Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014
Đằng sau quyết tâm tăng sức mạnh quân sự của Nhật
( lược trích từ vnexpress )
Khi diễn thuyết công khai, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố việc Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ đòi hỏi trong tranh chấp chủ quyền và Triều Tiên theo đuổi hạt nhân là các mối lo ngại lớn nhất về an ninh.
Nhưng trong hậu trường, qua các cuộc phỏng vấn của hãng Reuters với các cố vấn của ông Abe, chính trị gia và chuyên gia an ninh, thì có một sự thực khác, đó là Nhật có một mối lo ngày càng lớn : một ngày kia Mỹ sẽ không thể hoặc không muốn bảo vệ Nhật Bản. Mối lo này trở thành động lực cho chương trình tăng sức mạnh hải quân và không quân của Nhật, song hành cùng quá trình nới lỏng dần các quy định cấm hành động quân sự được quy định trong hiến pháp Nhật Bản.
Nỗ lực củng cố quốc phòng của Nhật diễn ra trong bối cảnh đối thủ chính của nước này là Trung Quốc duy trì mức tăng chi tiêu quốc phòng ở mức 2 con số suốt nhiều năm liền. Triều Tiên, quốc gia sở hữu tên lửa có thể bắn tới Nhật Bản, luôn có các biểu hiện thất thường và tiếp tục theo đuổi tham vọng vũ khí hạt nhân bất chấp các lệnh cấm của quốc tế.
" Nếu anh là một chiến lược gia hoặc là nhà hoạch định kế sách với đồng minh, anh phải sẵn sàng chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất " , một cựu quan chức ngoại giao rất thân thiết với ông Abe nói, khi đề cập đến mối lo ngại rằng sức mạnh quân sự và độ sẵn sàng của người Mỹ giảm đi.
" Chúng tôi cần phải bàn bạc về các nhiệm vụ và trọng trách, cả về các loại vũ khí mà chúng tôi đang có và chưa có " , ông nói thêm.
Những chính trị gia Nhật theo đường lối bảo thủ như ông Abe từ lâu đã mong muốn có sự tự chủ hơn nữa trong quan hệ với Mỹ, tuy nhiên không một ai tiến xa tới mức cho rằng Nhật - nước đang là chủ nhà của 50.000 lính đồn trú Mỹ - sẽ tự tách ra đứng một mình.
" Liên minh Nhật - Mỹ là liên minh quan trọng nhất và sẽ không thay đổi " , Yosuke Isozaki, cố vấn an ninh quốc gia cho ông Abe, nói. " Nhưng Nhật Bản sẽ trưởng thành hơn, trở thành một quốc gia bình thường " .
Nhật Bản thậm chí đã bắt đầu nghiên cứu xem có nên tăng năng lực quân sự đến mức có thể tấn công phủ đầu vào các căn cứ của đối phương hay không mặc dù triển vọng này vừa đắt đỏ vừa gây tranh cãi gay gắt và xa vời.
Bên cạnh việc tăng cường năng lực quốc phòng, Nhật đang tìm kiếm các mối quan hệ an ninh thân thiết hơn với các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Australia và cả Nga để đề phòng trường hợp hỗ trợ quân sự từ Mỹ bị suy giảm.
Trong khi đó Washington liên tục trấn an Tokyo rằng liên minh quân sự keo sơn suốt 6 thập niên qua là vững chắc.
" Liên minh Mỹ - Nhật là hòn đá tảng đối với an ninh và thịnh vượng của khu vực " , một quan chức quốc phòng kỳ cựu của Mỹ nói. " Chính phủ Mỹ cam kết tăng cường mối liên minh Mỹ - Nhật và thực thi mọi nghĩa vụ được quy định trong hiệp ước an ninh " .
Bất chấp những lời cam kết, thậm chí cả quyết định của Tổng thống Mỹ Obama về việc tái cân bằng chiến lược tới châu Á Thái bình dương, Tokyo vẫn lo ngại không biết Washington có duy trì mong muốn và năng lực bảo vệ Nhật Bản hay không. Điều này xuất phát từ nhận thức ở Nhật rằng vị thế siêu cường của Mỹ đang suy giảm trong khi sức ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng lớn, và mối giao thương Mỹ - Trung ngày càng tăng về độ lớn và tầm quan trọng.
Sửa lại hiến pháp
Mối lo ngại về sự yếu đi trong quan hệ liên minh là một trong các lý do dẫn đến chủ trương của ông Abe, người thừa hưởng quan điểm từ ông ngoại là Nobusuke Kishi vốn luôn mong muốn có mối quan hệ cân bằng hơn với Mỹ. Ông Kishi là một thành viên nội các Nhật thời trước Thế chiến II, từng bị giam nhưng không bị kết tội, trở thành thủ tướng Nhật năm 1957 và từ chức 3 năm sau đó do một vấn đề liên quan đến hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật.
Abe muốn hoàn thành giấc mơ của ông ngoại, đó là viết lại bản hiến pháp mà người Mỹ đã soạn. Các chính trị gia theo đường lối bảo thủ cho rằng văn bản này hạn chế khả năng phòng vệ của Nhật. Trong ngắn hạn, ông Abe muốn nới lỏng các điều ràng buộc đó bằng cách diễn giải lại các quy định.
Mối quan hệ Nhật - Mỹ gặp khó hồi tháng 12, khi ông Abe tới thăm ngôi đền thờ người Nhật chết trong chiến tranh, đền Yasukuni. Chuyến thăm khiến quan hệ giữa Nhật với Trung Quốc và Hàn Quốc xấu đi nghiêm trọng do 2 nước này coi ngôi đền là biểu tượng cho chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản từng khiến hàng triệu người châu Á bỏ mạng.
Mỹ đã ra một thông cáo hiếm hoi lấy làm " thất vọng " với chuyến thăm và lo ngại việc này có thể dẫn đến xung đột quân sự giữa Nhật và Trung Quốc.
Một số chính trị gia Nhật thể hiện sự bất bình một cách rõ rệt.
" Mỹ nói rằng họ thất vọng, nhưng thay vì quan tâm đến cảm xúc của người Trung Quốc, họ nên nhạy cảm hơn với cảm xúc của đồng minh Nhật Bản " , trợ lý của ông Abe trong đảng Dân chủ Tự do Seiichi Eto nói. " Chúng tôi mới chính là những người nên thất vọng " .
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét