Trang

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014


Ẩm thực Trung Hoa – tinh túy phương Đông  
   
( depplus.vn )

Không phải ngẫu nhiên mà ẩm thực Trung Hoa được ưa chuộng trên toàn thế giới. Đất nước hơn 1,3 tỉ dân với lịch sử văn hóa mấy nghìn năm đã xây dựng nên nền ẩm thực rực rỡ mà đậm đà bản sắc.

Nền văn hóa trải dài 5000 năm lịch sử của Trung Hoa ghi dấu rõ nết lên văn hóa ẩm thực. Bởi diện tích rộng lớn, khí hậu thiên nhiên và tập quán sinh hoạt ở các vùng khác nhau, chính vì vậy mà hương vị món ăn có sự khác nhau ở mỗi vùng miền nhất định. 



Người Trung Quốc lấy 5 khẩu vị : ngọt, chua, đắng, cay làm chủ đạo, sau đó kết hợp với các cách chế biến khác nhau, làm nên vô vàn hương vị mới hấp dẫn. Các đặc điểm chính của món ăn Trung Hoa là sự kết hợp tinh tế giữa hương, sắc, vị cùng cách bày biện sáng tạo đẹp mắt. Cũng bởi vậy mà đồ ăn Trung Quốc là thứ cầu kì hiếm có trên thế giới.





Ngày nay, người dân bình thường cũng có thể thưởng thức các món cao lương mĩ vị, mà trước kia chỉ dành cho vua chúa, trong đó có món vịt quay Bắc Kinh rất nổi tiếng. Món ăn này có lẽ có nguồn gốc từ thời nhà Nguyên. Vào thế kỉ 15, món này đã nổi tiếng và được các vua chúa nhà Minh yêu thích.Những con vịt to béo, sau khi được quay trong lò lửa lớn có lớp da mỏng giòn, màu vàng sậm óng ả; phần thịt bên trong lại rất mềm và thơm. Vịt quay Bắc Kinh đã trở thành món ăn tiêu biểu của thủ đô, là niềm tự hào của người dân thành phố này.






Đầu bếp Trung Quốc rất tài hoa, họ có thể chế biến nên vô vàn món ăn ngon từ những nguyên liệu bình dân. Đậu phụ có lẽ là thứ nguyên liệu nổi tiếng, được biến tấu đa dạng nhất trong văn hóa ẩm thực Trung Hoa. Đậu phụ được làm từ hạt đậu tương, hương vị thanh đạm. Với tài nấu nướng khéo léo, các đầu bếp vùng Tứ Xuyên đã lấy khẩu vị cay làm chủ đạo để sáng tạo nên món đậu phụ Tứ Xuyên. Người dân Tứ Xuyên ăn cay rất giỏi nên vị cay có mặt ở hầu khắp món ăn. Cũng bởi khí hậu vùng đất này là hàn đới nên ăn ớt có thể giúp cơ thể ấm lên. Bên cạnh đậu phụ, không thể không nhắc tới món lẩu Tứ Xuyên. Lẩu Tứ Xuyên ngon nhất ở nước dùng. Nước lẩu phải đạt độ trong, vị chua cay đậm đà của các loại gia vị, tất quả hòa quyện với nhau, tạo thành dư vị nhớ mãi của món lẩu.











Món ăn Sơn Đông là trường phái ẩm thực tiêu biểu của phương Bắc. Đặc điểm của món ăn Sơn Đông là nguyên liệu chế biến được để rất to, đựng trong nhưng chiếc đĩa bát cũng rất lớn, giống như tính cách phóng khoáng của người dân vùng đó. Một trong những món ăn đặc sắc của trường phái ẩm thực phương Đông là món Khổng phủ hay còn gọi là món ăn quan phủ. Món ăn này lấy tên từ nhà tư tưởng, nhà triết học cổ đại nổi tiếng của Trung Quốc : Khổng Tử. Món ăn quan phủ được chia làm nhiều loại như : Món ăn cho đám hỷ, mừng thọ và món ăn trong gia đình.







Người dân miền Bắc Trung Quốc còn rất thích ăn những món chế biến từ lúa mì. Khi khoảnh khắc cuối cùng của năm cũ đi qua, đón chào năm mới tới, các gia đình Trung Quốc đều cùng nhau ăn sủi cảo. Bữa sủi cảo này không giống các bữa sủi cảo khác trong năm mà phải được chuẩn bị từ trước, chờ đến 12h mới được ăn. Người dân Trung Quốc ăn sủi cảo để cầu mong sự trường thọ. Do hình dáng của sủi cảo rất giống với hình dáng đồng tiền Trung Quốc ngày xưa nên năm mới ăn sủi cảo cũng là một cách cầu mong tiền tài tới nhà. Để đem lại nhiều may mắn hơn, người dân phương Bắc còn cho tiền xu, đường, lạc vào nhân sủi cảo rồi bao kín lại. Người nào ăn được sủi cảo có chứa tiền xu bên trong sẽ có một năm phát tài còn ăn được chiếc có đường sẽ có một năm tốt lành suôn sẻ, ăn được lạc nghĩa là sang năm mới sẽ có sức khỏe dồi dào.






Miền Nam Trung Quốc lại nổi tiếng với những món ăn nhẹ như món ăn sáng, ăn vặt khi uống trà. Bánh trôi là món ăn nhẹ điển hình của người dân phía Nam. Món ăn này thường ăn khi đại gia đình sum vầy, ý nghĩa cầu chúc cho sự đoàn tụ ấm áp. 






Trung Quốc có rất nhiều món ăn truyền thống chế biến từ bột mì. Thứ nguyên liệu đặc trưng có mặt trong cả trăm món ăn Trung Hoa. Ngày nay, các món ăn này được coi là món ăn nhanh. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân Trung Quốc quây quần bên các thố bánh bao hấp, gánh sủi cảo ở khắp đất nước rộng lớn này.






Các món ăn Quảng Đông mang đặc trưng của dải đất ven biển, mang hượng vị dịu nhẹ mà ấn tượng. Quảng Đông còn là nơi giao thoa nhiều nền văn hóa nên ẩm thực Quảng Đông phong phú đa dạng đặc biệt. Hải sản là món ăn nổi tiếng hơn cả.  Ẩm thực Giang Tô là một trong tám trường phái lớn của ẩm thực Trung Quốc. Các nguyên liệu điển hình trong món ăn Giang Tô là thủy sản tươi sống, trà, măng, nấm, .... Ngoài ra, kỹ thuật gọt tỉa, trang trí thức ăn cũng đóng vai trò quan trọng. Ẩm thực Giang Tô nổi tiếng về các món hầm, ninh, tần.






Chỉ với một vài dòng không thể kể hết các nét đặc sắc của ẩm thực Trung Hoa. Nếu có điều kiện, bạn hãy tự mình trải nghiệm những nét văn hóa ẩm thực độc đáo của mảnh đất láng giềng, để có hiểu biết phong phú và sâu sắc hơn về một trong những nền văn hóa lâu đời nhất thế giới.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét