Trang

Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014




Đổi sách



( minhthi.net )




Tặng một người bạn của tôi, vì ý tưởng truyền cảm hứng của chị. 

Tôi đã đổi một cuốn sách mới và dày cộp lấy cuốn sách cũ, mỏng và rách bìa này khi tới Book Box tại hội chợ sách Nhã Nam ở hồ Thiền Quang. Thế nhưng tôi vẫn thấy rất lãi.


Sách được xuất bản vào tháng 11 năm 1992, có tên là “ Sách lịch kiến thức phổ thông 1993 ” của NXB Khoa học và Kỹ thuật. Một cuốn sách quá cũ, cách đây đã hơn 21 năm. Hai mươi mốt năm, tuổi đời của cuốn sách còn dài hơn số tuổi của nhiều tình nguyện viên nhóm Book Box, trong đó nhiều em chỉ mới 17, 18 tuổi.



Cuốn sách là tổng hợp kiến thức và thông tin ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ chuyện các vĩ nhân, nhà khoa học nổi tiếng thế giới, cách ăn mặc của người thành đạt đến sự thay đổi khí hậu ở nước ta, bàn luận về kiến trúc hậu hiện đại, và cả quy hoạch Hà Nội đến năm ....... 2000. Cuốn sách còn có cả chữ ký của chủ nhân cũ, một người có tên là Thanh Dũng. Tôi đoán rằng đây là một người đàn ông ở độ tuổi trung niên, và có thể con của chú ấy, một tình nguyện viên của nhóm, đã mang sách đến.

Tôi lật giở cuốn sách ấy, và cảm thấy xúc động sao đó khi nhìn cách trình bày bìa và minh họa cũ kỹ của nó. Cảm giác ấy giống như lúc tôi tìm lại và ngắm nghía những cuốn sách cũ trong tủ sách của bố. À mà không, thực ra tôi còn xúc động hơn, vì sách của bố thì tôi chí ít đã lật qua một vài lần, nếu như chưa đọc. Cầm cuốn sách của người khác, một người xa lạ trong tay mình, tôi mới cảm thấy một quãng thời gian thật dài của đời người đã trôi qua. 20 năm đủ biến một chàng trai trẻ thành một người đàn ông trung niên. 20 năm đã biến tôi trở thành một phụ nữ tạm - gọi - là trưởng thành từ một cô bé ( dù cho tôi vẫn chưa quen với điều ấy lắm, tôi có cảm giác mình mới qua tuổi dậy thì ngày hôm qua, hoặc tôi chưa bao giờ vượt qua quãng thời gian đó, giống như một người bạn của mình ) . Đằng sau một cuốn sách, là biết bao trìu mến và trân trọng. Đằng sau một cuốn sách, có thể còn là những kỷ niệm, có thể còn là tình yêu, là đau buồn, là hy vọng, là nước mắt.

Như hôm qua, lúc tôi soạn lại tủ sách để tìm kiếm sách cũ quyên góp cho BB, tôi đã nghĩ mình sẽ bỏ đi một cuốn sách do một người tặng lại mình. Tôi biết rằng 99% mình sẽ chẳng đọc cuốn sách ấy đâu, vì nó không thuộc thể loại mà tôi yêu thích. Thế nhưng tôi không sao bỏ qua nó được, chỉ vì trong đó có đề hai chữ “ For u ” bằng bút chì. Điều đó khiến tôi nhớ lại, là người đó thường hay đề tặng sách bằng bút chì cho tôi, vì sợ nét bút bi sẽ làm xấu đi cuốn sách. Nghĩ đến điều đó, tôi chợt thấy buồn, vì mình không thể nào bỏ đi cuốn sách, dù biết rằng nhìn vào nó sẽ không làm tôi vui. Tôi chỉ có thể nhét lại sách trong một góc sâu của cái tủ, tạm quên đi sự tồn tại của nó.

Hẳn là tôi đa cảm. Đa cảm thì mới đam mê sách. Mỗi khi mua một cuốn sách về, tôi thường ngắm nghía nó thật lâu, đôi khi còn hít hà mùi giấy, và vuốt ve cuốn sách ấy, như một cách làm quen với người bạn mới.

Đổi sách là một hành động đẹp – ta chia sẻ với người chưa quen điều ta đã có, để đổi lấy điều mình chưa có. Quyên góp sách càng là một nghĩa cử đẹp. Tôi sẽ còn tiếp tục những hoạt động về sách của mình cho đến mãi về sau. Đọc sách, dịch sách, tặng sách, đổi sách ..... mà biết đâu còn là viết sách, khi nào tôi đã già đi và bớt ngu khờ ? Như một duyên phận, tôi sợ rằng mình sẽ gắn cả đời này với sách và báo mất. Và tất cả bắt đầu chỉ bằng những tủ sách mà bố tôi đã gây dựng trong nhà mình. Từ bao giờ, tôi đã không thể sống thiếu những cuốn sách .....




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét