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn được hình thành từ quá trình tổ chức và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, vùa kháng chiến vừa xây dựng chính quyền, quản lý các vùng giải phóng, đã từng bước vươn lên đảm nhiệm chức năng của chính quyền nhà nước độc lập, tự chủ. Đó là đội ngũ dạn dày kinh nghiệm, quen thử thách ác liệt, đã hiến dâng tuổi xuân, sức lực của bản thân cho kháng chiến cứu nước. Nói cách khác, chính quyền mới, triều đại Lê sơ được lập nên chính từ máu xương của cả dân tộc, của cả thế hệ này.

Thế hệ công thần khai quốc bấy giờ lại tiếp tục là chỗ dựa vững chắc của triều đình nhà Lê suốt gần nửa thế kỷ sau. Năm 1459 , mang mối hận bị truất ngôi Thái tử, Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân đang đêm cho người vào cung cấm giết Lê Nhân Tông và Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh rồi tự lập làm vua. Tám tháng sau, chính các bậc đại thần – những người từng vào sinh ra tử trong cuộc kháng chiến chống Minh như Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê lăng, Lê Niệm ..... đã xướng nghĩa, phế truất Lê Nghi Dân đưa Lê Tư Thành lên ngôi vua. Không ít trong số họ đã dành cả phần đời còn lại để tiếp tục xây dựng và bảo vệ chính quyền như Đinh Liệt khi về già còn trực tiếp làm “ Chinh lỗ tướng quân ” đi phương Nam. Có thể nói là họ không chỉ khai sinh ra nhà nước Lê sơ mà còn gắn bó thân phận với chính quyền này.

So với các triều đình Việt Nam tự chủ trước đó, khó có triều đình nào lại có đội ngũ công thần khai quốc mang đầy chiến công, chiến tích và đông đảo như triều Lê sơ. Hình thành và xây dựng chính quyền từ đội ngũ này. Đó là chính sách đãi ngộ và cũng là cái “ giá ” phải trả của thời hậu chiến đối với triều Lê sơ.

Sử chép chuyện : Lê Lễ theo Lê Lợi từ sớm, suốt đời làm gia thần cho Thái Tổ, rất được tin dùng, sớm tối hầu, không lúc nào rời bên cạnh, dốc lòng trung trinh, có sức hơn người. Khi Thái Tổ khởi nghĩa, vợ cả, vợ lẽ bị hoạn nạn mà vua phá vòng vây, thoát khỏi nguy hiểm, phần nhiều là công của Lễ. Thái tổ từng khen ông và nói : “ Nếu dồn mọi công lao lại thì ngôi tể tướng chẳng ngươi còn ai ? Trẫm có tiếc gì với ngươi, chỉ vì tại ngươi không xứng thôi ” . Khi Thái Tổ sắp mất còn khóc mà nói với Lê Lễ : “ Nếu Trẫm không còn thì ai biết khanh nữa. Sợ từ đây về sau bị giáng truất mất thôi ” .

Thời Thái Tông, Lê Lễ bị truất mất chức Nhập nội thị trung.

Trường hợp Lê Lễ cho thấy, không phải Lê Lợi không biết được phẩm chất, năng lực của đám công thần này cũng như yêu cầu, năng lực của đội ngũ quan lại quản lý thời hậu chiến không phải y như trong thời kháng chiến. Nhưng chiến tích thời kháng chiến vẫn là đảm bảo đầu tiên, bao trùm để triều đình trao chức tước, bổng lộc. Nói cách khác, chức tước và bổng lộc được coi là cách thức đầu tiên, chủ yếu mà nhà Lê sơ dành đãi ngộ, trả công cho đội ngũ công thần kháng chiến.

Trên cương vị quản lý nhà nước thời kỳ hòa bình, trong đám công thần khai quốc, có những người như Nguyễn Trãi “ như con ngựa già còn ham dong duổi ” lo nước thương dân “ cuồn cuộn nước triều đông ” ; Nguyễn Xí trong con mắt của Lê Thánh Tông thì “ khí độ trầm hùng, tính tình cương đại. Giữ mình có đạo, hồn nhiên như ngọc tốt chẳng khoe tươi. Nghiêm mặt ở triều, lẫm liệt như thanh gươm mới tuốt. Các quan đều tưởng mộ phong thái, bốn biển đều ngưỡng vọng uy danh ” ; Đinh Liệt “ trải 4 triều vua, là công thần trung hưng số một, địa vị danh vọng đều rất cao ..... làm tể tướng 10 năm, quyết định những việc lớn của nhà nước, được nhà vua hết sức tin tưởng, trong triều ngoài quận hết sức tin tưởng ..... ”

Nhưng rất không ít công thần ngay sau ngày về tiếp quản kinh đô, có chức cao lộc lớn, lại nảy sinh tư tưởng xả hơi, ỷ lại, dựa thế, tự tung tự tác. Ngay năm 1429, khi cho văn võ đại thần nghị bàn công việc lớn của nhà nước, Lê Thái Tổ đã chỉ rằng : “ Không có ai chịu hết lòng với việc nước, chỉ ham nghĩ phú quý mà thôi ”. Nhiều đại thần ở các sảnh viện vừa bê trễ công việc vừa đua nhau huy động sức lính, của dân để xây dựng lâu đài, dinh thự cho mình.

Hãy nghe cách nhìn nhận đánh giá một số các bậc đại thần đó qua một vài đại biểu đương thời :

Nguyễn Trãi nói : “ Bọn các người là hạng bề tôi vơ vét ” .

Cao Sư Đăng – chỉ là người thợ bình thường ở cục Tả ban tất tác đang làm chùa Báo Thiên : “ Thiên tử không có đức ..... đại thần ăn của đút, cử dùng kẻ vô công ” .

Bản thân Lê Thánh Tông cũng có dịp nhận xét về đám quan này như sau : “ Khoảng năm Thái Hòa, Diên Ninh – thời Lê Thái Tông, Nhân Tông, trên thì tể tướng, dưới thì trăm quan mua lợi lẫn nhau, bừa bãi hối lộ ” .

Còn với sử gia thời Lê Thánh Tông đánh giá Thái phó Lê Văn Linh là : “ Có mưu trí, tài cán, biết sự việc. Khi ở triều đình có nhiều kiến nghị sáng suốt ” , “ nhưng phải cái là tham của, ăn hối lộ ” , “ ham mê tiền của, cho người làm quan để nhận hối lộ riêng ..... ” .

Mặt quan trọng hơn chính là khả năng của họ không đáp ứng được với nhiệm vụ mà họ đảm đương trong triều đình, tài không xứng với chức. Khi không bị kìm chế “ kiểm duyệt ” bởi chính quyền tước đó, tác giả bài Trung hứng ký viết sau cơn loạn 1459 có dịp khách quan hơn, nhìn lại đội ngũ quan trong triều, trong đó “ Tể thần Lê Khuyến, Lê Sát thì dốt đặc. Chưởng binh như Lê Diên, Lê Luyện thì mù tịt, phường dốt đặc như ong nổi dậy, kẻ xiểm nịnh được nghe theo ” .

Trong bối cảnh như vậy thì trừ Lê Thái Tổ, suốt một phần tư thế kỷ sau ( 1433 – 1459 ) các vua Thái Tông, Nhân Tông lên ngôi đều còn rất nhỏ ( Thái Tông 11 tuổi, Nhân Tông gần 2 tuổi ) . Công việc điều hành triều chính thực tế trong gần hết khoảng thời gian này nằm trong tay các đại thần hoặc Thái hậu. Đó là điều kiện khách quan khiến cho đám đại thần qua mặt vua, nhân danh vua, vây bè kéo cánh, chuyên quyền.

Không phải chỉ có bậc đại thần mà đám quan và nhất là đám điển lại – giúp việc quan, ở trong triều, ở các địa phương cũng trong tình trạng không rành việc trong điều kiện mới mà yêu cầu đầu tiên là thông thạo viết chữ, làm tính. Tình trạng đó khiến trong thời đầu từ Thái Tổ, Thái Tông phải luôn đặt ra yêu cầu kiểm tra, bổ sung thêm :

Năm 1428, tháng 6 năm 1428, Thái Tổ đã ra lệnh chỉ : “ Khảo xét các quan trong ngoài xếp loại. Hạng nhất : tài văn võ, tinh nhanh. Hạng hai viết tinh, viết thảo, làm tính ” .

Tháng 11 : Lệnh cho các quan viên và quân dân cả nước, hạn đến tháng 5 sang năm tới đông Kinh để các quan văn hỏi thi kinh sử, ai tinh thông được bổ làm quan văn, các quan võ hỏi thi về kinh, pháp lệnh, kì thư.

Năm 1429, tháng 5 hạ lệnh chỉ : “ Quân nhân phủ lộ và những người ẩn dật nếu ai quả thực thông kinh sử, giỏi văn nghệ thì đến sảnh đường trình diện cho vào thi Minh kinh, ai đỗ sẽ được tuyển dùng ” .

Năm 1434, tháng 8 : “ Thi lại viên, hỏi về ám tả ( đọc để viết ) ” .

Năm 1437, tháng giêng : “ Thi viết chữ, làm tính, lấy đỗ 690 người làm thuộc lại nha môn trong, ngoài ” .

Năm 1444, tháng giêng : “ Thi chọn sĩ nhân bổ làm thuộc lại các ty ” .....

Tình trạng triều Lê sơ nửa đầu thế kỷ XV là không thiếu người làm đại thần, làm quan, làm lại nhưng bất cập về năng lực điều hành, giải quyết những nhiệm vụ nảy sinh từ tình hình mới đặt ra. Có như vậy mới thấy vì sao các vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông thường xuyên nhắc tới điệp khúc “ cầu hiền, tiến cử người hiền tài ” .

Năm 1428, tháng 6 ra lệnh chỉ : “ Cho các đại thần quan văn quan võ tiến cử người hiền lương, phương chính. Nếu tiến cử được người tài giỏi thì bản thân được tăng lương theo lệ tiến cử hiền thần ” .

Năm 1429, ra lệnh chỉ : “ Những văn võ hào kiệt nào còn bị bỏ sót hoặc bị chìm đắm chưa có chức tước gì, không được ai tiến cử hoặc vì thù hằn mà bị đè nén, vùi dập thì đến ngay chỗ Thiếu phó Lê Văn Linh mà từ tiến ” .

Tháng 9, hạ lệnh : “ Các đại thần văn võ, công hầu đại phu từ tam phẩm trở lên phải tiến cử lấy một người hiền tài vì trẫm chưa tìm kiếm được người hiền tài giúp đỡ trị nước ” .

Năm 1434, tháng 4, ra lệnh chỉ hỏi triều thần : “ Đã lâu rồi mà chớ có ai theo lệnh tiến cử một người hiền nào để đáp lại lòng trẫm là cớ làm sao ? Hãy tiến cử lấy một vài người giúp trẫm lo việc trị nước ” .

Dẫu bị vua hơn một lần nhắc nhở, thúc giục rồi mới thực hiện nhưng người được tiến cử lại qua thẩm định, qua “ gu ” của chính các đại thần nên tình hình cũng chẳng sáng sủa hơn. Chính Thái hậu, nhân danh Lê Thái Tông, cũng sớm nhận ra : “ Những người mà các ngươi tiến cử, những lời mà các ngươi tâu lên chả lẽ ta không biết hay sao ? Song những lời của các ngươi chẳng có mưu hay kế lạ gì có thể dung tục ” ..... Còn các sử thần đương thời thì nhận xét : “ Bấy giờ quan tể tướng đều là đại thần khai quốc, không thích Nho thuật, chuyên lấy việc sổ sách, giấy tờ, kiện tụng để xét thành tích của các quan ..... cho nên quan trong ngoài có chức nào khuyết thì tiến cử để bổ dùng ” . Ngay cả Lê Thánh Tông khi kiểm điểm lại cuộc đời làm vua của mình cũng nhận xét về những người mà theo ông là “ những người nổi bật hơn cả ” thì : “ Đô đốc Lê Luyện như bù nhìn, tượng đất . Thái sư Đinh Liệt, Thái phó Lê Niệm làm đến Tam công cũng như chưa từng tiến cử được một người quân tử, đuổi bỏ được một tiểu nhân ” .

Có thể nói, nửa đầu thế kỷ XV, triều Lê sơ lâm vào tình trạng lúng túng về đường lối trị nước lẫn khủng hoảng về đội ngũ quản lí. Đó là lúng túng, khủng hoảng của thời kì chuyển giai đoạn. Dẫu có tiến hành nhiều biện pháp như chọn lựa, kiểm định lại đội ngũ từ quan tới lại nhưng căn bản vẫn không khắc phục được. Năm 1434 khi Thái Tông 12 tuổi, Đồng tri bạ tịch Bắc đạo Bùi Ư Đài đã trình bày phương án dùng tôn thất, hạn chế công thần là :

– Bên trong kén chọn các bậc hoàng huynh ( anh vua ) , quốc cữu ( cậu vua ) , các bậc bô lão am hiểu điển chế xưa là Nhập thị để khuyên răn nhắc nhở bảo mình. Bên ngoài thì đặt chức sư phó để làm trụ cột chỉ huy trăm quan .

– Không dùng những viên quan văn võ đã từng bị trừng trị thời Lê Thái Tổ .

Phương án này đã ngay lập tức bị phía công thần cố cựu – mà đại biểu là Lê Sát, Lê Văn Linh phản công. 

– Lê Sát thấy sớ giận lắm, tâu : “ Tiên đế cho bọn thần là bề tôi cũ lâu đời, vả lại đã cùng Tiên đê vất vả trong mười năm trời ra vào chỗ muôn chết một sống để lập nên triều đình này. Tiên đế vốn biết bọn thần là hạng chất phác, ngu độn, cho nên lúc sắp mất đem bệ hạ ký thác cho bọn thần, nay Ư Đài nói thế có ý ngờ bọn thần để phòng giữ. Nếu Ư Đài quả đúng là li gián vua tôi thì phải trị tội hắn theo phép nước ” . Vua ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói : “ Những điều Ư Đài nói ra tuy có trúng chỗ thiết yếu nhưng đâu đến nỗi thế ”. Sát tâu đi tâu lại vài bốn lần, vua đều không nghe. Bọn Thiên Hựu, Cầm Hổ lại tâu : “ Ư Đài khuyên bệ hạ không nên tin dùng công thần, thế là trái lời di chiếu của Tiên đế mà gây hiềm khích lung tung ” . Hữu bật Lê Văn Linh cầm tờ sớ đến tâu, vua mới xét. Ư Đài bị đày đi châu xa.

Như vậy, ngay trong đám triều đình đã có ý định hạn chế quyền lực của công thần, vua trẻ cũng đã ngẫm nghĩ muốn thực hiện phương án của Bùi Ư Đài. Nhưng trong khi vua còn quá nhỏ thì vừa kể lể công lao, vừa gây sức ép. Rồi bọn quan sợ quyền thế của đại thần cũng a dua theo Lê Sát, viện dẫn cả di chiếu của Lê Thái Tổ. Phương án dùng các anh vua, cậu vua, các bậc bô lão nhưng am tường nho học để kèm cặp giúp đỡ vua, thêm chức sư phó để loại đám huân thần cố cựu như Lê Sát, tạm thời thất bại.

Tuy nhiên, trước sau sớm muộn gì thì thế hệ khai quốc công thần này cũng lần lượt ra đi ( do bị giết là chủ yếu hoặc mất tự nhiên ) ,vắng dần rồi chấm dứt vào những năm 70 của thế kỷ XV.

1429 : Hữu Tướng quốc Trần Nguyên Hãn ( bị giết ) 

1430 : Thái úy Lê Văn Xảo ( bị giết ) 

1434 : Tư khấu Lưu Nhân Chú ( bị giết ) , Nhập nội đại hành khiển Trịnh Lỗi ( mất ) 

1435 : Nhập nội kiểm hiệu đô đốc quận công Phạm Vấn ( mất ) 

1437 : Đại Tư mã Lê Văn An ( mất ) , Đại tư đồ Lê Sát ( cho tự tử ) , Nhập nội đô đốc Lê Ngân ( bị giết ) 

1442 : Thừa Chi nhập nội đại hành khiển Nguyễn Trãi ( bị giết ) 

1443 : Nhập nội thiếu úy Lê Lí ( mất ) 

1448 : Thái phó Lê Văn Linh ( mất – 72 tuổi ) , Tư đồ Bình chương sự Lưu thủ kinh sư Lê Thận ( mất ) ; Nhập nội đô đốc Nguyễn Chích ( chết ) 

1449 : Nhập nội Thị trung Lê Lễ ( mất – 82 tuổi ) 

1451 : Thái úy Lê Khả – tức Trịnh Khả ( bị giết ) , Tư khấu Lê Khắc Phục ( bị giết ) 

1462 : Thái úy Lê Lăng ( bị giết ) 

1465 : Hữu Tướng quốc Nguyễn Xí ( mất – 69 tuổi ) 

1471 : Nhập nội Thái phó Đinh Liệt ( mất ) .

Như vậy, từ những năm 60, thời kì của Lê Thánh Tông, đội ngũ chỉ còn lại số ít như Nguyễn Xí, Đinh Liệt.

Đã hơn 30 năm đất nước hòa bình, đủ để có một thế hệ kế tiếp. Việc thay thế đội ngũ quan lại các cấp – thế hệ đào luyện qua chiến tranh giải phóng giờ đã lần lượt “ ra đi ” rõ ràng là lẽ tự nhiên, tất yếu, khách quan.

Tuy nhiên, việc thay thế lớp quan công thần khai quốc ở thời Lê sơ không chỉ đơn thuần là việc chuyển giao thế hệ từ lớp già sang lớp trẻ mà còn là vấn đề chuyển đổi cả phương thức chọn lựa phẩm chất, năng lực mới.

Thời Lý, nhất là thời Trần con đường thay thế đội ngũ cựu thần trước hết chủ yếu bằng con em trong hoàng tộc dòng họ tôn thất quý tộc.

Đến đời Lê Thánh Tông, khi không còn một đội ngũ công thần khai quốc đông đảo nữa thì đội ngũ hoàng thân quốc thích ngày một đông đảo. Thế nhưng phương án Bùi Ư Đài nêu ra hơn 25 năm trước tưởng chừng như đang có cơ hội thuận tiện để thực hiện lại trở thành đặc biệt nguy hiểm vì bài học về huynh đệ tương tàn, về công thần cậy thế vốn đã không mỏng, không xa xôi gì trong Bắc sử, trong lịch sử Đại Việt lúc đó, giờ lại dày thêm, nóng hổi hơn lên qua vụ nổi loạn của Lê Nghi Dân – anh giết em đoạt ngôi vua ( năm 1459 ) . Chính tình hình đó là điều kiện khách quan của đặc điểm, nội dung tiếp theo :


4. Đội ngũ quan lại xuất thân từ khoa cử Nho học ngày càng chiếm số lượng đông đảo và vị trí quan trọng .


Khi cuộc kháng chiến vào giai đoạn quyết liệt, năm 1426, Bộ chỉ huy nghĩa quân đã tổ chức kỳ thi đầu tiên của triều Lê ngay tại doanh Bồ Đề ( Gia Lâm ngày nay ) . Ngay sau ngày hòa bình, Lê Thái Tổ đã hạ chiếu cho các nơi xây dựng nhà học. Tuy vậy, trong giai đoạn này, mới chỉ có các khoa thi bất thường, chưa thành lệ thường xuyên. Từ năm 1434 định lệ 6 năm một lần thi đại ty. Đến triều Lê Thánh Tông, từ năm 1463 chính thức rút ngắn khoảng thời gian này thành 3 năm một kỳ thi hội.

Trước ngày toàn thắng, bộ phận quan lại thời Lê Thái Tổ xuất thân từ Nho học qua thi cử chưa nhiều ( như Đào Công Soạn và trên 30 người đỗ ở kỳ thi Bồ Đề ) . Vị trí của Nho quan nói chung còn thấp kém so với đội ngũ công thần. Cùng thời gian, tầng lớp Nho quan càng ngày càng tăng cường về số lượng và vị trí trong bộ máy trung ương, đặc biệt là các địa phương. Đến hai thập kỷ cuối của thế kỷ XV , trong triều đình nhà Lê những người nắm giữ các chức vụ quan trọng trong triều kiểu như “ Tể thần Lê Khuyên, Lê Sát dốt đặc ( ít chữ ) ” nhắc ở trên không còn nữa mà thay thế vào đó là đội ngũ quan lại xuất thân từ đỗ đạt Nho học .
   
Đối diện hay so với lớp quan lại – thế hệ công thần từ trong kháng chiến đi ra, thế hệ quan lại Nho học bây giờ được coi là “ trí thức ” hơn . Khi tấm bia đầu tiên được dựng ở Quốc Tử Giám năm 1484 , nhân danh vua Lê Thánh Tông đã khắc dòng chữ : “ Hiền tài là nguyên khí của quốc gia ”, yếu mạnh của nguyên khí này liên quan đến thịnh suy của triều đại, của đất nước, cũng có nghĩa từ đó Tiến sĩ Nho học chính thức được coi là “ hiền tài ”, là “ nguyên khí ” của quốc gia Đại Việt.

Vậy đội ngũ quan lại Nho học này, “ nguyên khí ” , “ hiền tài ” này đáp ứng được gì ? Có mẫn cán, tài năng hơn so với đội ngũ công thần không ? Có đáp ứng được nhu cầu cai trị, làm cho đất nước hưng thịnh và chế độ triều Lê sơ bền vững không ? 

Xưa nay khi nhìn về mối quan hệ giữa Nho giáo với tiến trình vận động của lịch sử đất nước nói chung, thời Lê sơ nói riêng thường vẫn có ý kiến trái ngược.

Loại ý kiến thứ nhất đề cao sự tác động tư tưởng của Nho giáo, giáo dục, thi cử Nho học với sự hưng thịnh của đất nước và coi thời Lê Thánh Tông là một điển hình.

Loại ý kiến thứ hai, ngược lại cho rằng Nho giáo là lạc hậu, lỗi thời, là xa rời thực tiễn, là đối ngược với truyền thống văn hóa Đại Việt từ trước mà từ thời Lê đến thời Nguyễn là minh chứng.

Xã hội Đại Việt thời Lí, Trần chưa hề dựa trên nền tảng tư tưởng Nho giáo sao vẫn tạo dựng được nền văn hóa thăng long rực rỡ, nền hào khí Đông A ?

Thời Lê sơ, giáo dục Nho học càng lan rộng hơn – bệ đỡ càng rộng càng sâu hơn sao triều Lê sơ lại sụp đổ nhanh sau Lê Thánh Tông đến vậy ?

Đâu phải đến thời Nguyễn sau này Nho giáo mới là “ chuyện xửa chuyện xưa ”, chuyện của Trung Hoa, Nho giáo mới tỏ ra “ lạc hậu ”, “ xa rời thực tế ” mà ngay từ thời Đinh – Lê – Lí – Trần – Lê sơ ..... trước tác kinh điển Nho gia đã có gần một ngàn năm tuổi. “ Lạc hậu ” về thời điểm hình thành giáo lí vốn là thuộc tính của Nho giáo.

Càng không thể phủ nhận được trong 500 Tiến sĩ Nho học thời Lê Hồng Đức, có nhiều đấng bậc trí thức tiêu biểu cho trí tuệ, văn hóa Đại Việt như Lương Thế Vinh, Đỗ Nhuận, Thân Nhân Trung, Ngô Sĩ Liên, Thái Thuận, Hoàng Đức Lương .....

Phải chăng việc tổ chức học tập Nho, cách thức thi cử Nho học từ thời Lê sơ khiến cho không có người tài, là cội nguồn của những tiêu cực trong đám sĩ tử, học phong ?

Không thể quên rằng từ thời Lê Thái Tổ kì thi ở Bồ Đề năm 1426 đề thi nóng bỏng tính thời sự, gắn liền với đòi hỏi của đất nước lúc đó : “ Hiểu dụ thành Đông Quan ”. Tinh thần ấy vẫn được tiếp tục trong đời Lê Thánh Tông. Chẳng hạn đề thi đình năm 1463 :

“ Các bậc đế vương thánh thần thời thượng cổ thay trời trị đời, đạo đó rất là thuần phác. Cho đến đời sau, thuyết Phật, Lão dấy lên mới bắt đầu có chuyện bàn về Tam giáo mà lòng người với trị đạo thật không còn như xưa. Giáo lý Phật, đạo Lão hết thảy đều mê đời lừa dân, che lấp nhân nghĩa, cái hại của nó không thể kể xiết mà lòng người vẫn còn ham, rất tin ..... Đạo của thánh nhân, lớn thì tam cương ngũ thường, nhỏ thì tiết văn độ số đều thiết dụng cho cuộc sống thường ngày mà lòng ham thích của người ta lại chẳng bằng đạo Phật, đạo Lão sao lại như thế ?

Điều cốt yếu để làm nên thịnh trị không ngoài chỗ làm sáng tỏ đạo Thánh, chính đáng nhân tâm, trừ dị đoan, bỏ lệ xấu, làm việc tốt. Làm được những điều ấy tất có thuật của nó, Sĩ đại phu hãy xem hết hiểu biết của mình viết ra rõ ràng, trẫm sẽ đích thân xem xét ” .


Hay đề thi năm 1475 :

“ Các bậc thánh nhân thời cổ, trị hóa thịnh vượng ắt khen Nghiên Thuấn, phò tá giỏi thường có Cao Quỳ. Giả sử trong 242 năm thời Xuân Thu chung một lòng với Đường Ngu, liệu có thể thống nhất được cục diện chia cắt đó chăng ?

Trời không đủ cao, đất không đủ dầy, đó là sự vĩ đại của Nho.

Lễ Nghĩa nhờ đó mà hưng, kỉ cương nhờ đó mà dựng, đó là sức của Nho

Dựng chuẩn mực cho dân, mở nền thái bình muôn đời, đó là công của Nho.

Nhà Triệu Tống dùng Nho chuyên nhất so với Hán Đường thực hơn nhiều lắm nhưng binh lực trị hiệu không được thịnh bằng Hán Đường là tại làm sao ? Hay là Nho thuật không bằng lưng ngựa ?

Trẫm thừa đại thống đến nay đã 16 năm, những việc trị nước quan trọng cấp thiết Trẫm vẫn thường đắn đo, suy nghĩ cùng bàn với mọi người rồi thi hành vào chính sự.

Các ngươi chớ nên phù phiếm, hay hết sức bày bỏ, thiết tha mong trị, Trẫm sẽ đích thân lựa chọn ” .


Không thể nói là những đề thi, những vấn đề mà đích thân nhà vua đặt ra cho sĩ tử trong cuộc thi là phù phiếm, xa lạ với vấn đề đương thời. Có người nghiên cứu chuyên về văn sách đình đối thời Lê sơ nhận xét : “ Văn sách đình đối có mối liên hệ mật thiết với đời sống thực tế nhất, thậm chí nó còn liên hệ với thực tế nhiều hơn cả một số thể loại văn chương sáng tác tự do khác. Sách vấn của Hoàng đế thường đem vấn đề tiêu biểu của thực tế trị nước để kiểm tra tình độ hay tư duy, năng lực vận dụng Nho giáo, vận dụng sách vở vào giải quyết những vấn đề thực tế đang thúc bách trong đó có cả hi vọng vào kiến tạo của sĩ tử ” .

Vấn đề mấu chốt không phải ở chỗ tri thức, tư tưởng Nho giáo lạc hậu hay tích cực, ở danh hiệu tiến sĩ hay không mà chính là vấn đề định hướng, cơ chế tuyển lựa, đào tạo năng lực, phẩm chất và quan lại – phương cách gắn liền Nho học – thi cử – quan trường. Ngay từ thời Lê Thái Tổ đã có kì thi “ ai tinh thông kinh sử thì được bổ làm quan văn ”, càng về sau cách tuyển dùng ấy càng cụ thể, chi tiết hơn .

Năm 1434 : Thi học sinh trong cả nước lấy đỗ hơn 1000 người bậc nhất và nhì đưa về Quốc Tử giám, bậc ba thì về học tại nhà học các lộ, đều cho miễn lao dịch. Không đỗ thì đuổi về làm dân. Năm 1485, tái khẳng định và bổ sung : “ Nhân dân và quan sắc ai thi hương đỗ tam trường thì sung sinh đồ, đỗ tứ trường thì sung sinh viên. Nếu sinh đồ thi hương mà không trúng kì nào thì phải sung quân, trúng một kì thì về làm dân, chịu phú dịch như lệ cũ. Sinh viên mà thi hội không đỗ thì sung quân ”.

Đương nhiên, trong suốt thời Lê sơ còn có phương thức tuyển chọn quan lại bằng cách tiến cử, bảo cử ( như trên đã nói ) nhưng tuyển chọn qua học – thi Nho là phổ biến, thường xuyên và quan trọng hơn cả.

Khi nhận xét về con đường học – thi – làm quan của thời kì này, Lê Quý Đôn ( thế kỷ XVIII ) nhận thấy : “ Khoảng giữa niên hiệu Hồng Đức, mở rộng khoa cử, tuyển nhiều nhân tài, sĩ tử tập lối văn bóng bãy đẽo gọt từng câu, mong sao thi đỗ để ra làm quan. Muốn tìm thấy những người khí tiết, khảng khái trong thời này xem ra có phần thưa thớt. Nhưng con đường bổng lộc đã mở ra thì phương pháp thi cử cũng nghiêm ngặt, người điềm tĩnh được tiến lên, người cầu may bị sang sảy, cho nên người tại chức ít thói cầu cạnh mà trong nước biết quý danh nghĩa. ”

Như vậy ngay từ thời Lê, trong số Nho học mà làm quan đã có kẻ cầu cạnh rồi ( tuy ít ) , “ mong sao thi đỗ làm quan ” đã trở thành hi vọng mong mỏi. Và “ con đường bổng lộc ” ấy đã hiếm hoi “ kẻ tiết nghĩa, khảng khái ” . Hay nói cách khác, chính cơ chế này của Lê sơ đã tạo ra bước ngoặc lớn nhất trong chế độ, phương thức chọn lựa quan lại kiểu này đã cuốn mọi người vào “ đại lộ bổng lộc ” , làm nảy sinh thường xuyên và ngày một gia tăng tình trạng sau :

Công thức : học Nho – đi thi – làm quan – làm cứu cách vào đời, lập nghiệp, trở thành định hướng “ lí tưởng ” lớn nhất của đời con trai. Nho học được coi là đồng nghĩa với trí thức, là tiêu chuẩn đầu tiên, lớn nhất, bao trùm của trí tuệ. Thế nhưng, đi học không phải với mục đích cuối cùng cao nhất là tích lũy, sử dụng tri thức vào cuộc sống, giải quyết những vấn đề của xã hội mà là để thay đổi thân phận, thấp nhất là thoát khỏi thân phận bạch đinh ( dân thường ) . Và từ đó, đổ xô đi học đi thi trở thành đồng nghĩa với “ hiếu học ” . Học trường, đặc biệt là thi cử dần bị thương trường hóa. Người ta đổ xô đi học, số học trò ngày một nhiều ; kì thi hương thường xuyên đông đúc ; năm 1462 chỉ một trấn Sơn Nam cũng đã có khoảng 400 thí sinh, gần 1000 vào Tam trường, 100 người trúng tuyển. Các khoa thi hội ở Thăng Long, năm ít cũng 3200 người, năm nhiều đến trên 5000 người .



5. Tăng cường tư tưởng Nho giáo trong các mặt của đời sống kinh tế – xã hội


Nếu nét nổi bật trong tất cả mọi chính sách cai trị của nhà Lê sơ – được thành tựu tập trung vào thời Lê Thánh Tông, là cố gắng pháp điển hóa đến mức tối đa mọi quan hệ xã hội thì nội hàm chủ yếu của pháp điển ấy không có gì khác hơn chính là tư tưởng Nho giáo.

Không phải đến thời Lê sơ mô hình quân chủ, tập trung có ảnh hưởng Nho giáo mới có ở Việt Nam. Hệ tư tưởng Nho giáo, vốn đã thẩm thấu bằng nhiều phương cách từ các thế kỉ trước, được gia tăng mạnh qua 20 năm thuộc Minh ( 1407 – 1427 ) . Tuy nhiên, chỉ đến thời Lê sơ, mô hình đó mới được tăng cường mạnh mẽ thành hướng tập trung chủ đạo với tất cả những cố gắng trên mọi phương diện của nó. Sau ngày Bình Ngô lại xảy ra hiện tượng mà một số nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam coi đó là “ nghịch lý văn hóa ” . Nếu Nguyễn Trãi ( 1380 – 1442 ) tự hào về “ phong tục Bắc Nam cũng khác ” thì đối với bộ phận trực tiếp cai trị đất nước, từ vua Trần đến Hồ Quý Ly, từ thế kỉ thứ XIII – XIV lòng tự hào, tự tôn dân tộc lại là “ vô tốn Hoa hạ ” – “ không thua kém Hoa hạ ” – muốn sánh ngang bằng triều đình Trung Hoa. Thời Lê sơ đã chủ động tiếp thu và mô phỏng ở mức cao nhất so với trước, những thể chế, hệ tư tưởng và lễ nghi của văn hóa Đông Á – vốn thấm đậm trong xã hội Đại Việt từ lâu thì nay bị coi là không hợp lễ, là thô lậu. Bản thân Lê Thánh Tông “ sớm khuya không lúc nào rời sách vở ” – những bộ sử sách về Hán, Đường, kinh điển Nho giáo.

Trong đời sống xã hội , chính quyền Lê sơ mà tiêu biểu là triều Lê Thánh Tông rất chú trọng đến chuyển tải giáo lí Nho giáo xuống đến tận cơ sở xã – thôn, gia đình, đến các giai tầng xã hội. Năm 1461 , tức chỉ hơn một năm sau khi lên ngôi, vị vua trẻ này đã cho ban bố 24 điều “ Huấn dân đại cáo ” ( 24 điều cốt yếu để giảng dạy, tuyên truyền trong dân ) .

Hơn 33 năm sau, năm 1499, con ông, vua Lê Hiến Tông lại trân trọng nhắc lại những điều này với mong muốn cho “ đạo đức ngày một tiến, phong tục ngày thêm hay ”, “ việc trị an được lâu dài, công nghiệp tiến lên mãi mãi ” .

Như vậy là mô hình Nho giáo với những nguyên tắc cơ bản nhất của cương, thường đã được ngưỡi lãnh đạo cao nhất của triều Lê sơ không ngừng vận dụng thành những điều “ huấn ” – khuyên răn vào đời sống xã hội Đại Việt, coi đó là việc quan trọng nhằm thiết lập, duy trì trật tự kỉ cương xã hội.

Có thể thấy rằng tinh thần Nho giáo mà Lê Thánh Tông muốn phổ cập xuống đến tận gia đình, cơ sở của xã hội, mang đậm yếu tố Lễ. Con người sống với nhau ít bằng tình thương yêu mà thông qua hoặc thể hiện qua những quy phạm, công thức. Đó là khuôn mẫu, nó có thể đem lại một trật tự ổn định, song nếu sử dụng quá mức “ Lễ sẽ thành đầu mối của hỗn loạn ” ( Lão Tử – Đạo Đức kinh ) .



6. Nhà nước Lê sơ từng bước xây dựng theo hướng trung ương tập quyền và đạt tới mức độ cao vào triều Lê Thánh Tông


Những nội dung, hoàn cảnh lịch sử trên chính là tiền đề, điều kiện vật chất – xã hội, tư tưởng, tác động mạnh đến khuynh hướng tập quyền chuyên chế của thời Lê sơ. Và đến thời Lê Thánh Tông thì những điều kiện đó hội tụ, chín muồi. Thông qua hàng loạt biện pháp cải cách liên tục và lâu dài, bộ máy nhà nước thời Lê sơ ( triều Lê Thánh Tông ) đã đạt đến tổ chức nhà nước quân chủ tập quyền mạnh. Đó là nhà nước quân chủ, quan liêu, chỉ huy quản lý và can thiệp vào mọi mặt đời sống của dân chúng từ kinh tế, chính trị cho đến xã hội, tư tưởng.

Trong 2 năm 1465 – 1466 , thông qua việc đổi tên, lập thêm cơ quan mới, thực chất là tách 6 bộ ra khỏi Sành thượng thư để hình thành 6 cơ quan riêng biệt phụ trách các mặt công việc khác nhau của triều đình, chịu trách nhiệm thừa hành các công việc cụ thể được quy định trước vua.

Các cơ quan này dù trách nhiệm cụ thể khác nhau nhưng “ lớn nhỏ lại ràng buộc nhau ” trong quản lí, điều hành, thực hiện các công việc chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa xã hội. Lục khoa là các cơ quan thanh tra, giám sát quan lại. Bộ Lễ nghi thức không hợp thì lễ khoa được phép đàn hặc, bộ Hộ thì có hộ khoa giúp đỡ, hình khoa xét lại, thẩm đoán của bộ Hình ..... Lục tự phụ trách các công việc phụ .....

– Bãi bỏ chế độ sử dụng các vương hầu quý tộc và các trọng chức của triều đình, lấy trình độ học vấn Nho giáo làm tiêu chuẩn. Các thân vương, công hầu, công chúa được ban cấp hơn hẳn các quan chức song nếu không đỗ đạt thì không được làm quan.

– Cùng và tiếp sau cải tổ bộ máy triều đình trung ương, năm 1466 triều Lê Thánh Tông chia lại các đơn vị hành chính trong cả nước thành 12 đạo thừa tuyên, nhưng các thừa tuyên không có chức quan đứng đầu cai quản tất cả mà có 2 ty : Đô ty trông coi việc quân sự, an ninh ; Thừa ty trông coi hành chính, tư pháp. Năm 1471, sau lần mở mang lãnh thổ về phương Nam, triều Lê đặt thừa tuyên Quảng Nam, tăng ở các thừa tuyên ty coi giữ việc giám sát, đàn hặc, xét hỏi, khảo khóa.

Đến đây thì mỗi thừa ty đều có 3 ty ngang quyền nhau, chịu trách nhiệm trước triều đình theo hàng dọc.

Đến năm 1490, khi đổi thừa tuyên thành xứ, ngoài phủ Trung Đô thì cả nước có 13 xứ : Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc, hải Dương, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Lạng Sơn, An Bang, Thuận Hóa, Quảng Nam bao gồm 53 phủ, 178 huyện, 50 châu, 20 hương, 36 phường, 6851 xã, 322 thôn. 637 trang, 40 sách, 40 động, 30 nguyên, 30 trường.

Như vậy, qua cơ cấu tổ chức, triều Lê Thánh Tông đã tạo ra hệ thống hành chính thống nhất từ trên xuống, gắn địa phương với trung ương vừa nhắm tới mục tiêu tập trung quyền lực, chỉ đạo của vua, hạn chế xu hướng li tâm, vừa phân chia chức trách, giảm thiểu sự chồng chéo của các cơ quan, địa phương.

Mục tiêu quản lí đất nước, định hướng, cải tổ bộ máy chính quyền được triển khai như trên, theo quan niệm của Lê Thánh Tông là : “ Đồ bản, đất đai ngày nay so với trước đã khác xa nhau, ta cần phải tự mình giữ quyền chế tác hết đạo biến thông ” ; “ Cốt để quan to, quan nhỏ cùng ràng buộc nhau, chức trọng, chức thường kìm chế lẫn nhau, uy quyền không lạm dụng, lẽ phải không bị lung lay, khiến mọi người có thói quen theo đạo giữ phép không lầm lỗi làm trái nghĩa ”.

Theo Quan chế tổng mục trong Dư hạ tập thì vào năm 1471 tổng số quan lại là 5370 người. Đánh giá bộ máy quan liêu thời Lê Thánh Tông, một nhà nghiên cứu nước ngoài đã nhận xét : “ Có trình độ chuyên môn hóa cao hơn hẳn các nước khác trong khu vực Đông Nam Á và thậm chí ngay cả ở Phương Tây thời trung cổ cũng không biết đến một chính quyền với các cơ quan chức năng hoàn chỉnh đến như vậy ”.

Quá trình tập trung, hoàn thiện bộ máy quan liêu ấy làm nảy sinh và song hành quá trình sau đây :



7. Triều Lê sơ từng bước đi đến pháp điển hóa tối đa mọi quan hệ kinh tế – chính trị – xã hội


Đường lối trị nước của nhà Lê không phải là phát minh đột xuất mà có những nguồn cội lịch đại, đồng đại, chịu những tác động trong, ngoài.

Từ Lê Thái Tổ đã quan tâm “ ấn định luật lệ, chế tác lễ nhạc, xây dựng quan chức, thành lập phủ huyện ” , qua Lê Thái Tông “ bên trong ức chế quyền thần, bên ngoài đánh dẹp di địch, trọng đạo sùng Nho, mở khoa chọn kẻ sĩ ”. Lê Thánh Tông là sự kế thừa tiếp nối, phát triển lên đỉnh cao những quan điểm chính trị của các nhà vua Lê trước.

Trong cuộc đời làm vua, Lê Thánh Tông nhất quán quan điểm tăng cường vai trò cá nhân triệt để, toàn năng, điều hành bộ máy nhà nước cực quyền, toàn trị.

Quan điểm và định hướng này, một mặt có liên quan đến cá tính, tài năng, phẩm chất cá nhân Lê Thánh Tông. Là vị hoàng đế đầy tự tin, có phần tự cao, kiên định ý chí, quyết đoán, ông can thiệp vào và trực tiếp điều hành ở mức tối cao tất cả mọi mặt của triều đình và hàng ngũ quan liêu, không thông qua vai trò của tể tướng đầu triều như các triều đại khác. Việc trực tiếp ra chỉ thị, khen thưởng, quở trách, hạ nhục, trừng phạt các triều thần là chuyện bình thường của Lê Thánh Tông.

Nhưng điều quan trọng để tiến tới thể chế hóa các quan hệ xã hội là nó được dựa trên những trụ cột vững chắc của chế độ : Hệ thống quan liêu hoàn chỉnh, quân đội mạnh, pháp luật cụ thể, nghiêm ngặt và hệ tư tưởng lễ giáo chặt chẽ.

– Như tín đồ nhiệt thành của chủ nghĩa quy phạm khi Lê Thánh Tông tuyên bố : “ Người ta sở dĩ khác loài cầm thú là vì có lễ để làm khuôn phép ” . Trong cuộc đời làm vua gần 40 năm, theo thống kê chưa ( và thật khó ) đầy đủ thì Lê Thánh Tông trực tiếp ra đến 148 lệnh chỉ, sắc dụ từ những việc tầm vĩ mô, từ trung ương tới địa phương ( như luật pháp triều đình, hương ước của làng xã ) đến những việc rất tỷ mỉ của mọi mặt đời sống của quan liêu, dân chúng ( cách thức hôn thú, tang ma, mũ áo, xưng hô, đi đường, tâu bày, quỳ lạy ..... ) .

Quá trình thể chế hóa, quan liêu hóa ngày một rộng sâu trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội như trên dẫn đến khuynh hướng, một thực tế tiếp theo trong xã hội thời Lê sơ là :



8. Chính quyền ngày càng quan liêu, xa dân


Đã lùi vào quá khứ thời kì “ Dựng gậy làm cờ, tụ tập khắp bốn phương manh lệ. Hòa rượu mời lính, trên dưới một dạ cha con ” ( Bình Ngô đại cáo ) với những hình ảnh cụ thể, sinh động của 10 năm kháng chiến chống quân Minh : “ Vừa đem quân đến, già trẻ tranh nhau đem trâu rượu đến đón và khao quân ” ; “ Những châu huyện nào chúng ta đi tới đâu không được mảy may xâm phạm của dân. Nếu không phải là trâu bò, thóc lúa của ngụy quan thì dẫu đói khát khốn khó đến đâu cũng không được lấy bậy ” ; “ quân lính đã ba ngày không được ăn mà vẫn không có ai vi phạm lệnh đó. Dân thấy pháp lệnh ban ra và thi hành nghiêm ngặt như vậy liền đem hết trâu bò, thóc lúa của giặc Minh cấp cho quân lính , đến châu huyện nào, người ta đều nghe tiếng mà quy phục ” , “ Nhân dân trong vùng dắt díu nhau tới đông vui như đi chợ, vua vỗ về phủ dụ, mọi người đều hân hoan vui vẻ ” ; “ Quân ta đi đến đâu đều không mảy may xâm phạm của dân, chợ búa không thay đổi hàng quán, chỗ nào cũng vui mừng tranh nhau mang trâu, dê, cơm, rượu đến khao quân lính ”.

Bấy giờ trong các lệnh chỉ, sắc dụ của vua, văn bản của quan vẫn nhắc thậm chí ngày một nhiều đến dân. Chẳng hạn :

Năm 1437 : Vua xuống chiếu “ mấy năm nay hạn hán sâu bọ liên tiếp xảy ra, tai dịch có luôn, phải giảm bớt hình phạt, giảm thuế khóa để yên lòng dân ” .

Năm 1438 : Cũng vì chuyện thiên tai liên miên mà xuống chiếu tự hỏi “ ..... Nhiều công trình thổ mộc để sức dân mỏi mệt, thuế khóa nặng nề mà dân túng thiếu ? ”

Năm 1443 : “ ..... nhiễu hại dân chúng nên hại đến hòa khí chăng ? ”

.....v.....v .....



Năm 1437 Nguyễn Trãi đã khẩn khoản và cảnh báo : “ Xin bệ hạ yêu muôn dân để chốn xóm thôn không còn tiếng oán hận buồn than ”.

Nhưng, oái ăm thay, càng nhắc đến dân, coi việc yên dân thành mục đích phấn đấu cai trị chăn dắt của triều đình thì càng quan liêu, càng xa dân và điều cảnh báo của Nguyễn Trãi ngày một thêm rõ rệt.

Từ hình thức dễ nhận ra :

Năm 1435 : Người giữ tiền bạc sổ sách của cả nước thì chậm trễ hoặc gây khó dễ, thuế đáng thu hay đáng miễn thì không chịu phê tâu dứt khoát để làm khổ dân. Người coi quân thì không thương dân, mượn đồ của dân vứt bỏ bừa bãi đến nỗi hỏng, mất, đến khi có việc thì lại hạch sách. Kẻ coi dân thì chỉ vụ lợi riêng, không lo nuôi dưỡng dân hoặc tha cho người giàu, bắt tội người nghèo ”.

Năm 1437 : Vua yết Thái miếu bãi trò hát chèo, không tấu dâm nhạc nữa.

Năm 1448 : Vua về Lam Kinh. Dân Thanh Hóa thấy xa giá đến, trai gái đem nhau tới hát rí ren ở hành tại, tục hát rí ren này, một bên con trai, một bên con gái dắt tay nhau ca hát có lúc tréo chân, tréo cổ nhau gọi là cắm hoa, kết hoa, trông rất là xấu. Đài quan Đồng Hanh Phát bẩm với Thái úy Khả : “ Đấy là thói dâm, tục xấu, không thể nhảm nhí trước xa giá. Khả lập tức sai cấm hẳn ”.

Năm 1465 : Cấm bọn con hát không được giễu cợt cha mẹ quan trưởng.

....v....v.....


Đến tình hình thực tế :

Năm 1434 : Có tình hình được phản ánh trong lệnh chỉ là : “ Quân nhân đều tâu báo vượt cấp, cấu kết với nhau để đi kiện người, bỏ phế mọi việc của dân, quấy rối triều đình không gì tệ hơn ”. Và quy định : “ Từ nay quân hay dân nếu có vụ kiện nào nhỏ thì cho tới xã quan của xã mình mà trình bày, xã quan không giải quyết được mới lên huyện. Huyện không được mới lần lượt lên lộ, lên phủ. Phủ không giải quyết được bấy giờ mới tâu lên. Các vụ kiện ruộng đất cũng thế. Các quan xét xử phải công bằng không được nhận đút lót để làm sai ”.

Năm 1448 sau khi điều tra ở Ngũ hình viện từ năm 1444 đến 1447 thì còn đọng tới 125 án.

Các năm sau : 1451, 1456, 1460, 1466, 1467 ..... vẫn liên tục nhắc nhở đến tình hình án đọng lâu và ra những quy định về thời hạn xét các vụ kiện tụng. Tuy nhiên, tình hình vẫn chẳng khá hơn, thậm chí vào năm 1460, khi quy định từ nay về sau xét thêm việc kiện tụng phải mỗi tháng 3 lần trình lên coi đó là định chế lâu dài, hình quan vẫn chống chế rằng : “ Sợ rằng hình án nhanh thì khinh xuất có thể dẫn tới oan uổng, vì thế phải để chậm mà suy nghĩ cho chín, thẩm định lại cho tường ”. Năm 1465 : “ Dân chúng thựa kiện phiền toái, sổ sách giấy tờ làm vội, quan không thể soi xét hết được ” .

– Trong một lệnh cấm năm 1484 , sau nhiều lần cấm tình trạng ức hiếp dân, mua rẻ bán đắt của bọn có quyền lực thì vẫn không có gì thay đổi : “ Việc mua bán ức hiếp đã có lệnh cấm rất nghiêm mà các nhà quyền hào vẫn chưa thay đổi, hại dân chúng hỏng chính sự không gì bằng. Các nhà sắm sửa lễ vật cưới xin, nếu mua bán ở chợ dân gian, hàng hóa lớn nhỏ phải theo thời giá, không được quen thói gian ngoan như trước, ỷ thế cậy oai mua hiếp cướp đoạt của dân ” .

Năm 1471 sau 12 năm lên ngôi, trong sắc dụ các quan thừa tuyên phủ huyện Sơn Nam, Lê Thánh Tông nêu tình trạng : “ Bọn các ngươi giữ trọng trách ở một địa phương, thân yêu dân là trách nhiệm ..... lại chỉ chăm chăm làm những việc roi vọt, sổ sách ” .

Năm 1485, trong sắc dụ không phải cho riêng một xứ nào mà cho tất cả quan Thừa, Hiến, phủ huyện, châu các xứ trong cả nước, Lê Thánh Tông đã “ kiểm điểm ” tình hình : “ Trẫm từ khi lên ngôi cho đến bây giờ, tất cả những phép dạy dân nên phong tục tốt, những việc dấy lợi trừ hại cho dân không điều gì không nói rõ trong các huấn dụ ..... Thế mà của cải của dân vẫn chưa được dồi dào, phong tục của dân vẫn chưa được sửa tốt , phải chăng do bọn ngươi chỉ lấy sổ sách làm việc gấp mà coi giáo lệnh chỉ là mớ hư văn, xem ước hẹn, hội họp là cần trước tiên mà để phong tục của dân ra ngoài suy nghĩ ” . Đấy không chỉ đơn giản là sốt ruột của một ông vua sau tròn một phần tư thế kỷ lên ngôi, tiến hành cải cách, xây dựng đội ngũ quan lại, cách thức cai trị mà còn phản ảnh cả một thực trạng.

Quan liêu, xa rời dân trong suốt từng ấy năm không những không được khắc phục mà còn lan rộng. Tình trạng “ bệnh ” quan liêu là thuộc tính nảy sinh, lây nhiễm, phát triển của kiểu thức quản lí hành chính này.




KẾT LUẬN


Không nghi ngờ gì, thời Lê sơ mà tập trung là giai đoạn Lê Thánh Tông trị vì, chế độ phong kiến nhà nước quan liêu đã đạt tới sự ổn định, kỉ cương và thịnh trị thường vẫn được coi là bậc nhất trong chế độ phong kiến Việt Nam. Thế kỉ XV như là thế kỉ cổ điển của chế độ nhà nước quân chủ phong kiến quan liêu.

Đương thời cũng như hậu thế, các sử gia phong kiến hay hiện đại đều có chung một đánh giá về sự ổn định và thành tựu của nhiều lĩnh vực trong giai đoạn của vua Lê Thánh Tông.

Tuy nhiên, chỉ không đầy một thập kỷ sau khi Lê Thánh Tông qua đời, triều đình nhà Lê rơi vào cảnh hỗn loạn suy thoái dẫn đến sự thay thế triều Lê sơ bằng chính quyền nhà Mạc. Như thế, sự anh minh, quyết đoán của một vị vua, cùng với bộ máy hành chính quan liêu ngày càng được tổ chức quy củ, một hệ thống luật pháp chặt chẽ và cứng như thời Lê Thánh Tông rõ ràng là rất dễ “ vỡ ”, dễ “ gẫy ” ( chưa đủ hay là chưa thật phù hợp ) , chưa hội đủ các yếu tố tự thân tạo khả năng thích ứng với sự vận động tiếp tục tất yếu của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội để trở thành bảo đảm bằng vàng cho sự tiếp tục ổn định, phát triển bền vững một chế độ, một xã hội.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét