Trang

Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014


1 bài viết tâm tư tình cảm về nghệ thuật nhẹ nhàng và có chút phiêu du lãng đãng, trong tựa đề có từ " Mây trắng " , không biết có phải là lấy từ ý thơ “ Đời phiêu lãng ” của nhà thơ Hàn Mặc Tử không nhỉ :


" Mây trắng ngang trời bay vẩn vơ 
Đời anh lưu lạc tự bao giờ 
Đi đi .... đi mãi nơi vô định 
Tìm cái phi thường cái ước mơ " .



Hội chứng “ Giã từ mây trắng ” trong sáng tác 


( trích từ : soi.today )




Lúc nhỏ, con người ta hay nhìn lên trời, tìm những câu trả lời bí ẩn về nơi sinh ra linh hồn mình. Càng lớn, người ta càng ít nhìn lên trên cao mà phải nhìn xuống dưới đất. Vì phải cắm mặt mà đối phó với đất đai, cuộc sống, xã hội và ..... những người khác. Lơ mơ một chút là ăn đòn ngay. Tạm gọi quá trình con người buộc phải lớn lên và loãng đi đó là một quá trình “ giã từ mây trắng ” .


Đa số con người phải bận bịu với “ sản xuất vật chất ” như thế. Nên có người, rất nhiều người là đằng khác, mây trắng đã bốc hơi chui hết ra khỏi con người họ từ lâu. Đời sống của họ hầu hết là quá trình vận hành của “ vật dục ” thuần túy. Nhưng đa số nhân loại, hầu như ai cũng còn một chút mây trắng lẩn quất ở đâu đó trong đầu. Một số người may mắn ( hoặc không may mắn ? ) có lượng mây trắng trong đầu nhiều hơn người khác. Họ trở thành những người có máu phiêu lưu, hoặc làm nghệ thuật, hoặc làm khoa học. Với một “ định mệnh ” như giời đầy hoặc như có một động cơ nào đó “ dúi ” người đó làm mọi việc ấy theo một định hướng mênh mông bất định. Tạm không nói đến vẻ đẹp của khoa học và những chuyến phiêu lưu, thì vẻ đẹp của nghệ thuật có rất nhiều phẩm chất có lẽ cần phải đạt đến độ ..... như mây trắng. Huyền ảo, mênh mông, cao thượng, cất lên từ chính hiện thực nhưng đứng trên mọi lý lẽ của đời sống, bay trên đầu nhân gian. Văn hào Nga Doxtoevski nói “ cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới ” là vậy.

Vậy thì những người làm nghệ thuật chúng ta ( cụ thể là nghệ thuật tạo hình ) ở đây nên làm sao ? Có lẽ chỉ có một điều là đã trót sinh ra để làm nghệ thuật, nhất là những người trẻ, thì đừng có “ giã từ mây trắng ” nhanh quá. Con người bình thường tiêu dùng nghệ thuật là để “ nâng cánh ” cho đời sống tâm hồn mỗi người, do vì họ bận kiếm chác và đánh nhau nên trữ lượng mây trắng còn không nhiều. Người mua tranh ( trừ người buôn bán ) là bởi lý do họ muốn mua trong tranh điều gì ấy người ta không có hoặc có ít. Ấy là mây trắng. Vẽ tranh mà đầu óc cũng chỉ trần tục và hì hụp ngụp lặn với vật dục như người bình thường khác thì sản phẩm ấy, người ta mua làm quái gì. Treo lên trông phát khiếp. Người làm nghệ thuật nên thường xuyên ngước nhìn lên trời nhiều hơn người khác một chút. Có thế mới mong “ khá ” được.

Vừa rồi tôi được gặp 2 người. Một là họa sĩ còn rất trẻ, rất nhiều tài năng và cách tư duy khá “ quái ”. Anh cũng chưa nổi tiếng, được nhiều người biết, mà mới chỉ giật được một hai giải thưởng nghệ thuật “ vặt ” . Tranh anh vẽ hầu hết được các nhà buôn nghệ thuật mua “ mớ ” từ khi màu mới ráo, và tác giả được một cục tiền để sống khá tự do. Nhưng có cảm giác như anh vẫn còn nhiều hoang mang, tôi phân tích với anh rằng anh chưa “ phổ ” được cái lượng mây trắng anh được trời cho ấy vào tâm hồn số đông mà mới chỉ bị một số người có tiền chiếm hữu số mây trắng ấy làm của riêng. Có lẽ thế nên anh chưa yên tâm là phải.

Rồi gần đây, vì việc làm báo, tôi có được đến nhà một đàn anh rất thành đạt về việc bán tranh trong thời điểm những năm 90. Thẩm mỹ trong tranh của anh là loại thẩm mỹ bình dân, dễ hiểu, hơi có yếu tố “ lạ hóa ” một chút, treo trong những nội thất hiện nay để trang trí thì khá màu mè dễ nhìn. Có lẽ vậy nên loại tranh này bị chép, và nhái khá nhiều. Còn với tác giả thì lối tranh đó đem lại một cuộc sống khá ổn và dễ chịu, đến bây giờ mặc dù thị trường sa sút nhưng anh vẫn bán được tranh như thường. Sáng tác của anh gần 20 năm vẫn cùng một phong cách từa tựa như vậy, không có gì thay đổi nhiều lắm. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất, là khi được họa sĩ chủ nhà dẫn đi xem một số tranh cũ thì mới giật mình nhận ra rằng lúc mới vào nghề anh vẽ rất đẹp, tranh của anh từng có rất nhiều “ mây trắng ” nhưng hình như anh cũng đã sớm từ bỏ mây trắng ấy rồi. 

Điều còn lại trong những bức tranh từ đó về sau này là một cái gì đó giông giống, tiệm cận, nhưng không còn là mây trắng nữa, mà giống như lớp kem trắng phủ trên bánh ga-tô ..... Và nghệ thuật của anh cũng không “ lớn ” được thêm bao nhiêu, mặc dù anh thì có già đi. Đó là một ví dụ về bài toán của sự lựa chọn, đáng để các thế hệ nghệ thuật sau suy nghĩ khá nhiều. Điều đã từng xảy đến với không chỉ một vài trường hợp có tiếng có tăm.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét