Trang

Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014


Thu Minh – Thanh Bùi : Bén duyên với nghề “ Thắp lửa ”


( trích từ : elle.vn )


Showbiz Việt ở thì hiện tại đang có những chuyển biến đáng kể sau một thời gian dài công chúng chỉ tìm thấy ở đó những scandal cùng các chiêu trò tinh quái. Những nghệ sĩ đích thực đang có sự trỗi dậy mạnh mẽ để bứt phá và góp phần xây dựng lại hình ảnh đẹp của những người yêu nghệ thuật. Trong số đó khán giả đã tìm thấy cho mình 2 cái tên điển hình cho sự tiên phong trong âm nhạc. Một đã quá quen thuộc là Thu Minh và một vừa chỉ mới “ ló dạng ” gần đây là Thanh Bùi. Trong cuộc trò chuyện với ELLE vào số đầu tiên của năm 2014, cả hai đã bộc bạch rất nhiều điều xung quanh sự kết hợp cùng nhau và cả những tương đồng đầy thú vị ở vai trò người thắp lửa cho thế hệ đi sau.



Tài năng gặp nhau

Như một sự sắp đặt tài tình của số phận, Thu Minh và Thanh Bùi đã gặp được nhau. Where Did We Go Wrong cùng Cứ thế mà đi là hai lần họ bắt tay và tạo nên sự mới mẻ cho khán giả. Cả hai lần kết hợp đều bắt nguồn từ Thanh Bùi. Anh bảo : “ Hai ca khúc này tôi đều cần một giọng hát kỹ thuật và cá tính như Thu Minh để thể hiện. Đặc biệt là với Where Did We Go Wrong – bài hát đầu tiên mà tôi cộng tác với cô ấy. Phần nhạc, mọi người đã nghe qua trong single của Thu Minh và phần MV đã được chúng tôi thực hiện tại Thái Lan. Cả tôi và Thu Minh đều quá khó tính và rất bận rộn nên để hoàn thành xong MV này, chúng tôi đã trải qua rất nhiều khó khăn khó nói hết bằng lời ” .

Làm cách nào để cả hai biết và gặp được nhau ?

Thanh Bùi : Giọng hát đầy nội lực là điều đầu tiên mà tôi biết đến Thu Minh. Không lẫn vào đâu được. Tìm hiểu nhiều hơn, tôi lại bị ấn tượng bởi sự “ lột xác ” của cô ấy. Nhìn những hình ảnh và dòng nhạc của Thu Minh cách đây hơn mười năm ít ai nghĩ rằng chúng ta sẽ có được “ nữ hoàng nhạc dance ” như bây giờ. Đó là một sự dũng cảm mà không phải ai cũng dám làm. Trong nghệ thuật, khi bạn đã quen một cái gì đó thì bạn khó có thể thoát được nó. Thế nhưng, Thu Minh đã dám thay đổi. Và quan trọng hơn hết là cô ấy làm tới nơi tới chốn chứ không nửa mùa.

Thu Minh : Sau dự án với Nguyễn Hải Phong, tôi muốn tìm một gương mặt mới để cộng tác. Người đầu tiên mà tôi nghĩ đến là Dương Khắc Linh. Khi tôi đến gặp Linh thì gặp Thanh Bùi, vì dự án của tôi sẽ ký là do cả hai cùng đảm nhận. Dần về sau này thì Thanh Bùi là người chịu trách nhiệm chính. Vậy là hai chị em làm việc và biết nhau từ đấy. Khi làm việc cùng nhau, tôi rất ấn tượng với các mối quan hệ của cậu ấy ở các khu vực quốc tế. Lần thu Cứ thế mà đi tôi ở nước ngoài, thế mà Thanh Bùi vẫn có thể kiếm được cho tôi một phòng thu tương đối tốt ngay tại đó. Điều đó tạo cho tôi một sự ngạc nhiên lớn và xúc động trước điều mà cậu ấy dành cho tôi : “ Em chỉ nghĩ đến chị hát bài này mà thôi .... ” .

Trong âm nhạc, cả Thu Minh và Thanh Bùi đều là những cá tính rất mạnh. Vậy khi cộng tác cùng nhau chắc hẳn cũng sẽ rất khó khăn trong việc dung hòa những cá tính đó ?

Thanh Bùi : Không hề. Ngược lại đằng khác. Tôi đã từng làm việc với rất nhiều nghệ sĩ nhưng một người biết mình muốn gì, cần gì và nói ra được điều đó thì rất ít. Tôi cực kỳ thoải mái khi cộng tác cùng cô ấy. Ngày đầu tiên gặp mặt, cô ấy đã bảo : “ Chị rất khó tính, rất thẳng thắn. Nói em biết trước để dễ làm việc ” . Tôi bảo : “ Thật hả chị ? Tuyệt ! ” . Đó cũng là nguyên tắc mà tôi làm việc với các nghệ sĩ quốc tế. Ở nước ngoài, không có thời gian để đắn đo và do dự. Mọi thứ cứ chạy theo các kế hoạch được lên sẵn nên khi làm việc phải đưa ra các quyết định một cách rõ ràng và chuẩn xác. Con người và công việc không bị xen lẫn vào nhau. Khi làm việc tại Việt Nam, tôi rất ít khi thấy được điều này.

Thu Minh : Chúng tôi thuyết phục lẫn nhau để cùng làm việc. Cá tính của cả hai tuy mạnh nhưng cách thể hiện lại rất khác nhau nên cũng không quá khó để chúng tôi hiểu nhau. Tôi cảm thấy thế nào thì cứ nói thẳng ra hết chứ không giữ trong lòng. Vì vậy, đôi khi cách thể hiện qua lời nói có rất nhiều cảm xúc trong đó. Còn Thanh Bùi thì đằm tính hơn và rất vui vẻ hài hước, dường như với Thanh Bùi sự khó tính và thẳng thắn của tôi không làm phiền được cậu ấy như những người khác .... Một anh chàng rất thú vị.

Còn về những tranh luận trong công việc – điều chắc chắn sẽ xảy ra khi những tài năng gặp nhau ?

Thanh Bùi : Tất nhiên là có chứ ! Nhưng ở đây tôi nhìn ở góc độ của sự chia sẻ thông tin trong công việc. Cô ấy muốn nói cho tôi biết cảm giác của cô ấy và tôi tiếp nhận điều đó để xử lý. Tôi hiểu rằng những điều cô ấy nói ra vào lúc đó là để chúng tôi cùng cho ra một sản phẩm tốt chứ không có ý gì khác. Tôi rất mến Thu Minh ở điểm này.

Thu Minh : Thanh Bùi rất chiều tôi ( cười ) . Mỗi lần tôi chia sẻ điều gì về công việc thì cậu ấy đều : “ Ok, ok, em hiểu ý chị ” , rồi vui vẻ chia sẻ lại với tôi những suy nghĩ khác nên hầu như chẳng có điều gì thực sự gọi là tranh luận. Mọi vấn đề đều được giải quyết rất suôn sẻ.

Thanh Bùi : “ Tìm được ý nghĩa sống trong cuộc đời ! ”

Hai giọng ca, hai cá tính hoàn toàn khác nhau. Vậy mà ngoài âm nhạc, khán giả vẫn tìm thấy được ở họ có một điểm chung cực kỳ thú vị trong vai trò làm thầy. Thu Minh thì thành công với việc huấn luyện các ca sĩ trẻ còn Thanh Bùi chuyên tâm giáo dục âm nhạc cho thiếu nhi. Ít ai biết, ngoài học viện âm nhạc SOUL Music Academy tại thành phố Sài Gòn, anh còn mở trường dạy học tại Úc và Anh. Với Thanh Bùi, đó mới chính là địa phận thực sự. Trong câu chuyện của anh về việc đào tạo, người ta thấy thấp thoáng trong đó là những ước mơ rất lớn của một người đang có nhiều hoài bão với quê hương.

Mang đầy những ưu tư, anh tâm sự : “ Tôi ở trường hàng ngày, nghe tâm tư của từng phụ huynh khi gửi con đến. Hầu như các em không còn nghe nhạc Việt nữa. Chỉ toàn nhạc quốc tế và có cả nhạc Hàn. Điều đó làm tôi rất buồn. Tuy tôi không sinh ra ở Việt Nam nhưng tôi lại có một niềm tự hào về văn hóa, âm nhạc của nơi đây. Khi tôi nghe những dòng nhạc của các thế hệ đi trước như Ngô Thụy Miên, Nguyễn Ánh 9 .... tôi đã phải thốt lên đầy kinh ngạc vì những cái “ chất ” ở bên trong nó. Khi trẻ con không còn nghe nhạc Việt nữa thì chẳng phải chúng ta đang mất dần đi chính bản sắc văn hóa của mình đó sao ? Và tôi muốn thay đổi điều đó ” .

Cách nghĩ của Thanh Bùi về việc thay đổi âm nhạc Việt Nam có thể nói là thuộc vào dạng lạ. Bởi xưa giờ, thường người ta thích đào tạo người lớn chứ mấy ai nhớ đến thiếu nhi. Anh lý giải : “ Người lớn thì giống như những tờ giấy đã đen kịt, rất khó để xóa đi mà vẽ lại. Còn trẻ con thì là những tờ giấy trắng chưa bị ố màu của cuộc sống. Bạn muốn thay đổi một thứ gì đó đã tồn tại quá lâu, quá cũ kỹ thì không có cách nào khác là phải thay từ gốc. Với tôi, những đứa trẻ chính là người sẽ tạo ra một diện mạo mới cho âm nhạc Việt Nam ” .

Chấp nhận làm việc với trẻ em cũng có nghĩa là Thanh Bùi sẵn sàng đầu tư quỹ thời gian cho công trình đồ sộ này lên đến 20 – 25 năm. Với từng đó thời gian, những đứa trẻ do Thanh Bùi đào tạo sẽ có đủ kiến thức và trình độ để dung hòa được âm nhạc Việt Nam với những cái mà chúng được học tại SOUL Music Academy – nơi có đầy đủ những bài giảng, những tiết học và cả không gian học tập theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng quan trọng nhất vẫn là chất Việt Nam có trong đó. Anh cho biết : “ Tôi nghiệm ra được một điều là người ta biết đến tôi vì tôi là người Việt. Họ tò mò và bắt đầu chú ý. Không hẳn vì tài năng mà vì tôi hòa nhập được với xã hội, công việc của họ nhưng lại không đánh mất đi bản sắc dân tộc của mình. Đó mới chính là điều khiến họ thích và quý mến. Tôi muốn những đứa trẻ do mình đào tạo cũng sẽ hiểu ra được điều này và đừng quên đi nguồn gốc của mình ! ” .

Có một điều rất đáng ngạc nhiên khi nhắc đến Thanh Bùi ở vai trò người thầy : anh kiên quyết không cho học trò của mình nghe nhạc .... Hàn Quốc – thứ âm nhạc thời thượng hiện nay của giới trẻ. Anh bảo với các học viên nhí : “ Tại sao các con phải nghe nhạc Hàn trong khi âm nhạc của họ lại do người phương Tây tạo ra ? Thầy có thể dạy cho các con những điều về âm nhạc mà người Hàn vẫn được học ” . Chỉ có vậy và kèm theo một chút ngôn ngữ giao tiếp cùng trẻ nhỏ, nhưng các bé đã nghe theo thầy răm rắp.

Thanh Bùi là thế, rất nhẹ nhàng, từ tốn nhưng luôn có sức thuyết phục ở mức độ cao nhất. Ngay cả khi dạy bài học làm một người nghệ sĩ chân chính cho các em cũng chẳng khác. Trong những câu chuyện kể bên lề bài học, anh thường thủ thỉ cùng tụi nhỏ : “ Các con phải nhớ là với người nghệ sĩ, đức thắng tài chứ tài không bao giờ thắng đức ” . Bài học đạo đức đôi lúc chỉ ngắn gọn và rất đơn giản nhưng lại thấm rất lâu. Anh quan niệm : “ Trẻ con mà, đi sai thì thường không phải lỗi do chúng mà là do người lớn chúng ta không biết cách chỉ dạy ” .

Nói về công việc đặc biệt này, anh không giấu được niềm vui sướng. Anh bộc bạch : “ Tôi tìm được ý nghĩa sống của đời mình khi làm những điều này. Với tôi, nó không phải là công việc mà còn là cả những điều nằm sâu trong trái tim. Tôi cảm thấy quá may mắn khi tìm ra cho mình một lý do để được sống mỗi ngày. Tôi làm tất cả mọi thứ để có được sức ảnh hưởng và rồi có mặt tại đây để làm công việc đào tạo. Đó là một niềm hạnh phúc lớn lao mà không gì có thể hơn được .... ” .




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét