Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014
Làng Hahoe đẹp diệu kỳ ở Andong
( vnexpress )
Trong lòng tôi thầm hỏi " Bao giờ cho đến Andong ? " . Bao ngày rong ruổi từ Bắc xuống Nam trên đất nước Hàn rồi ..... Tối nay ngồi trên chuyến xe buýt để đến Andong, nhưng lòng vẫn luôn hỏi là bao giờ cho đến .....
Khi xe buýt đến Andong thì trời đã rất tối. Tôi tìm một chỗ nghĩ ngơi và chờ đến sáng mai. Sáng mai là có thể tìm đến ngôi làng có cái tên làm tôi rất tò mò khi mới lần đầu tìm thấy - làng Hahoe. Rồi cuối cùng thì trời cũng sáng cùng với cơn mưa lớn và gió lạnh ! Tôi mặc áo mưa cũng ướt, chân thì vẫn bước đi, mà trong lòng thì buồn thiu. Không biết là trời mưa như thế này thì có vào làng được hay không ? Mỗi ngày có hai chuyến xe buýt để chở khách tham quan từ Andong đến làng Hahoe và tôi đã lên được chuyến xe ấy.
Mưa đã nhẹ hơn một chút ......
Bước trên con đường đất vào làng, tôi ngạc nhiên thấy trước mặt mình ..... làng Hahoe. Tôi mở to đôi mắt rồi tự hỏi mình đó là thật hay là mơ ? Thật là có một nơi đẹp tuyệt vời đến vậy sao ? Có phải là tôi vừa bước vào cỗ máy thời gian nào đưa tôi trở về một thời quá khứ ? Một bên là những khoảnh đất trồng bắp, trồng rau, trồng ớt, một bên là một ngôi làng xinh đẹp nhấp nhô mái nhà với cánh đồng lúa trải dài mênh mông đến chân trời. Một bức họa đồng quê tuyệt đẹp ! Tôi ước gì mình được sống ở đây. Mỗi sáng thức dậy nhìn thấy bức họa này thì còn gì cho bằng nữa.
Có những vẻ đẹp tự nhiên mộc mạc nhưng cuốn hút lòng người.
Ôi xa xa mây mù bay trên đỉnh núi, bầu trời buổi sáng sớm màu trắng đục mưa rơi. Tôi nhớ như in cái thời khắc ấy, quần áo hơi ướt lạnh trong trời mưa mà nhìn cảnh vật ấm áp biết nhường nào. Vì trời mưa nên trên những lối đi cũng ít người qua lại. Tôi cảm giác như mình đang lạc vào vùng đất thần tiên nào đây, một vùng quê yên bình quá, như là mơ, không phải thực chút nào.
Làng Hahoe nằm ở thành phố Andong, thuộc tỉnh Geongsangbuk, về phía Đông của Hàn Quốc. Hahoe là một ngôi làng của gia tộc họ Ryu, là nơi các thành viên gia đình đã cùng chung sống với nhau trong 600 năm. Ngôi làng nổi tiếng bởi đây là nơi sinh ra hai anh em nhà nho vĩ đại Ryu Un-ryong và Ryu Seong-ryong dưới thời Joseon, là Di sản Văn hóa Thế giới UNESCO và là nơi mà Nữ Hoàng Anh Elizabeth đã từng đến thăm.
Ngôi làng nằm dưới chân núi Hwasan ở phía Đông với những ngọn đồi thấp trải dài qua tận phía Tây. Dòng sông Nakdong chạy quanh ngôi làng theo hình chữ S nên đã mang lại cho ngôi làng cái tên Hahoe ( ha nghĩa là sông và hoe nghĩa là uốn quanh ) . Một số người khác thì nói rằng ngôi làng giống như là hoa sen đang nổi trên mặt nước hay là chiếc thuyền đang bồng bềnh trên sông. Người dân từ thời Joseon đã nói rằng vị trí địa lý này làm cho ngôi làng là một nơi tuyệt vời để sinh sống. Tôi ước gì mình có thể nhìn ngôi làng từ trên đỉnh núi cao, để thấy nó nằm hiền hòa bên ngọn núi và dòng sông trong sắc vàng buồn man mác của một sáng mùa thu nhiều mưa. Và rồi tưởng tượng rằng, nếu sáng nay trời nắng tươi thì ngôi làng chắc sẽ đẹp biết nhường nào nữa.
Bên trái là con đường dẫn vào làng.
Những ngày xa xưa, vào rằm tháng 7 âm lịch, trong khí trời trong lành và khung cảnh tươi đẹp của triền núi Buyongdae, các nho sĩ của làng Hahoe cùng với các nho sĩ ở các làng bên tổ chức các buổi tiệc làm thơ. Họ chèo thuyền ra giữa sông, rồi neo lại, rồi ca hát và nhảy múa. Trong lúc đó, hàng trăm gốc cây dâu tằm được đốt lên trên một sợi dây thừng to nối triền Buyongdae và khu rừng thông cổ của làng. Trên dòng sông, những vỏ trứng với một mảnh cotton được đốt lên bên trong và được thả xuống dòng sông trôi nhẹ nhàng như những hoa sen đang bồng bềnh trên mặt nước. Ngày nay, truyền thống này được lưu giữ bằng buổi bắn pháo hoa trong những ngày lễ hội múa mặt nạ Andong.
Trong làng có một khoảng sân rộng với những trò chơi dân gian, có cái cổng với nhiều bức tượng gỗ khắc mặt nạ, có những lối đi bằng xi măng, những lối đi bằng đất, lên xuống nhấp nhô chan hòa trong không gian yên bình của làng xóm. Ở trung tâm của ngôi làng có một cây Cử ( zelkova ) 600 năm tuổi. Tương truyền rằng cây là nơi ngự của nữ thần Samsin phò trợ trong việc sinh sản và nuôi dưỡng trẻ con trong làng.
Tôi nhớ mãi những cái cổng bước vào trong những ngôi nhà và những khu vườn lá nhuộm vàng, nhuộm đỏ của mùa thu tuyệt đẹp nằm hiền hòa trong những bức tường nâu bằng đất đá. Tôi cố gắng bước chân mình thật nhẹ để không làm động chạm đến những gì xung quanh, để vẻ đẹp này sẽ còn mãi.
Những căn nhà truyền thống theo lối kiến trúc dưới thời Joseon ở đây được bảo quản khá tốt trong một thời gian dài và vẫn được người dân sinh sống. Bạn phải đi thật chậm vòng quanh những con đường làng thì mới có thể chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp của những ngôi nhà. Những ngôi nhà mái ngói đen mun, có nhiều gian, có khi có lầu vọng cảnh, được xây cách đây bốn năm trăm năm bởi dòng họ Ryu và phân cách nhau bởi những bức tường. Văn hóa của Hàn Quốc được đặt trên nền tảng của Nho giáo mà Andong là cái nôi của nền văn hóa đó. Đạo Khổng xây dựng những khuôn phép trong sự tôn trọng những người lớn tuổi hơn mình bằng những cái cúi chào thật thấp và việc sử dụng kính ngữ. Nho giáo cũng phân định rõ ràng vị trí và trách nhiệm của nam giới và nữ giới trong xã hội. Vì thế, bạn có thể thấy những ngôi nhà có thể được xây với những gian dành riêng cho nam giới và nữ giới.
Dù là những ngôi nhà mái ngói của tầng lớp thượng lưu hay những ngôi nhà mái tranh của những người dân thường thì ở đó đều toát lên một sự thanh bình, giản dị, sống chan hòa với thiên nhiên đất trời. Cái hồn của một thời quá khứ như còn vẹn nguyên, là vui, là buồn, là hạnh phúc hay thương đau như ghi dấu ở từng mỗi góc nhà.
Tôi bước ra khỏi con đường làng mà mắt không muốn rời. Hàng cây ngân hạnh hai bên đường hòa trong sắc vàng của những ngọn lúa, những mái nhà tranh yên lặng bên dưới con dốc nhỏ, những cây hồng và bụi cỏ. Có phải lúc nào đến rồi cũng phải ra đi ? Mà phải chăng là bên ngoài kia, buổi biểu diễn múa mặt nạ sắp bắt đầu. Ai cũng đổ dồn ra phía đó, nên làm bước chân mình cũng vội.
Nói đến Andong là nói đến quê hương của những chiếc mặt nạ gỗ mà tôi nhìn thấy trên đường phố Insa. Vào cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 hàng năm, ở Andong tổ chức lễ hội múa mặt nạ Quốc tế Andong. Nhưng những điệu múa mặt nạ này cũng được biểu diễn quanh năm tại làng Hahoe và hôm nay tôi được thưởng thức một buổi biểu diễn rất hay. Tôi thật là may mắn ! Đó là vì hôm nay trời mưa, đáng lẽ là buổi biểu diễn bị hủy vì nó được thực hiện trong một sân khấu ngoài trời. Tuy nhiên, do khán giả đã ngồi chờ hết trên khán đài nên các nghệ sĩ đã không quản ngại mà biểu diễn dưới trời mưa.
Những điệu múa mặt nạ được biểu diễn từ thế kỷ thứ 12, như một lời cầu nguyện cho sự bình an của dân làng và cho những mùa màng bội thu, bởi đó là điều sống còn của dân làng trong một xã hội nông nghiệp. Có gì thú vị trong những điệu múa này đã làm tôi háo hức chờ đợi ? Đó là những nhịp trống, tiếng kèn hào hứng, đó là những bộ quần áo trắng muốt vì người Hàn Quốc quan niệm rằng màu trắng thể hiện sự tinh khiết và tôn trọng. Đó là những cử chỉ điệu bộ của người nghệ sĩ kể những câu chuyện vừa thâm thúy vừa tiếu lâm làm cho ai cũng bật cười. Không ai rời khỏi ghế của mình và đôi mắt cứ tò mò muốn biết điều gì sẽ diễn ra trong cốt chuyện này. Buổi biễu diễn kết thúc trong tiếng vỗ tay không ngớt của khán giả và giọt mồ hôi nhễ nhại mà vẫn tươi cười của những người nghệ sĩ.
Cách làng Hahoe không xa là Bảo tàng Mặt Nạ Hahoe. Trong bảo làng không chỉ có những chiếc mặt nạ của Hàn Quốc mà có rất nhiều mặt nạ truyền thống từ các châu lục trên thế giới. Nào là mặt nạ châu Âu, châu Á, châu Mỹ, châu Úc, châu Phi với nhiều kiểu dáng, chất liệu và màu sắc rất thú vị. Tại đây, bạn có thể mua những chiếc mặt nạ gỗ về làm kỷ niệm. Những chiếc mặt nạ nho nhỏ màu nâu đỏ với những chi tiết tỉ mỉ. Đó quả là một nơi cho tôi nhiều ấn tượng, từ sự đa dạng phong phú, sự tinh tế trong cách bày trí cho tới những chú thích tuyệt vời về những chiếc mặt nạ.
Nếu tôi phải chọn một nơi để hiểu về truyền thống của người Hàn Quốc thì tôi chọn làng Hahoe. Bởi vì vẻ đẹp tự nhiên diệu kỳ với ngọn núi sừng sững, dòng sông uốn quanh, khu rừng thông, cánh đồng lúa bao la hòa vào cây cỏ trong những ngôi nhà cổ. Vì một truyền thống giàu đẹp với nền tảng Nho giáo đã hình thành nếp văn hóa của xã hội cho đến tận bây giờ. Và bởi vì những điệu múa mặt nạ thú vị cho những ngày mùa bội thu.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét