Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012
Thụy Sĩ sẽ thôi 'nghỉ chợ Chủ Nhật ' ?
( BBC tiếng việt )
Tâm Phan
Viết cho BBC từ Geneva
7 / 12 / 2012
Ngày 4/12/2012 Thượng viện Thụy Sỹ đã thông qua việc cho phép shopping vào ngày Chủ nhật ở nước này.
Đây là một tin vui tôi đã ngóng đợi suốt năm năm nay mặc dù đó mới chỉ là một nửa Nghị viện của Thụy Sỹ đồng ý.
Người Việt Nam ta chắc phải kinh ngạc vì "tại sao lại không thể mua sắm vào ngày Chủ nhật ?
Đương nhiên Chủ nhật là ngày thảnh thơi nhất để đi shopping chứ?
Nhưng không! Liên đoàn lao động ở đây rất mạnh.
Họ bảo vệ người lao động đến mức tối đa. Họ cho rằng mở cửa các cửa hàng, siêu thị vào ngày Chủ nhật là bắt nhân công phải làm việc khi những người khác được nghỉ ngơi.
Như vậy là bất công bằng, là lạm dụng người lao động.
'Con chiên ngoan đạo'
Ngoài việc bảo vệ người lao động, tôn giáo cũng đóng vai trò quan trọng không kém.
Phần lớn người dân châu Âu theo đạo Thiên Chúa, riêng ở Thụy Sỹ người theo đạo Thiên Chúa chiếm gần 80% dân số.
Đối với những người theo đạo thì ngày Chủ nhật là ngày của Chúa.
Sáng Chủ nhật, các con chiên ngoan đạo đều đi lễ nhà thờ và đó là truyền thống từ hàng trăm năm nay ở Thụy Sỹ.
Tuy nhiên, những chủ cửa hàng, trung tâm thương mại lớn ( phần lớn là người Do Thái ) yêu cầu chính phủ cho phép hoạt động kinh doanh vào ngày Chủ Nhật.
Đối với họ thì thêm một ngày bán hàng là một ngày tăng thêm lợi nhuận.
Việc tranh cãi cho phép hay không phép mua sắm vào ngày Chủ nhật đã trở thành một vấn đề dai dẳng và khó thỏa hiệp cho cả hai bên.
Thụy Sỹ là một quốc gia dân chủ, mọi quyết định đều được thực hiện từ đại đa số phiếu bầu của người dân.
Vì vậy, tháng 11/2005 Thụy Sỹ đã có một bước tiến nhỏ là cho phép các cửa hàng ở sân bay, nhà ga xe lửa trung tâm được hoạt động vào ngày Chủ nhật. Quyết định này nhờ số phiếu bầu của người dân Thụy Sỹ (50.6%) nhưng tỉ lệ phiếu chống cũng sát nút (49.4%).
Hầu hết những phiếu thuận đều từ những thành phố lớn như Zurich, Basel, Geneva, trong khi những phiếu chống đều từ nông thôn, với sự ủng hộ của Liên đoàn Lao động và Giáo hội.
Thói quen
Nhớ lại cách đây năm năm (2007) khi tôi mới tới Thụy Sỹ, cứ mỗi Chủ nhật tôi lại "vò đầu bứt tóc" với những câu hỏi: Tại sao tất cả mọi cửa hàng cửa hiệu đều đóng cửa?
Tại sao đường phố vắng tanh? Mọi người đi đâu hết rồi? Một cảm giác vô cùng cô đơn trống trải khi một mình tôi đứng giữa con phố dài không một bóng người vào ngày Chủ nhật.
Ở châu Á, Chủ nhật là thời gian tụ họp gia đình và vui chơi cộng đồng, là lúc đường xá bận rộn nhất trong tuần, nhà nhà đi chơi, người người kéo nhau ra đường, rộn ràng shopping.
So sánh thói quen sinh hoạt giữa châu Âu và châu Á, ta thấy đây quả là một sự đối lập hoàn toàn.
Anh Simon, chồng tôi, là người Úc, đã từng quen với việc ăn bốc cơm cà ri ở Ấn Độ, sử dụng đũa gắp thức ăn thành thạo ở Việt Nam nhưng sang Thụy Sỹ anh cũng không tránh khỏi bị shock Văn hóa.
Những tuần đầu ở Thụy Sỹ, anh lúng túng không biết xoay sở thế nào khi các siêu thị mở cửa vào giờ anh đi làm và đóng cửa khi anh tan sở.
Anh không biết phải đi chợ mua thức ăn vào lúc nào khi ngày Chủ nhật thì cả thành phố đóng cửa, đường phố vắng tanh không một bóng người.
Như vậy thời gian shopping duy nhất trong tuần là vào thứ Bảy.
Mọi thứ trở nên hạn hẹp và vì chỉ được shopping một lần một tuần nên anh phải viết sẵn thực đơn mỗi bữa mỗi ngày trong tuần để mua thực phẩm dự trữ.
Việc shopping vào ngày thứ Bảy trở thành một công việc nặng nề và đầy áp lực, như thể áp lực công việc ở cơ quan vẫn chưa đủ vậy.
Điều này có lẽ chỉ xảy ra với người nước ngoài ở Thụy Sỹ vì thói quen đi lễ nhà thờ ngày Chủ Nhật của người bản xứ đã trở thành truyền thống.
Họ thảnh thơi với việc đi shopping một lần mỗi tuần vào ngày thứ Bảy.
Nó đã trở thành thói quen sinh hoạt của cả một Xã hội từ hàng trăm năm nay và không dễ gì phá bỏ.
'Đất nước xinh đẹp'
Từ khi sống ở châu Âu, tôi hiểu ra một điều rằng, một quốc gia văn minh không có nghĩa là họ phải từ bỏ truyền thống.
Tuy nhiên, đến một ngưỡng thời gian nhất định, bắt buộc những con người văn minh phải nới lỏng truyền thống để bắt kịp với thời cuộc.
Năm 2008, khủng hoảng tài chính toàn cầu đã kéo theo suy thoái kinh tế Thụy Sỹ.
Hàng loạt các ngân hàng lớn của Thụy Sỹ báo cáo thua lỗ, cho tới cuối năm 2009 thì tổng số người thất nghiệp ở Thụy Sỹ đã lên tới 172.740 người, đưa tỉ lệ thất nghiệp lên 4.4%, Bấm cao nhất kể từ năm 1998.
Lần này tôi lại "vò đầu bứt tóc" với câu hỏi: Tại sao không cho shopping vào Chủ Nhật khi việc các shop mở cửa sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, thu hút ngoại tệ từ khách du lịch, thúc đẩy tăng trưởng Kinh tế?
Thụy Sỹ là một đất nước xinh đẹp, có nhiều tiềm năng du lịch như vậy mà không biết tận dụng ngày Chủ nhật thì thật uổng phí.
Khách du lịch tới Thụy Sỹ nghĩa là họ có tiền, sẵn sàng tiêu tiền, sẵn sàng mua những món quà xa xỉ như đồng hồ Thụy Sỹ và những hàng hiệu cao cấp khác của Thụy Sỹ.
Nhưng nếu họ tới Thụy Sỹ nhằm ngày Chủ nhật thì tất cả các cửa hàng cửa hiệu đều đóng cửa. Họ không thể tiêu tiền ở Thụy Sỹ thì tất yếu họ sẽ sang những nước lân cận như Pháp, Đức, Ý để tiêu tiền.
Như vậy Thụy Sỹ đã để lỡ cơ hội thu hút ngoại tệ mà lẽ ra nó đã có thể giúp vực lại nền Kinh tế.
Dù sao thì tôi không phải là một nhà hoạch định chính sách, hay có bất kỳ ảnh hưởng nào tới guồng máy Kinh tế - Xã hội của Thụy Sỹ.
Những câu hỏi của tôi cũng chẳng có ai giải đáp dùm mà tôi tự khám phá và tìm được câu trả lời.
Năm năm trời tôi đã học thói quen sinh hoạt của người Thụy Sỹ và mọi thứ trở nên dễ dàng hơn.
Giờ đây tôi không có gì phải phàn nàn nữa. Tôi tôn trọng những quyết định của chính phủ và người dân Thụy Sỹ.
Tôi tin rằng những quyết định đó phục vụ cho cuộc sống của họ tốt hơn và họ hiểu điều đó hơn ai hết.
Mong rằng một nửa kia của Nghị viện là Hạ viện cũng sẽ sớm thông qua việc shopping vào ngày Chủ nhật. Tôi cảm thấy mình tự hào như một công dân của Thụy Sỹ vậy.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét