Trang

Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014


tâm tình lan man, nhưng nghe cũng hay.


Lan man từ chuyện nọ xọ chuyện kia .... 


( lược trích từ Soi )

Cái được gọi là một sân chơi trong thời điểm hiện tại là thật sự cần thiết. Trong cái thế giới được các phương tiện thông tin hỗ trợ, kiến thức được san phẳng. Ngược lại với điều này, tri thức luôn có sự khác nhau về “ hạ tầng cơ sở ” . Sẽ khó tránh khỏi những va chạm trong quá trình trao đổi tri thức mới. Trong quá trình đối thoại giữa các nghệ sỹ, chúng ta luôn không tìm ra những hướng chung quan điểm, thí dụ mục đích mà nghệ thuật cần đề cập là gì ? .... Vậy nên các cuộc tranh luận rất dễ bị chệch hướng đi của nó. Trong bài viết này tôi muốn đưa ra một vài nhận định chủ quan để chúng ta cùng chia sẻ.


Sự tan tác của chí hướng

Trường Mỹ Thuật Hà Nội ra đời non một thế kỷ, không nhiều. Nhưng trong khoảng thời gian đó nó cũng đã kịp sản sinh ra nhiều lớp nghệ sỹ mà tên tuổi đã được khẳng định. Điều này không bàn đến nữa vì bản thân thế hệ của những nghệ sỹ đó họ đã hoàn thành cái bổn phận của mỗi cá nhân họ.

Đến thời Đổi mới sau năm 90 của thế kỷ trước, những thành tựu của các nghệ sỹ thời kỳ này nhiều nhưng chưa đạt đến những đỉnh cao mà một nền nghệ thuật cần có. Một vài cá nhân vượt lên trên nhưng cũng không đủ mạnh để ngăn được cơn bão thị trường. Hệ lụy của nó là ngày hôm nay thị trường nghệ thuật ở Việt Nam trở nên bát nháo mất cân bằng. Cái “ gia đình lớn ” trước đó nay bị chia nhỏ, các nhóm nghệ sỹ sau Đổi mới chia ra thành những nhóm nhỏ : nghệ thuật thị giác đa phương tiện, sắp đặt, trình diễn, múa, nhạc đương đại kết hợp âm thanh và ánh sáng, nhóm nghệ thuật giá vẽ gallery .... v....v.....

Vấn đề ở đây là rất ít những nhóm nghệ sỹ trên nêu bật lên được tiêu chí hành động của mình, kết quả là rất khó đưa ra được một định nghĩa cơ bản cho từng nhóm đó. Mất đi sự trao đổi, đối thoại giữa các nghệ sỹ, mất đi những định hướng chung, quan điểm chung cho tiêu chí, mục đích và trách nhiệm của nghệ thuật .... dẫn đến những chuyển động tri thức không đồng nhất, các nghệ sỹ quay ra vấn đề “ tại vì ” .

Từ đổ tội đến giáo dục

Cụm từ “ các nước ngoại vi ” và các “ các nước tiểu nhược ” xuất hiện trong thời điểm này ở một số hội thảo chuyên ngành nghệ thuật. Rồi các nghệ sỹ quay sang phê phán cơ chế quản lý nghệ thuật của nhà nước, rồi phê phán chính nơi đào tạo ra mình với cách giáo dục theo kiểu dập khuôn XHCN, biến các nghệ sỹ hoặc trở thành công cụ phục vụ cho quá trình tiến lên chủ nghĩa xã hội của đất nước, hoặc đào tạo ra một nhóm thợ thủ công lành nghề ( như theo đúng tiêu chí của Nước Mẹ Đại Pháp trước đây : Đào tạo thợ thủ công tay nghề cao ) làm tượng đài chiến thắng hay các vị anh hùng lịch sử, hoặc không thì bôi trát các khẩu hiệu theo các chương trình hoạt động. Các sáng tạo cá nhân bị bóp nghẹt hoặc chết yểu.

Về hệ thống giáo dục, tôi nghĩ thế này : trước khi bước sang trời Tây học nghệ thuật, tôi đã nghĩ rằng các ông Tây bà Tây sẽ trao cho tôi cái gọi là “ Trí Khôn Của Ta Đây ” . Nhưng thực chất về cơ bản, các trường đào tạo nghệ thuật ( ở châu Âu nói chung hoặc Mỹ ) hệ thống đào tạo cũng không có sự khác biệt cơ bản về cách giáo dục, thí dụ cũng là trang bị cho anh những kiến thức cơ bản về lịch sử nghệ thuật, các trường phái, làm việc với người mẫu, sáng tác tự do hay có các buổi hội thảo nhóm về quan điểm nghệ thuật của mỗi cá nhân ....

Nói tóm lại cơ bản vẫn là bao nhiêu thứ A, B, C đó. Có hơn chăng thì giáo viên có kích thích khả năng tư duy độc lập của mỗi học viên hơn ở ta. Nếu may mắn thì gặp được những giáo viên giúp ta nhận ra cái thế mạnh của “ cái tôi ” ở mỗi cá nhân để phát triển và nuôi dưỡng. Vậy nên không có chuyện anh được đào tạo ở Tây nghĩa là anh được ban cái gọi là “ danh xưng ” Nghệ sỹ Đương đại.

Quay lại chuyện hệ thống giáo dục ở ta.Vấn đề cốt lõi cuối cùng vẫn là câu chuyện của mỗi cá nhân. A, B, C đó là trang bị kiến thức, là hành trang cơ bản, còn X, Y, Z không thuộc về giới hạn trách nhiệm đào tạo quản lý của bất cứ trường nghệ thuật nào, dù Tây hay Ta.

Trong những năm học ngắn ngủi của tôi tại trường Mỹ thuật Hà Nội, có hai người đến nay tôi vẫn luôn gọi là Thầy. Một người thì tôi chưa từng một lần được làm trò của ông, chỉ vì đọc sách của ông và quan sát tư duy sống và cách làm việc của ông. Tôi trọng mà gọi ông là Thầy.

Một người khác mà tôi cũng gọi là Thầy bởi ông đã dậy tôi. Trong suốt một năm ông chủ nhiệm, có lẽ tôi gặp ông cỡ khoảng mươi lần. Một con người khá đặc biệt, ông luôn đeo kính đen và ít nói. Có khi ông quan sát sinh viên làm việc hàng giờ không nói gì rồi bỏ đi cũng không nói gì. Thật khó chịu khi có người nhìn mình sau cặp kính đen hàng giờ như vậy không nói và ta cũng không biết họ nghĩ gì. Có hôm tôi cũng nhìn ông như vậy và ông bắt đầu hỏi tôi :

- Mày đang làm gì đấy ?

- Đang nghe giảng.

Ông quan sát tượng tôi làm rồi hỏi :

- Có ai ép buộc cậu học nghệ thuật không ?

Trước đó tôi gọi ông bằng hỗn danh. Từ hôm đó tôi gọi ông là Thầy.

Sau này, khi tự trưởng thành ngoài đời tôi vẫn gọi hai ông là Thầy, mặc dù tự bản thân cũng nhìn ra những góc hạn chế của các thầy. Nhưng vẫn phải nhìn nhận đó là những người thật sự tâm huyết với nghề, với thế hệ trẻ. Thế nhưng cả hai người cũng dần bỏ trường mỹ thuật mà ra đi. Không hẳn sự ra đi đó vì những tác nhân của cơ chế hoạt động máy móc và chồng chéo của trường ĐHMT Hà Nội, mà theo tôi, nghĩ sâu xa ở đằng sau đó chính là sự ấu trĩ trong tư duy của cả một bộ phận thế hệ trẻ. Nó làm cho những con người thật sự tâm huyết cũng trở nên mệt mỏi.

Ở lại ngoại vi hay lết tới trung tâm ?

Vậy vấn đề ấu trĩ và mệt mỏi ở đây là gì ? Phải chăng mỗi sinh viên mỹ thuật sau ra trường bị mất phương hướng và quay lại “ văng tục nhổ nước bọt ” vào chính cái nôi đào tạo ra mình ? Không hẳn, vì xét cho cùng đó chỉ là hành vi, thế nên không thể kết luận hành vi đó thuộc về bản chất. Vì sao ở trên tôi tôi cho rằng các sáng tạo cá nhân bị bóp nghẹt hoặc chết yểu ? Vấn đề cốt lõi ở đây lại phải quay về câu chuyện “ các nước nhược tiểu ” và “ các nước thuộc ngoại vi ” . Hệ thống sản xuất ra các nghệ sỹ thiếu tính hỗ trợ, các cơ chế dành cho nghệ sỹ quay mặt, thậm chí thành kiến với nghệ sỹ, không nuôi dưỡng được nhân tài. 

Tại sao đại bộ phận nghệ sỹ trẻ lao vào các dự án nghệ thuật được tài trợ bởi các nước “ thuộc vùng trung tâm ” hoặc các trung tâm văn hóa các nước lớn ? Các nghệ sỹ nữ thì lôi “ vốn tự có ” và coi đó là “ tâm sự thân phận ” . Các nghệ sỹ nam thì mượn những câu chuyện khủng bố chính trị của các anh Tàu hoặc quẫn quá thì chơi trò tự hành xác. Làm gì cũng được miễn sao thoát khỏi cái “ tỉnh lẻ ” được gọi mỹ miều là “ vùng ngoại vi ” . Họ cố di chuyển về phía “ trung tâm ” mặc cho các định hướng, mục đích nghệ thuật của đại bộ phận chưa thật rõ ràng thậm chí rất “ nông ” .

Trong các trung tâm văn hóa hỗ trợ nghệ thuật tại Việt Nam, theo tôi biết, đó là những trung tâm đa chức năng và những người trực tiếp nhận hồ sơ cho các dự án không thật sự là một chuyên gia hay một curator, vậy nên tiêu chí chung của họ là những tác phẩm mới : âm thanh ánh sáng lập lòe có động chạm tí ti đến tự do dân chủ hay chính trị là OK. Vậy là họ đã ngầm đặt ra một tiêu chí cho nghệ thuật, và các nghệ sỹ thì cứ di chuyển về “ phía trung tâm ” theo cái tiêu chí đặt ra đó.

Mặt khác trong thời điểm hiện tại rất thiếu những cá nhân xuất chúng nên rất khó để thay đổi được cục diện. Thiếu sự tự sáng tỏ trong nhận thức, các nghệ sỹ trẻ cứ tự do “ đi về phía mặt trời ” . Một thứ “ tự do hoang dã ” .

Bệnh của người yếu

Có một dạo khi mới sang Tây sống, tôi hay có một mặc cảm tự ti về bản thân ; nhỏ bé và thiếu tự tin khi đứng trước những quảng trường lớn hay trước bạn bè nước ngoài, tự thu nhỏ trước mọi tác động. Nhưng sự tự tôn dân tộc thì phình to ra ghê gớm, tâm trạng trở nên bất ổn. Cảm giác đó đeo đuổi tôi khá lâu sau đó.

Rồi có một lần gặp một bác “ pô-lít ” , mặc dù không làm gì trái pháp luật, giấy tờ tùy thân đầy đủ nhưng mình cứ co dúm lại, mặt xanh như tàu lá. Sau này được tìm hiểu một số vấn đề về tâm lý tôi mới hiểu ra, đó là một hệ quả của hậu chấn thương tâm lý. Và cái kết quả của sự tự tôn tâm lý ngày càng phình to ra của tôi là hệ quả của cú va đập văn hóa quá lớn. Anh đang thuộc một dạng ý thức hệ “ chuẩn ” , sống và làm việc theo những tấm gương lớn. Sáng tác theo phong trào phát động. Bụp một cái người ta nói anh tự do. Thế là anh mất toi người dẫn dắt. Anh đang bị mất phương hướng thì bụp một cái nữa các bậc minh quân toàn dạng khủng, thuộc hệ mẫu quốc cả, dang tay cứu thế. Tiêu chí là như vậy .... làm đi .... và có thưởng.

Nhưng hai mặt mơ hồ của nguồn gốc văn hóa dân tộc và những tác động gần như trái ngược nhau. Các thành phố vệ tinh không phát triển, không đáp ứng và thu hút lao động, dẫn đến sự bùng nổ dân số một cách ồ ạt ở những thành phố lớn, kéo theo đó là bao hệ lụy chồng chéo không phương tháo gỡ : giao thông, môi trường, tệ nạn xã hội, y tế quá tải, giá cả leo thang .... Nghệ sỹ cũng không phải thánh, thế nên cũng chịu những áp lực chung. Kết quả như ta thấy, phần lớn nghệ sỹ chạy theo thị trường, thậm chí ngay cả những nghệ sỹ trẻ đặt ra những vấn đề nhạy cảm như chính trị thật ra cũng nhằm mục đích đánh bóng cá nhân tên tuổi, nhưng câu chuyện thì thật sự “ nhạt ” thiếu thuyết phục. Chứ những thế hệ 7x hay 8x, đến hạt bo bo còn không biết, nói gì đến chiến tranh với lại chính trị. Một thứ tư duy thụ động đầy mâu thuẫn.

Thiết nghĩ cái gọi là nghệ thuật đương đại thật ra là một câu chuyện, một hoạt cảnh của một thế giới không bền vững. Nó là bước chuyển động gắn kết giữa quá khứ và hiện tại nên bản thân nó thật sự khắt khe bởi nghệ sỹ luôn phải chuyển động theo cả hai nghĩa. Nó đa dạng theo nhiều ngôn ngữ thể hiện. Nó bắt nghệ sỹ cũng như người xem phải thu và phát tín hiệu cùng tần số, để cho cái giao diện giữa người xem và tác phẩm nó không bị “ lệch pha ” , bắt buộc anh phải trang bị cho cái hạ tầng cơ sở văn hoá tương đối. Nó không có kỳ thị phân biệt màu da sắc tộc tôn giáo, ngôn ngữ. Nó không có thị trường tiêu thụ nhưng tính cạnh tranh rất khắc nghiệt. Nó là một cuộc chơi nhưng đầy tính nghiêm túc.

Nói về chuyện này tôi chợt liên tưởng đến ba bác cùng tên Murakami của Nhật, hai bác văn học đương đại và một bác điêu khắc sắp đặt. Ngẫm ra thì cứ nghĩ : Nhỏ + Bé = Yếu Sinh Lý. Nhưng hóa ra không phải. Các bác ấy cũng Nhỏ + Bé nhưng lại = Hàng Khủng . Thế mới biết câu chuyện “ nhược tiểu ” với “ ngoại vi ” là của mấy anh “ tỉnh lẻ ” , “ yếu sinh lý ” nhà ta nghĩ ra để ngụy biện cho sự “ Yếu ” của mình.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét