Trang

Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014


Một kiến giải lịch sử về truyền thuyết Lạc Long Quân giúp người Việt


( TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VĂN HÓA )


Trong truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên, khi chia tay Đức Âu Cơ và các con, Đức Long Quân đã căn dặn rằng : “ Ta là loài rồng, nàng là giống tiên, khó ở với nhau lâu dài. Nay ta đem năm mươi con về miền biển, còn nàng đem năm mươi con về miền núi, chia nhau trị vì các nơi, kẻ lên núi, người xuống biển, nếu gặp sự nguy hiểm thì báo cho nhau biết, cứu giúp lẫn nhau, đừng có quên ” .


Trong các câu chuyện dân gian, mỗi khi dân tộc Việt Nam gặp nguy khốn, Đức Long Quân lại ra tay giúp đỡ. Và thế là dân tộc Việt Nam chuyển nguy thành an, sống cuộc đời an cư lạc nghiệp. Nhưng đâu là sự thực của sự giúp đỡ đó ?
Xin bàn luận về vấn đề này để chúng ta có dịp hiểu sâu sắc hơn về suy nghĩ của cha ông ta trong quá khứ.

Diệt quái, dạy dân, lấy vợ, chống giặc

Trước khi kết duyên với Đức Âu Cơ và sinh ra trăm con Bách Việt, theo nhiều tài liệu, Long Quân là vị vua của vùng đất Lĩnh Nam với tên tục là Sùng Lãm. Khi lên làm vua, Long Quân đã có nhiều chiến công hiển hách như diệt Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh và đẩy lùi sự xâm lược của Đế Lai đến từ phương Bắc.

Ngoài các chiến công đó, Long Quân còn có công dạy cho người dân biết cách trồng lúa nếp, lấy ống tre thổi cơm, đốn gỗ làm nhà sàn để ở, phòng thú dữ và đề ra quy tắc ứng xử cha con, vợ chồng .... Công đầu của Đức Long Quân là đã để lại cho con cháu Bách Việt của mình những tiền đề để thành lập một quốc gia độc lập và tự chủ như sau :

Thứ nhất, việc đẩy lùi cuộc xâm lược của Đế Lai đã bảo vệ được vị thế của những cư dân bản địa ở vùng đất Lĩnh Nam và tạo ra sức mạnh vượt trội về quân sự của cư dân vùng đất này đối với các cư dân ở những vùng đất xung quanh.

Thứ hai, việc Đức Long Quân đi tuần du khắp nơi, tiêu diệt các “ loài quái vật ” thực chất là việc khai hoang, san rừng lấp bể để mở rộng cương vực của những cư dân bản địa vùng Lĩnh Nam. Đây là một tiền đề quan trọng để thiết lập đúng nghĩa về cương vực một quốc gia.

Thứ ba, việc Long Quân lấy Âu Cơ, người phương Bắc và sinh con đẻ cái đã tạo ra sự giao thoa, học hỏi văn hóa giữa các vùng miền, phá vỡ tính cục bộ địa phương của từng bộ lạc. Rồi việc “ phân chia ” con cái thực chất là phân chia các cư dân theo địa vực cư trú, một “ dấu hiệu ” của Nhà nước dù chỉ là hình thức sơ khai nhất : miền núi và miền biển.

Chính vì vậy nên đến khi người con cả của Lạc Long Quân trưởng thành, Nhà nước Văn Lang đã có đủ điều kiện để ra đời và theo truyền thuyết thì truyền được 18 đời Hùng Vương.

Khuyên vua Hùng

Theo nhiều tài liệu văn học dân gian, khi giặc Ân xâm lược nước Văn Lang, Lạc Long Quân đã “ khuyên ” vua Hùng thứ 6 nên cho sứ giả đi khắp nước để tìm người kỳ tài ra cứu nước. Và người đó chính là Tháng Gióng, người anh hùng nhổ tre đánh giặc, đánh lùi giặc Ân, đem lại thái bình và lạc nghiệp cho cư dân Văn Lang. Sự việc này tất nhiên là một huyền thoại. Tuy nhiên, chúng ta nên đặt ra một câu hỏi : Tại sao dân gian lại “ cho phép ” Đức Long Quân hiện thân và thực hiện điều đó ?

Đầu tiên, việc Đức Long Quân hiển linh, báo mộng cho vua Hùng nghĩa là người Văn Lang lúc này đã thịnh hành về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Và việc tin vào quỷ thần báo mộng hoặc gieo quẻ đoán việc khi đó đã trở nên phổ biến trong lòng xã hội Văn Lang. Điều này là một sự hiển nhiên khi Nhà nước Văn Lang vẫn rất sơ khai và vị thế lẫn quyền lực của các vua Hùng vẫn chưa được chuyên chế hóa.

Câu chuyện Mai An Tiêm dám nói “ của biếu là của lo, của cho là của nợ ” khi vua Hùng đãi ngộ là một ví dụ điển hình. Khi vua chưa chuyên chế thì tội “ khi quân phạm thượng ” đã không được áp dụng tối đa để áp chế lòng người. Đổi lại, vai trò của thấy cúng, thầy pháp là rất to lớn trong tín ngưỡng và lòng tin của người dân. Và việc sử dụng thần linh để tạo ra quyền lực cho Nhà nước sơ khai là một “ dấu hiệu ” quan trọng trong thời kỳ này.

Giúp Thục Phán

Thành Cổ Loa gắn liền với những truyền thuyết kỳ thú của dân tộc Việt : An Dương Vương định đô, xây thành ; chiếc nỏ thần Kim Quy bắn một phát hạ hàng trăm tên giặc ; mối tình bi thương của Mỵ Châu - Trọng Thuỷ ..... Nhưng vì quá chú ý đến những tình tiết này nên ít ai lưu tâm đến “ vai trò ” của hình tượng Đức Long Quân trong đó.

Theo truyền thuyết thì thần chính là người sai Kim Quy giúp vua xây thành Cổ Loa để định đô và chế “ nỏ thần ” để chống giặc. Việc Long Quân giúp An Dương Vương xây thành, chế “ nỏ thần ” nên nhìn nhận như thế nào cho hợp lý ? Chắc hẳn Thục Phán là một người rất toan tính khi đã vay mượn hình tượng Long Quân để trấn áp sự phản kháng của cư dân Văn Lang trong việc xây Loa thành và cai trị đất nước.

Việc thành Cổ Loa “ xây rồi lại sập ” nhiều lần không phải do nhà Thục không đủ kĩ thuật mà có thể là do người dân Văn Lang cũ bất phục tùng nên phá hoại khi phải phục dịch xây dựng cung điện cho một bộ tộc khác. Dù Thục Phán là anh hùng đánh bại quân Tần thì vẫn không thể xua tan tâm lý “ bài ngoại ” của cư dân Văn Lang vốn còn lưu giữ chế độ thị tộc rất sâu sắc. Thục Phán là thủ lĩnh ngoại tộc bị nhà Tần dồn đuổi mới chạy xuống vùng đất Văn Lang và đã cướp ngôi vua của Hùng Vương thứ 18. Những cuộc chiến diễn ra giữa hai bên Hùng – Thục được miêu tả rất nóng bỏng và sinh mạng của người Văn Lang đã bị tàn hại rất nhiều.

Việc Loa thành không thể xây dựng thành công cũng vậy. Thực tế là kĩ thuật xây thành của nhà Thục rất điêu luyện và công phu. Kiến trúc kiên cố của Loa Thành sau này với hàng vạn mũi tên đồng tìm được là những ví dụ điển hình. Chính vì vậy nên mới có chuyện Thục Phán phải đăng đàn với trời đất để cầu thánh thần phù trợ. Việc nhà Thục tung tin rằng Long Quân sai Kim Quy đến giúp sức xây thành, cho lẫy làm “ nỏ thần ” chính là một thủ thuật gây “ nhiễu ” tâm lý của lao dịch người Văn Lang trước khi sử dụng bạo lực áp chế họ xây thành và cai trị họ. 

Chúng ta có bao giờ suy nghĩ rằng chiếc “ nỏ thần ” vào thuở ban đầu do tướng Cao Lỗ làm ra chính là thứ vũ khí để áp chế dân chúng trước khi chống Triệu Đà không ? Chính vì nền tảng quyền lực như vậy cho nên Thục Phán mới đa nghi với nhân dân nhưng lại hòa hiếu với Triệu Đà để đến nỗi mất nước. Thậm chí đến con gái mình cũng xem là “ giặc ” . Một sự bao biện đến kinh hoàng.

Tuy nhiên, xé lớp màn sương huyền hoặc đi thì ta sẽ có một kết luận thú vị rằng : Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, một vị vua ngoại tộc đã cai trị quốc gia dựa vào niềm tin thần thánh của dân tộc khác và đã tỏ ra thành công trong buổi ban đầu. Sau này người Mông Cổ là một thí dụ điển hình của thủ đoạn chính trị này. Áp chế được các dân tộc khác bằng quân sự, chính trị nhưng lại phải sử dụng văn hóa của các dân tộc đó để dễ bề cai trị.

Trao kiếm Thuận Thiên

Việc Đức Long Quân “ trao ” kiếm Thuận Thiên cho Lê Lợi cũng có nhiều điều khiến chúng ta băn khoăn suy nghĩ không kém. Vào thời gian nhà Minh chiếm đóng Đại Việt, Lê Lợi đã dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, Thanh Hóa để chống lại ách đô hộ của nhà Minh. Buổi đầu thế lực còn non yếu nên trước thế mạnh và khả năng tổ chức tốt của quân đội nhà Minh, nghĩa quân của Lê Lợi nhiều lần thất bại.

Do vậy, để tập hợp lực lượng và thu phục lòng dân, Lê Lợi buộc phải sử dụng đến sức mạnh thánh thần. Và sự thông minh của Lê Lợi là đã chọn Đức Long Quân làm “ giá đỡ ” cho tinh thần nghĩa quân đang rệu rã. Cùng với sự “ tự trị ” của làng xã, sự chiến đấu bền bỉ và sự xuất hiện của các anh hùng cái thế thì dòng máu Lạc Hồng cũng là một yếu tố tạo nên sức mạnh phản kháng như bão táp của dân tộc Việt Nam trước mọi sự xâm lược đến từ bên ngoài.

Đọc truyền thuyết Hồ Gươm ta càng thấy rõ về điều này. Việc thanh kiếm Thuận Thiên không đến thẳng với Lê Lợi mà được chia làm hai phần : một lưỡi kiếm và một chuôi kiếm, rồi việc khi có thanh gươm thần, Lê Lợi đánh thắng liên tiếp quân Minh và việc “ hoàn kiếm ” cũng chứng tỏ sự tính toán đầy khôn ngoan của Lê Lợi trong việc tung các tin đồn để khích động sự quan tâm của xã hội vào vấn đề chung của đất nước.

Thứ nhất, việc bộ hạ Lê Thận kéo lưới “ vô tình ” được lưỡi gươm, Lê Lợi chạy giặc “ vô tình ” được chuôi kiếm đã khiến người dân và nghĩa quân tin chắc chắn rằng quân Lam Sơn đang được thần linh phù trợ. Lịch sử có nhiều ví dụ tương tự để chứng minh. Như cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng ở Trung Quốc thời Đông Hán đã phát triển đến cả trăm vạn binh sĩ khi anh em họ Trương tung tin đồn “ Trời xanh đã chết, trời vàng lên thay ”. Hay như “ bài thơ thần ” Nam Quốc Sơn Hà tương truyền của Lý Thường Kiệt đã giúp nhà Lý đánh bại được quân xâm lược nhà Tống trong trận quyết chiến chiến lược.

Thứ hai, từ việc tung tin đồn có Long Quân phù trợ, Lê Lợi và bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn đã cố gắng đánh ăn chắc một số trận. Từ đó sẽ tạo ra tâm lý “ bách chiến bách thắng ” của nghĩa quân Lam Sơn khi sở hữu Thuận Thiên Kiếm. Điều này rất có lợi cho việc chiến đấu và quy tụ lực lượng của nghĩa quân. Nói chung, đối với Lê Lợi thì việc sử dụng biểu tượng Đức Long Quân để nâng cao vị thế của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chính là áp dụng thủ thuật “ binh bất yếm trá ” . Nghĩa là dùng mọi thủ đoạn để khôi phục quốc gia dân tộc.

Thứ ba, việc “ hoàn kiếm ” cũng là một thủ thuật chính trị mẫu mực của Lê Lợi. Là người đứng đầu một quốc gia dân tộc nên Lê Lợi phải tính toán để kết thúc hợp lý truyền thuyết do mình tạo ra. Nghĩa là việc Long Quân cho thần Kim Quy nổi lên ở hồ Tả Vọng để đòi lại kiếm trước thuyền Rồng của vua thực chất chỉ là sự “ hợp lý hóa ” truyền thuyết Thuận Thiên Kiếm do Lê Lợi tạo ra.

Sự có trước có sau, đầu đuôi đều khớp như thế không những không làm lộ “ sự thật ” về Thuận Thiên Kiếm mà còn tăng thêm tính thiêng liêng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và uy tín của vương triều họ Lê. Trong buổi đầu xây dựng chế độ, việc làm đó của Lê Thái Tổ đã tạo ra sự vững tin tuyệt đối của nhân dân vào vương triều. Điều này rất có lợi cho công cuộc ổn định và dựng xây lại đất nước.

Cuối cùng, qua tìm hiểu của chúng tôi, thanh kiếm Thuận Thiên của Lê Lợi và thanh Excalibur của vua Arthur nước Anh có nhiều điểm tương đồng đáng kinh ngạc. Nó tượng trưng cho quyền và tính hợp pháp của nhà vua tương lai, cùng được một sinh vật sống dưới nước trao tặng, cùng quay trở về nơi nó xuất phát sau khi đã giúp người được trao tặng hoàn thành mục đích của mình.

Như vậy, không chỉ Lê Lợi mà nhiều vị vua khác cũng rất “ thích ” có một truyền thuyết có lợi cho mình như thế. Đó chính là mẫu số chung của các nhà lãnh đạo mong muốn có một sự chuyên chế và phục tùng để ổn định dân tâm, dân tình cho một đất nước còn đang có nhiều sự nhiễu nhương, bất ổn.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét