Trang

Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014


Ông Trương Văn Phước : ' CEO ngân hàng cũng là một tu sĩ ' 


( vnexpress )


Cựu Tổng giám đốc Eximbank cho rằng CEO ngân hàng là một nghề rất khắc nghiệt, phải tuân thủ luật giới của ngành một cách nghiêm ngặt không kém gì một tu sĩ phải làm.

Ông Phước trao đổi với VnExpress nhân dịp năm mới Giáp Ngọ, gần 5 tháng sau khi rời Eximbank và nhậm chức Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.

- Từng đảm nhận vai trò tổng giám đốc ( CEO ) ngân hàng thương mại gần chục năm, nay chuyển sang một vị trí hoàn toàn khác ở góc độ quản lý, giám sát, ông cảm thấy thế nào ?

- Môi trường nào, công việc nào cũng có hai mặt. Tuổi trẻ anh thích làm công việc đó nhưng già có thể lại khác. Khi trẻ có thể xỏ giày đá bóng, còn về già, tự thấy mình không thể đá tốt hơn thì nên dừng lại. Người ta nói không ai tắm 2 lần trên một dòng sông, vậy mà tôi lại làm CEO của Eximbank 2 lần, lần đầu vào giai đoạn 2000-2003 và lần sau 2008 – 2013. Đó là số phận. Tôi rất yêu quý những người ở Eximbank. Trong lòng tôi, Eximbank vẫn là một phần máu thịt.

- Vậy bây giờ có dịp ở một vị trí khách quan mà nhìn lại, ông thấy CEO ngân hàng Việt Nam có gì sướng, có gì khổ ?

- Trước hết người làm CEO ngân hàng được đứng ở bên núi tiền hết sức lớn, đó là cái sướng. Thu nhập có thể nhiều hay ít nhưng mình được quyền quyết định vấn đề tương đối lớn. Đó là một quyền năng mà bình thường khó được làm.

Nhưng ngược lại, có rất nhiều cái khổ. Ngoài chịu áp lực tạo ra lợi nhuận cho các ông chủ, mang về một thu nhập tốt cho nhân viên, CEO ngân hàng của Việt Nam cũng khá khó khăn khi đứng trước một nền kinh tế mới có nhiều hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, dễ đối mặt nhiều rủi ro. Đây không phải lỗi của cơ quan quản lý mà là những vấn đề mà nền kinh tế chuyển đổi nào cũng phải đối mặt. 

Đã là CEO thì không thể nhàn nhã được. Nhiều cách để điều hành một ngân hàng thương mại nhưng nói chung CEO là phải toàn tâm toàn ý bởi anh có thể phải trả giá rất lớn cho một phút giây lơ là. Làm ngân hàng phải nói là rất khổ hạnh. Ở một góc độ nào đó, tôi nghĩ CEO ngân hàng cũng như là một tu sĩ trong tôn giáo. Ở trong tôn giáo của ngân hàng đó, bạn cần tuân thủ những giới luật khắt khe, nghiêm ngặt không chỉ vì đó là một ràng buộc mà còn vì triết lý nhân – quả.

- CEO ngân hàng là chiếc ghế rất " nóng " , có nơi đổi người tới vài lần trong một năm. Vậy vì đâu mà nó " nóng " như vậy, thưa ông ?

- Không có ông chủ nào bỏ tiền ra mà chẳng mong muốn có thu nhập, cổ tức ngày càng cao hơn. Giống như bóng đá, mùa giải này anh không đạt được cúp gì thì tôi phải đổi cầu thủ, thay huấn luyện viên. “ Nóng ” của các CEO ngân hàng là ở chỗ đó, không làm được là phải thay ngay.

Ngoài ra, các CEO còn chịu sức “ nóng ” khi đứng trước cả hệ thống pháp lý, cả rừng văn bản quy phạm pháp luật và quyền lợi của các ông chủ. Nếu mọi CEO tuân thủ rừng pháp luật thì có lẽ sẽ không đạt được những yêu cầu về lợi nhuận và có thể bị “ thay ra ” . Tương tự với hệ thống đèn xanh đèn đỏ, nếu bật tắt và điều tiết tốt thì mọi người đi đúng. Ngược lại sẽ xảy ra ùn tắc quá lâu. Người khác vượt mà tôi không vượt thì sẽ đến muộn và có thể cũng bị sa thải. Tóm lại, ghế CEO nóng là bởi phải cân bằng, điều tiết cả hai yêu cầu này sao cho hợp lý.

- Thực tế ở Việt Nam, CEO ngoài phải đảm bảo kết quả kinh doanh của ngân hàng đôi khi còn phải chiều lòng các ông chủ, những người vốn có các công ty sân sau. Vậy các CEO phải đấu tranh như thế nào với những chuyện như thế này ?

- Sẽ có những chuyện như ông chủ ngân hàng yêu cầu CEO rót vốn cho vay công ty A, B là sân sau. Là một tổng giám đốc, anh phải hiểu rõ khoản cho vay này sẽ đi đâu và có ứng xử thật khéo léo. Nếu không cho vay thì có thể anh sẽ không còn là CEO nữa. Ngược lại, nếu chiều lòng ông chủ, đến lúc nào đó cơ quan pháp luật hỏi đến thì anh gánh nhiều hậu quả khác. Trong một môi trường như vậy, sự lựa chọn của CEO hết sức khó khăn. Ở đây nó đòi hỏi nghệ thuật, kỹ năng, ai có thì giải quyết được. Nếu không, anh sẽ phải chịu những va đập rất khắc nghiệt.

- Dư luận vẫn đồn đại lương bổng CEO ngân hàng rất cao, hàng chục trăm nghìn đôla. Vậy ông thấy thế nào ?

- Đâu chỉ ở Việt Nam nghề CEO ngân hàng mới lương cao. Nhưng nghề CEO rất khắc nghiệt bởi lương bổng có thể cao nhưng tuổi thọ nghề nghiệp của một CEO không dài như ta tưởng.

Thử nhìn xem ở Việt Nam, không có nhiều CEO ngân hàng lớn nào trụ được lâu quá 10 năm mà chủ yếu 5 - 7 năm là cùng. Rất đơn giản bởi không chỉ tính phức tạp, tính hiểm nguy của nghề mà còn ở chỗ, bản thân họ thấy nếu đi lâu trên con đường này có thể ảnh hưởng tới mình như thế nào. Họ cũng đến lúc cần thời gian cho gia đình và bản thân nữa.

Giống như cầu thủ bóng đá, lương cao nhưng họ có đá được cả đời, từ 18 - 50 tuổi đâu mà cùng lắm chỉ chục năm. Do vậy, xã hội đừng nên quá khắt khe vì CEO ngân hàng lương hậu hĩnh.

- Vậy ông có lời khuyên nào cho CEO ngân hàng, những người cũng như ông, thường xuyên ngồi bên cạnh núi tiền và một loạt cám dỗ, rủi ro ?

- Tôi không ngạc nhiên lắm khi có chuyện này chuyện nọ xảy ra trong hệ thống ngân hàng, điều đó là tất yếu bởi người ta sống rất gần gũi với một núi tiền. Các cụ nói gần mực thì đen, gần đèn thì sáng nhưng chưa ai nói gần tiền thì sao ? Chắc mai này sẽ có người CEO nào đó đúc kết.

Nói chung, ngồi bên một đống tiền lớn thì phải tập cho mình đức tính không tham tiền. Giữa cái ranh giới mà mình có nhiều quyền lực, cơ chế để làm thì rất khó nhưng nếu làm được thì sẽ thể hiện phẩm chất con người. Phải tự nhắc bản thân khi đứng gần tiền bạc thì phải điều tiết và kiềm chế.

- Xu hướng ngân hàng nội địa thuê CEO ngoại ngày một nhiều tại Việt Nam. Dưới góc nhìn của một chuyên gia, ông nhìn nhận như thế nào khả năng CEO ngoại thành công ở vùng đất này ?

- CEO ngoại hay nội đều là con người và cũng sẽ bị chi phối bởi những yếu tố rất con người như hỉ nộ ái ố, tham vọng, lòng tự ái .... Tôi cho rằng cả 2 đều có nhiều điểm tương đồng.

Tuy nhiên ngân hàng nước họ được điều chỉnh bởi 1 hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nền kinh tế thị trường mấy trăm năm, còn chúng ta thì chập chững mấy chục năm trở lại đây. Do đó, cách ứng xử của hệ thống pháp luật tạo ra hành lang tương đối an toàn cho họ. Còn ở Việt Nam, hệ thống chưa được hoàn chỉnh nên người làm CEO khó khăn hơn nhiều.

Ở nước ngoài, ngoài việc cố ý vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý còn những rủi ro mang tính nghề ghiệp thì họ được các ngân hàng đảm bảo cho. Tôi nghe nói có ngân hàng nước ngoài mua bảo hiểm nghề nghiệp và trách nhiệm cho CEO. Còn ở Việt Nam, chắc CEO ngoại còn rất lâu mới sánh kịp với nội theo nghĩa ứng phó với điều kiện thực tế của thị trường Việt Nam. Tương tự việc người nước ngoài có thể lấy Mercedes, Roll Royce đi trên xa lộ dễ dàng nhưng không thể đi xe máy trong phố cổ như người Việt Nam được. Đặc biệt đi bộ qua những ngã tư đường phố thì Tây họ càng rón rén chứ không tự tin như người Việt mình.

- Làm ngân hàng hơn 30 năm, ông thấy sao khi dư luận có cái nhìn hơi khắt khe với ngành ?

- Thực lòng, những vụ việc vừa rồi đã làm cho hình ảnh của ngân hàng bị xấu đi trong mắt của công chúng nên cũng dễ hiểu khi nền kinh tế khó khăn, bao nhiêu người thất nghiệp không lương không thưởng thì người ta càng dễ có cái nhìn ghen tỵ.

Nhưng thực ra làm ngân hàng rủi ro lắm, thu nhập cũng có lúc này lúc kia, khó khăn cũng nhiều chứ không phải là ngồi mát ăn bát vàng. Họ không chỉ ngồi trong phòng máy lạnh chờ doanh nghiệp tới cầu cạnh xin vay tiền. Nhiều cán bộ tín dụng phải vào trong các chợ năn nỉ từng tiểu thương vay từ 10, 20 triệu đồng. Họ phải len lỏi trong những điều kiện khó khăn của thị trường, rồi lương phải theo những chỉ tiêu cho vay, chất lượng nợ rất khắc nghiệt, bị quy trách nhiệm gắt gao. Tết thì nhiều cán bộ tín dụng phải đi xuống từng doanh nghiệp để chúc Tết họ chứ không phải ngược lại.

Tuyệt đại đa số những người làm ngân hàng tốt lắm chứ đừng vì một vài vụ việc, người nọ người kia .... như ngành nào cũng có mà đánh giá quy chụp. Xã hội không cần khoan dung hay độ lượng gì cả mà chỉ cần có cái nhìn công tâm, khách quan hơn thôi.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét