Trang

Thứ Tư, 12 tháng 2, 2014


Thịt chó - nét văn hóa của ẩm thực Việt


( Depplus.vn ) 


Thời gian gần đây, việc ăn thịt chó bị nhiều người lên án, thậm chí tẩy chay. Nhưng khoan nói về vấn đề đó, tất thảy người Việt đều phải công nhận thịt chó từ lâu đã trở thành một nét đặc sắc của văn hóa ẩm thực Việt, ẩn chứa những giá trị tinh thần không thể thay thế.

Ăn thịt chó để " giải xui " - ấy là quan niệm ai cũng biết về thức " 7 món " này. Không riêng người Việt ăn thịt chó, ở khắp nơi trên thế giới, người ta đều thấy có dấu tích của các phương pháp chế biến món cầy tơ, nhưng người châu Á có lẽ ưa chuộng món này hơn cả. Người Triều Tiên rất thích ăn thịt chó, tại Seoul ngày nay còn có cả một " phố thịt chó " và người dân coi thịt chó là một loại thực phẩm rất quý, được cất giữ bảo quản để dùng dần. Người Trung Quốc cũng ưa chuộng thịt chó, có những vùng còn tổ chức lễ hội hàng năm cho hoạt động mổ chó. Còn tại Việt Nam, không mấy ai rõ thịt chó có từ bao giờ. Theo cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, cội nguồn ăn thịt chó bắt đầu từ lễ hiến tế chó trong tín ngưỡng dân gian. Người ăn đầu tiên là thầy cúng, thầy phù thủy mà cũng chỉ ăn lén, ăn vào lúc tối trời, đêm hôm. Do mặc cảm tội lỗi xưa nay chẳng ai nói toạc ra là ăn thịt chó. Do kiêng kỵ nên người ta nói chệch là ăn thịt cầy, mộc tồn. Món thịt chó ở Việt Nam gần như không có mối liên hệ nào với món ăn tương tự ở Trung Quốc, nghĩa là người Việt Nam có cách sáng tạo hoàn toàn riêng biệt cho món thịt chó.





Cũng không biết từ khi nào, mà người ta quan niệm ăn thịt chó là để " giải xui " . Có lẽ từ xa xưa trong dân gian Việt, chó thường được nhắc đến như hình ảnh của một con vật mang kiếp đen đủi chịu đựng. Chính vì vậy ăn thịt chó là ăn đi những điều xui xẻo, không may mắn đã qua, người ta coi việc ăn thịt chó là vượt qua những giới hạn hay vận đen mà con người mắc phải.Từ đó, món thịt chó được biết đến rộng rãi như một món ăn giải " xui " và đem lại những điều mới mẻ. Sau một tháng âm lịch hoặc khi kết thúc năm không như ý, người Việt thường tìm đến thịt chó để " đổi vận " và hi vọng sẽ có một thàng mới tốt đẹp, một năm gặp nhiều may mắn hơn. Thói quen ấy ban đầu có thể là thú vui, nhưng lâu ngày, chúng trở thành một nét đặc sắc văn hóa của người Việt.





Cũng bởi quan niệm giải xui, giải đen mà nam giới được coi là ưa chuộng thịt chó hơn cả. Người đàn ông trong gia đình đóng vai trò trụ cột, sau một năm không thuận buồm suôn sẻ, họ thường cảm thấy ám ảnh bởi suy nghĩ có một điều không may đeo bám, và họ tìm đến bạn nhậu, tìm tới thịt chó như một cách giải tỏa căng thẳng, giải tỏa tâm lý ngày cuối năm. Trải qua một năm không mấy thuận lợi, tất nhiên ai cũng muốn những thứ xui xẻo được mang đi, chính vì vậy không quá khó hiểu khi thịt chó trở thành món ăn được ưa chuộng đặc biệt dịp cuối năm.

Người Việt có cách sáng tạo đặc biệt với món thịt chó, nổi tiếng hơn cả là phương pháp chế biến " 7 món " . Tuy con số này cũng mang tính giả định, nhưng đúng là thịt chó có cách chế biến vô cùng phong phú. Ấy là thịt luộc ( biến thể là hấp hoặc phay ) ; dồi nướng ; lòng hấp ; thịt nướng ( biến thể là quay, chả chìa ) ; nhựa mận ( biến thể là xào lăn ) ; xáo măng ( biến thể là lẩu ). Các gia vị chính để chế biến món thịt chó là : sả, riềng, mẻ, mắm tôm, lá mơ trắng. Các đồ ăn và rau thơm đi kèm : bánh đa, húng chó, hành sống, mơ tam thể, củ sả, ớt trái, ... và đặc biệt không thể thiếu mắm tôm. Tất thảy đều là văn hóa Việt, tinh hoa Việt.


Vậy nhưng ngày nay, việc ăn thịt chó lại bị tẩy chay, bị " chối bỏ " . Phần nhiều bởi văn minh phương Tây du nhập Việt Nam không chấp nhận việc ăn thịt chó, bởi quan niệm chó là người bạn trung thành cần được bảo vệ. Việc này không sai, nhưng thiết nghĩ chưa đủ. Đất có lề, quê có thói, văn minh không phải là học đòi những thứ hình thức mà chối bỏ những nét đã thuộc về văn hóa, về truyền thống của dân tộc mình. Người Pháp không ăn thịt gà trống không có nghĩa thế giới quay lưng với món đó. Người Ấn Độ cũng không ăn thịt bò theo quan niệm tôn giáo. Mỗi nền văn hóa trên thế giới đều có những điểm riêng biệt, vậy nên đừng vì một vài " làn gió mới " mà chối bỏ nét độc đáo đã hình thành nết ở, tập tục của người dân Việt Nam bao lâu nay.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét