bài viết về lịch sử - chính trị vừa hay, vừa dễ hiểu lại vừa tức cười. Tránh được những cách nói nhàm chán về lịch sử như chỉ nói về các con số ngày tháng năm và sự kiện kèm theo, dạy lịch sử trong trường học như thế mà lại ép con người ta học thuộc lòng thì tụi nó chán ghét môn lịch sử là phải lắm rồi.
Ukraine : Cuộc cách mạng đã phai màu
( soi.today )
Một nước bé nọ, nằm trong khu vực ảnh hưởng của một siêu cường, cách biên giới của anh khổng lồ vài trăm dặm biển. Năm 1979, nội bộ quốc gia độc lập này phân hóa, chính phủ mới thay vì dặt dìu theo vũ điệu của sếp lớn sau lưng thì lại liếc mắt đong đưa ra ngoài, nào có phải về một phía chân trời vô định mà là về phía một siêu cường khác. Anh đừng có tưởng chỉ có mình anh đẹp trai.
1983, quốc gia này lục đục, đảo chính, thủ tướng phải bỏ trốn, phe này không chịu phe kia và máu đổ trên đường. Siêu cường ở cạnh, lấy cớ là công dân của họ tại quốc gia này bị đe dọa tính mạng, bèn ào ạt đổ quân sang và ổn định tình hình. Từ “ ào ạt ” trong trường hợp này là chính xác, số quân nước ngoài cao gấp 5 lần lực lượng vũ trang, quân đội và cảnh sát của quốc gia nói trên, và cao bằng đâu đó 8 % của dân số địa phương. Ví von tương đương, như là Việt Nam gặp phải hơn 7 triệu quân tràn qua xâm chiếm.
Mặc dù gặp phải vài trắc trở đến phì cười, như lực luợng tinh nhuệ này lúc đầu đi lạc và tìm không ra những kiều dân mà họ sang để bảo vệ, thì chỉ sau vài tuần họ cũng lừng lẫy đại thắng và làm chủ tình được tình thế vô vàn khó khăn.
Liên hiệp quốc tại Đại hội đồng bỏ phiếu lên án hành động ngang ngược của siêu cường nọ với 109 phiếu thuận, 25 phiếu trắng vắng mặt và 8 phiếu chống. Trong các quốc gia phê bình siêu cuờng này, có Anh quốc và Canada. Được hỏi về việc này, tổng thống siêu cường bảo, “ Chẳng vì thế mà làm tôi ăn điểm tâm bớt thấy ngon ! ”
Vị lãnh đạo này là : Ronald Reagan
Siêu cường này là : Hoa kỳ
Và nước bị xâm chiếm là : quần đảo Grenada vùng biển Caríb, dân số 90.000 người, mang tội ở gần Mỹ mà lại nhìn sang Nga ( hay là Cuba ) .
Số kiều dân mà 7500 quân Mỹ đường không, đường biển vội vàng chạy sang cứu ( nhưng đi lạc và không tìm ra ) là 200 sinh viên y khoa Mỹ đang theo học tại đây. Ngoài các đảo tiểu quốc trong vùng, nước duy nhất ủng hộ Hoa Kỳ tại LHQ trong việc này là Israel. Khi tiếp điện của Margaret Thatcher hòng ngăn cản, ông Reagan còn hứa lèo là sẽ hủy kế hoặc xâm lăng ( anh hứa mà, anh thề, không hề có chuyện như thế đâu ) vì theo ông chẳng lẽ lại thú nhận với phu nhân sắt là chiến dịch lúc đó đã bắt đầu rồi và cản cũng bằng thừa .
*
Chuyện 30 năm về trước này, có nhiều điểm tương đồng với tình hình hiện nay tại Ukraine, tuy là thời tiết, phong thổ và khí hậu ở hai nơi khác hẳn. Ukraine tuy bé nhưng cũng khó mà bé hơn được Grenada, hay là bé hơn Nicaragua ở Trung Mỹ vào lúc có 4 triệu dân đã từng đe dọa an ninh lãnh thổ của Hoa Kỳ. “ Quân Sandinista cách biên giới chúng ta có ba ngày đường bộ ” là một phát biểu khác của ông Reagan, làm như là đạo quân này đi xe ôm Simson do Đông Đức cung cấp sắp băng qua Honduras, Guatemela và Mexico để đánh đồn Alamo tại bang Texas không bằng.
Tuy nhiên, nước càng lớn thì người ta lại càng lo xa chứ sao, kiểu nhà giàu thì mới sợ mất tiền và Đại Nga không ra khỏi ngoại lệ. Giờ hành động can thiệp sỗ sàng của ông Putin có bị LHQ lên án hay bạn bè can gián và ngay cả đồng minh chí thiết của ông phê bình, ông cũng sẽ không vì thế mà mất ngủ một đêm. Đây chẳng phải nói để bênh ai hết, và cũng chẳng để chê ai, thói siêu cường là như vậy, đừng có mà bàn nguyên tắc với lại luật pháp quốc tế với những nước có quyền phủ quyết ở Hội đồng An ninh.
*
Trong khi chờ đợi truyền thông dòng chính ( tức là truyền thông lề phải ) tại Tây phương bớt căm phẫn, ta có thể nhìn lại Cách mạng Cam 10 năm về trước ( xin mời những quý vị từng hồ hởi mừng cuộc Cách mạng này vào lúc đó giơ tay lên và thành thật cho biết cảm tưởng nhé ). Năm 2004, bầu cử tổng thống tại Ukraine có hai đối thủ là cựu thủ tướng Yushenko và đương kim thủ tướng Yanukovich. Ông Yanukovich dựa vào guồng máy chính quyền và thắng cử không minh bạch. Cử tri, nhất là thành phần xã hội dân sự ( trí thức, sinh viên, giai cấp trung lưu đang định hình ) biểu tình phản đối rầm rộ ( Maidan 1 ) khiến có tái bầu cử công bằng hơn và ông Yushenko thắng, mở đầu cho kỷ nguyên tươi sáng của một Ukraine dân chủ Tây phương.
Đồng lãnh đạo phong trào màu Cam này là một bà Tymoshenko tươi trẻ, mát mắt và bà được Yuvshenko chỉ định làm thủ tướng. Những tưởng con thuyền Ukraine từ đó lướt vào ấm no hạnh phúc như Tây Âu, bắt kịp Anh quốc hay là Đức, Pháp nhưng không phải vậy, và không có chuyện hoàng tử lừa này. Chẳng bao lâu thì bà Tymoshenko và ông Yushenko gây gổ trong khi Ukraine thì vẫn ở lì một chỗ với nạn cửa quyền, tham nhũng và quan liêu y như cũ, chỉ khác ở chỗ là đã đổi chủ ( hay là chỉ đổi cái màu ) .
Nói qua, anh thư của dân chủ này bắt đầu sự nghiệp kinh doanh kinh tế thị trường bằng một Công ty trách nhiệm hữu hạn cho thuê băng video. Một người thuê băng, hai người rồi ba người thuê mà không sang đĩa lậu, thế là bà làm giàu ? Cũng như mọi oligarch ( đại gia ) phất lên tiền tỉ tại Liên xô cũ, bà trở thành một trong những người giàu nhất nước nhờ hôi được tài sản công cộng tức là tài sản của các công ty quốc gia, trong trường hợp này là ngành dầu khí chứ bán băng mà sống thì chỉ có Thuý Nga, làm gì đến Tymoshenko. Nhưng ngay sau khi hạ được bè lũ Kuchma/ Yanukovich và nắm quyền, thì các nhóm lợi ích chung quanh thủ tướng mới và tổng thống mới đánh nhau chảy máu .... Cam. Bầu cử quốc hội 2006 lại mang thắng lợi về cho ông Yanukovich khiến ông nắm được chính phủ. Đến năm 2007, bà Tymoshenko lại trở về ghế thủ tướng cũ nhờ tài xoay sở ra một liên minh mới, trong khi ông Yuvshenko tụt dần vào bóng tối cô đơn ở dinh quốc trưởng.
Để dùng từ thuê băng video, thì tua nhanh đến bầu cử tổng thống 2010, hai đối thủ giờ là bà Tymoshenko và ông Yanukovich. Ông này thắng cử suýt soát và hơn bà kia 3,5% phiếu. Nên biết, trong cuộc bầu cử này, nghe đâu là bà được Putin ( vâng, Putin ) ủng hộ ( tuy ông này cho biết ông chỉ ủng hộ thủ tướng Tymoshenko chứ không hề ủng hộ ứng viên tổng thống Tymoshenko ) . Dưới nhiệm kỳ Yanukovich, bà Tymoshenko lãnh đạo đối lập ( khiến chẳng có đối lập nào khác ngoài bà ngoi đầu lên được ) , và tuy là một tổng thống dân cử hẳn hoi, ông Yanukovich bắt đầu giở thói độc tài. Ông tống giam thành công bà này về tội lạm quyền và nhũng lãm.
2015 sẽ có bầu cử mới, và Yanukovich lo xa, bắt đầu củng cố vị trí bằng cách giới hạn các quyền dân chủ. Trì trệ kinh tế và bất bình xã hội, cộng lại với nạn tham nhũng ( nói ngắn gọn là thời nào và màu nào cũng thế ) khiến giấc mộng Tây Âu bừng trở lại và biểu tình tại thủ đô Kiev không ngừng và không dẹp nổi. Nên nhắc lại, biểu tình là ở thủ đô, không được các khu vực miền Đông hưởng ứng. Lúc đầu thì ôn hòa với các thành phần xã hội dân chủ nhưng sự cứng rắn của chính quyền sau lại gặp phải tổ chức của thành phần lửa máu dân tộc chủ nghĩa cực đoan. Đây là Maidan 2, còn màu gì thì không ai thấy được, chắc phải là cực tím hoặc siêu hồng.
Mặc dù Ukraine là một quốc gia lâu đời với một lịch sử, một dân tộc và một ngôn ngữ cá biệt, biên giới hiện nay là thừa tự từ thời Xô viết. Các cuộc bầu cử hậu Liên Xô cho thấy, Ukraine là một quốc gia chia hai, chênh vênh giữa Đông và Tây, Sở và Tề. Một nửa, là thành phần kỹ nghệ miền Đông, giàu có hơn nhờ tài nguyên, nhà máy và quan hệ kinh tế mật thiết với Nga. Số người Ukraine lao động tại Nga và đi về qua lại rất cao, trên thế giới chỉ kém biên giới giữa Mexico và Mỹ. Quan hệ này không phải chỉ về kinh tế mà còn về văn hóa và dân tộc. 17 % ( 8 triệu rưỡi ) người mang quốc tịch Ukraine tự nhận là gốc Nga. Cả khu vực Crimea với đa số dân cư là người Nga, chỉ được sát nhập vào Ukraine từ năm 1954 dưới thời Liên Xô và lúc đó chỉ là một thủ tục hành chánh vì thuộc Ukraine hay thuộc Nga cũng là Liên Xô cả. Đến khi Liên Xô tan vỡ thì khu vực này trở thành thuộc quốc Ukraine, cho nên mấy ngày nay có thấy họ phất cờ Nga cũng chẳng có gì là lạ, vì “ đơn giản tôi là Mari - Nga ” .
Không nên kết tội đám Crimea là phản quốc Ukraine, là bán nước, vì theo quan điểm của họ, thì theo Ukraine này mới là bán nước và phản quốc Nga ? Hoặc, nếu Ukraine hung hăng dân tộc và không dung thứ họ nữa, họ cũng có thể tranh đấu đòi tách ra ở riêng, tự trị, tự quyết hay thành lập quốc gia Crimea chẳng hạn, tất nhiên là với hậu thuẫn của Nga, như trường hợp các tiểu quốc gia Nam-Ossetia, Abkhazia ( trước thuộc Georgia ) hay là Transnistria ( trước thuộc Moldova ) . Đây là các trường hợp được cho là do bàn tay của Nga nhúng vào phá hoại đoàn kết quốc gia.
Một trường hợp khác, nhắc qua, lại được cho là nhờ sự can thiệp của Tây phương để giải thoát các dân tộc Bosnia, Croatia, Slovenia, Macedonia khỏi ách của Nam Tư cũ và Serbia. Tại Kosovo, Quân đội Giải phóng Kosovo ( KLA ) , đang từ một tổ chức được Anh, Mỹ, Pháp xếp vào hàng khủng bố, tự dưng trở thành đồng minh được không lực NATO yểm trợ với lý do “ nhân đạo ” như trong bài hát ( của Phạm Đình Chương ) : “ Anh đi chiến dịch xa vời / Lòng súng nhân đạo ớ ơ ờ .... cứu người lầm than ” ! Đối với Tây phương, vũ lực của NATO là giải phóng và “ nhân đạo ” , còn vũ lực của Nga là chèn ép và xâm lăng, hai cái khác nhau nhiều và nào ví được.
Nói tiếp, nửa kia còn lại của Ukraine, cũng tương đương về con số, là thành phần nông dân miền Tây và thủ đô Kiev với giai cấp trung lưu thành hình sau thời Xô viết. Thành phần này mơ màng một viễn tượng Âu châu, vào khối Euro và đi thăm Disney ở Pháp. Gương tày liếp là của Bosnia, sau khi trải qua cuộc chiến ly khai khỏi Nam Tư và trở thành “ Tây Âu ” , tình trạng kinh tế chẳng mấy gì sáng sủa hơn và món nợ nước ngoài tăng đâu đó 10 lần ! Nhưng tính chất quyến rũ của giấc mơ nằm ngay ở chỗ là nó .... không thực tế, và ít ai cưỡng lại được. Tất nhiên, trong giấc mơ này của miền Tây Ukraine hiện nay, không có ý kiến của lao động Portugal hay là Hy Lạp đang khốn đốn. Nói qua, nhưng không phải ngoài đề, là Athens cũng có biểu tình dữ dội lắm, mà hình như là biểu tình chống Liên minh Âu châu thì phải. Thì ra “ cái vòng danh lợi cỏn con, kẻ hòng ra khỏi người mong bước vào ” ! Mà mới bước vào như Romania chẳng hạn thì không khỏi bị dè bỉu và coi như là hủi, tao nhận mày vào đấy, nhưng mà đứng xa xa kẻo nặng mùi tao chịu không nổi.
Trong nửa thứ hai này, trí thức mộng mơ thì không nói, cũng tốt thôi vì mộng mơ là nhiệm vụ cao cả của người trí thức. Nhưng nguy hiểm là thành phần chủ nghĩa dân tộc Ukraine cực đoan, khoảng 5 - 10 % của cả nước. Đây là thành phần xung kích trên quảng trường Maidan, nếu đạo Hồi thì đã đáng được gọi là Taliban, nhưng giờ thì được gọi là chiến sĩ của dân chủ. Cũng như thời Afghanistan theo Liên Xô và đàn bà váy ngắn còn được qua lại tại Kabul thì tổng thống Mỹ Ronald Reagan gọi đám kháng chiến Hồi giáo trùm khăn ở đây là “ chiến sĩ tự do ” ! Đến đây thì có bạn cho là tôi nói quá, nhưng nếu Taliban phá tượng Phật ở Bamyan vì Thích Ca không phải đạo Hồi, thì ở Lvov cũng có lật tượng Pushkin vì ông làm thơ này không phải Ukraine.
Trớ trêu thay, thành phần quốc gia cực đoan Ukraine nằm ở cực Tây đã đành, lại là khu vực chỉ mới sát nhập vào Ukraine sau hiệp ước Ribbentrop - Molotov ( 1939 ) giữa Nga và Đức để chia cắt Ba Lan ! Nếu không có hiệp ước này thì chắc giờ họ đang nổi loạn đòi tách ra khỏi Ba Lan để gia nhập Ukraine theo Nga ? Ông Yanukovich được cho là ủng hộ Nga nhưng thật ra ông chỉ ủng hộ có một mình Yanukovich. Như đã nói, năm 2010, gà của Putin là bà Tymoshenko chứ không phải là ông Yanukovich.
Nhưng rồi lòng người thay đổi. Ông Yanukovich là một lãnh đạo tồi vì đầu óc ông thực tiễn, không biết lãng mạn. Cử tri của ông, bè phái của ông là ở miền Đông làm ăn với Nga chứ không phải với Liên minh Âu châu ( EU ) . Gặp lúc khó khăn kinh tế, kinh viện của Nga là 9 tỉ tiền tươi, giảm giá khí đốt 30% thì ông nhận chứ không nghe theo lời đường mật “ có ngựa Truy phong, có quân dưới trướng ” của châu Âu. Châu Âu thì tiền đâu, chỉ được cái mã, nhưng cái mã mới chết người. Quyết định của Yanukovich có tốt hơn cho Ukraine thì không biết, nhưng trước hết quả này là có lợi cho bè phái doanh gia của ông và hẳn là cá nhân ông được một nắm dúi vào túi ( còn phải trang hoàng tư dinh nữa chứ ) . Ngoài việc tồi về thẩm mỹ ( xem tư dinh của ông ) , Yanukovich còn tồi về lãnh đạo quần chúng vì ông không biết đánh giá đúng mức giấc mơ. Giấc mơ thì không có giá ! Và tóm lại là ông này thiếu thơ mộng, ôm chặt cái anh Nga thô lậu chỉ vì một nắm gạo và bát nước mắm thay vì bỏ theo chàng Hàn Quốc thư sinh để mong đợi cái ngày được uống café Starbucks ở Gangnam.
10 năm trước, tôi có biết một cô bạn người Ukraine. Cô có học và có sắc, đại để người mẫu tóc vàng, chân dài đến cái bằng thạc sĩ văn chương. Cô phấn khởi với Cách mạng Cam và nhiệt tình tham gia vì trước đó cô chỉ thấy có một tương lai : hoặc giáo viên 80 USD / tháng, hoặc là xuất ngoại lấy chồng Hy Lạp. Chồng Hy Lạp đây là chồng nông dân và bị phụ nữ bản xứ chê, chứ không phải là để chàng đọc cổ thi Homer còn em ngâm tân thi Seferis. Cô thuộc thành phần xã hội dân sự kể trên, hoạt động và lý tưởng, có lẽ là thành phần thua thiệt nhất trong cuộc tranh giành giữa những thế lực nuớc ngoài Đông và Tây của thập niên vừa qua, và thua thiệt nhất trong cuộc tranh giành quyền lực của những nhóm lợi ích tư bản ở trong nước. Chẳng hiểu là cô đã lấy chồng Đài Loan rồi, xin lỗi Hy Lạp chứ, hoặc đi buôn đường dài ở Trung Á nước Nga, nhưng tôi đoán cô giờ này là giáo viên, xuống đường trong những ngày hừng hực mới đây.
Đã bị lợi dụng một lần thì xá gì, thêm một bận nữa cho nó bõ ; còn tương lai cô và tương lai Ukriane ra sao thì ai nào biết. Em ơi, giờ này em ở đâu ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét