Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014
Điểm khác biệt trong phong cách đồ nướng Nhật Bản và Hàn Quốc
( depplus.vn )
Sự giao lưu văn hóa Hàn Quốc cũng như Nhật Bản ngày nay có ảnh hưởng không nhỏ tới người Việt, ngay cả trong cách thưởng thức ẩm thực. Món nướng phong cách Nhật Bản và Hàn Quốc là món ăn được nhiều người ưa chuộng hơn cả.
Cho dù có khá nhiều nét tương đồng, nhưng món nướng Hàn Quốc và Nhật Bản cũng có nhiều điều có thể phân biệt.
Món nướng Hàn Quốc ( BBQ ) sử dụng các loại rau ( thường là rau diếp ) để gói thịt cùng kim chi, tỏi, cơm ..... ; món nướng trên than của người Nhật Bản ( Yakiniku ) không cuốn thịt kèm rau mà ăn riêng từng loại hoặc nướng kèm với thịt.
Thịt nướng kiểu Hàn Quốc thường được gói trong rau diếp, cùng tỏi, kim chi, cơm .....
Cách gói thịt nướng gọn gàng trong món nướng Hàn Quốc
Món nướng Nhật Bản có rau củ nướng trực tiếp cùng thịt
BBQ Hàn Quốc thường có các món ăn phụ ( banchan ) ăn kèm như kim chi, khoai lang, giá đỗ ..... chấm với nước chấm làm từ đậu tương lên men và ớt gọi là Ssamjang. Yakiniku của Nhật Bản hiếm khi ăn kèm các món ăn phụ, nước chấm thường là dầu với muối và hạt tiêu, nước tương hoặc một loại sốt miso.
Món nướng Hàn Quốc thường có nhiều món phụ ăn kèm gọi là banchan
Món nướng Nhật Bản không ăn kèm nhiều món phụ
Các loại thịt của Hàn Quốc thường được ướp với các loại nước sốt bulgogi ngọt, sốt cay gochulchang trước khi nướng, trong khi thịt nướng chảo Nhật Bản ( Teppanyaki ) thường không dùng gia vị tẩm ướp, đề cao hương vị tự nhiên. Nếu có sử dụng các gia vị ướp, thịt nướng Nhật Bản cũng sử dụng các gia vị được chế biến hoàn toàn từ các nguyên liệu tự nhiên.
Trong phong cách nướng Hàn Quốc, các loại thịt thường được tẩm ướp trước khi nướng .
Món nướng Nhật Bản sử dụng nguyên liệu thịt tươi, không tẩm ướp hoặc tẩm ướp rất ít.
Thịt dùng để nướng ở Hàn Quốc rất đa dạng, có thể bao gồm thịt bò, thịt lợn, thịt gà hoặc hải sản. Thịt bò được coi là loại thịt nướng ngon hơn cả nhưng khá đắt đỏ nên ở Hàn Quốc hiện nay rất phổ biến các món nướng có nguyên liệu từ thịt lợn. Thịt bò nướng được coi là món quà tặng quý giá tại xứ kim chi. Tại Nhật Bản chỉ sử dụng phổ biến thịt bò cho món nướng. Tuy nhiên, các loại thịt và hải sản đôi khi cũng được sử dụng trong một thực đơn cân bằng dinh dưỡng.
Khơi nét lãng mạn từ khăn nhẹ ngày thu
( 2Sao.vn )
Khi cái se lạnh của mùa thu tràn về cũng là lúc bạn gái nên sắm cho mình chiếc khăn quàng nhẹ nhàng. Chiếc khăn nhỏ xinh không chỉ giúp bạn giữ ấm vào những buổi sáng sớm mà còn là phụ kiện mang đến cho bạn gái nét dịu dàng, lãng mạn.
Khăn thu thường được làm từ chất liệu mỏng, nhẹ như voan, tơ tằm, lụa hay đũi ..... Tùy từng loại trang phục mà có sự lựa chọn màu sắc khăn khác nhau. Tuy nhiên những tông màu nhã nhặn luôn là sự lựa chọn phù hợp và dễ mix đồ nhất.
Với những chiếc khăn lụa hay đũi mỏng nhẹ bạn có thể quàng hờ hoặc tạo kiểu tròn quanh cổ.
Bạn gái nữ tính có thể để khăn thả tự nhiên hai bên cũng khá điệu đà và quyến rũ.
Khăn tông màu trầm, họa tiết nhã nhặn giúp bạn dễ dàng hơn khi mix cùng các trang phục khác nhau.
Giường kiểu Nhật cho phòng ngủ thanh lịch
( vnexpress )
Mẫu giường đơn giản thích hợp cho ngôi nhà có thiết kế hiện đại, đồ đạc tối giản và trần nhà không cao.
Ngoài các kiểu giường cao có thể tận dụng để chứa đồ, kiểu giường Nhật thấp cũng được ưa chuộng trong những năm gần đây.
Với các ngôi nhà có trần thấp, đây là giải pháp phù hợp, giúp cho không gian có vẻ thoáng đãng, cao hơn.
Phần giường có thể rộng hơn đệm để tạo ra các khoảng ngồi nghỉ ngơi cho chủ nhà.
Các căn hộ mang phong cách Bắc Âu cũng có thể sử dụng kiểu giường này.
Kết hợp với ga gối trắng, thảm lông, mẫu giường đơn giản tôn lên vẻ sang trọng của phòng.
Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014
Làng Hahoe đẹp diệu kỳ ở Andong
( vnexpress )
Trong lòng tôi thầm hỏi " Bao giờ cho đến Andong ? " . Bao ngày rong ruổi từ Bắc xuống Nam trên đất nước Hàn rồi ..... Tối nay ngồi trên chuyến xe buýt để đến Andong, nhưng lòng vẫn luôn hỏi là bao giờ cho đến .....
Khi xe buýt đến Andong thì trời đã rất tối. Tôi tìm một chỗ nghĩ ngơi và chờ đến sáng mai. Sáng mai là có thể tìm đến ngôi làng có cái tên làm tôi rất tò mò khi mới lần đầu tìm thấy - làng Hahoe. Rồi cuối cùng thì trời cũng sáng cùng với cơn mưa lớn và gió lạnh ! Tôi mặc áo mưa cũng ướt, chân thì vẫn bước đi, mà trong lòng thì buồn thiu. Không biết là trời mưa như thế này thì có vào làng được hay không ? Mỗi ngày có hai chuyến xe buýt để chở khách tham quan từ Andong đến làng Hahoe và tôi đã lên được chuyến xe ấy.
Mưa đã nhẹ hơn một chút ......
Chọn váy thu công sở đẹp thanh lịch
( 2Sao.vn )
Trong những ngày thu thì những chiếc váy liền thân vẫn là duyên dáng nhất cho các cô nàng công sở xúng xính diện đi làm.
Nếu như ngày hè bạn gái thường thiên về chọn váy gam màu sặc sỡ, thiết kế mềm mại bay bổng thì váy ngày thu có phần giản dị hơn nhưng không hề kém phần quyến rũ. Bởi những chiếc váy liền thân mùa thu mang vẻ đẹp duyên dáng, thanh lịch nên đã " lấy lòng " được khá nhiều quý cô công sở lựa chọn.
Một vài mẫu váy liền ngày thu sau đây là gợi ý cho nàng công sở xinh tươi, tự tin mỗi sang bước chân đi làm.
Váy gam màu xám tàn thuốc phù hợp với những cô nàng có làn da trắng.
Nếu ngày thu se lạnh bạn có thể mix thêm váy liền thân cùng với áo khoác len dệt kim nhẹ bên ngoài.
6 món ngon để đời tại Nam Kinh, Trung Quốc
( Kiến Thức )
Tuyệt ngon và không hề đắt đỏ là điểm đặc biệt giúp các món ăn đường phố ở Nam Kinh, Trung Quốc trở nên “ nổi ” như cồn.
Miến tiết ngan. Ngoài những sợi miến trong, dai dai, món ăn không thể thiếu được những lát tiết nhỏ mềm mài cùng đậu phụ, rau sống ăn kèm. Nếu thích ăn cay, bạn có thêm chút tương ớt thưởng thức khi nóng hổi.
Yanshuiya. Yanshuiya chính là tên gọi của người dân dành cho món thịt vịt muối. Không phải thời điểm nào cũng có vịt ngon để ăn. Bạn phải thưởng thức thịt vào mùa thu mới có thể cảm nhận hết “ tinh hoa ” trong từng thớ thịt.
Thời điểm này, vịt thường nhiều thịt, ít mỡ và các thớ thịt chắc nịch. Người đầu bếp sẽ chọn ra những con vịt ngon nhất, làm sạch, xát muối khử mùi hôi rồi tiến hành ướp chúng trong hỗn hợp nước sốt khoảng 2 giờ để gia vị ngấm sâu vào mọi ngõ ngách. Khi ăn, vịt sẽ được hấp chín để có được hương vị thơm ngon, lôi cuốn kỳ lạ.
Bánh bao nhân thịt bò chiên. Bánh bao không quá xa lạ với người dân Việt Nam, Trung Quốc. Vậy nhưng, bánh bao nhân thịt bò chiên tại Nam Kinh lại được chế biến hoàn toàn khác biệt.
Để làm nên món này, các đầu bếp tận dụng lớp bột mì mềm mại bọc lấy phần nhân gồm những lát gừng thái nhỏ trộn với hành tây, thịt và một số gia vị khác. Bánh bao nhân thịt bò Nam Kinh không hấp mà được chiên vàng ươm, giòn tan bên ngoài song vẫn giữ được sự mềm mại bên trong. Món ăn tuyệt ngon khi được thưởng thức lúc nóng hổi.
Gansi. Các nguyên liệu để làm nên món ăn gồm đậu hũ, gà, giăm bông, măng và tôm bóc vỏ. Tất cả đều được thái nhỏ, mỏng khoảng 1mm, chế biến thành món súp với mùi hương quyến rũ.
Bánh hấp. Khác với các loại bánh hấp khác, bánh hấp Nam Kinh có lớp vỏ vô cùng mỏng. Dù vậy, chúng vẫn “đủ sức” để gói gọn lớp nước dùng sánh mịn bên trong. Khi ăn, thực khách nhẹ nhàng cắn một miếng nhỏ để tận hưởng phần nước đặc trưng. Không nên bất cẩn cắn mạnh khiến phần tinh hoa này bị bục, bánh sẽ mất ngon.
Trứng nước hoa. Để có mùi hương quyến rũ, trứng được làm chín bằng cách ninh trong nước dùng chứa hoa hồi, gừng, quế và lá trà thật lâu. Người ta cứ ninh như vậy đến khi gia vị ngấm vào trứng, tạo nên cảm giác ngọt ngào và hương thơm đặc biệt.
Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014
Các món ăn vặt tuyệt ngon mùa thu
( Kiến Thức )
Không mất nhiều thời gian, chỉ cần chuẩn bị quả, muối, ớt và đường .... là bạn có được món ăn vặt chua cay mặn ngọt hấp dẫn.
Sấu dầm. Nguyên liệu chính để làm nên thứ quà này chính là những trái sấu chín vàng, óng ả. Sấu dầm không quá cầu kì nhưng đòi hỏi sự tỉ mẩn khi gọt sạch lớp vỏ bên ngoài, dùng đầu dao nhọn khẽ lách để cắt thành hình xoắn ốc sao cho miếng sấu không bị đứt rời ra.
Sức hấp dẫn của sấu chín dầm muối ớt đến từ lớp vỏ ngoài ngấm gia vị song vẫn giữ được cảm giác giòn tan, vị chua, cay, mặn ngọt hài hòa. Càng để lâu lớp vỏ ngấm đường càng mềm và đậm hơn.
Xoài dầm. Xoài xanh được chọn để dầm phải là những quả dày cùi song không quá già để tránh bị xơ. Nếu chẳng may chọn phải quả quá non, món dầm có vị chua mà không giòn.
Khi thưởng thức, bạn nhanh chóng bị cuốn hút bởi sự kết hợp hài hòa giữa vị chua chua, ngọt ngọt, cay cay và giòn tan nơi miệng.
Cóc dầm. Mùa thu cũng là lúc cóc dầm “ đổ bộ ” vào thực đơn của những cô nàng ưa ăn vặt. Để món ăn giòn ngon đúng điệu, chị em cần thao tác ngâm cóc với đường trước rồi mới đến ngâm với muối nhằm tránh miếng có trở nên mềm nhũn, chảy nước, kém giòn.
Khi ăn, cóc dầm mang lại cảm giác giòn tan, chua cay, mặn ngọt cùng mùi thơm đặc trưng của cóc và gừng tươi.
Ổi dầm xí muội. Để có được đĩa ổi dầm thơm ngon, nên chọn ổi găng không chín quá. Lưu ý, bạn chỉ cần rửa sạch chứ không cần gọt bỏ vỏ ổi bởi như vậy dễ làm giảm mùi thơm.
Khi thành phẩm, miếng ổi giòn thấm đẫm vị chua cay mặn ngọt từ xí muội và ớt bột dễ ăn và vô cùng hấp dẫn.
Tìm hiểu đồng phục của học sinh Hàn Quốc
( maskonline )
Mọi trường trung học trên khắp đất nước Hàn Quốc đều có đồng phục. Đồng phục học sinh là biểu tượng, là dấu ấn riêng của từng trường, đồng thời có tác dụng cải thiện hiệu suất học tập cũng như thái độ của học sinh. Rất nhiều quốc gia trên thế giới có đồng phục học sinh, thế nhưng đồng phục Hàn Quốc lại có ấn tượng mạnh vì sự sáng tạo và cá tính mà nó mang lại.
Lịch sử đồng phục học sinh của Hàn Quốc bắt đầu khi trường trung học Tây phương đầu tiên được xây dựng ở đất nước này. Vào năm 1886, Mary F. Scranton thành lập trường Ewha và cho may bốn bộ đồng phục dành cho bốn học sinh của trường. Ban đầu, bộ đồng phục có màu đỏ, sau đổi thành áo sơ mi trắng mặc cùng váy đen. Trong thời kì Hàn Quốc là thuộc địa của Nhật Bản từ năm 1910 đến 1945, việc mặc đồng phục trở nên rất phổ biến ở xứ sở Kim Chi. Nữ sinh mặc quần tây và áo sơ mi trong khi nam sinh vận trang phục kaki.
Thiết kế đồng phục nam và nữ này được sử dụng trong một thời gian khá dài.
Đồng phục học sinh trong tiếng Hàn gọi là “ gyobok ” . Các trường cấp một ở Hàn Quốc, ngoại trừ vài trường tư thục thì đều không có đồng phục. Tuy nhiên, khi lên cấp hai, mặc đồng phục trở thành một quy định vô cùng nghiêm ngặt của các trường học. Những bộ đồng phục ngày nay ở Hàn Quốc thường rất thời trang, dựa theo phong cách phương Tây với blazer, áo sơ mi, cà vạt, váy ngắn cho nữ và quần dài cho nam. Tuy nhiên cũng có một số trường dùng trang phục truyền thống như là đồng phục khi đến trường.
Đồng phục học sinh có nhiều tác động tích cực. Học sinh cư xử tốt hơn khi mọi người mặc giống nhau, vì vậy học sinh ít gây hấn với nhau, tập trung vào việc học hơn và thấm nhuần được ý thức cộng đồng. Tuy nhiên, bộ đổng phục cũng có một số hạn chế. Thể hiện cá tính là một trong những mong muốn lớn nhất của mỗi người nhưng bộ đồng phục đã làm hạn chế điều đó. Mặt khác, mặc đồng phục không thể thoải mái bằng thường phục là quần jean, áo thun như học sinh ở Mỹ, Australia, ......
Đồng phục Hàn Quốc ngày nay thể hiện cá tính và sự năng động của tuổi trẻ.
Đồng phục học sinh Hàn Quốc tiếp tục thay đổi để phù hợp với khí bốn mùa thay đổi rõ rệt, mùa hè khá nóng và mùa đông thì rất lạnh. Chính vì vậy, nhiều trường có cả đồng phục theo mùa. Ví dụ, một trường có thể có 4 mẫu đồng phục : 2 mẫu dành cho mùa hè, 1 mẫu đồng phục thể dục và 1 dành cho mùa đông.
So với ngày xưa, đồng phục học sinh Hàn Quốc ngày nay được thiết kế để bộc lộ cá tính riêng của học sinh. Do đó, học sinh trông rất nổi bật và phong cách trong bộ đồng phục. Đây là một trong những nét văn hóa và là niềm tự hào về đời sống học đường của sinh viên, học sinh ở đất nước Hàn Quốc.
Đồng phục trường trung học Gwangju.
Những món hủ tiếu hấp dẫn ở Sài Gòn
( vnexpress )
Hủ tiếu sa tế, hủ tiếu hồ hay hủ tiếu cá là nhưng món ít gặp trên phố Sài Gòn nhưng khi đã có dịp thưởng thức bạn sẽ bị cuốn hút và muốn thưởng thức thêm.
Hủ tiếu là món ăn có mặt ở khắp các con phố của Sài Gòn, món ăn dân dã này trở thành nét văn hóa tiêu biểu đặc sắc của người Sài thành. Cùng điểm qua những món hủ tiếu ngon và hấp dẫn ở Sài Gòn
1. Hủ tiếu Nam Vang
Món hủ tiếu này cuốn hút rất nhiều thực khách Sài Gòn. Được biến tấu bởi bàn tay của người Hoa khi du nhập vào Việt Nam nên món ăn có chút khẩu vị thay đổi. Tuy nhiên theo nhiều nhận xét, chính sự biến hóa này đã làm món ăn hấp dẫn, đậm đà và ngon hơn ngay cả du khách có thưởng thức tại Phnom Penh, xứ sở của món ăn này.
Thành phần chính của món ăn là sợi hủ tiếu, lòng heo, tôm, cua, thịt bằm và nước lèo được ninh nhừ từ xương heo. Đặc trưng của món ăn này chính là mùi vị của miếng tỏi phi thơm phức. Cũng nhờ tỏi mà hủ tiếu Nam Vang có vị ngon hầu như không giống bất cứ món hủ tiếu nào có mặt ở Sài Gòn. Bạn có thể thưởng thức tô hủ tiếu đặc trưng này ở bất cứ ngõ ngách nào của Sài Gòn.
Hủ tiếu Nam Vang có mặt khắp các con phố ở Sài Gòn bởi khẩu vị thơm ngon đặc trưng.
2. Hủ tiếu sa tế
Là một món ăn khó tìm nhất ở Sài Gòn nhưng khi đã bắt gặp và thưởng thức qua, thực khách chắc chắn sẽ khó quên hương vị của nó. Hủ tiếu sa tế là đặc sản độc đáo của người Tiều, chỉ được lưu truyền trong cộng đồng này và du khách chỉ được thưởng thức trong những khu người Hoa ở Sài Gòn.
Sợi hủ tiếu mềm ăn kèm với lòng heo, thịt nai hoặc thịt bò. Cái đặc biệt nhất ở tô hủ tiếu này chính là cách phối trộn gia vị, món ăn được nêm nếm pha chế bởi hơn 20 loại gia vị khác nhau như tỏi, hành tím, gừng xả, đại hồi, tiểu hồi, quế, ớt, đậu phộng, mè rang ..... Đặc biệt là mùi vị thanh dịu mang đủ vị ngọt, mặn, cay, chua độc đáo mà có lẽ khó tìm thấy ở các món hủ tiếu khác. Tô hủ tiếu thơm nồng màu sắc sặc sỡ sẽ cuốn hút thực khách từ ngay cái nhìn đầu tiên.
Mùi vị và màu sắc rực rỡ của nước lèo làm cho món ăn thêm phần bắt mắt.
3. Hủ tiếu hồ
Cũng là món ăn đặc trưng của người Tiều nhưng được biến tấu và chế biến khác hẳn so với hủ tiếu sa tế cùng nguồn gốc. Nếu hủ tiếu sa tế có sợi bánh nhỏ mềm thì sợi bánh của hủ tiếu hồ to và dày, gần giống với miếng bánh ướt của người Huế. Một tô hủ tiếu đầy đủ gồm bánh hủ tiếu, lưỡi, lòng và huyết heo khìa với nước cải chua, nước lèo của hủ tiếu có vị chua chua của cải và cay nồng đậm đà của tiêu xay. Cái khác lạ và đặc trưng của món ăn này chính là chỉ ăn kèm với lòng heo mà không dùng với thịt như các món hủ tiếu khác.
Với vị ngọt, chua và cay món ăn luôn khiến nhiều giới trẻ Sài Gòn mê mẩn.
4. Hủ tiếu cá
Cái đặc biệt của hủ tiếu cá là những sợi bánh to hơn sợi hủ tiếu thông thường, miếng cá lóc trắng phau tươi ngon điểm thêm những lát hành xanh bắt mắt sẽ khiến thực khách cảm thấy cuốn hút ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Cũng là món ăn truyền thống nổi tiếng của người Hoa, được pha chế với gia vị đặc trưng là cải nặm làm cho món ăn có hương vị riêng biệt và thơm ngon hơn. Tô hủ tiếu nóng hổi, nước lèo trong veo, miếng cá lóc trắng ngọt xen lẫn vị cay nhẹ của tiêu thêm mùi hành thơm thoang thoảng sẽ cho thực khách một cảm giác đặc biệt khi thưởng thức. Quán hủ tiếu Nam Lợi trên đường Tôn Thất Đạm, quận 1 là địa chỉ đáng tin cậy cho thực khách muốn thưởng thức món ăn hấp dẫn này.
5. Hủ tiếu Mỹ Tho
Là một thương hiệu chiếm rất nhiều cảm tình của người dân Sài Gòn bởi vị thơm từ gạo đặc trưng của vùng sông nước miền Tây qua những sợi bánh hủ tiếu. Gạo để làm bánh hủ tiếu phải là gạo nàng thơm, nàng út hay nàng thơm chợ đào, đặc sản của địa phương Mỹ Tho. Nhờ vậy mà sợi hủ tiếu Mỹ Tho có vị thơm hơn hẳn, sợi bánh dai mềm và không có vị chua.
Được biến thể từ hủ tiếu Nam Vang nhưng thành phần món ăn được phá cách một chút để làm tô hủ tiếu thêm hấp dẫn hơn như thêm chả cây và dồi chiên cộng với nhiều món rau phong phú lạ mắt của miền Tây ăn kèm làm món ăn có hương vị không hòa lẫn vào đâu được. Thực khách không cần đến Mỹ Tho để thưởng thức món ăn chính hiệu này, một góc nhỏ Sài Gòn cũng để bạn chiêm nghiệm hương vị trứ danh độc đáo này.
Tô hủ tiếu với mùi hương thoang thoảng của gạo thơm luôn được nhiều người Sài Gòn yêu thích.
6. Hủ tiếu Sa Đéc
Cũng như bao món hủ tiếu khác, với thành phần món ăn gồm tim, gan, lòng heo, tôm, thịt bằm ...... và đặc biệt là sợi bánh hủ tiếu được chế biến từ những bột gạo đặc sản của địa phương cũng đã cuốn hút biết bao thực khách Sài Gòn. Nhưng cái đặc biệt hơn cả ở hủ tiếu Sa Đéc là thưởng thức với hủ tiếu khô, đây chính là nét khác biệt và là một đặc sản đặc biệt của người dân Sa Đéc.
Với cách trình bày khác lạ, món ăn này luôn cho cảm giác thích thú khi thưởng thức.
Đặc trưng của món ăn gây lạ lẫm cho thực khách ngay từ vẻ ngoài đó chính là món ăn được bày trí trong đĩa thay cho tô vẫn thường thấy ở các món hủ tiếu khác. Lớp trong là những sợi bánh trắng phau, bên trên là miếng thịt cắt mỏng, tôm, lòng heo và một loại nước sốt màu vàng đậm được phủ lên trên cùng làm cho món ăn nhìn cuốn hút, hấp dẫn và khi thưởng thức qua chắc chắn thực khách sẽ nhớ mãi hương vị món ăn đặc biệt này.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)